CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 10,35-45
Phục Vụ
Suy niệm:
Khi hai anh em Giacôbê và Gioan xin cho mình được địa vị nhất nhì trong vương quốc của Chúa. Đức Giêsu ngao ngán bảo các ông : Các anh không biết các anh xin gì. Các anh có uống được chén Thầy sắp uống và có chịu được phép rửa Thầy sẽ chịu không ? Ngụ ý Chúa hỏi các ông có chịu được khổ đau cả tinh thần và thể xác Chúa phải chịu không? Các ông thưa được. Nhưng có thể các ông cũng chẳng hiểu chén đắng và phép rửa Chúa phải uống phải chịu là gì ? Vì chỉ nghĩ đó là điều Chúa đòi để thỏa mãn điều các ông xin.
Nhưng Đức Giêsu nói thẳng ra: chén đắng và phép rửa các ông sẽ uống sẽ chịu, nhưng ngồi bên hữu và bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho. Thiên Chúa cho ai người ấy mới được.
Đức Giêsu lại thấy các anh em khác khó chịu với Giacôbê và Gioan nên Ngài họp tất cả lại và dạy: người đời thì người ta tranh giành địa vị và ai có địa vị cao thì hống hách với người thấp kém. Nhưng anh em không được làm như thế, mà trái lại ai muốn làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải hầu hạ kẻ khác.
Đức Giêsu nói về chính Ngài đến thế gian không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người. Bài học này cũng dạy chúng ta khi được trao trách nhiệm chung thì đừng nghĩ mình là xứng đáng. Càng đừng nghĩ rằng mình có quyền sai bảo người khác. Nhưng phải theo gương Chúa xử sự khiêm nhường, phục tùng và làm việc để mưu ích chung, chứ không để hống hách, chuyên quyền, sai khiến người khác.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Chúa đã dạy cho các môn đệ biết “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người”. Và như thế, điều kiện đi kèm theo lối hành xử này đòi buộc chúng con phải bỏ chính mình để sẵn sàng dấn thân cho một cuộc sống cao đẹp hơn. Chúa là Chúa, là Thầy mà tự hạ cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Xin cho chúng con biết theo gương Chúa mà tự hạ để phục vụ tha nhân. Giữa những bon chen thường ngày, xin cho chúng con biết thể hiện con tim yêu thương đồng loại, quan tâm đến những ai bé nhỏ nghèo hèn. Giữa những nghi kỵ ganh ghét, xin cho chúng con biết thể hiện lòng vị tha chân thành, để thấy rằng Chúa yêu thương chúng con vô bờ. Giữa những ích kỷ nhỏ nhoi, xin cho chúng con biết thể hiện lòng quảng đại vô vị lợi, vì biết rằng ơn Chúa luôn đủ cho chúng con
Lạy Chúa, Chúa tiến lên Giêrusalem nghĩa là tiến đến sự hiến tế. Ngang qua những nghịch cảnh, chúng con cũng được mời gọi đi vào cuộc thương khó với Chúa. Ước gì chúng con không làm ngơ trước những xuyến xao của Chúa, để chỉ biết lo đi tìm chỗ tốt nhất cho riêng mình. Chúng con tin rằng, với tình yêu, sự hy sinh và lòng quảng đại của chúng con sẽ mang lại nhiều hoa quả tốt đẹp cho thế giới này và cho cuộc đời của chúng con. Amen
Nguồn website GX Khiết Tâm
Sống Tinh Thần Khiêm Tốn
Suy niệm: Vì địa vị, quyền hành đã gây chia rẽ giữa các môn đệ. Ðiều đó cho thấy mục đích theo Chúa Giêsu của các môn đệ còn thấp kém. Chính vì thế, trước lời loan báo của Ðức Giêsu về cuộc khổ nạn, các ông vẫn không hiểu, dù Ngài đã nói đến lần thứ ba. Ðức Giêsu thì cương quyết lên Giêrusalem để chấp nhận khổ nạn, còn các môn đệ thì sợ hãi kinh hoàng. Ðức Giêsu nói rõ: Con đường của Ngài là con đường đau khổ, là chấp nhận chén đắng. Sự thanh tẩy tức là từ bỏ mình là chấp nhận khiêm tốn phục vụ như một đầy tớ của mọi người. Ðó là vinh quang đích thực của Ðức Giêsu và của những môn đệ Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ xưa đã không hiểu được con đường của Chúa. Chúng con hôm nay cũng không nhận ra giá trị của đau khổ. Trước khổ đau thử thách, chúng con vẫn than trách Chúa. Chúng con vẫn muốn địa vị, quyền cao chức trọng và muốn người khác kính nể, phục vụ mình. Xin dạy chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn của Chúa: biết dùng tất cả những ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, cụ thể nơi gia đình, xứ đạo của chúng con. Amen.
Ghi nhớ: “Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
ANH EM KHÔNG NHƯ THẾ
Suy niệm: Xem ra Nhóm Mười Hai, nhóm môn đệ nòng cốt, lại là những người có nhiều tham vọng về quyền lực. Sau khi Thầy Giêsu loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ hai, họ đã tranh cãi xem ai là người lớn nhất (Mc 9,33-34). Sau khi Thầy loan báo cuộc Khổ nạn lần thứ ba, họ vẫn bất hòa về chuyện ghế ngồi (Mc 10,35-41). Thầy Giêsu không dạy học trong lớp, với phấn và bảng. Thầy dạy từ những chuyện xảy ra hàng ngày trong nhóm. Thầy uốn nắn các môn đệ với một sự tinh tế lạ lùng và một sự kiên nhẫn đáng thán phục. Giacôbê và Gioan là hai môn đệ được Thầy ưu ái. Họ được thấy khuôn mặt Thầy sáng láng trên núi cao, và xao xuyến âu lo trong Vườn Dầu (Mc 9,2; 14,33). Có phải vì thế mà họ muốn vận động để xin Thầy những vị thế cao hơn anh em chăng? Chưa bao giờ Thầy trò đối thoại dài đến thế (Mc 10,35-40). Thầy Giêsu hẳn rất thất vọng vì câu hỏi của hai ông. Rõ ràng họ đang đắm mình trong một thế giới trần tục, mê mải với những mộng tưởng về vinh quang. Họ còn đứng ngoài, chưa vào được thế giới của Thầy. Tuy giận, nhưng Thầy vẫn điềm đạm khi hỏi: “Các anh muốn Thầy làm cho các anh điều gì?” vẫn rất tự chủ và bao dung khi trách: “Các anh không biết các anh xin gì?” Thầy không đáp lại lời xin ngồi hai bên tả hữu, Nhưng thầy lại đưa ra một thách đố cho hai ông: Các anh có dám uống chung một chén với Thầy, và chịu chung một phép rửa với Thầy không? Chén ấy là chén đắng của khổ nhục và cái chếtmà Thầy muốn tránh né ở Vườn Dầu (Mc 14,36). Chén ấy là chén máu Thầy trên bàn Tiệc Ly, khi Thầy trao cho các môn đệ cùng uống (Mc 14,23-24). Thầy Giêsu mời hai ông đi vào cuộc Khổ nạn của Thầy. Thầy mời họ chịu chung phép rửa Thầy sắp chịu. Cùng được dìm xuống nước với Thầy trong phép rửa mà lòng thầy khắc khoải chờ mong (Lc 12,50). Nếu không cùng Thầy uống chung chén đắng, và chịu chung phép rửa của cái chết với Thầy, thì họ không thể được hưởng niềm vui Phục sinh. Thầy giúp họ thông hiệp Mầu nhiệm Vượt Qua của Thầy, mầu nhiệm của khổ đau, cái chết và sống lại. Rồi họ sẽ đi vào con đường của Thầy, còn chuyện ghế ngồi tả hữu, họ không nên bận tâm.Thầy Giêsu chẳng những dạy Giacôbê và Gioan, Thầy còn dạy cho cả Nhóm Mười Hai cách lãnh đạo. Có cách lãnh đạo của các người làm lớn ngoài đời. Họ dùng uy, dùng quyền mà thống trị và cai quản dân. “Nhưng giữa anh em, thì không như vậy !” Có một kiểu lãnh đạo khác trong cộng đoàn tín hữu, lãnh đạo kiểu phục vụ cho anh em. Người làm lớn, làm đầu thì phải là đầy tớ cho mọi người. Như thế Thầy Giêsu đã cho ta thấy hình ảnh, của Hội thánh mà chúng ta cần xây dựng. Nơi đây trẻ em được đón tiếp, phụ nữ được tôn trọng. Nơi đây không có thèm muốn về quyền lực, chức tước, vì biết rằng đó chỉ là phương tiện để phục vụ. Nơi đây có những mục tử hiến mình cho đàn chiên. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tính đồng nghị. Ngài mời mọi thành phần dân Chúa cùng nhau lắng nghe, đối thoại, cầu nguyện và phân định,can đảm để nói, khiêm tốn để nghe, vượt qua thành kiến. Nhờ đó Hội Thánh có được sự hiệp nhất và niềm vui, lôi kéo được nhiều người đến gia nhập.
Lời nguyện: Lạy Thiên Chúa, nơi con có biết bao ước mơ, bao khát vọng mong chờ. Có những ước mơ đã thành hiện thực. Cũng có những ước mơ mãi chưa tròn. Nhưng dù được toại nguyện hay không, con vẫn luôn hy vọng nơi Chúa. Con biết rằng Chúa chẳng bao giờ để con một mình, và thế nào Chúa cũng vuông tròn những điều Chúa hứa. Ngay cả khi mọi chuyện có vẻ không đi theo đường của con, con tin chúng vẫn đi theo đường của Chúa, và rốt cuộc đường của Chúa là đường tốt nhất cho con. Lạy Chúa, xin củng cố niềm hy vọng nơi con, nhất là khi những ước mơ của con không thành hiện thực. Xin cho con đừng quên rằng Tên của Chúa là Tình Yêu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.