Chiếc Áo

Nếu muốn có một mùa xuân tươi đẹp thì tôi phải trải qua những tháng ngày u buồn lạnh lẽo, giá buốt của mùa đông. Con  sâu kia muốn trở thành con bướm đẹp thì nó phải chấp nhận trải qua một kiếp sâu bọ, và nếu tôi muốn trở thành người tốt tôi phải biết dừng lại để cảm nghiệm, để rút ra bài học và thay đổi để lớn lên trong ân nghĩa Chúa.

Ngày ấy, xa rồi, ngày mà tôi còn là một cô bé để tóc chỏm, đen nhẻm, quanh năm làm bạn với đàn vịt, đùa vui với những con ốc bắt được trên đồng, rượt đuổi những con chuồn chuồn đậu trên lá mạ non giữa một cánh đồng đầy nắng và gió. Lúc ấy nhà tôi rất nghèo, anh em tôi thiếu ăn, có bữa cơm bữa cháo, bữa điểm tâm sáng của anh em tôi là những cục cơm nguội còn dư lại từ chiều hôm trước, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 2 công ruộng mà có mùa thì tàm tạm, có mùa thì thất bát nên ba mẹ tôi phải còng lưng cày cấy suốt năm suốt tháng, nỗi lo nhất của ba mẹ là cái đói quấn lấy đàn con của mình.

Rồi đời tôi đổi sang bước ngoặc, tôi không còn chăn vịt, không còn đùa vui vu vơ với con ốc, con cua nữa, không còn chìa tay hái những bông lúa non ăn cho đỡ đói khi mẹ chưa đem cơm lên kịp, và…và tôi thôi để tóc chỏm….tôi đi tu…và chính lúc này nỗi lo của ba mẹ càng tăng lên từng ngày, từng ngày. Mỗi khi đêm về trong giấc ngủ của ba có phần lo lắng, vầng trán mẹ nặng trĩu ưu tư.

Mỗi tối, sau khi chăm lo cho anh em tôi có cái no bụng, đọc kinh rồi lên giường, thì mẹ lặng lẽ đốt cái đèn dầu cặm cụi may đồ. Nhiều đêm giật mình thức giấc thấy mẹ bên chiếc đèn, tôi nghĩ chắc mẹ vá áo cho ba hay cho một đứa nào đó trong anh em chúng tôi. Rồi một ngày kia, ngày cuối của kỳ thi cuối cấp II, tôi bước vào cấp III cũng là lúc tôi gia nhập vào Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ để tiếp tục học và tu luyện. Hôm ấy có cả Ba và Mẹ đưa tôi xuống dòng, rồi giây phút chia tay cũng đến, trước lúc quay về, mẹ e ngại dúi vào tay tôi một gói nho nhỏ và nói ngập ngừng, ánh mắt mẹ nhìn tôi rưng rưng lệ, còn tôi thì không khóc. Mẹ nói: “ Ba mẹ chưa sắm đủ đồ cho con, con mặc đỡ bộ đồ này mẹ may, mẹ may nên nó hơi vụng về, rồi mai mốt có tiền mẹ may thêm và đem xuống cho con”.

Tối đến, khi lên gường tôi mở ra xem, thì ra đó là một bộ đồ ngủ, sọc carô màu đỏ nhạt, khúc vải rẻ tiền mẹ mua được từ những lần chắt chiu, dành dụm, mẹ lầm lũi may cho tôi từng đêm từng đêm, vậy mà tôi cứ ngỡ là mẹ vá áo cho ba hay cho anh em chúng tôi.

Thôi để tóc chỏm đồng nghĩa với biết mắc cỡ, biết chăm sóc bản thân, nói khác hơn tôi đã dần dần trở thành một thiếu nữ, vì thế khi nhìn chiếc áo mẹ may so với chiếc áo của bạn bè tôi thấy nó xấu lắm, nó chẳng đẹp tí nào, may tay nên các đường kim mối chỉ nhìn nó rất luộm thuộm, hơn nữa mắt mẹ kém nên nhìn chiếc áo rất vụng về như mẹ đã nói, mặc dầu tôi rất biết ơn mẹ nhưng tôi chỉ mặc nó khi nào tôi thật sự đi ngủ để không ai nhìn thấy, vì tôi sợ mọi người chê nó.

Giấc ngủ đầu tiên nơi tu viện có xen lẫn niềm vui và nỗi buồn, buồn vì lần đầu xa gia đình, vui vì sẽ có nhiều bạn mới. Trong đêm vắng tôi thấy thật cô đơn và sợ hãi, mặc chiếc áo mẹ may tôi có cảm giác như được gần gũi, được giữ dấu vết của mẹ trên người mình, từng đường kim mối chỉ đan xen nhau như là những lời kinh nguyện xen lẫn với những hy sinh âm thầm của mẹ, như đôi bàn tay vô hình của mẹ đang ôm ấp, bao bọc lấy tấm thân tôi, đưa tôi vào giấc ngủ bình yên. Giờ đây tôi đã lớn, chiếc áo đó cũng không còn, nó đã bị sờn rách theo thời gian, nhưng nhờ chiếc áo đó tôi mới có được những chiếc áo của ngày hôm nay, nhờ có chiếc áo may tay đó tôi mới được vinh dự khoát lên mình chiếc áo DÒNG hôm nay, và đặc biệt nhờ chiếc áo xấu xí, chẳng đẹp tí nào đó đã dạy cho tôi một bài học tình thương từ mẹ, mẹ vì thương con đã cần mẫn, siêng năng không ngại hy sinh tất cả để vun trồng cho đời con sau này cũng biết yêu thương, biết cho đi và biết chết cho đời trong cuộc đời tận hiến.

                                                                                                                                   Tường Vy