Thánh Bartôlômêô Tông đồ – 24.08

THÁNH BARTÔLÔMÊÔ TÔNG ĐỒ – 24.08


 

VƯỢT RA KHỎI NHỮNG THÀNH KIẾN

Cuốn tiểu thuyết “Giết con chim nhại”, tựa đề tiếng Anh là “To Kill a Mockingbird” của nữ văn sĩ người Mỹ Harper Lee được xuất bản vào năm 1960. Tác phẩm này đã giành được giải thưởng văn học Hoa Kỳ cho tác phẩm hư cấu năm 1961 và rất được sự ưa chuộng của độc giả khi được bán chạy nhất thế giới, với hơn mười triệu bản. Chim nhại là một loài chim sẻ sống ở các vùng châu Mỹ và châu Úc, có khả năng bắt chước rất giống tiếng kêu của các loài chim khác, các âm thanh của côn trùng và động vật lưỡng cư nên mới có tên là chim nhại. Loài chim này không bao giờ làm điều gì có hại cho ai mà nó chỉ mang lại niềm vui cho cuộc sống một cách âm thầm bằng tiếng hót của chúng.

Trong tác phẩm này của mình, nữ văn sĩ Harper Lee đã dùng hình ảnh loài chim nhại để tượng trưng cho nhân vật Boo Radley – một người đàn ông sống ẩn dật trong ngôi nhà của ông suốt nhiều năm mà không hề ra ngoài khi trời còn sáng nhưng lại có một tấm lòng tốt, rất yêu thương và hay giúp đỡ trẻ nhỏ. Lối sống dị biệt của ông Boo đã tạo nên cảm giác vừa sợ sệt, vừa tò mò và hứng thú cho ba đứa trẻ hàng xóm sống cạnh nhà của ông. Dựa trên những lời người lớn trong vùng bàn tán về lối sống khác thường của ông Boo, bọn trẻ này đã bổ sung vào trí tưởng tượng của chúng những suy nghĩ và hình ảnh không tốt về ông Boo, rằng ông ta phải lẩn trốn mọi người vì đã đâm vào chân cha đẻ của mình trong một cơn nóng giận, rằng ông ta thường lẻn ra khỏi nhà vào ban đêm để ăn thịt mèo và rình mò xung quanh nhà hàng xóm. Tuy nhiên, sau nhiều lần nhận được sự giúp đỡ âm thầm của ông Boo trong những sự cố bất ngờ, bọn trẻ và những người trong làng dần dần nhận ra rằng ông Boo là một người thích sống ẩn dật và vô cùng tốt bụng. Tác phẩm đã kết thúc rất đẹp với lời nhận định của nhân vật luật sư Atticus trong câu chuyện: “Có thể chúng ta chưa nhận ra được nhiều điều tốt đẹp nơi con người”.

Thành kiến là những suy nghĩ, quan điểm, hay niềm tin có tích chất tiêu cực và chủ quan của chúng ta đối với người này hoặc nhóm người nọ dựa trên lối sống, nghề nghiệp, tôn giáo hay quan điểm khác biệt của họ. Những thành kiến có thể được hình thành từ những điều mà chúng ta nghe người khác truyền miệng lại hoặc những điều được biết từ sách vở hay kinh nghiệm nào đó mà cá nhân đã trải qua. Theo phản ứng tự nhiên, khi nghe được những nhận định không tốt về ai đó hoặc vùng miền nào đó, chúng ta dễ cảm thấy mất thiện cảm với con người và những nơi chốn đó. Những thành kiến đó đã chi phối cảm xúc và hành động của chúng ta, khiến chúng ta đóng kín mình lại với người khác và không muốn lắng nghe, gặp gỡ và giúp đỡ người khác nữa.

Vượt qua những thành kiến chính là tạo cho mình cơ hội để khám phá ra những vẻ đẹp và sự thiện nơi người khác, đồng thời cũng để người khác nhận ra được những nét đẹp và điều tốt lành nơi mình. Thái độ tuyệt vời này được chúng ta gặp thấy nơi gương sáng của thánh Bartôlômêô tông đồ, vị thánh mà ngày hôm nay cùng với Giáo hội, chúng ta long trọng mừng lễ kính nhớ ngài.

Theo ghi nhận của các sách Tin mừng cũng như nghiên cứu của các học giả Thánh kinh và thần học gia, ông Bartôlômêô được các thánh sử Nhất lãm nhắc đến trong liên kết với tên gọi Philipphê ở danh sách Mười Hai Tông đồ của Chúa Giêsu và được thánh sử Gioan đề cập với tên gọi là Nathanael trong trình thuật ông Nathanael được ông Philipphê giới thiệu đến gặp Chúa Giêsu và đã trở thành tông đồ của Chúa (Ga 1, 45-51). Theo trình thuật đó, ông Bartôlômêô có một thành kiến rất sâu đậm đối với vùng Nadarét. Cho nên, khi ông Philípphê giới thiệu Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới là ông Giêsu, người Nadarét, ông Bartôlômêô đã phát biểu ngay: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?”. Dù vậy, ông Bartôlômêô vẫn vượt qua thành kiến đó mà tiến đến gặp Chúa Giêsu. Nơi cuộc gặp gỡ với Chúa, ông Bartôlômêô đã gặp không phải một con người tầm thường như ông vẫn nghĩ, mà là gặp gỡ được Con Thiên Chúa và Vua của dân Israel. Chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết vượt qua những thành kiến không tốt về con người và cuộc sống, để có thể mở lòng ra với mọi người và xây dựng được các mối tương quan tốt đẹp với tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con có thái độ mau mắn và chân thành tìm đến Chúa và anh chị em, để nhờ kinh nghiệm về tình yêu của Chúa dành cho mình và hiểu biết được vẻ đẹp của con người, chúng con sẽ xóa bỏ được mọi thành kiến đang ngăn cách mình với Chúa và tha nhân. Amen.

Kim Lan sưu tầm