Các lãnh đạo tôn giáo ra tuyên ngôn chung trước COP26

Biểu ngữ trong cuộc tuần hành 100 ngày trước COP26 tại London

Biểu ngữ trong cuộc tuần hành 100 ngày trước COP26 tại London

Các lãnh đạo tôn giáo ra tuyên ngôn chung trước COP26

Hàng chục nhà lãnh đạo của các tôn giáo lớn tại Anh kêu gọi các lãnh đạo chính phủ hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hứa rằng các Giáo hội cũng sẽ làm như vậy.

Văn Yên, SJ – Vatican News

Tuyên bố chung liên tôn giáo Glasgow đã được ký và công bố ngày 20/9, hướng tới Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc, gọi tắt là COP26, sẽ diễn ra tại Glasgow, Scotland, vào đầu tháng 11.

Trong số các nhà lãnh đạo tôn giáo tham gia trong tuyên bố chung, có lãnh đạo của Anh giáo, Công giáo, Hồi giáo, Do thái giáo, Tin lành Methodists và các giáo hội Tin lành khác.

Các nhà lãnh đạo cho biết: “Các cộng đồng tôn giáo của chúng tôi hiệp nhất trong việc chăm sóc sự sống con người và thế giới tự nhiên. Chúng tôi có chung niềm tin vào một tương lai đầy hy vọng, cũng như nghĩa vụ có trách nhiệm chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, Trái đất.”

Trong Tuyên bố, các nhà lãnh đạo “ghi nhận những cơ hội mà COP26 mang lại trong việc giải quyết nhu cầu hành động cấp thiết trong việc hạn chế tác động của biến đổi khí hậu và tầm quan trọng của các quyết định được đưa ra trong hội nghị này để thực hiện thỏa thuận Paris năm 2015”.

“Con người đã khai thác hành tinh, gây ra biến đổi khí hậu”, Tuyên bố cũng xác định, “gánh nặng mất mát và thiệt hại đè nặng nhiều nhất lên những người sống trong cảnh nghèo đói, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.”

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng hứa cam kết dấn thân bằng:

– “Phản tỉnh sâu xa trong cầu nguyện, suy gẫm và thờ phượng để phân định cách chăm sóc trái đất và lẫn nhau, và khuyến khích các cộng đồng tôn giáo tương ứng làm như vậy.

– “Tạo ra sự thay đổi mang tính biến đổi trong cuộc sống của chúng tôi và của cộng đồng thông qua hành động của cá nhân và tập thể.

– “Trở thành những người ủng hộ công lý bằng cách kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp và những người khác thực thi quyền lực và ảnh hưởng để làm cho hiệp ước Paris có hiệu lực.

– “Ưu tiên chuyển đổi sang một nền kinh tế công bằng và xanh.

– “Cam kết thực hiện các mục tiêu dựa trên khoa học phù hợp với một tương lai lành mạnh, có khả năng phục hồi, không phát thải”.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng kêu gọi các chính phủ “thực hiện các hành động khẩn cấp cần thiết để ngăn chặn sự mất mát, thiệt hại và tình trạng buộc phải di cư do biến đổi khí hậu” và làm việc cùng nhau và với những người khác để tạo ra một tầm nhìn tích cực cho năm 2050.

Nguồn: W.Vatican News