Sống Đức Khiết Tịnh Thánh Hiến – Xưa và Nay

SỐNG ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN

XƯA VÀ NAY

DẪN NHẬP

– Ý nghĩa và tầm quan trọng của đức khiết tịnh thánh hiến

  • Đức khiết tịnh “vì Nước Trời” mà các tu sĩ khấn giữ, phải được quý trọng như một ân huệ cao cả của ơn thánh, ơn ấy giải thoát lòng con người cách đặc biệt để nồng nàn mến Chúa và yêu mọi người hơn (Perfectae caritatis, số 12).
  • Sự khiết tịnh của những người độc thân trinh khiết, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa, là phản ảnh của tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi (Vita consecrata, số 21).
  • Khiết tịnh là trái tim của đời tu, và không thể tách rời khỏi sự thánh thiện của Giáo Hội (Linh mục Gambri).
  • Khiết tịnh thánh hiến là phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ (Perfectae caritatis, số 12).
  • Đức khiết tịnh thánh hiến là một giá trị tích cực, mở rộng trái tim đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi, yêu thương mọi người, làm tăng trưởng sự sống nơi bản thân và tha nhân, theo gương Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm (Hiến chương Dòng Mến Thánh Giá, điều 13).

I. BẢN CHẤT ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN

  • Về phương diện pháp lý, lời khấn khiết tịnh đòi hỏi các tu sĩ phải giữ sự tiết dục hoàn toàn trong đời sống độc thân vì Nước Trời, nghĩa là:
    • khước từ mọi khoái lạc nhục thể hay tình yêu phái tính;
    • khước từ hôn nhân, không trao thân mình cho bất cứ người nào;
    • khước từ khả năng làm cha làm mẹ về mặt thể lý;
    • chấp nhận sự cô đơn trong tâm hồn suốt cả cuộc đời.
  • Theo cha Marcello de Carvalho Azevedo trong tác phẩm “Ơn gọi và sứ mạng” thì khiết tịnh là yêu thương mà đối tượng là chính Chúa. Người khiết tịnh hiểu được giá trị tuyệt vời của tình yêu ấy, nên quyết chí hiến trọn cả hồn xác cho tình yêu này, họ mạc khải cho người khác hiểu được tình yêu đó.
  • Khiết tịnh là hiến dâng cho Đức Kitô sức mạnh của tình yêu, là dấu chỉ và động lực của đức ái.
  • Sống đức khiết tịnh thánh hiến sẽ làm thăng hoa tình yêu nhân loại, biến nó thành một thứ tình yêu thuần khiết.

II. NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA LỜI KHẤN KHIẾT TỊNH ĐỐI VỚI NỮ TU CAO NIÊN

1. Vấn đề giới tính và tính dục

  • Ngày xưa, giáo dục giới tính ít được quan tâm, các tu sĩ cũng không được học hỏi nhiều về vấn đề tính dục.
  • Con người là một hữu thể tính dục, người tu sĩ vẫn mang trong mình những đòi hỏi của bản năng sinh tồn (truyền sinh), ước muốn thỏa mãn nhu cầu yêu và được yêu, họ vẫn phải sống kinh nghiệm của một con người mà trong đó những lôi cuốn về xác thịt và những đam mê không hề bị dập tắt. Vì thế, việc sống đức khiết tịnh thánh hiến quả là một thách đố.

2. Môi trường sống

  • Ngày xưa, xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nền luân lý Khổng Mạnh, vấn đề tương quan nam nữ rất nghiêm túc: “Nam nữ thọ thọ bất thân”.
  • Tuy nhiên, con người có xã hội tính và sống là tương giao, chứ không thể sống như Robinson trên hoang đảo.
  • Các tu sĩ khi làm công tác mục vụ họ đạo, khi đi học, hay làm việc chung nơi công sở, học đường có nhiều liên hệ với người khác phái:
  • dễ nảy sinh những tình cảm, tình yêu…
  • và có thể bị sa lầy nếu không cảnh giác: “nam như lửa, nữ như rơm, quỷ ở giữa phe phẩy” thì khó tránh khỏi những nguy cơ tai hại đến đức khiết tịnh thánh hiến.

3. Hoàn cảnh xã hội

  • Nhiều nhà tâm lý thường đặt vấn đề độc thân tu trì, độc thân dường như không thể tin được, nhiều người cho rằng làm gì có chuyện sống độc thân như thế!
  • Sống trong một xã hội mà Thiên Chúa bị gạt ra bên lề cuộc sống, con người chỉ biết có đời này, nên coi tu sĩ sống độc thân là điều “bất bình thường”, không thể chấp nhận được. Vì thế, tu sĩ phải đương đầu với những khó khăn thử thách, bị khích bác chê bai và nhiều khi bị bách hại…

III. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY ĐỨC KHIẾT TỊNH

  • Sự e thẹn là đồ trang sức đẹp nhất của sự trong sạch. E thẹn nói lên mầu nhiệm của thân xác con người kết hợp với một linh hồn. E thẹn là kính trọng mình, là tự trọng. Khi không còn biết e thẹn nữa thì tính dục trở thành tầm thường, dễ bị hạ giá xuống thành một đối tượng tiêu dùng. Cần phải biết e thẹn và giữ nết na, đoan trang trong cách nói năng, hành xử và trang sức.
  • “Áo dòng không làm nên thầy tu”. Tu phục là cẩm bào gìn giữ nét trinh trong, vì thế ngày xưa các tu sĩ thường xuyên mặc áo dòng. Ngày nay nhiều Hội dòng cũng có những kiểu áo dòng đơn giản phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
  • Tu đức ngày xưa nhấn mạnh đến việc sống khổ chế hy sinh, hãm dẹp ngũ quan, nhất là con mắt, trí nhớ và trí tưởng tượng.

  • Năm yếu tố cần thiết và quan trọng trong mối tương quan nam nữ:
    • Nơi chốn gặp gỡ.
    • Thời gian và thời lượng.
    • Khoảng cách thể lý và tâm lý.
    • Sự có mặt của người thứ ba.
    • Cảm thức sâu xa về sự hiện diện của Chúa.
  • Khiết tịnh đòi hỏi một sự khiêm tốn thẳm sâu và một lương tâm trong sáng, luôn cảnh giác về những yếu đuối của con người (“Bảy mươi chưa gọi là lành…”).
  • Cộng đoàn là nơi bảo tồn, nuôi dưỡng đức khiết tịnh, giúp tu sĩ sống đơn sơ vui tươi trong tình bạn và tình yêu thương đối với nhau.
  • Ơn trợ lực của Thiên Chúa: khi trao ban cho tu sĩ kho tàng ơn thánh là đức khiết tịnh, Thiên Chúa cũng giúp sức để họ có thể chu toàn hiến lễ dâng lên Ngài.
  • Sự trong sạch là hoa quả của Thần Khí, là ân huệ của Thiên Chúa hơn là do cố gắng của con người. Vì thế tu sĩ phải cầu nguyện, sống thân tình với Chúa Giêsu Thánh Thể, để kín múc nguồn sinh lực thần thiêng cho cuộc đời dâng hiến thật cao đẹp nhưng không vắng bóng hy sinh.
  • Lời cầu nguyện của Thánh Augustinô:

“Chúa đã truyền cho con tiết dục

thì xin ban cho con sức mạnh

để làm điều Chúa truyền

và truyền dạy điều Chúa muốn”. Amen. Alleluia.

IV. HIỆN TRẠNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ ĐỐI VỚI TU SĨ TRẺ

1. Đời sống cá nhân

  • Trong xã hội ngày nay, đang khi con người sống hưởng thụ, thì các tu sĩ trẻ lại được mời gọi sống khiết tịnh vì Nước Trời. Họ có nhiều cơ hội nghiên cứu, đào sâu, học hỏi để tìm ra ý nghĩa đích thực của đức khiết tịnh thánh hiến. Họ hiểu rằng, độc thân Tin Mừng không chỉ có nghĩa là tiết dục, nhưng còn là và trên hết một tình yêu dấn thân có thể trao ban sự sống cho những người mình yêu. Đó là tình yêu không xây dựng một gia đình trần thế, nhưng là dấn thân kiến tạo gia đình của Vương Quốc và của Giao Ước Mới. Tình yêu nảy sinh từ sự lôi cuốn của vẻ đẹp Thiên Chúa và Vương Quốc Người.
  • Một khi người tu sĩ trẻ tìm ra ý nghĩa đích thực của lời khấn khiết tịnh rồi, họ không phủ nhận, lẩn tránh, khinh thường hay làm ngơ tính dục, giới tính của mình và của người khác, nhưng biết điều hòa, cải tổ các xung động nhục dục, tìm cách đảm nhận tính dục của mình để đạt tới sự quân bình trong thái độ sống vui tươi, bình an và hạnh phúc. Đồng thời, hiểu đúng giá trị của đời sống hôn nhân cũng như đời sống độc thân vì Nước Trời, tự do trong chọn lựa, xác tín trong ơn gọi, để yêu Chúa và yêu tha nhân nhiều hơn. Sống khiết tịnh thánh hiến chính là một đặc sủng và là một ân ban.
  • Phải nói rằng nhiều người thánh hiến ngày nay đã tìm được một lối sống độc thân mới mẻ qua việc say mê yêu mến Đức Giêsu và người nghèo cũng như những người sống bên lề xã hội, qua sự say mê sứ vụ, qua đời sống yêu thương nơi cộng đoàn và với mọi người, qua việc đem lại cho thân xác những giá trị nhân bản và chăm sóc lành mạnh.
  • Nhưng còn đó những thử thách lớn cho đời độc thân không đơn thuần là sự hấp dẫn của một đời sống tự do hay tính dục buông thả, nhưng là do bị mê hoặc bởi những giá trị được khám phá lại, như giá trị lớn hơn dành cho thân xác, những mối tương quan đầy đủ và toàn diện, giá trị lớn hơn gán cho tính dục và cảm tính con người, việc chăm sóc sức khỏe, sự cân bằng tâm lý của con người, sử dụng thỏa đáng những khoái lạc và một thứ triết lý về khoái lạc. Trong hoàn cảnh nhân loại giờ đây đang tìm lại chính mình, cần phải đi tìm những viễn tượng mới để định hướng và dẫn dắt nếp sống độc thân thánh hiến của người tu sĩ trẻ.
  • Khi năng động, cởi mở, thân thiện, dạn dĩ quá trớn để chứng tỏ mình sành điệu, người tu sĩ trẻ không ý tứ gì trong cách nói năng, đi đứng, hành xử, dễ đụng chạm, dễ tạo mối tương quan và nuôi dưỡng mối tương quan thiếu trong sáng, riêng tư với người khác phái cũng như người đồng phái.

2. Hoàn cảnh xã hội

  • Ngày nay, các phương tiện truyền thông có sức lôi cuốn, hấp dẫn nhất đối với người trẻ, chúng như con dao hai lưỡi, có thể tốt hay xấu tùy vào cách người ta sử dụng chúng. Khi người sử dụng thiếu ý thức, vô trách nhiệm, thêm vào đó, nó truyền tải những hình ảnh độc hại, nội dung đồi trụy dễ lôi kéo người trẻ vào việc thỏa mãn các nhu cầu tâm sinh lý khi đang khủng hoảng. Những gì liên quan đến tính dục, những scandal tính dục… bao giờ cũng được lan truyền rất nhanh. Sex trở nên một món hàng giải trí và thu hút khách. Người ta mua bán tính dục như hàng hoá. Quảng cáo, thời trang… lấy thân thể sexy làm nguồn kích thích thu hút người khác.
  • Đối với tu sĩ trẻ, họ cũng có nhu cầu sở hữu và sử dụng các phương tiện truyền thông như Laptop, Ipad, điện thoại…, bị cám dỗ liên lạc và tạo mối tương quan thiếu lành mạnh, thiếu trong sáng. Một số trang truyền thông xã hội phổ biến nhất là Facebook, Facetime, Google, Instagram, Twitter, Viber, YouTube, WhatsApp, Zalo… Ngày nay người tu sĩ trẻ mất quá nhiều thời gian để liên lạc bằng các phương tiện truyền thông này, làm cho trái tim, tình yêu của họ không còn thuộc về Chúa cách trọn vẹn và bị phân chia trăm mối.

  • Phần lớn những thách đố đến từ các xu hướng, quan niệm sai lạc đang lan tràn trong xã hội thời nay. Quả vậy, khi quan sát thế giới chung quanh, ta dễ dàng nhận thấy bầu khí của chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa thực dụng đang len lỏi vào đời tu. Khoa học kỹ thuật phát triển, tu sĩ trẻ muốn sống thoải mái, tiện nghi, phóng khoáng, vô kỷ luật, rồi biện minh là hợp thời đại. Khái niệm về khổ chế hy sinh bị khinh thường. Con người cũng muốn hạnh phúc ngay, kiểu hạnh phúc ngắn hạn và giả tạo, che đậy một sự ham muốn đòi hỏi thoả mãn nhục dục.
  • Chuyện tính dục một thời bị bưng bít đóng kín nay bung ra cách mãnh liệt làm bùng dậy một sự rối ren khó tìm được lối đi và giải pháp thích đáng. Phong trào tự do tính dục phát triển mạnh mẽ. Những rào cản luân lý, gia đình và pháp luật bị phá đổ. Người ta đòi hỏi một sự tự do về giới tính, thậm chí còn đòi quyền tự xác định giới tính cho mình. Định chế hôn nhân cũng bị đặt lại vấn đề, chỉ cần tình dục là đủ, không cần gì đến tình yêu. Người ta đi đến chủ trương coi giới tính là việc riêng tư giữa hai người, gia đình và xã hội không có quyền can thiệp. Và rồi người tu sĩ trẻ cũng bị ảnh hưởng theo kiểu chủ trương sống vội, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn, liều lĩnh trong các mối tương quan gần gũi xác thịt mờ ám, coi thường những rào cản luân lý về giới tính và tính dục.
  • Một xã hội vô thần, người ta không muốn tin vào Thiên Đàng hay sự sống đời sau, họ muốn hưởng thụ nhưng không muốn chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái của mình. Ngày nay, người tu sĩ trẻ cũng bị ảnh hưởng bởi một xã hội thực dụng và tương đối, thiếu cái nhìn đức tin, thiếu cảm thức về tội lỗi.

3. Môi trường sống

  • Chủ nghĩa cá nhân phát triển cũng thúc đẩy người tu sĩ trẻ đến việc quá quy về các nhu cầu của mình. Họ coi nhu cầu thể xác hơn tâm linh, thích làm điệu, làm đẹp, làm nổi để có thể gây chú ý, đặc biệt đối với người khác phái, từ đó, dễ làm nô lệ cho cảm giác và hình dáng bên ngoài hơn nét đẹp tinh thần. Thêm vào đó, khi cuộc sống tu trì gặp khủng hoảng, căng thẳng, không còn niềm vui, và nếu cộng đoàn thiếu hiệp thông, không thể chia sẻ, thì người tu sĩ trẻ dễ đi tìm sự bù trừ bên ngoài.
  • Trong khi hoạt động tông đồ, người tu sĩ trẻ muốn hòa mình hết cỡ, vì cho rằng phải hòa mình với người khác như vậy mới tạo được sự thân thiết và có thể giúp đỡ người khác. Khi sự hòa mình vô tình đi quá giới hạn, người tu sĩ đánh mất tự do của chính mình. Nên nhớ “hòa đồng chứ không hòa tan”.

  • Không mặc tu phục, đồng phục hoặc mang một dấu hiệu riêng nào đó (như Thánh Giá), người tu sĩ trẻ cũng dễ bị cám dỗ làm điều thiếu trong sáng khi đi ra ngoài.
  • Ngoài ra, các tu sĩ trẻ cũng bị thách đố liên quan đến đức khiết tịnh khi những xung động nhục dục trong mình còn quá mạnh, đôi khi không kiểm soát được. Tự bản thân người tu sĩ chưa cảm nghiệm được sự phong phú của thân xác, họ cảm thấy buồn và cô đơn khi ai cũng có đôi có cặp, họ thấy mình lạc lõng giữa thế giới mà ai cũng có gia đình, con cái riêng. Khát vọng làm cha làm mẹ tồn tại trong mỗi người trỗi dậy, thúc đẩy họ đến chuyện tìm kiếm người nào đó để bù đắp. Một số khác có thể lạm dụng việc nghiên cứu, học hỏi trong địa hạt giới tính khiến cho việc tiết dục khó khăn hơn.

V. LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN TRONG XÃ HỘI HÔM NAY?

  • Người tu sĩ cần nhận ra và sống giá trị cao quý của đức khiết tịnh thánh hiến, để cộng tác và sống trọn vẹn lời giao ước tình yêu với Chúa.
  • Họ mong muốn được đồng hành, nâng đỡ từ các vị hữu trách cũng như chị em trong cộng đoàn, để có thể sống hạnh phúc trong đời thánh hiến và thực thi sứ mạng phục vụ Tin Mừng cách hữu hiệu.
  • Họ cũng mong ước được học hỏi thêm kiến thức về tâm sinh lý, tâm lý tình cảm, luân lý tính dục, để có thể sống trưởng thành đức khiết tịnh thánh hiến giữa một thế giới tục hoá, sống đúng nhân vị mà Thiên Chúa đã tặng ban cho mỗi người.
  • Biết noi theo Đức Trinh nữ Maria Vô Nhiễm, mẫu gương quy hướng trọn vẹn về Chúa Kitô, toàn tâm toàn ý về Người, để nhắc nhớ người tu sĩ luôn giữ được “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
  • Người tu sĩ, dù có tu lâu năm và thánh thiện đến mức nào, vẫn mang trên mình một thân xác đầy những yếu đuối. Cám dỗ tính dục đến từ chính thân xác này, đụng chạm đến cái cốt yếu và nền tảng nhất, không thể chạy đi đâu để trốn tránh nó được cả. Nhìn lại bản thân, người tu sĩ nhận thấy rằng, chỉ có ơn Chúa và cậy dựa vào Chúa, họ mới có thể sống trung tín với Chúa đến cùng. Sống khiết tịnh vì Nước Trời hoàn toàn không phải nỗ lực của riêng bản thân, nhưng là nhờ ân sủng của Chúa tắm gội.
  • Ai gồng mình sống khiết tịnh sẽ sớm trở thành những cụ ông cụ bà già cỗi khó tính. Còn ai để cho ơn Chúa tưới mát mình, họ sẽ làm cho đời độc thân sinh hoa kết quả dồi dào.

KẾT LUẬN

  • Sống khiết tịnh đúng nghĩa mời gọi người tu sĩ chìm sâu vào tình yêu Chúa, để rồi mang tình yêu ấy lan toả khắp không gian và thời gian. Đó là một lối sống đậm chất yêu nhờ một lực đẩy mãnh liệt đến từ con tim luôn biết mềm lòng trước Chúa và mở ra với tất cả mọi người.
  • Như thế, càng sống khiết tịnh, người tu sĩ phải cảm thấy mình càng sống chan hoà hơn, cởi mở hơn, yêu đời hơn, mặn nồng hơn, lôi kéo người khác về với Chúa hơn, trở thành người của tất cả mọi người, chứ không đóng kín, trở thành “của riêng” một ai đó, kể cả chính mình. “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui”.
  • Trong thời đại ngày nay, lời khấn khiết tịnh được xem như lời khấn quan trọng nhất, và cũng là lời khấn khó giữ nhất, những cái khó ấy xuất phát từ xã hội và từ chính những người sống đời thánh hiến. Vì thế, người tu sĩ cần thực hiện ba điểm chính yếu của đời tu: tìm kiếm Thiên Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ người khác.
  • Trong một thế giới không còn ý thức mạnh mẽ về sự hiện diện của Thiên Chúa nữa, thì người tu sĩ phải trở thành chứng nhân đầy sức thuyết phục về một Thiên Chúa Tình Yêu và về đời sống vĩnh cửu mai sau.

Ban Huấn Luyện

Tháng 4.2021