Người dân Việt Nam đã được đón nhận đức tin vào năm 1533, và trải qua hơn 400 năm chịu bách hại, đã khiến hơn một trăm ngàn tín hữu bị tử đạo, và trong hơn 1 trăm ngàn vị tử đạo đó, có 118 vị được tuyên phong hiển thánh, tất cả đều là thánh tử đạo: bị bá đao, bị xử giảo, bị phanh thây, bị trảm quyết… Nếu trong tương lai, Đấng Đáng Kính ĐHY. Px. Nguyễn Văn Thuận được tuyên phong Chân phước, thì ngài là thánh giám mục, thánh hiển tu đầu tiên, với con đường nên thánh, đó là sống niềm hy vọng: Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm trở thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: tại sao Giáo hội Việt Nam lại ít thánh hiển tu như vậy?
Câu trả lời thứ nhât, giống như Giáo đoàn Êphêsô, khi các Tông đồ đến hỏi: Anh em đã nhận được Thánh Thần chưa? Các tín hữu Êphêsô trả lời rằng: Đấng ấy là ai chúng tôi còn chưa biết, thì làm sao mà lãnh nhận! Người tín hữu Việt Nam cũng trả lời như vậy đó: nên thánh là điều xa xỉ đối với chúng tôi, chúng tôi chưa hề nghĩ đến. Ý niệm nên thánh, trở nên một vị thánh rất là xa vời. Trước khi trở nên một vị thánh, thánh Augustinô là người tội lỗi tày đình: theo lạc giáo, có con ngoài giá thú,… vậy mà, khi trở lại, ngài đã nói một câu thời danh: Ông kia bà nọ nên thánh, còn tôi, tại sao không? Trong khi đó, người tín hữu Việt Nam, mà ngay cả bản thân con nghiệm thấy cũng có điều đó, còn sống thánh thiện nửa vời! Vậy thì, nửa vời ở chỗ nào? Thưa, phạm tội chia trí khi đọc kinh dự lễ; giận hờn nhau từng chút một; nói hành nói xấu nhau; ghen ghét nhau, nhỏ nhặt… chỉ mấy tội nhỏ xíu đó thôi, cứ lẩn quẩn bấy nhiêu, thánh thiện nửa vời.
Câu trả lời thứ hai, các tín hữu Việt Nam sống riêng rẽ thì không sao, nhưng sống trong một cộng đoàn: trong một Giáo xứ, trong Chủng viện, trong dòng tu khó nên thánh lắm. Khó lắm, vì không giúp nhau nên thánh được. Câu chuyện, có lẽ là tưởng tượng thôi, nhưng rất đúng, và đúng lắm: người ta nhốt những con cua Nhật Bản trong một cái xô, một cái thùng mà không đậy nắp, thì các con cua đó đều trốn ra ngoài được hết. Lý do là vì, con cua này nằm ở dưới, con khác bò lên trên, con khác nữa bò lên trên,…v.v. và rồi cùng bám víu lấy nhau, kéo nhau ra bên ngoài, được giải thoát. Còn những con cua của Việt Nam thì khác, con này trèo lên được một chút, thì con khác kéo xuống; con kia leo lên một chút, con khác bám kéo xuống, rồi, chẳng con nào vượt ra khỏi cái xô, cái thùng. Cứ sống lè tè. Ai sao tôi vậy, ai làm bậy tôi làm theo.
Khi nhìn một đàn trâu đang đi dưới một con sông với nước chảy mạnh, có những con đi ngược dòng nước, rất vất vả, nhọc mệt, NHƯNG những con trâu này sẽ ngụm được những giọt nước trong, dòng nước mát; còn những con trâu không chịu ngược dòng nước, thì sẽ chịu cảnh uống nước đục, nước dơ mà thôi. Thật vậy, hành trình đời sống Kitô hữu chúng ta là một cuộc lội ngược dòng, để kín múc, để ngụm lấy những giọt nước trong lành. Ai lội xuôi dòng, buông bỏ đời mình, không cố gắng từng ngày thì sẽ chỉ uống nước dơ, nước bẩn, chỉ là một Kitô hữu bình thường, nhiều khi là tầm thường. Chỉ những ai can đảm sống vươn lên mỗi ngày, không nên thánh nửa vời, không bị lay động bởi người khác nói xì xầm về mình, Chúa biết là đủ rồi, luôn thực thi tám mối phúc thật – tám con đường nên thánh, thì mới được hợp đoàn với các thánh nam nữ mà chúng ta mừng trọng thể hôm nay.
Thánh Giêrađô đã nhất quyết phải làm thánh, khi từ giã người mẹ của mình để lên đường đi tu, theo các cha dòng Chúa Cứu Thế, ngài đã viết một mảnh giấy để lại rằng: Mẹ ở lại, con đi làm thánh! Xin các thánh nam nữ cầu bầu cùng Thiên Chúa, để chúng con mỗi ngày nên hoàn thiện hơn và luôn ghi nhớ: Sống thánh và làm thánh là bổn phận, là trách nhiệm của chúng con, như lời mời gọi của Chúa Giêsu: Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Amen
LM. JOS