Bài giảng Đức Thánh Cha – Chúa nhật XVII thường niên B

Header

BÀI GIẢNG ĐỨC THÁNH CHA – CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN NĂM B

avatarVăn Việt (tổng hợp)
26/07/2024
Đây là những bài giảng và huấn dụ của Đức Thánh Cha trong các thánh lễ và các buổi đọc kinh Truyền tin với các tín hữu vào Chúa nhật 17 Thường Niên năm B.
Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (25.07.2021) – Nhìn thấy, chia sẻ, gìn giữ

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (25.07.2021) – Logic của sự nhỏ bé và sự cho đi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (29.07.2018) – Không dửng dưng trước tiếng kêu đói của dân chúng

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (26.07.2015) – Luận lý trao ban và chia sẻ

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (29.07.2012) – Thiên Chúa hóa ra nhiều từng cử chỉ yêu thương bé nhỏ

Đức Phanxicô, Bài giảng Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (25.07.2021) – Nhìn thấy, chia sẻ, gìn giữ

Anh chị em thân mến,

Khi ngồi xuống giảng dạy, Chúa Giêsu “ngước mắt lên và nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Philipphê: ‘Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?’” (Ga 6: 5). Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy cho đám đông; Ngài rất lưu tâm đến cái đói hiện hữu trong cuộc sống của họ. Để đáp ứng, Ngài cho họ ăn với năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá của một em bé gần đó cung cấp. Sau đó, vì bánh còn thừa, Ngài bảo các môn đệ thu lại các miếng bánh thừa, “kẻo phí đi” (câu 12).

Vào Ngày dành cho ông bà và người cao tuổi hôm nay, chúng ta hãy suy gẫm về ba thời khắc: Chúa Giêsu thấy đám đông đói; Chúa Giêsu bẻ bánh; Chúa Giêsu yêu cầu thu lại các miếng thức ăn thừa. Ba thời khắc có thể được tóm gọn trong ba động từ: nhìn thấy, chia sẻ, gìn giữ.

Cái nhìn của Chúa Giêsu

Trước hết là nhìn thấy. Trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều được Thánh Gioan bắt đầu với việc Chúa Giêsu nhìn lên và thấy đám đông đói khát sau khi đã đi theo Chúa. Phép lạ bắt đầu với cái nhìn của Chúa Giêsu. Người không thờ ơ, cũng không quá bận rộn để cảm nhận được cơn đói của một nhân loại mệt mỏi. Chúa Giêsu quan tâm đến chúng ta; Người quan tâm đến chúng ta; Người muốn thỏa mãn cơn đói khát cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc của chúng ta. Trong đôi mắt của Người, chúng ta thấy cách nhìn của chính Thiên Chúa. Người nhìn cách quan tâm; Người nhạy cảm với chúng ta và với những hy vọng mà chúng ta mang trong lòng. Người nhận ra sự mệt mỏi của chúng ta và hy vọng giúp chúng ta tiếp tục. Người hiểu được nhu cầu của mỗi người. Vì trong mắt Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, chỉ có những cá nhân với cơn đói và cơn khát của riêng họ. Cái nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn chiêm niệm. Người nhìn vào cuộc sống của chúng ta, Người thấy và hiểu.

Cái nhìn của ông bà và người cao tuổi dành cho chúng ta

Các ông bà nội ngoại và những người cao tuổi của chúng ta đã nhìn cuộc sống của chúng ta bằng chính ánh mắt đó. Đó là cách họ quan tâm đến chúng ta, kể từ khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Bất chấp cuộc sống vất vả và hy sinh, họ không bao giờ quá bận rộn đến nỗi không có thời giờ cho chúng ta, hay thờ ơ với chúng ta. Họ nhìn chúng ta với sự quan tâm và yêu thương dịu dàng. Khi chúng ta lớn lên và cảm thấy bị hiểu lầm hoặc sợ hãi về những thử thách trong cuộc sống, họ để mắt đến chúng ta; họ biết chúng ta đang cảm thấy gì, những giọt nước mắt ẩn giấu và những ước mơ thầm kín của chúng ta. Họ ôm chúng ta vào lòng và đặt chúng ta trên gối của họ. Tình yêu đó đã giúp chúng ta trưởng thành.

Con cháu đối với ông bà

Còn chúng ta thì sao? Chúng ta thấy ông bà và những người cao tuổi của chúng ta như thế nào? Lần cuối cùng chúng ta đến thăm hoặc gọi điện thoại cho một người cao tuổi để thể hiện sự gần gũi của chúng ta và được lãnh nhận điều tốt từ những điều họ nói với chúng ta là khi nào?” Đức Thánh Cha chia sẻ: “Tôi lo lắng khi nhìn thấy một xã hội toàn những con người chuyển động liên tục, quá bị cuốn hút vào những công việc của riêng họ và không có thời gian cho một cái nhìn lướt qua, cho một lời chào hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn có thể tìm kiếm và nhận biết nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã nuôi dưỡng sự sống của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và tình yêu của chúng ta; họ mong mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên và thấy họ, ngay cả như Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta.

Cậu bé chia sẻ bánh và cá

Tiếp đến là hành động chia sẻ. Chúa Giêsu nhìn thấy đám đông đói khát và đã cho họ ăn. Tuy nhiên điều này chỉ có thể thực hiện được là nhờ một cậu bé đã chia sẻ năm chiếc bánh và hai con cá. Ngài nhấn mạnh rằng: ở trung tâm của phép lạ hóa bánh cho năm ngàn người ăn chính là sự sẵn lòng chia sẻ những gì mình có của cậu bé đó.

Chia sẻ giao ước cuộc sống giữa người già và người trẻ

Ngày nay, chúng ta cần một giao ước mới giữa người trẻ và người già. Chúng ta cần chia sẻ kho báu của cuộc sống, cùng nhau ước mơ, vượt qua xung đột giữa các thế hệ và chuẩn bị một tương lai cho tất cả mọi người. Nếu không có sự chia sẻ giao ước về cuộc sống như thế, nếu không có chia sẻ ước mơ và tương lai, chúng ta có nguy cơ chết vì đói, khi các mối quan hệ tan vỡ, vì sự cô đơn, ích kỷ và sức mạnh của sự tan rã ngày càng gia tăng. Trong xã hội của chúng ta, chúng ta thường đầu hàng trước quan niệm “mỗi người vì chính mình”. Nhưng điều này đưa đến sự chết! Tin Mừng khuyến khích chúng ta chia sẻ những gì chúng ta đang có và những gì chúng ta sở hữu, vì chỉ bằng cách này, chúng ta mới được no thỏa. Tôi thường nhắc đến những lời của ngôn sứ Giôen về việc người trẻ và người già đến với nhau (Ge 3, 1). Những người trẻ tuổi, như những ngôn sứ của tương lai, những người trân trọng lịch sử của chính họ. Người già, những người tiếp tục ước mơ và chia sẻ kinh nghiệm của họ với người trẻ, mà không cản trở họ. Trẻ và già, kho tàng của truyền thống và sự tươi mới của Thánh Linh. Trẻ và già cùng nhau. Cùng bênh nhau, trong xã hội và trong Giáo hội.

Thu gom và gìn giữ những mảnh vụn

Cuối cùng là hành động bảo tồn, gìn giữ. Chúa Giêsu đã yêu cầu các môn đệ thu lại những mảnh bánh vụn để không bị phí đi. Điều này cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa: Người không chỉ ban cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta cần, mà Người còn quan tâm đến việc không để điều gì bị hư mất, dù chỉ là một mẩu bánh vụn. Một mẩu bánh mì có vẻ là một thứ nhỏ nhặt, nhưng trong mắt Thiên Chúa, không có thứ gì là để vứt bỏ. Thậm chí hơn thế nữa, không có người nào bị loại bỏ. Chúng ta cần làm cho lời kêu gọi ngôn sứ này được nghe giữa chúng ta và trong thế giới của chúng ta: thu thập, giữ gìn cẩn thận, bảo vệ. Ông bà và người già không phải là đồ thừa của cuộc sống, không phải là đồ vụn vặt bỏ đi. Họ là những mẩu bánh quý giá còn sót lại trên chiếc bàn cuộc sống và vẫn có thể nuôi dưỡng chúng ta bằng một hương thơm mà chúng ta đã đánh mất, “hương thơm của ký ức”.

Người già đã bảo vệ người trẻ; giờ đây bảo vệ người già là trách nhiệm của người trẻ

Chúng ta đừng đánh mất ký ức được những người già gìn giữ, bởi vì chúng ta là những đứa trẻ của lịch sử đó, và nếu không có gốc rễ, chúng ta sẽ khô héo. Họ bảo vệ chúng ta khi chúng ta lớn lên, và bây giờ, trách nhiệm của chúng ta là bảo vệ sự sống của họ, giảm bớt khó khăn của họ, quan tâm đến nhu cầu của họ và đảm bảo rằng, họ được giúp đỡ trong cuộc sống hàng ngày và không cảm thấy cô đơn”. Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tự hỏi: ‘Tôi đã đến thăm ông bà, những người thân lớn tuổi của tôi, những người lớn tuổi trong khu phố của tôi chưa? Tôi đã lắng nghe họ chưa? Tôi đã dành thời gian cho họ chưa?’ Và ngài kêu gọi: “Chúng ta hãy bảo vệ họ, để không có gì trong cuộc sống và ước mơ của họ có thể bị mất. Mong rằng chúng ta không bao giờ hối tiếc rằng, chúng ta đã thiếu quan tâm đến những người yêu thương chúng ta và đã cho chúng ta sự sống.

Các ông bà và những người cao tuổi là tấm bánh nuôi sống chúng ta

Anh chị em thân mến, các ông bà và những người cao tuổi là tấm bánh nuôi sống chúng ta. Chúng ta biết ơn những đôi mắt quan sát của họ đã quan tâm đến chúng ta, những cánh tay đã ẵm bồng chúng ta và những đầu gối mà chúng ta đã ngồi trên đó. Vì những đôi bàn tay đã nâng đỡ chúng ta và nâng chúng ta lên, vì những trò chơi mà họ đã chơi với chúng ta và vì sự an ủi khi họ vuốt ve xoa dịu chúng ta. Chúng ta đừng quên họ. Chúng ta hãy cam kết với họ. Chúng ta hãy học cách tiếp cận, lắng nghe họ và không bao giờ loại bỏ họ. Chúng ta hãy trân trọng và dành thời gian cho họ. Chúng ta sẽ trở thành người tốt hơn nhờ những điều này. Và, cùng nhau, người già và người trẻ, chúng ta sẽ tìm thấy sự no đầy trong bàn tiệc của sự chia sẻ, được Thiên Chúa chúc phúc.

Nguồn: vaticannews.va/vi/

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (25.07.2021) – Logic của sự nhỏ bé và sự cho đi

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài Tin Mừng trong phụng vụ Chúa Nhật hôm nay thuật lại phép lạ nổi tiếng về việc hóa bánh và cá ra nhiều, trong đó, Chúa Giêsu cho khoảng năm ngàn người đến nghe Người ăn no đầy (Ga 6,1-15). Thật là thú vị khi thấy phép lạ này diễn ra như thế nào: Chúa Giêsu không tạo ra bánh và cá từ con số không, nhưng Chúa làm từ những gì các môn đệ mang đến cho Người. Một người trong số họ nói: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (câu 9). Nó ít ỏi, nó không là gì, nhưng nó đủ cho Chúa Giêsu.

Chúa có thể làm được rất nhiều từ những thứ ít ỏi chúng ta sẵn lòng dâng cho Người

Bây giờ chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của cậu bé đó. Các môn đệ yêu cầu cậu chia sẻ mọi thứ cậu có để ăn. Đó dường như là một đề xuất không hợp lý. Tại sao lại lấy đi những gì một người, thực tế là một đứa trẻ, đã mang theo từ nhà và có quyền giữ cho riêng mình? Tại sao lại lấy của một người những thứ không đủ để nuôi tất cả mọi người? Về mặt con người, nó là phi logic, là vô lý. Nhưng đối với Chúa thì không. Ngược lại, nhờ món quà nhỏ bé được sẵn lòng cho đi, và do đó, là một món quà anh hùng, Chúa Giêsu có thể nuôi sống mọi người. Đây là một bài học quan trọng cho chúng ta. Nó cho chúng ta biết rằng: Chúa có thể làm được rất nhiều điều với những thứ ít ỏi mà chúng ta sẵn lòng đưa ra theo ý của Người. Sẽ rất tốt nếu mỗi ngày bạn tự hỏi: “Hôm nay tôi mang gì đến cho Chúa Giêsu?”. Người có thể làm được nhiều điều bằng một trong những lời cầu nguyện của chúng ta, bằng một cử chỉ bác ái đối với người khác, ngay cả bằng một trong những đau khổ của chúng ta phó thác cho lòng thương xót của Người. Đây là cách Thiên Chúa thích làm: Người làm những điều lớn lao, bắt đầu từ những việc nhỏ, được sẵn lòng trao tặng.

Luận lý của sự nhỏ bé và cho đi

Tất cả các nhân vật vĩ đại của Kinh Thánh – từ Abraham, đến Đức Mẹ Maria, cho đến cậu bé hôm nay – đều cho thấy logic, luận lý của sự nhỏ bé và cho đi. Logic của việc cho đi rất khác so với logic của chúng ta. Chúng ta cố gắng tích lũy và gia tăng những gì chúng ta có, nhưng Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta cho đi, giảm bớt đi. Chúng ta thích thêm, thích được thêm; Chúa Giêsu thích trừ bớt, lấy đi một thứ gì đó để cho người khác. Chúng ta muốn nhân lên cho chính mình; Chúa Giêsu đánh giá cao điều đó khi chúng ta chia sẻ với người khác, khi chúng ta chia sẻ. Điều thú vị là trong các trình thuật về việc hóa bánh trong các sách Phúc âm, động từ “nhân lên” không bao giờ xuất hiện. Ngược lại, các động từ được sử dụng có nghĩa ngược lại: “bẻ ra”, “cho”, “phân phát” (câu 11; Mt 14, 19; Mc 6, 41; Lc 9, 16). Chúa Giêsu nói, phép lạ thực sự không phải là sự nhân lên, tạo ra sự hư không và quyền lực, nhưng là sự chia sẻ làm tăng tình yêu thương và để Thiên Chúa thực hiện những điều kỳ diệu.

Chúa mời gọi hãy cho những gì ít ỏi bạn có

Ngày nay cũng vậy, sự gia tăng hàng hóa không thể giải quyết vấn đề nếu không có sự chia sẻ công bằng. Bi kịch của nạn đói xuất hiện trong tâm trí, đặc biệt là ảnh hưởng đến những trẻ nhỏ. Người ta tính rằng: mỗi ngày trên thế giới có khoảng bảy ngàn trẻ em dưới 5 tuổi chết do suy dinh dưỡng. Trước những bi kịch như thế này, Chúa Giêsu cũng ngỏ lời mời gọi chúng ta, một lời mời tương tự như lời mời mà cậu bé có lẽ đã nhận được trong Phúc Âm, người không có tên và là người mà trong đó tất cả chúng ta có thể nhìn thấy chính mình: “Hãy can đảm, hãy cho những gì ít ỏi bạn có, tài năng và của cải của bạn, hãy tặng cho Chúa Giêsu và cho anh chị em của bạn. Đừng sợ, không có gì sẽ bị mất cả, vì nếu bạn chia sẻ, Chúa sẽ nhân lên gấp bội. Hãy bỏ đi sự khiêm tốn giả tạo khi cảm thấy mình không xứng, hãy tin tưởng vào bản thân. Hãy tin vào tình yêu, vào sức mạnh của sự phục vụ, vào sức mạnh của sự nhưng không”.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, người đã thưa “vâng” trước lời đề nghị bất ngờ của Thiên Chúa, giúp chúng ta mở lòng đón nhận những lời mời gọi của Chúa và với nhu cầu của người khác.

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (29.07.2018) – Không dửng dưng trước tiếng kêu đói của dân chúng

Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay (Ga, 6 1-15) thuật lại câu chuyện hóa bánh và cá ra nhiều. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Chúng ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” (c.5). Thực vậy, số tiền mà Chúa và các tông đồ có không đủ để nuôi đám đông đó. Và rồi thánh Anrê, một người trong số Mười hai dẫn đến với Chúa Giêsu một cậu bé với tất cả những gì mà cậu có, đó là năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá; nhưng ông Anrê chắc chắn rằng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người (c.9). Tuy nhiên Chúa Giêsu ra lệnh cho các môn đệ bảo mọi người ngồi xuống, rồi Chúa Giêsu cầm lấy bánh và cá và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn (c.11), và tất cả mọi người được ăn no thỏa.

Với trang Tin Mừng này, phụng vụ dẫn chúng quay trở lại Chúa nhật tuần trước, Tin Mừng của thánh Marcô với ánh mắt của Chúa Giêsu, thấy dân chúng thật đông, Chúa Giêsu động lòng thương (Mc 6,34).

Chúa Giêsu quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người

Hôm nay một lần nữa thánh Gioan cho chúng ta thấy Chúa Giêsu quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Sự kiện xuất phát từ một thực tế cụ thể: dân chúng đang đói và Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải bận tâm đến vấn đề này của Ngài để cơn đói của dân chúng được thỏa mãn. Đối với đám đông, Chúa Giêsu trao ban một cách nhưng không, không có giới hạn. Ngài đã trao ban Lời của Ngài, sự au ủi, ơn cứu độ, và cuối cùng là sự sống của Ngài; nhưng một điều chắc chắn là Ngài quan tâm đến lương thực của thân xác. Và chúng ta, các môn đệ của Ngài, chúng ta không thể dửng dưng, xem như không có gì xãy ra. Chỉ cần lắng nghe những nhu cầu đơn giản nhất của dân chúng và ở gần bên những hoàn cảnh cụ thể của họ chúng ta sẽ có thể được lắng nghe khi chúng ta nói về những giá trị cao cả

Dấn thân quảng đại của tình liên đời hướng đến người nghèo

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại đang đói bánh ăn, đói tự do, công bằng, hòa bình, và trên hết đói ân sủng Thiên Chúa, không bao giờ dừng lại. Ngày hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục nuôi dân người, hiện diện sống động và an ủi dân chúng. Ngài thực hiện điều này qua chúng ta. Bởi vậy Tin Mừng mời gọi chúng ta sẵn sàng và nhiệt thành. Đứng trước mọi hình thức của tiếng kêu đói, của biết bao nhiêu anh chị em ở khắp nơi trên thế giới, chúng ta không thể là những khán giả xa cách và thản nhiên. Lời công bố của Chúa Kitô, bánh của sự sống đời đời, đòi hỏi một sụ dấn thân quảng đại của tình liên đời hướng đến người nghèo, người yếu đuối, người rốt hết, người không có khả năng tự vệ. Hành động gần gũi và bác ái này là sự minh xác tốt nhất về phẩm chất đức tin của chúng ta, ở tầm mức cá nhân và cộng đoàn.

Tài nguyên của nhân loại không được bỏ phí

Vào cuối bài tường thuật, Thánh Sử cho biết khi tất cả đã no nê, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi” (c.12). Những lời này chỉ cho thấy Chúa Giêsu quan tâm đến những người đang bị đói, Ngài lo lắng chăm sóc cả đến những mẫu bánh nhỏ không bị mất đi, bị bỏ phí, bởi vì chính những mẫu bánh này Ngài đã nuôi dân chúng.

Noi gương Chúa Giêsu, toàn thể nhân loại được mời gọi làm như Ngài, các tài nguyên có trên thế giới không bị bỏ phí, chúng không thể được dành riêng cho những mục đích tự hủy diệt của con người, nhưng để phục vụ cho mục đích chính đáng và sự phát triển hợp pháp của nó.

Chúng ta cùng cầu xin Đức Trinh nữ Maria để các chương trình dành cho sự phát triển, lương thực, tình liên đới được chiếm ưu thế chứ không phải là các chương trình của hận thù, vũ trang và chiến tranh thắng thế

Nguồn: vaticannews.va/vi

Đức Phanxicô, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (26.07.2015) – Luận lý trao ban và chia sẻ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (Ga 6,1-15) đề cập đến dấu chỉ vĩ đại của việc hóa bánh ra nhiều, theo trình thuật của tác giả Gioan. Đức Giêsu đang ở biển hồ Galilê và một đám rất đông người đang bao quanh Ngài “vì đã chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm” (c.2). Nơi Ngài năng lực thương xót của Thiên Chúa được tỏ lộ để chữa lành mọi bệnh tật phần xác cũng như phần hồn. Nhưng Đức Giêsu không chỉ đơn thuần là Đấng chữa lành, nhưng còn là một bậc thầy. Từ điểm này, Đức Giêsu biết rõ Ngài cần làm gì để thử thách các môn đệ. Cần phải làm gì để làm no thỏa tất cả bằng ấy người? Phi-líp-phê, một người trong Nhóm Mười Hai, đã làm tính rất nhanh: làm một cuộc lạc quyên thì có thể thu được tối đa là 200 bạc để mua bánh, tuy nhiên từng ấy là không đủ để làm cho năm ngàn người ăn no.

Các môn đệ lập luận theo ngôn ngữ của “thị trường”, nhưng Đức Giêsu đã thay thế luận lý của mua sắm bằng một luận lý khác, luận lý của trao ban. Và vì thế, An-rê, một người khác trong nhóm Mười Hai, anh em của Si-môn Phê rô, đã giới thiệu một em bé vốn đóng góp tất cả những gì mình có: năm chiếc bánh và hai con cá; nhưng chắc chắn là – như An-rê nói – chẳng thấm vào đâu so với ngần ấy người (c.9). Nhưng Đức Giêsu chỉ chờ có thế. Truyền lệnh cho các môn đệ bảo dân chúng ngồi xuống, và Ngài cầm lấy bánh và cá, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha và rồi phân phát cho những người ngồi đó (c.11). Những cử chỉ này tiên báo trước về những cử chỉ trong Bữa Tiệc Ly, vốn sẽ mang lại ý nghĩa đích thực nhất cho tấm bánh của Đức Giêsu. Tấm bánh của Thiên Chúa chính là thân mình Đức Giêsu. Hiệp lễ với Đức Giêsu, chúng ta lãnh nhận sự sống của Ngài vào trong ta và trở nên con cái của Cha trên trời và làm anh em với nhau. Lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta gặp gỡ nhau trong Đức Ki tô đích thực đã sống lại và hằng sống. Tham dự Thánh Lễ có nghĩa là bước vào trong luận lý của Đức Giêsu, luận lý của sự cho không, của sự chia sẻ. Và mặc cho chúng ta có nghèo đi nữa, tất cả chúng ta vẫn có thể cho đi một điều gì đấy. Hiệp lễ cũng có nghĩa là kín múc từ Đức Kitô ân sủng khiến chúng ta có thể chia sẻ với người khác điều mà chúng ta là và điều mà chúng ta có.

Đám đông bị đánh động bởi sự tuyệt vời của việc hóa bánh ra nhiều; nhưng món quà mà Đức Giêsu trao ban cho họ lại là sự sống sung mãn cho những ai đói ăn. Đức Giêsu không chỉ làm no thỏa cơn đói vật chất, nhưng còn thỏa mãn sự đói khát về chiều sâu, sự đói khát về ý nghĩa của cuộc sống, đói khát chính Thiên Chúa. Đối diện với các nỗi đau khổ, với sự cô đơn, với sự nghèo khó và ngay cả những khó khăn của biết bao người, chúng ta có thể làm gì đây? Than phiền không giải quyết được gì, nhưng chúng ta có thể dâng hiến những điều ít ỏi mà chúng ta có được, như em bé trong bài Tin Mừng. Ắt hẳn chúng ta có một vài tiếng đồng hồ, một chút tài năng, một vài năng lực nào đấy…Ai trong chúng ta mà lại chẳng có “năm chiếc bánh và hai con cá” của mình? Tất cả chúng ta đều có!

Nếu chúng ta sẵn sàng trao những gì mình có vào tay của Thiên Chúa thì như thế đã là đủ bởi vì trong thế giới sẽ có thêm một chút tình thương, an bình, công lý, và trên hết là niềm vui. Điều cần thiết là niềm vui trong thế giới! Thiên Chúa đủ khả năng để nhân lên những cử chỉ bé nhỏ của sự liên đới của chúng ta, và việc chúng ta dấn thân tham dự vào quà tặng của Ngài.

Lời cầu nguyện của chúng ta sẽ phù trợ bổn phận chung này bởi vì chẳng ai phải bao giờ thiếu thốn Bánh bởi trời vốn ban sự sống vĩnh cữu và tính thiết yếu của một cuộc sống có phẩm giá. Cũng nhờ Bánh Bởi trời, người ta sẽ góp phần phổ biến luận lý của sự chia sẻ và của tình yêu. Đức Trinh Nữ Maria đồng hành cùng chúng ta nhờ sự chuyển cầu từ mẫu.

Nguồn: archivioradiovaticana.va

Đức Bênêđictô XVI, Huấn dụ Chúa nhật 17 Thường Niên năm B (29.07.2012) – Thiên Chúa hóa ra nhiều từng cử chỉ yêu thương bé nhỏ

Anh chị em thân mến,

Chúa Nhật tuần này chúng ta bắt đầu bằng việc đọc Chương sáu Tin Mừng Thánh Gioan. Chương này mở đầu bằng trình thuật hóa bánh ra nhiều, mà sau này Chúa Giêsu nhắc tới trong Hội đường Capernaum, khi Người cho cho biết chính Người là “bánh” ban sự sống. Các hành động do Chúa Giêsu làm song song với các hành động trong Bữa Tiệc Ly: “Người cấm lấy bánh, và sau khi dâng lời tạ ơn, Người phân phát cho những người ngồi đó” (Ga 6,11). Việc nhấn mạnh trên đề tài “bánh”, được chia sẻ, và việc tạ ơn trong tiếng hy lạp là “eucharistesas” (c. 11), gợi lại bí tích Thánh Thể, Hy tế của Chúa Kitô cho ơn cứu độ của thế giới.

Thánh sử nhận xét rằng lễ Vượt Qua tới gần (c.4). Cái nhìn hướng tới Thập Giá, sự hiến dâng hoàn toàn vì tình yêu và hướng tới Thánh Thể, kéo dài luôn mãi sự hiến dâng: Chúa Kitô trở thành bánh sự sống cho con người. Thánh Agustino chú giải như sau: “Ai là bánh của trời, nếu không phải là Chúa Kitô? Nhưng để con người có thể ăn bánh của các thiên thần, Chúa của các thiên thần đã làm người. Nếu đã không làm như thế, thì chúng ta sẽ không có thân xác Người; mà không có thân xác Người, chúng ta sẽ không được ăn bánh của bàn thờ” (Sermone 130,2). Thánh Thể là cuộc gặp gỡ lớn lao thường xuyên của con người với Thiên Chúa, trong đó Chúa trở thành của ăn cho chúng ta, trao ban chính Người cho chúng ta để biến đổi chúng ta trong Người.

Trong cảnh hóa bánh ra nhiều sự hiện diện của một chú bé được ghi nhận. Trước nỗi khó khăn phải nuôi biết bao nhiêu người, chú bé ấy góp chút lương thực mình có, là năm cái bánh và hai con cá (Ga 6,8). Phép lạ không xảy ra từ nhưng không, mà từ một sự chia sẻ khiêm tốn đầu tiên của điều mà một chú bé đơn sơ đã có bên mình. Chúa Giêsu không xin chúng ta điều chúng ta không có, nhưng Ngài cho chúng ta thấy rằng nếu mỗi người cống hiến cái ít ỏi mình có, thì phép lạ mới luôn có thể xảy ra: Thiên Chúa có khả năng nhân lên nhiều mỗi một cử chỉ yêu thương nhỏ nhặt của chúng ta, và khiến cho chúng ta trở thành những người chia sẻ ơn của Người.

Đám đông bị đánh động bởi phép lạ: họ trông thấy nơi Đức Giêsu ông Môshê mới, xứng đáng quyền năng, và họ trông thấy trong bánh manna mới tương lai được bảo đảm, nhưng họ chỉ dừng lại nơi yếu tố vật chất, và Chúa “biết rằng họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Chúa Giêsu không phải là một vị vua trần gian thực thi sự thống trị, mà là một vì vua phục vụ, cúi xuống trên con người để không chỉ thỏa mãn cái đói vật chất, mà nhất là phục vụ cái đói sâu xa hơn: cái đói Thiên Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy xin Chúa làm cho chúng ta khám phá ra tầm quan trọng nuôi dưỡng chính mình bằng mình Chúa Kitô, bằng cách trung thành tham dự Thánh Thể với ý thức lớn lao, để luôn ngày càng kết hiếp mật thiết hơn với Người. Thât thế “không phải thực phẩm thánh thể biến đổi trong chúng ta, mà chính chúng ta là những người đến với thực phẩm thánh thể được đổi thay một cách nhiệm mầu. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta bằng cách kết hiệp chúng ta với Người; Người lôi kéo chúng ta vào trong Người” (Tông huấn Sacramentum caritatis, 70). Đồng thời, chúng ta muốn cầu nguyện để đừng có ai thiếu bánh ăn cần thiết cho một cuộc sống xứng đáng, và để cho các bất bình đẳng được dẹp bỏ không phải bằng vũ khí của bạo lực, nhưng bằng sự chia sẻ và tình yêu.

Chúng ta hãy tín thác nơi Đức Trinh Nữ Maria, trong khi khẩn nài sự che chở hiền mẫu của Mẹ trên chúng ta và các người thân của chúng ta.

Nguồn: archivioradiovaticana.va