Xoa dịu nỗi đau khổ

Xoa dịu nỗi đau khổ

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, tôi nhận thấy cuộc đời của Chúa Giêsu là một sự dung hoà tốt đẹp giữa đạo và đời. Thực vậy Ngài không phải chỉ hăng say rao giảng Phúc Âm, cứu rỗi phần hồn của chúng ta mà hơn thế nữa, bằng những hành động bác ái yêu thương, Ngài còn xoa dịu những nỗi đớn đau và thống khổ của chúng ta. Ngài đã đẩy lui cơn sốt cho bà mẹ vợ của Phêrô, Ngài đã chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền và dân chúng tuốn đến với Ngài thật đông đảo. Phải chăng đây cũng là điều chúng ta cần noi gương bắt chước và thực hiện trong cuộc sống của chúng ta, để nhờ đó bản thân chúng ta trở nên những chứng nhân sống động của Chúa và mọi người cũng nhờ đó mà nhận biết tình thương của Ngài.

Tại một trung tâm y tế thuộc mạn đông nam bang Carolina bên Hoa Kỳ, hình ảnh đầu tiên mà các bệnh nhân ghi nhận được, đó là nụ cười của cụ bà Florence. Từ 6 giờ sáng, bà cụ lái xe khoảng 10 cây số đến bệnh viện và ở lại đó 8 giờ trong một ngày và 7 ngày trong một tuần. Bà cụ có mặt bên cách bệnh nhân để chăm sóc họ và an ủi những thân nhân của họ. Còn những lúc rảnh rỗi, bà cụ lại cặm cụi đan những đôi vớ cho các bệnh nhân. Năm vừa qua, bà cụ đã đan được 395 đôi. Bà cụ không phải là một người có trình độ văn hoá cao, bởi vì lúc còn nhỏ, thân phụ bà cụ không muốn cho các con gái của mình được học hỏi nhiều. Lập gia đình, bà cụ có 7 người con và làm việc trong một tiệm thuốc tây. Tháng 4 năm 1983, sau một cuộc giải phẫu, bà cụ bắt đầu xuất hiện trong bệnh viện với chiếc nạng gỗ nhưng vẫn vui vẻ giúp đỡ mọi bệnh nhân. Trong năm 1988, với 365 ngày bà đã có mặt tại bệnh viện 2920 giờ. Bà nói: Năm nay tôi đã 92 tuổi, nếu được khoẻ mạnh thì tôi vẫn còn đến đây với nụ cười trên môi.

Từ câu chuyện trên chúng ta thấy nỗi đau khổ của bản thân sẽ được vơi nhẹ nếu chúng ta cố gắng xoa dịu nỗi khổ của người khác. Đúng thế, đau khổ không được chữa trị bằng sự chấp nhận đã đành, mà còn bằng những nghĩa cử chúng ta làm cho người khác. Bà cụ trong câu chuyện hẳn không phải là người không đau khổ. Tuổi già, bệnh tật, cô đơn, có ai mà lại thoát khỏi phần số đâu. Thế nhưng với nụ cười trên môi, với đôi chân khập khiễng bà cụ đã ra khỏi chính mình để đến với người khác. Ra khỏi chính mình đó là bước đầu tiên giúp chúng ta thắng vượt nỗi khổ đau riêng tư. Có ai sống mà lại không có khổ đau, không có thập giá, thế nhưng sức nặng của thập giá sẽ vơi nhẹ nếu như chúng ta biết ra khỏi chính mình để đến với tha nhân, giúp đỡ và xoa dịu nỗi khổ đau của người khác. Không ai quá nghèo để không thể cho đi. Một nụ cười cảm thông, một ánh mắt khích lệ, một bàn tay nâng đỡ, một chén cơm nhỏ bé được chia sẻ với tất cả tấm lòng yêu thương, phải chăng đó là những cái chúng ta có thể cho đi, phải chăng đó là những cái mà nhiều người đang mong đợi nơi chúng ta. Chính trong lúc cho đi như thế chúng ta cảm nghiệm được một niềm vui trong lành, vì cho đi thì vui sướng hơn là lãnh nhận và lời kinh hoà bình của thánh Phanxicô còn vang vọng như một câu kết luận: Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.