Bữa ăn thiêng liêng (Lm Dom.Thiện) – Thứ 7/17/07/2021

Ông Bà Anh Chị Em thân mến!

Nguyện chúc tất cả chúng ta một ngày mới được mọi sự an lành.

Trong những ngày gần đây, dịch Covid đang có những diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện nhiều hơn: cầu nguyện cho những người có trách nhiệm trong đất nước tìm ra được những giải pháp hữu hiệu; cầu nguyện cho các y bác sĩ luôn tìm được niềm vui và ý nghĩa cao thượng trong việc phục vụ các bệnh nhân; cầu nguyện cho người nghèo, người thất nghiệp, người vô gia cư luôn nhận được sự trợ giúp xứng đáng; cầu nguyện cho mỗi người chúng ta luôn được bình an, luôn giữ vững được niềm tin của mình.

Hôm nay là ngày thứ bảy. Mời gọi chúng ta hãy hướng về thập giá để cùng nhau cầu nguyện, cùng đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Tin Mừng: Mt 12, 14-21

Khi ấy, nhóm Pharisêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu.

Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói: Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta sẽ cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người. Đó là Lời Chúa.

IM LẶNG & LÙI BƯỚC

1. Trong bài Tin Mừng hôm nay, những người biệt phái lại một lần nữa đóng vai phản diện. Họ sợ những lời giảng dạy và những việc làm tốt đẹp của Đức Giêsu sẽ làm mất đi sự ảnh hưởng của họ trên dân chúng. Chính vì vậy, họ đã bàn mưu tính kế để tìm cách hãm hại Ngài. Đứng trước tình thế đó, Đức Giêsu đã ứng xử như thế nào?

2. Đầu tiên, Đức Giêsu im lặng, không đôi co.

Có lẽ, Đức Giêsu là một người rất am tường về khoa tâm lý. Ngài biết: khi đối diện với những cái đầu nóng, thì có đôi co hay giải thích thì cũng bằng thừa. Lúc này, im lặng là vàng. Im lặng là sách lược thông minh nhất.

Booker Taliaferro Washington (1856-1915) là một nhà cố vấn nổi tiếng cho nhiều tổng thống Hoa Kỳ. Lần kia, ông vừa đi vừa trò chuyện với một người bạn, thì đã bị một người thanh niên da trắng khiêu khích và đẩy ông xuống đất. Phản ứng của ông ra sao? Ông đứng dậy, không nói gì, và cũng không có bất kỳ biểu hiện phẫn nộ nào. Ông chỉ lấy tay vỗ nhẹ vào quần áo để phủi bụi đất đi. Thế nhưng, người bạn đi cùng với ông đã tức giận nói: làm sao anh có thể im lặng một cách dễ dàng khi bị bắt nạt như vậy chứ! Washington bình tĩnh trả lời: bất kể là ai muốn làm tôi tức giận, tôi cũng sẽ không làm theo mong muốn của họ. Cách tốt nhất để bảo vệ mình là giữ im lặng và phớt lờ đi.

Trong nhiều trường hợp của cuộc sống này, chúng ta nhận thấy rằng: nhiều lúc có nói cả ngàn lời, thì cũng không bằng hai chữ “im lặng”. Đôi khi, im lặng sẽ tốt hơn, có thể đem lại sự hòa hoãn, có thể giúp người đang tức giận bình tâm và suy nghĩ lại.

Đa phần những người hẹp hòi chỉ muốn nói để tranh giành phần hơn. Còn người khôn ngoan và lương thiện thì ngược lại. Họ sẽ không bao giờ tùy tiện nói ra những điều không nên nói hoặc không đáng nói. Vì lẽ, nếu như ngoài miệng thắng, nhưng bên trong lại mất đi tình người thì cũng như thua. Chi bằng: im lặng để giữ hòa khí, im lặng để không làm tổn thương ai, không làm tổn hại ai: một câu nhịn, chín câu lành.

Hãy nhớ: nếu lời nói là bản năng, thì im lặng chính là bản lĩnh. 

3. Kế đến, Đức Giêsu lui bước – không đối đầu  

Có người hiểu sai rằng: nhẫn nhịn, lùi bước là nhu nhược, hèn nhát. Vì hiểu sai như vậy, nên họ mới vùng lên để đối đầu một cách tiêu cực, bất chấp thiệt hơn, bất chấp đó là việc đâm đầu vào tường. Rõ ràng, đây là cách hành xử của người thiếu khôn ngoan, thiếu suy xét. Ngược lại, theo các nhà tâm lý học: chỉ những ai có ý chí mạnh mẽ, phẩm chất cao thượng và kèm theo sự khôn ngoan, thì họ mới có thể nhẫn nhịn, lấy nhu khắc cương, lấy lùi để tiến. Thế nên, người nhẫn nhịn chắc chắn không phải là người “nhát”, và cũng chẳng phải là người “hèn”. Họ là người có nhân cách lớn.

Bên cạnh đó, cũng có người cho rằng: nhẫn nhịn, không so đo thiệt hơn để rồi chịu đủ mọi oan ức thì quả là kẻ ngốc. Thế nhưng, nhìn từ góc độ khác, chúng ta thấy: con người chúng ta đã có quá nhiều cái khổ rồi. Do đó, nếu như cứ đứng lại để đối đầu, lấy đá chọi đá, miểng sành đụng miểng sành, thì cái khổ ấy sẽ càng tăng thêm. Bởi lẽ, khi đối đầu: không sứt môi thì cũng mẻ trán, không nằm viện thì cũng vào tù, không mất tình thì cũng mất nghĩa. Nếu kết quả là như thế, thì việc đứng lại để đối đầu thử nghĩ có nên không? Có lẽ, nhẫn nhịn bằng cách lui đi chỗ khác sẽ tốt hơn. Lùi một bước trời cao biển rộng, nhẫn một lúc gió lặng sóng yên.

4. Tóm lại, khi đối diện với những người đang có suy nghĩ tiêu cực, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy bắt chước cách ứng xử của Ngài: im lặng – không đôi co; lùi bước – không đối đầu. Khi ứng xử được như vậy, một mặt chúng ta tạo ra được một khoảng cách tâm – thể lý để tự bảo vệ mình; mặt khác, chúng ta góp phần làm cho mối tương quan đang bị rạn nứt giữa ta và người ghét ta có cơ hội được hàn gắn. Amen.

          * Gợi ý suy gẫm:

1. Hãy nhớ lại những câu nói hơn thua, những câu chửi rủa vô tội vạ mà tôi đã dành cho người khác trong những lần cãi vã, đặc biệt là đối với những người thân trong gia đình. Có bao giờ tôi nghĩ: những câu nói nặng lời ấy sẽ hằn sâu vào lòng người khác và đang giết chết họ không?

2. Sau những cuộc cãi vã: ai là người thắng, ai là người thua? Tâm trạng của tôi sau đó như thế nào? Tôi được những gì và mất những gì?

3. Trong những ngày giãn cách xã hội, tôi được mời gọi hãy lùi lại để cầu nguyện và nghỉ ngơi bên Chúa nhiều hơn. Tôi đã đáp lại lời mời gọi này thế nào?

4. Hãy xin Chúa cho tôi đủ bản lãnh để giữ im lặng – không đôi co; đủ nội lực để có thể lùi bước – không đối đầu trước những người thù ghét và bách hại tôi.

Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện