SÁM HỐI LÀ BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU
“Anh hãy theo tôi!”
—/—
Mùa Chay mời gọi người tín hữu sám hối và tin vào Tin Mừng để trở về với tình trạng tinh tuyền như khi được tạo dựng. Đó là, trở về trong mối tương quan với Chúa nơi vườn địa đàng; trở về trong tình liên đới với tha nhân, vì “con người ở một mình thì không tốt”; và trở về với con người thật của mình, chứ không phải con người phải “che đậy” sau khi sa ngã. Vì thế, lời mời gọi sám hối trong thứ Tư lễ Tro đã thực sự khởi đầu cho một cuộc “trở về”.
Người thu thuế Lêvi trong Tin Mừng được ví như người tội lỗi. Vào thời của Lêvi, những người thu thuế làm việc cho chính quyền Rôma, họ có quyền ấn định một mức thuế nào đó cho một vùng, họ được phép giữ lại bất kỳ một món nào lấy thêm được của dân, miễn sao cuối kỳ nộp đủ số tiền đã được ấn định cho cấp trên. Vì thế, người dân coi họ là hạng tội lỗi, cướp bóc và bị khinh miệt. Lêvi cũng thuộc hạng người này. Nhưng khi đi ngang qua ông, Chúa Giêsu đã không nói là “Tôi tha tội cho anh”, nhưng nói: “Anh hãy theo tôi”. Như thế, đỉnh cao của lòng sám hối không chỉ dừng lại ở mức độ hối cải tự thân, mà là tiếng mời gọi bước theo Đức Giêsu. Tuy nhiên, để bước theo Chúa thì “phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9: 23).
Vác thập giá theo Chúa, nhưng là vác đi đâu mới là vấn đề. Chúa Giêsu vác thập giá lên đồi Canvê, còn chúng ta vác thập giá của mình đi đâu? Lên Canvê cùng với Chúa hay đi về một nơi khác? Canvê thì chắc chắn phải ngã xuống ba lần như Chúa, phải bị lột áo, chịu đóng đinh và chết như Ngài. Nếu vác sang hướng khác thì không phải ngã xuống, không bị lột áo và không phải chết, nhưng nó còn là thánh giá nữa không, hay chỉ là khúc gỗ?
Trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, Phêrô và Giuđa là hai gương mặt tiêu biểu.
Với Giuđa, anh cũng bước theo Chúa, nhưng “thập giá” mà anh vác đã bị rẽ sang hướng khác. Thay vì cùng với Chúa lên đồi Canvê để cùng ngã xuống đất, cùng bị lột áo và cùng chịu đóng đinh, thì anh rẽ sang con đường “tham lam tiền của”, 30 đồng bạc đã làm mờ mắt anh, khiến anh lạc lối. Trước đó, trong bữa tiệc ly, Chúa đã cho anh cơ hội để rẽ trở lại, nhưng anh vẫn ngoan cố và không hối cải (x. Mt 26: 17-29). Giuđa đã không lên đồi Canvê với Chúa Giêsu, anh rẽ sang hướng khác. Thế nên “thập giá” mà anh vác là 30 đồng bạc và biến thành sợi dây thòng lọng siết chặt cổ anh cho tới chết (x. Mt 27: 3-10).
Phêrô thì sao? Ông chối Thầy tới ba lần (x. Mt 26: 69-74). Mỗi lần chối Thầy là mỗi lần Phêrô vác thập giá của mình theo hướng khác, không lên Canvê với Chúa. Thế nhưng, Phêrô đã hối cải và được Chúa Kitô Phục Sinh trao cho quyền làm thủ lãnh (x. Ga 21: 15-19). Quyền thủ lãnh của Phêrô được thiết lập bởi sự hối cải của ông: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21: 17). Với câu nói này, Phêrô như muốn khẳng định rằng: Thầy biết con yếu đuối, con vấp ngã, con rẽ hướng khỏi Canvê, nhưng con yêu mến Thầy bằng cả con người yếu đuối của con; trước đây con chối thầy, không lên Canvê với Thầy được, nhưng bây giờ, con sẽ lên Canvê với Thầy bằng cuộc sống chứng nhân Tin Mừng. Lời đoan hứa của Phêrô được cụ thể hoá bằng cái chết bị đóng đinh ngược sau này. Như thế, Phêrô đã sám hối để bước tiếp hành trình Canvê với Chúa: “Nhưng khi con già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt lưng cho con và dẫn con đến nơi con không muốn đến”. Chúa nói thế có ý ám chỉ Phêrô sẽ chết cách nào để làm sáng danh Thiên Chúa. Phán những lời ấy đoạn, Người bảo ông: “Con hãy theo Thầy” (Ga 21: 18-19).
Hai tên trộm đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, đứng trước cái chết, một tên vẫn thốt lên rằng: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23: 39), tên thứ hai nói rằng : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23: 42). Cả hai tên trộm đều phải vác thập giá lên đỉnh Canvê như Chúa Giêsu, nhưng tên trộm thứ nhất, thập giá vẫn chỉ là khúc gỗ với hình chữ thập, vì hắn không có sự hối cải, biến đổi, hắn không chấp nhận tội của mình, nên thập giá cũng không thể biến thành thánh giá. Còn tên trộm thứ hai, đứng trước cái chết, hắn đã hối cải và nhận thấy tội của mình, hắn nói rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm” (Lc 23: 41). Với lời thú tội của mình như thế, thập giá gỗ của hắn ta đã biến thành thập giá của lòng sám hối.
Như thế, thập giá mà Chúa mời gọi chúng ta vác mỗi ngày, phải được hiểu là sám hối mỗi ngày, là cây thập giá của sự sám hối. Không sám hối mỗi ngày thì thập giá chỉ là khúc gỗ không hơn không kém.
Lạy Chúa, con biết con yếu đuối và hay sa ngã. Xin Chúa cho con biết nhận ra lỗi lầm của mình, để nhờ đó con có thể “vác thập giá mỗi ngày lên đỉnh Canvê với Chúa”, để cùng chịu chết và được phục sinh vinh quang với Chúa. Amen.
Cao Nhất Huy