BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG
THỨ SÁU 16.7.2021
Ông Bà Anh Chị Em thân mến!
Một ngày mới lại bắt đầu với biết bao hy vọng: hy vọng dịch Covid mau qua đi để mọi thứ được trở lại như bình thường; hy vọng mọi người có được sự bình an, có đầy đủ sức khỏe; hy vọng người nghèo có được cơm no áo ấm, được chăm sóc xứng đáng; hy vọng tất cả chúng ta mau chóng được gặp gỡ để cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau ca tụng Chúa, cùng nhau nói chuyện, cùng nhau làm việc; hy vọng đức tin, đức cậy, đức mến của chúng ta không bị chao đảo, không bị lung lạc khi đứng trước bối cảnh bi đát này…. Hy vọng, hy vọng và luôn hy vọng. Nguyện xin Chúa nhân từ và quảng đại sẽ làm cho chúng ta được no thỏa những hy vọng ấy.
Hôm nay là ngày thứ sáu. Chúng ta cùng nhau tôn thờ trái tim bị đâm thâu của Chúa. Hy vọng: khi đọc và suy gẫm Lời của Ngài, chúng ta sẽ cảm nhận được lòng thương xót của Chúa đang tuôn đổ xuống trên từng người chúng ta từ chính trái tim bị đâm thâu ấy.
Tin Mừng: Mt 12, 1-8
Khi ấy, vào ngày sabát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ đói bụng? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng: ngày sabát, các tư tế trong Đền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”
“THÍCH CHỈ TRÍCH”
1. Trong bài Tin Mừng, những người Pharisêu chỉ trích các môn đệ vi phạm luật ngày Sabát, khi đã bứt lúa để ăn trong lúc đói. Ngụ ý thâm sâu, họ cũng đang chỉ trích chính Đức Giêsu: Thầy sao thì đệ tử vậy. Thầy không giữ luật Sabat, thì trò cũng thế thôi.
2. Sở dĩ, những người Pharisêu có những lời chỉ trích đó, là vì họ chỉ đứng trên lập trường chủ quan của mình để phán xét, chứ họ không đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Chính vì thế, họ không thể thấy được tình trạng của người khác đang bi đát như thế nào; không thể biết được người khác đang cần gì, đang có nhu cầu ra sao; không thể nhận ra được người khác đang vất vả, đang khổ, đang đói. Những người Pharisêu chỉ xem việc bảo vệ và giữ luật nghiêm ngặt là trên hết. Hay nói cách khác, họ cho rằng: lập trường của họ luôn luôn đúng. Để rồi từ đó, hễ ai trái ý, hễ ai đi sai đường lối của họ, thì họ tự cho mình cái quyền được chỉ trích.
3. Có lẽ, “thích chỉ trích” là một căn bệnh mà không ít người trong chúng ta ngày hôm nay cũng đang mắc phải. Quả thật, với cái tính tò mò, chúng ta rất thích việc vạch lá để tìm những con sâu nơi cuộc đời người khác. Chúng ta chẳng bao giờ soi bản thân mình, chỉ thích soi người khác thôi. Cụ thể như: quần áo người khác mặc, chuyện hôn nhân của người khác, công việc của người khác, tính tình của người khác… đều là những chủ đề mà chúng ta thường hay bươi móc để chỉ trích.
4. Thử hỏi: mỗi khi chỉ trích người khác, thì cảm xúc của chúng ta như thế nào? Chúng ta có từng nghĩ đến: nếu như những lời chỉ trích ấy mà nhắm đến chúng ta, thì chúng ta sẽ ra sao? Người đời có câu: cười người hôm trước, hôm sau người cười. Nếu chúng ta chỉ trích người khác, thì có ngày người khác sẽ lại chỉ trích chúng ta. Vì lẽ, đã là người, thì ai ai cũng có những điểm yếu: anh có khuyết điểm, tôi cũng vậy; chị có những điều thiếu xót, tôi cũng vậy. Tất cả chúng ta đều có rất nhiều sai lầm trong cuộc đời này. Vậy thì, thái độ bao dung để nâng đỡ nhau, chắc chắn sẽ có ích hơn so với việc chúng ta cứ nhắm vào nhau để chỉ trích.
5. Lý tưởng là như vậy! Tuy nhiên, khi bước vào thực tế, thì làm thế nào để chúng ta có thể giảm bớt cái tính “thích chỉ trích” người khác? Hãy thử thực hành hai bước này:
– Bước thứ nhất: nhìn về mình trước.
Trên một đoạn đường nọ, có hai chiếc xe honda va chạm với nhau. Người A nói: mày bị mù à? Chạy xe như thế à? Người B đáp: mắt mày sáng chắc. Mày chạy sai mà còn la lối? Và rồi, dòng máu anh hùng nổi lên, không ai chịu nhường ai, không ai chịu thua ai. Cả hai bắt đầu đánh võ miệng, chửi nhau inh ỏi bằng những lời thô tục. Ai cũng dành phần đúng về cho mình và chỉ trích người kia là đã sai.
Trong các mối tương quan, nếu mỗi người có thể nhìn vào bản thân mình trước, thì mâu thuẫn sẽ dễ dàng giải quyết hơn. Ngược lại, nếu cứ nhìn vào người khác, để rồi “dọn mỏ” chỉ trích nhằm triệt tiêu họ, thì oán hận, mâu thuẫn sẽ gia tăng và cuối cùng là rạn nứt mối quan hệ. Đây là lối ứng xử kém thông minh.
Có câu nói rằng: phải có hai người mới có thể nhảy được điệu tango. Điều này có nghĩa là: nếu chỉ có một phía, thì xung đột sẽ không thể xảy ra. Xung đột luôn là sự cộng hưởng từ ít nhất là hai phía. Chính vì thế, điều tốt nhất khi xảy ra xung đột là mỗi người phải biết quay vào trong để xem xét bản thân mình trước. Khi biết quay vào để phản tỉnh như vậy, thì chắc chắn chúng ta sẽ nhìn rõ được vấn đề hơn. Để từ đó, chúng ta có thể đưa ra được hướng giải quyết tích cực và nhẹ nhàng, thay vì chỉ biết chỉ trích và làm cho vấn đề đi vào bế tắc. Có thể nói: quay vào trong để nhìn mình trước là một trong những cách mà người thông minh thường làm.
– Bước thứ hai: nhìn người khác một cách tổng thể.
Một người đàn ông nọ có bốn cậu con trai. Ngày kia, ông gọi bốn người con lại và nói rằng: các con hãy đi tìm cây lê ở cách nhà rất xa. Tuy nhiên, các con sẽ không đi cùng lúc: đứa lớn nhất sẽ đi vào mùa đông; đứa thứ hai sẽ đi vào mùa xuân; đứa thứ ba sẽ đi vào mùa hè; và đứa út sẽ đi vào mùa thu.
Sau một thời gian, bốn người con đã tìm thấy cây lê và quay trở về. Khi đó, người cha nói: các con hãy tả lại cây lê cho cha nghe.
Người con thứ nhất nói: cái cây ấy thật là xấu xí, còi cọc, chẳng có lá, chẳng có hoa, chẳng có gì cả. Người thứ hai liền đứng lên: không! Cây lê ấy có rất nhiều chồi non, xanh mườn mượt và đầy niềm hy vọng. Người con thứ ba thêm vào với giọng kênh kiệu: anh nói còn thiếu! Cây lê ấy còn có hoa nữa, hoa thơm ngát và rất đẹp. Người con út cho rằng cả ba anh của mình đều diễn tả chưa chính xác, nên mới đứng lên dõng dạc nói: tại sao các anh không để ý đến những chùm quả chín trên cây nhỉ, thật là thiếu xót!
Khi này, người cha mới từ tốn giải thích: cả bốn đứa con đều diễn tả đúng cả. Lý do, các con chỉ nhìn thấy một mùa trong suốt cuộc đời của cây lê.
Câu chuyện dừng lại ở đó với ngụ ý: đừng nên đánh giá một cái cây, khi chỉ nhìn thấy nó trong một mùa. Điều này cũng giống như: đừng nên đánh giá một con người, khi chúng ta chỉ nhìn thấy người đó trong chốc lát, hoặc chỉ thấy được một vài hành vi, một vài lỗi phạm, một vài sai lầm của người đó. Chúng ta nên nhớ: bản chất con người chỉ có thể đánh giá khi nhìn vào cả một quá trình. Nếu chúng ta giống như người con cả, vội vã nhận xét cây lê vào mùa đông, chúng ta sẽ đánh mất đi niềm hy vọng của mùa xuân, vẻ đẹp của mùa hạ và sự ngọt ngào của mùa thu. Cũng thế, nếu chúng ta vội vàng đánh giá và chỉ trích khi chỉ biết được “chút ít” về người khác, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ qua rất nhiều mặt tốt trong toàn thể con người của họ. Vậy, để có thể tránh đi cái nhìn tiêu cực đó, mời gọi chúng ta: đừng chỉ nhìn về người khác qua những tiểu tiết để rồi đưa ra những phán xét chủ quan, nhưng hãy luôn nhìn về họ một cách tổng thể để có thể có được những nhận định mang tính cách khách quan hơn.
6. Tóm lại, để có thể tránh đi thái độ “thích chỉ trích” người khác giống như những người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được mời gọi hãy thay đổi cái nhìn của mình qua hai bước:
– Bước thứ nhất: trong mọi trường hợp, thay vì hướng ra ngoài, thì hãy hướng vào trong để nhìn thấy cái xà trong mắt của mình trước.
– Bước thứ hai: sau khi đã nhìn rõ được bản thân, thì hãy hướng ra ngoài để nhìn tha nhân một cách tổng thể.
Hãy tập thay đổi cái nhìn của mình như thế, để chúng ta có thể bớt đi cái tính “thích chỉ trích” người khác. Hãy tập thay đổi cái nhìn như thế, để mối tương quan giữa người với người được trở nên tốt đẹp hơn. Amen.
* Gợi ý suy gẫm:
1. Hãy liệt kê những ai mà tôi thường hay buông lời chỉ trích nhất? Chỉ trích về vấn đề gì? Nguyên nhân tại sao?
2. Trước khi chỉ trích một ai đó, tôi phải soi mói, bươi móc để biết được thông tin về người đó. Tôi thường soi mói và bươi móc qua những cách thế nào?
3. Khi chỉ trích một ai đó: gương mặt tôi thường xanh hay đỏ? Giọng nói tôi thường nhanh hay chậm? Cái miệng có thêm mắm thêm muối gì không?
4. Trong một ngày sống, có bao giờ tôi dành thời gian để nhìn lại, để xét mình, để phản tỉnh chính mình không?
5. Hãy dâng lên Chúa một cầu nguyện ngắn cho những ai mà tôi đã từng buông lời chỉ trích.
Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện