Dọn mình chết lành: Nhịp cầu giữa hai sự sống

DỌN MÌNH CHẾT LÀNH

CHẾT- NHỊP CẦU GIỮA HAI SỰ SỐNG

I. Hướng Ý

Phải chăng tất cả mọi vấn đề của con người sẽ kết thúc sau khi đôi tay đã xuôi xuống và cặp mắt đã nhắm lại vĩnh viễn. Nếu làm người mà thân phận chỉ thế thôi, thì cuộc sống này có hàng tỷ cái phi lý, đâu có gì đáng để ta phải ân cần tận tụy. Tất nhiên cái chết là định luật khắt khe của một kiếp người, cái chết đâu phải là cánh cửa mồ chôn dứt điểm một con người. Trái lại nó là cánh cửa mở ra cho người chết bước sang một thế giới kỳ diệu khác, nơi đó mọi sự sẽ được vạch trần, mọi bí ẩn sẽ được lộ diện và con người sẽ ngỡ ngàng trước những điều kỳ diệu khôn tả.

Hôm nay lại có dịp để chúng ta suy gẫm về sự chết. Lạy Chúa, xin giúp chúng con ý thức sống sao cho tốt và biết sử dụng thời giờ hiện tại để làm đẹp lòng Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

II. Suy Niệm

1. Suy Niệm 1: Bình an và sự chết

Trong băng nhạc “50 năm đời vẫn hát” của Khánh Ly, người giới thiệu bài hát đầu tiên là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông nói đến sự quan trọng của việc “sống tử tết với nhau” bằng một “Tấm lòng tốt” và bài hát kết thúc bằng nhạc của Nhạc sĩ Phạm Duy là “Những gì đem theo vào cõi chết”

Rồi mai đây tôi sẽ chết

Trên đường về nơi cõi hết

Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Rồi mai đây tôi hóa kiếp

Trong lòng còn bao luyến tiếc

Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây?

Tôi không đem theo với tôi

Được tiền tài hay danh vọng

Tôi không đem theo với tôi

Được lầu vàng hay gác tía

Tôi không đem theo với tôi

Mộng giàu sang phú quý

Tôi xin đem theo với tôi

Một nụ cười không nghi ngại

Tôi xin đem theo với tôi

Đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời

 Nếu có được tấm lòng tốt với nhau thì chỉ cần đem tấm lòng vào cõi chết là đủ rồi. Cái chết sẽ cướp đi của con người tiền bạc, danh vọng, địa vị, thân xác. Nhưng một tâm hồn tốt thì muôn đời sẽ không bao giờ sợ mất mát trước giờ chết. Không bao giờ sợ cái chết. Tất cả những cái tốt họ đạt được đều đến từ trong tâm hồn, được giữ trong thẳm sâu của tâm hồn và là lương thực nuôi dưỡng tâm hồn bất tử. Người bình an là người sống trọn vẹn cho những gì có thể đem theo vào cõi chết. Bạn hãy cùng tôi, chúng ta hãy luôn suy niệm về cái chết của chính mình, bạn sẽ thấy yêu đời hơn trong cuộc sống và bình an hơn khi gần gũi với sự chết.

2. Suy Niệm 2: Sự chết là việc lập công đền tội

Nhiều người nghĩ rằng nếu chết sớm thì không có dịp lập công đền tội ở đời này. Nếu không phạm tội thì đâu cần đến, mà nếu có là con người yếu đuối thì lòng từ bi của Thiên Chúa sẽ không  thua chúng ta đâu. Mời chị em hãy sống theo suy nghĩ của Danh nhân Albert Hubbard: “Thiên Chúa không tìm những huy chương vàng hay bằng cấp chúng ta đạt được, nhưng Ngài đếm những vết sẹo trong cuộc đời chúng ta”. Đối với Chúa, quá khứ không quan trọng, vì tình yêu sẽ làm Ngài quên đi tất cả những lỗ lầm. Tương lai chúng ta nằm trong tay Chúa và chúng ta chỉ có thể làm chủ giây phút hiện tại. Điều đáng lưu tâm là không biết lúc nào chúng ta sẽ mất cái giây phút hiện tại đó.

Ai trong chúng ta cũng chỉ có 60 giây trong một phút và 24 tiếng trong một ngày . Hiện tại được ban phát đồng đều cho hết mọi người, mỗi người được tự do sử dụng giây phút đó tùy theo những đam mê và lựa chọn cá nhân. Bạn sẽ sử dụng giây phút của bạn như thế nào? Đa số ai trong chúng ta đều muốn lên thiên đàng, đều muốn đạt được hạnh phúc nước trời, nhưng lại không mấy người sẵn sàng về gặp Chúa! Đây là cái mâu thuẫn hay là sự tham lam của lòng người. Để gặp được Ngài chúng ta phải bước qua cái cầu của sự chết. Để yêu được sự chết, chúng ta phải biết sống và phải sống đích thật, chúng ta đừng quên làm quen với cái chết của chính mình.

Chết là gì? Phải chăng chết là một thực tại duy nhất mà con người chỉ trải qua có một lần, trải qua cho chính mình mà không thể giải thích cái kinh nghiệm cho những người còn sống. Thường thì người đời coi cái chết là “hết chuyện”, điều ấy thật đúng với những người không có tín ngưỡng. Sự chết thật sự là giai đoạn cuối đời của họ, vì vậy mà người ta sống hưởng thụ tranh giành những gì mà họ cho là tốt là đẹp nhất của cõi đời, để rồi cuối cùng họ cũng phải đối diện với cái chết. Đối với Kitô hữu chúng ta thì sao? Chúng ta nghĩ gì về cái chết? hay chúng ta cũng bị lôi cuốn với dòng đời và không còn đủ thì giờ để nghĩ đến sự chết! Nhưng tại sao lại phải nghĩ đến sự chết? suy tư về sự chết để biết rằng: đối với những người theo Chúa Kitô, chết không phải là hết, nhưng là một sự khởi đầu cho cuộc sống mới. John Milton viết: “Sự chết là cái chìa khóa bằng vàng để mở được cánh cửa lâu đài của vĩnh cửu” và nếu sự chết không phải là đoạn kết thì tôi cần phải biết gì về cái chết?

Suy về sự chết giúp tôi sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Không ai trong chúng ta biết được ngày giờ mình sẽ chết. Chết là hết, hết còn dịp lập công, vì đối diện trước cái chết là lúc tôi phải ra trước mặt Đấng đã tạo dựng nên tôi để tính sổ với Ngài. Một mình tôi với Ngài. Đó là lý do tại sao tôi phải nghĩ đến cái chết.

III. Kết thúc.

Lạy Chúa, ai cũng muốn sau khi mình chết sẽ được lên thiên đàng, sẽ được hưởng hạnh phúc viên mãn, nhưng mấy ai lại thích cái chết. Chúa có thấy điều này mâu thuẫn không? Mà chẳng lạ gì, vì “chết” thật sự là một mầu nhiệm, không ai có cơ hội để kể cho người còn sống biết những gì sau bức màn chết phải chuẩn bị những gì trước khi chết.

Lạy Chúa, con người siêu nhiên của con lại muốn được gặp Chúa, nhưng con người tự nhiên của con lại không muốn chết. Xin cho con biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa, xin dạy con biết biến đổi để trở thành món quà dễ thương trao về cho Chúa, là Đấng đã trở nên món quà vô giá, đã trao ban tình yêu vô điều kiện, để cho con được sống và sống một cách sung mãn. Amen.

Ngân Hạ (Sưu tầm)