Lễ đèn III: Thinh lặng chiêm ngắm mộ Chúa (Thứ bảy Tuần Thánh)

Lễ đèn III: THINH LẶNG CHIÊM NGẮM MỘ CHÚA

(Thứ bảy Tuần Thánh)

 

Kính thưa cộng đoàn, hôm nay Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng ta được mời gọi thinh lặng chiêm ngắm mộ Chúa. Vào ngày này, chỉ có sự trống rỗng và cô đơn, thiếu vắng và yên lặng: một ngôi mộ, một thi thể bất động và bóng đêm. Chúa không còn được trông thấy nữa, không lời nói, không hơi thở. Chúa đang giữ ngày Sabát, hoàn toàn nghỉ ngơi. Chúng ta biết đi tìm Chúa ở đâu, chúng ta đã mất Chúa rồi phải không?

Lạy Chúa, con sẽ theo chân những người phụ nữ, con cũng sẽ ngồi xuống cùng với họ, trong im lặng, để chuẩn bị các loại dầu thơm của tình yêu. Lạy Chúa, từ trái tim con, con sẽ lấy những dầu thơm hảo hạng nhất, quý giá nhất, giống như người phụ nữ kia đã làm, khi bà đập vỡ bình ngọc trắng đựng dầu thơm và hương thơm của nó lan tỏa khắp nơi.

Hát: Hương tình Thập giá (TN2. 78 (1))

 

Gẫm thứ nhất: THINH LẶNG NHƯ MẸ MARIA

Thinh lặng cầu nguyện. Thinh lặng sám hối. Thinh lặng để xin Chúa thương tha thứ tội lỗi. Đó là những điều con người phải làm. Mẹ Maria là mẫu gương dạy chúng ta cầu nguyện và thinh lặng. Mẹ vốn là người thinh lặng để nghe tiếng Chúa, là người thinh lặng trong Tin Mừng. Vì chỉ có thinh lặng, cầu nguyện, chiêm niệm, Mẹ mới nhận ra ý Thiên Chúa. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ không nói nhiều, không thắc mắc nhiều, nhưng hai tiếng Xin Vâng đã gói trọn cả cuộc đời Mẹ. Mẹ cũng như mọi người, được sinh ra là để chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Mẹ khác với mọi người, khác với một xã hội luôn sống trong náo động, ồn ào để tìm danh vọng, lợi nhuận và thú vui. Nhìn vào lịch sử để thấy thế giới luôn ồn ào, luôn hỗn độn đi tìm tiền của và hạnh phúc cho riêng mình. Họ đã khước từ sự kết hiệp với Thiên Chúa.

Mẹ Maria đã hiểu rõ rằng con người sở dĩ chưa tới với nhau vì thiếu sự thinh lặng và tha thứ. Tha thứ là tuyệt đỉnh của yêu thương, bởi vì tha thứ là yêu thương chính kẻ thù của mình nữa. Chúa Giêsu trên Thập Giá đã biến ý riêng của mình thành của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết việc chúng làm”.

Nhìn vào gương Mẹ Maria, chúng con cũng được mời gọi sống thinh lặng để nhận ra ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúa yêu chúng con, yêu từng người và muốn hạnh phúc của chúng con là sống cho Chúa, sống vì Chúa. Thứ Bảy Tuần Thánh, chúng con được mời gọi nhìn vào ngôi mộ của Chúa để nghe âm thầm tiếng Chúa nói với chúng con: “Hạt giống rơi xuống đất có thối đi mới trổ sinh được nhiều bông hạt”. Ngôi mộ của Chúa vẫn nằm đó, xin cho chúng con biết chôn vùi tội lỗi của mình để cùng Chúa phục sinh vinh hiển. Amen.

(Thinh lặng 1 phút)

 

  • Tắt đèn 1

 

Gẫm thứ hai: SỰ VẮNG MẶT CỦA THIÊN CHÚA

Càng ngày người ta càng nhấn mạnh rằng hôm nay Thiên Chúa đã chết rồi. Người ta khích lệ nhau chuẩn bị cho việc thế chỗ cho Thượng Đế. Sự khuất bóng Thiên Chúa hôm nay, trong thế kỷ này, đang dần trở thành một ngày Thứ Bảy Tuần Thánh dài dằng dặc. Sự khuất vắng này đang lên tiếng gọi mời lương tâm chúng ta. Mầu nhiệm tăm tối nhất của đức tin lại cũng chính là dấu chỉ sáng chói nhất của một niềm hy vọng vô tận.

Có một đoạn Tin Mừng lột tả hết sức kỳ diệu sự thinh lặng của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, và do đó, một lần nữa, phản ánh trung thực giai đoạn lịch sử mà ta đang sống. Chúa Kitô đang thiêm thiếp ngủ trên mạn thuyền, giữa cảnh phong ba bão táp. Thế nhưng, có đúng là Thiên Chúa không hề ngủ say trong khi các môn đệ Ngài sắp sửa chết đuối chăng? Đó chẳng phải là kinh nghiệm của cuộc đời ta đang sống hay sao? Hội Thánh, niềm tin, chẳng giống như chiếc thuyền mong manh sắp đắm chìm, vì không cưỡng nổi những đợt sóng cả và những trận cuồng phong dập vùi, trong giờ khắc mà Thiên Chúa tưởng như đang vắng mặt đó sao? Các môn đệ đang kêu cứu đến tuyệt vọng. Họ vội đánh thức Người dậy. Thế nhưng Chúa lại tỏ vẻ ngạc nhiên và quở trách họ vì lòng tin yếu kém. Tình trạng này có khác với những gì đang xảy đến cho ta chăng? Khi giông bão đã qua đi rồi, ta sẽ hiểu ngay rằng sự yếu tin đã khiến ta trở thành ngu muội biết bao nhiêu.

Lạy Chúa, làm sao chúng con có thể không đánh thức Chúa dậy được, bởi vì Chúa cứ mãi lặng im, cứ mãi ngủ say, còn chúng con thì không thể không kêu gào: thức dậy đi, Chúa ơi, Chúa không thấy chúng con sắp chìm sao?

Xin Chúa chỗi dậy, đừng để bóng tối của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh phủ tràn mãi mãi. Xin Chúa cho tia sáng của ngày Phục sinh toả chiếu trên thời đại chúng con hôm nay. Xin Chúa đồng hành với chúng con đang hoang mang lầm lũi tiến về Emmau, để cho tâm hồn chúng con bừng nóng lên trong sức ấm nồng toả ra từ sự hiện diện gần gũi của Chúa. Amen.

Hát: Tình ca Thập giá (TN2. 97 (1))

 

  • Tắt đèn 2

 

Gẫm thứ ba: ƯU TƯ VỀ SỰ CHẾT

Việc Thiên Chúa ẩn mình trong thế giới đã tạo nên mầu nhiệm thực sự của ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, mầu nhiệm đã biểu lộ qua những từ ngữ bí ẩn: Chúa Giêsu “xuống ngục tổ tông”. Nhờ cái chết của Đức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã đi sâu vào trong cái chết, cái khổ đau, cái cô đơn, tuyệt vọng của con người. Chúa đã đi vào tất cả các ngục thất sâu mà chúng ta đang bị giam cầm. Đức Giêsu Kitô đang chờ chúng ta ở đó với đôi tay thủng lỗ đinh và trái tim bị đâm thâu. Ngài kêu gọi chúng ta: hãy trỗi dậy nên dù chúng ta có bị rớt xuống vực thẳm nào chăng nữa, Thiên Chúa cũng có mặt ở đó và nâng chúng ta dậy. Người đã hạ mình xuống thấp hơn chúng ta tưởng. Chỉ cần chúng ta biết hạ mình và thì thầm kêu lên: Lạy Chúa Giêsu, lạy Đấng Cứu Độ, xin thương xót con, chắc chắn chúng ta sẽ được vươn lên trong ánh sáng Phục Sinh với Người.

 

Xin mời chị em quỳ, chúng ta cùng đọc 1 Kinh Lạy Cha, 3 Kinh Kính Mừng.

 

  • Tắt đèn 3

 

Gẫm thứ tư: MỌI SỰ ĐÃ HOÀN TẤT

(Xin mời cộng đoàn đứng)

Sau khi nếm giấm chua, Đức Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất”. Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời tối đi. Bức màn trong đền thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”. Nói xong, Người tắt thở.

(Xin mời cộng đoàn ngồi)

Chúa Giêsu đã hoàn tất mọi sự theo ý muốn của Chúa Cha trong kế hoạch cứu chuộc nhân loại. Người đã làm tất cả những gì cần phải làm của một trái tim yêu thương đến tận cùng. Người đã hoàn tất để chúng ta bước vào sự khởi đầu của một đời sống mới. Tuy nhiên một cách thiêng liêng vô hình, mỗi linh hồn xa lạc vẫn còn là một đồi Canvê hành hình, mỗi tội phạm vẫn là một thập giá mới treo thân Chúa não nề.

Chúa Giêsu đã rời khỏi thập giá để cho ta bước lên, không phải thập giá của hận thù, nhưng là thập giá của tình yêu; không phải thập giá của người tử tội bị ruồng bỏ trong cô đơn, nhưng là thập giá của người công chính được ôm ấp vào lòng của Thiên Chúa. Đó là thập giá của niềm vui và ân phúc, thập giá của chiến thắng và vinh quang, vì được hiến thân cho người mình yêu. Theo ý nghĩa đó trong cuộc đời ta, nếu không có ngày thứ sáu tử nạn, sẽ chẳng bao giờ có Chúa nhật phục sinh; không có tủi nhục thì không có vinh quang; không có chiến đấu thì không có chiến thắng; không có khao khát thì không có no thỏa; không dám chết thì không thể sống lại. Chúa sẽ thực hiện và bảo toàn mọi diễn biến đó trong cuộc đời ta, chẳng có gì phải lo sợ. Có ai lại lo sợ khi mình đang được yêu.

“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”: Chúa Giêsu đã quy hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho Cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình. Nhờ Chúa Giêsu, con xin phó thác cuộc đời con vào lòng thương xót của Thiên Chúa, với tất cả lòng tin yêu, thờ lạy và cảm tạ đến muôn đời.

 

  • Tắt đèn 4

 

Gẫm thứ năm: CHỜ MONG CHÚA PHỤC SINH 

Trong ngày Thứ Bảy Tuần Thánh này, hẳn là có bao người tin tưởng chờ mong một ngày rất gần: dịch bệnh sẽ chấm dứt. Đó là thời khắc cả nhân loại được phục sinh, được sống lại những dự định, ước mơ và tiếp tục tiến bước. Thời khắc đó sẽ đánh tan mọi nỗi buồn sầu sợ hãi. Mỗi người đều tin khoa học sẽ tìm ra lời giải cho bài thuốc chủng ngừa và phương thuốc chữa trị căn bệnh này.

Là người Kitô hữu, chúng ta vẫn hằng tin Chúa đã, đang và sẽ làm những phép mầu nơi cuộc đời mỗi người. Trong đức tin, ta có thể đón nhận đau khổ và chia sẻ với đau khổ của những người khác. Bằng cách đó, đau khổ loài người được hội nhập vào tình yêu cứu chuộc của Chúa Kitô; nhờ đó đức tin trở nên thành phần hấp dẫn của sức mạnh thần linh lôi kéo thế giới tới hạnh phúc (x. Youcat số 102).

Với đức tin, chúng ta thấy tương lai tươi sáng hơn. Nơi đó, Thiên Chúa vẫn đang hoạt động để giúp các nhà khoa học tìm ra phương thuốc. Nơi đó, Chúa vẫn thôi thúc các nhà chức trách phải có nghĩa vụ và trách nhiệm với dân. Nơi đó, Chúa mời gọi chúng ta trở về để: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13,7). Hóa ra giữa cơn dịch này, các tín hữu phải nên nguồn động viên tinh thần lớn lao. Chúng ta có Thiên Chúa, Đấng an bài mọi sự. Thiên Chúa không chết. Ngay cả trong cái chết, người tín hữu luôn tin sự sống sẽ trổ sinh. Đó là món quà để giúp con người vượt qua mọi bão táp phong ba.

Lạy Chúa, xin dùng mầu nhiệm của niềm hy vọng này để soi sáng lòng trí chúng con, hầu chúng con nhận ra nguồn ánh sáng chiếu toả từ Thánh Giá Chúa. Xin cho chúng con biết mau bước hướng về tương lai, mong chờ cuộc gặp gỡ trong ngày Chúa Phục sinh vinh hiển.

 

 Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, cái chết của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô đã đưa vào trong cái chết của chúng con một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu nên ngày thứ Bảy Tuần Thánh trở thành ngày chứa chan hy vọng. Cái tăm tối nhất của đức tin lại trở thành dấu chỉ sáng chói của niềm hy vọng vô biên. Đêm Vọng Phục Sinh trở thành đêm hồng ân và tội của chúng con mới trở thành hồng phúc.

Hơn thế nữa, nhờ cái thất bại đến thảm hại của ngày thứ Sáu Tuần Thánh, nhờ cái đớn đau đến câm lặng của ngày thứ Bảy tuần Thánh mà tâm trí các môn đệ mới mở ra, họ hiểu được chân tính của Chúa Giêsu và chân lý sâu xa nơi sứ điệp của Ngài. Hơn ai hết, Mẹ Maria đã luôn gắn bó cuộc đời với Đức Kitô. Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Mẹ đã cùng chết với Ngài trong tâm hồn. Thế nên nơi Mẹ luôn bừng sáng ngọn lửa Phục Sinh của Đức Kitô.

Lạy Mẹ của Đấng Tử Nạn và Phục Sinh. Trong ngày thứ Bảy Tuần Thánh, chúng con muốn được ở bên Mẹ để cùng Mẹ chiêm ngắm tình yêu vĩ đại của Chúa. Một tình yêu dám đi xuống tận cùng thân phận của con người bằng cái chết thê lương trên thập giá. Một tình yêu xuống tận đáy âm ty để lôi kéo con người lên cùng Cha. Xin cho chúng con mỗi ngày trầm lắng bên Chúa hơn để cảm nghiệm tình yêu của Chúa, sẵn sàng tìm kiếm, cảm thông và gắn bó với Chúa nơi tha nhân để Thiên Chúa được sống mãi trong chúng con. Amen.

Hát: Giêsu, Vua tình yêu (MC. 234 (1))

 

Ban Phụng vụ

Tam Nhật Thánh 2021