Giờ thánh: Con đường đi xuống của Đấng giàu lòng thương xót

CON ĐƯỜNG ĐI XUỐNG

CỦA ĐẤNG GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

 

I. Hướng ý
Chị em thân mến, mỗi thứ Năm đầu tháng, chúng ta có dịp để khám phá lại Thánh Tâm Chúa, một Thánh Tâm ấp ủ tình yêu thương nhân loại, mong muốn trao hiến và cứu vớt  mà không đòi đáp đền. Vâng, xác tín được điều đó, chúng ta hãy dành trọn những giây phút này, như một hồng ân Chúa ban, để ở bên Chúa, yêu mến Chúa và học theo con đường Chúa đã đi.

II. Suy niệm

♦ Con người tự nhiên chúng ta thường dồn tất cả sức lực, tìm mọi cách, để không bước vào con đường đi xuống, con đường đau khổ, bất hạnh, nghèo nàn. Là con người, ta luôn chọn cho mình con đường đi lên, tiến thân để vươn lên trong xã hội, trong thế giới này, một thế giới đề cao hiệu quả, tài năng, giàu sang, và muốn có thêm quyền lực. Càng lên cao càng tốt, càng hiểu biết nhiều càng hay, Đó là hướng sống thực tế rất bình thường của đời người.

♦ Khi bước theo hướng sống đi lên đó, con người luôn coi đường đi xuống là một thất bại, sự thụt lùi tệ hại. Vì thế, những ai nghèo nàn, ngu dốt, không quyền lực đều bị coi thường, hay nói nhẹ hơn là không được tôn trọng. Đó là dòng chảy rất bình thường của cuộc đời.

♦ Ngược với dòng chảy của cuộc đời, Đức Kitô đã chọn con đường đi xuống. Ngài không chỉ chọn con đường đi xuống một lần, mà thật nhiều lần Ngài thực sự đi xuống, trở nên thấp hèn. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, đau khổ nhất, cùng cực nhất. Con đường đi xuống của Đức Kitô khởi đi từ Mầu nhiệm làm người của Ngài. Điều này được thể hiện trong  ( Pl 2, 6-8)

“Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.

Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự”
 (Pl 2, 6-8).

♦ Đức Kitô là Thiên Chúa. Đó là bản chất, là căn tính và là phẩm giá của Ngài, nhưng điều lạ lùng, Ngài đã đi xuống thấp hơn với phẩm giá, căn tính và bản chất cao quý của Ngài, nghĩa là Ngài trút bỏ vinh quang Ngài có, để mặc lấy cái tầm thường và bần cùng nhất của nhân loại. Hành động của Ngài là hành động của tự do, của tình yêu, của tự hiến chứ không bị ép buộc gì cả. Việc Đức Kitô mặc lấy thân nô lệ đã làm tỏ hiện sự mâu thuẫn lớn lao giữa hai hình ảnh Thiên Chúa – kẻ nô lệ. Hai hình ảnh này xa nhau ngàn trùng, và không ai có thể nghĩ đến hay so sánh hai hình ảnh đó với nhau, nhưng hai hình ảnh đó được “hội tụ” nơi Đức Kitô, một Thiên Chúa tình yêu.

♦ Đó là hành động của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót, Đấng dùng cả con tim để yêu thương. Con đường đi xuống của ĐKt thật là một con đường mầu nhiệm, một con đường của tình yêu vượt trên mọi biên giới, mọi khái niệm của ngôn ngữ, mọi lý luận của trí khôn. “Tình yêu này đã được thể hiện hữu hình và đụng chạm đến được trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu”. Nhân tính của Ngài không gì khác hơn là tình yêu, một tình yêu được trao ban nhưng không. Các dấu chỉ Ngài thực hiện, đặc biệt trước những kẻ tội lỗi, người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề, người bệnh, và những người đau khổ, tất cả đều nhằm giảng dạy về lòng thương xót. Mọi thứ nơi Ngài nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Ngài thiếu vắng lòng từ bi, thiếu vắng tình yêu.

♦ Nếu nhìn lại đời mình, ta thấy lòng thương xót Chúa trải dài trong cuộc đời ta, ngay khi lọt lòng Mẹ cho đến giây phút hiện tại, và cả trong tương lai đang chờ đón ta, lòng thương xót cũng sẽ đồng hành với ta. Chúa đã cho con vào đời, cho con sinh ra trong một gia đình ấm cúng đầy yêu thương. Chúa đã dạy con xưng tụng Thánh Danh Chúa. Chúa mở Thánh Kinh của Chúa cho con, để qua đó con tái khám phá ra tình yêu Chúa vĩ đại dường nào. Chúa đã gọi con trở thành môn đệ, thành bạn thân của Chúa, dù con bất xứng và tội lỗi.

       Giờ đây, trong sự tĩnh lặng của cõi lòng, con ôn lại những giờ phút chỉ có Chúa và con biết được, những giờ phút hạnh phúc và thân ái, buồn phiền và sám hối, xót thương và ân sủng. Con thấy cuộc đời con như được biến thành một lời kinh, những ký ức của con như biến thành một kinh cầu diễm ái, và lịch sử của con như biến thành một Thánh Vịnh. Sau mọi biến cố, lớn nhỏ, vui buồn, chung riêng, là một câu thơ điệp khúc nói lên ý nghĩa của tất cả và liên kết cuộc đời con thành một hoạt động của ơn quan phòng Thiên Chúa.

III. Kết thúc

Lạy Chúa, Đại Hội Giới trẻ lần thứ 31vừa qua được tổ chức tại Thành Phố Krakow, BaLan”. Buổi canh thức với chủ đề “Chúa Giêsu, nguồn mạch Lòng Thương Xót” Đức Thánh Cha đã cầu nguyện với hàng triệu bạn trẻ tại Cánh đồng Lòng Thương Xót ở Cracovia, Ngài mời gọi các bạn trẻ hãy nắm giữ vai chính và đừng “sống vật vờ như người ngái ngủ”. Lời mời gọi ấy như tiếng vang trong lòng mỗi chúng ta hôm nay.

Lạy trái tim Chúa Giêsu đầy lòng Thương xót, trước một xã hội thay đổi, văn minh, hiện đại, chúng con nhận thấy sự xuống cấp trầm trọng trong lối sống, cung cách sống và văn hóa của  người Việt. Điều đó không ít nhiều cũng đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, trái tim, hành động, cung cách sống và đời sống Thánh hiến chúng con. Xin cho chúng con luôn nhớ  “ Đừng sống vật vờ như người ngái ngủ” trái lại hãy mạnh dạn, năng động và tin yêu tiến bước trên con đường đi xuống của Đức Kitô, con đường Khiêm hạ, con đường Tình yêu của Đấng giàu lòng thương xót.

♥ Ngân Hà( sưu tầm)