Bữa ăn thiêng liêng (Thầy GB Nhựt) – Thứ 4/21/07/2021

BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG

Thứ Tư sau CN XVI Thường Niên (Mt 13,1-9)

“Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả”

Xin gửi lời chào đến Quý Ông Bà và Anh Chị Em Giáo Xứ Lộ 20 trong tình yêu của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Xin Thiên Chúa tiếp tục ban ơn và gìn giữ chúng ta trong cơn đại dịch này.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu

Ngày hôm đó, Chúa Giêsu rời nhà và đến ngồi bên bờ biển; dân chúng tụ tập quanh Ngài rất đông nên Ngài xuống thuyền ngồi, còn mọi người đứng dọc theo bờ biển. Và Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Này, người gieo giống ra đi gieo hạt. Khi anh ta gieo, một số hạt rơi trên vệ đường và chim trời tới ăn mất. Một số hạt rơi trên đá sỏi, nơi có rất ít đất. Ngay tức thì nó nẩy mầm vì đất không nhiều; khi nắng lên, nó bị cháy khô đi vì thiếu rễ. Một số hạt rơi trong bụi gai, và bụi gai lớn lên làm nó chết nghẹt. Nhưng một số hạt rơi trên đất màu mỡ và sinh hoa kết quả, có hạt được gấp trăm, có hạt được sáu mươi và có hạt được ba mươi. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Suy niệm

Kính thưa quý ông bà và anh chị em, chúng ta bắt đầu nghe lại chương 13 của Tin mừng theo Thánh Matthêu. Lời Chúa sẽ nói với chúng ta ngang qua hàng loạt những dụ ngôn rất thú vị.

Trước tiên là dụ ngôn người gieo giống, qua câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta bài học về thái độ lắng nghe và tuân giữ Lời của Người.

1. Người gieo giống chính là Chúa Giêsu. Hạt giống là Lời được gieo vào những mảnh đất được ví như những tâm hồn của chúng ta: Đó là vệ đường, đá sỏi, bụi gai và đất tốt. Chúng ta hãy thành thật suy xét để biết mình đang là loại mảnh đất nào?

2. Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy khiêm tốn để lắng nghe Lời Người. Chúng ta thường cầu xin Chúa lắng nghe lời mình nhưng ít khi chịu lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta chỉ nói cho Chúa nghe mà ít khi để Chúa nói cho mình nghe. Vậy muốn nghe được Lời Chúa thì phải biết lắng, biết thinh lặng. Thánh Ignatio Antiokia nói rằng: “Chúa Giêsu là Lời của Chúa Cha phát ra từ sự tĩnh lặng”. Đây là sự thinh lặng luôn có hai chiều kích: thinh lặng bên ngoài và bên trong. Thinh lặng bên ngoài tạo ra bầu khí yên tĩnh hầu chúng ta có thể tập trung nghe chăm chú hơn. Bên trong là gác lại những bận tâm lo lắng, những công việc còn dỡ dang mà phó thác cho Thiên Chúa. Nhờ sự thinh lặng chúng ta mới đạt tới sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa.

3. Trong bối cảnh xã hội hiện nay, người ta dường như rất sợ sự thinh lặng, điều đó khiến cho nhiều người cảm thấy hụt hẫng và sợ hãi. Thiên Chúa muốn chúng ta vượt qua thách đố sợ hãi của thinh lặng. Trước tiên không phải chỉ để thấy rõ bản chất con người của mình, nhưng còn để thiết lập một mối tương quan gần gũi giữa Cha với con. Thật là thích hợp trong những ngày giãn cách này, chúng ta hãy cùng nhau mở quyển Kinh Thánh ra để Thiên Chúa có thể thì thầm với chúng ta, hãy bắt đầu lắng lặng vài phút để Chúa nói với chúng ta, vì “có lẽ ta cầu nguyện nhiều hơn khi ta nói ít, và cầu nguyện ít hơn khi ta nói nhiều” (Thánh Augustinô).

Mẹ Rất Thánh của chúng ta là người có nhiều kinh nghiệm về sự thinh lặng. Mẹ đã luôn suy đi nghĩ lại Lời Chúa trong lòng, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ dạy cho chúng ta biết cách lắng nghe và tuân giữ Lời của Con Mẹ.

Câu hỏi

1/ Trong những ngày đại dịch này, tôi có mở quyển Kinh Thánh ra đọc không?

2/ Tôi có tìm sự thinh lặng để cầu nguyện với Chúa không?

Cầu nguyện

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con!

Xin Mẹ dạy cho con biết đón nhận và yêu mến Lời của Con Mẹ.

Vì Lời đó mang lại sức sống, mang lại ánh sáng,

Lời mang đến niềm hy vọng và là đường dẫn lối cho con. Amen

Thầy Gioanbaotixita Nguyễn Văn Nhựt