Thách đố trong đời sống cầu nguyện

THÁCH ĐỐ TRONG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

 

 Ngày nay, trong xã hội đang phát triển đã tạo cho con người một cuộc sống tiện nghi hơn, văn minh hơn, thì đồng thời cũng làm cho nhiều người chạy theo con đường vật chất hơn mà quên mất mình còn một cuộc sống có giá trị vĩnh cửu ở đời sau. Con người cố gắng chạy đua với thời gian, nên việc ngồi xuống tịnh tâm để nhìn lại những gì đã qua bị xem là điều vô bổ, hay việc ngồi lại để cầu nguyện, để cám ơn Chúa thì càng bị xem như vô ích, vì họ nghĩ rằng những điều mình làm được chỉ do chính mình tạo ra, hay điều đó đến với mình là lẽ tất nhiên. Một thế giới vô thần chạy đua với thời gian cũng đã và đang ảnh hưởng tới giới tu sĩ, những người sống đời thánh hiến với nghề chính là cầu nguyện.

Quả thật, cầu nguyện là nguồn mạch sự sống, nơi đây ta được kết hợp mật thiết hơn với chính Chúa, và được nên đồng hình đồng dạng với Người như Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói trong Đường Hy Vọng: “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện” (ĐHV, số 120). Vậy mà ngày nay nhiều tu sĩ đang dần đánh mất đời sống cầu nguyện, và cái kết là việc đánh mất chính ơn gọi của mình. Theo cái nhìn từ chính bản thân em, thì cầu nguyện là một thách đố trong đời sống dâng hiến mà nhiều người đang gặp phải, và đang cố gắng vượt qua những cảm giác chán chường, đôi khi là cô đơn, hụt hẫng trong lúc cầu nguyện.

Có nhiều lý do ảnh hưởng đến đời sống cầu nguyện, nhưng đặc biệt là những người đang chập chững bước vào đời tu, họ có cảm giác trong nhà dòng với một chương trình đã được định sẵn, thì việc “quen quá hóa nhàm” biến đời sống cầu nguyện cũng như các sinh hoạt khác. Nghe tiếng chuông, cứ đúng giờ là đi cầu nguyện một cách máy móc, nhiều khi cũng chỉ như đi trình diện với chị Phụ trách của mình rằng: “Em đã có mặt” mà không có một chút ý thức rằng mình đang đánh mất những khoảng thời gian rất đẹp, rất quý, đang đánh mất chính nền tảng của đời sống dâng hiến được xây dựng trên việc cầu nguyện.

Dần dần ta trở nên hời hợt, hướng ngoại mà không có chiều sâu trong tâm hồn, để khi gặp khó khăn ta chẳng biết tâm sự với ai, vì từ lâu ta đã đánh mất đời sống cầu nguyện, dù ngày nào cũng có mặt đầy đủ, đúng giờ. Ta thấy mình cô đơn, lẻ loi như một cây khô héo vì để mất nguồn nước là chính Đức Kitô, chỉ cần một cơn gió cũng đủ để nó lung lay và bật gốc. Những người mới bước vào đời sống dâng hiến cần ý thức hơn về giá trị của việc cầu nguyện, biết tận dụng mọi thời gian khi được ở gần bên Chúa, để chính việc kết hợp với Chúa sẽ là nền tảng vững chắc cho cuộc sống của mình trên con đường phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, để khi gặp khó khăn ta được chính Chúa là nguồn an ủi đỡ nâng.

Cầu nguyện không chỉ là thách đố của những người mới chập chững bước vào đời tu, nhưng có cũng là thách đố của những tu sĩ trẻ khi lòng nhiệt huyết vẫn đầy tràn, lý tưởng còn cao đẹp, họ hăng say dấn thân vì Nước Trời, bận rộn với biết bao công việc và tất cả đều hướng về Chúa. Nhưng sau một thời gian, khi đã đạt được những thành công nhất định, thì cũng như bao người, họ không tránh khỏi những danh vọng ở đời, một số tu sĩ cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng, cố gắng làm thêm nhiều việc để khẳng định giá trị bản thân, họ rút bớt thời gian dành cho Chúa, nhưng lại cho mình một lý do thật chính đáng là làm vì cứu rỗi các linh hồn, còn Chúa thì lúc nào cũng ở trong mình. Nhưng thử hỏi còn được mấy người tìm về bên Chúa khi kết thúc công việc, khi màn đêm buông xuống và sự mệt nhọc, uể oải phủ kín cả tâm tư, nếu có đến thì cũng như để trả nợ và để lương tâm được bình an, khỏi bị cắn rứt.

Sức người có hạn và thành công không phải lúc nào cũng đến, nên khi tu sĩ không còn cầu nguyện, lúc đó sẽ thấy đời vô nghĩa và cảm thấy thất vọng khi gặp khó khăn, nghi ngờ với ơn gọi của mình. Tu sĩ đang dấn thân phục vụ cần biết thinh lặng cầu nguyện để biết rõ bản thân với những giới hạn. Hãy luôn nhớ rằng, để có 3 năm rao giảng thành công, Chúa Giêsu đã phải chuẩn bị cho mình suốt 30 năm sống ẩn dật nơi gia đình Nazaret. Hãy thinh lặng cầu nguyện để nhận ra sự quan phòng của Chúa, nhận ra mọi điều ta có đều là của Ngài, vì chính Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy, các con chẳng làm gì được”.

Cầu nguyện gắn liền với cuộc sống và cũng luôn là thách đố của tu sĩ. Dù ta có lớn tuổi, có bề dày kinh nghiệm trong đời dâng hiến, nhưng nhiều lúc cũng không tránh khỏi nguội lạnh trong tâm hồn, đặc biệt khi sức khỏe đã yếu dần mà ngày nào cũng đọc kinh cầu nguyện, vì vậy nhiều lúc ta cố tìm dịp tránh né hay giảm bớt. Lúc này ta hãy kết hợp sự đau khổ của ta với cuộc khổ nạn của Chúa, chắc chắn Chúa sẽ bù đắp và thưởng công xứng đáng, Người sẽ ban cho ta nguồn an ủi, niềm vui dẫu tuổi đời đã xế, tóc đã bạc và da đã mồi.

Đối với đời sống tâm linh, cầu nguyện là hơi thở, không cầu nguyện, linh hồn ta như chết ngạt, ta sống trong Chúa bằng lời cầu nguyện như đứa trẻ trong lòng mẹ, mẹ và con cùng một hơi thở, cùng một nhịp đập con tim. Dẫu biết rằng, cuộc sống có nhiều khó khăn, nhiều vật cản làm ta xa Chúa, đời sống cầu nguyện lắm lúc khô khan, nhưng cũng chính nhờ cầu nguyện liên lỉ mà ta có được sức mạnh để vượt qua tất cả và luôn luôn làm trọn thánh ý Thiên Chúa. Cầu nguyện liên lỉ giúp ta kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, được Người cho cảm nếm niềm vui đích thực, niềm vui của đời thánh hiến. Cầu nguyện là một thách đố, nhưng cầu nguyện cũng là sự giải thoát. Vậy ta hãy kiên trì để tìm và gặp được Chúa trong cầu nguyện.

 

 

 

 

 

 

 

 

M. Phú Yên Vũ Thị Hồng Quyên

Tập sinh năm II