Khu vực khủng hoảng ở Nam Sudan (AFP or licensors)
Các tôn giáo ở Nam Sudan nỗ lực thúc đẩy hòa bình
Ngọc Yến – Vatican News
Trong thời gian gần đây, khu vực rộng lớn Tambura ở Tây Equatoria, Nam Sudan bị bao vây bởi xung đột giữa các cộng đồng. Theo Liên Hiệp Quốc, xung đột đã làm cho nhiều người thiệt mạng hoặc mất tích, mùa màng bị phá hủy, và tình trạng có thể đưa đến khủng hoảng lương thực. Hơn 30 ngàn người phải di dời, hàng trăm gia đình phải trú ẩn trong khuôn viên nhà thờ.
Trước hiện trạng này của đất nước, các vị lãnh đạo tôn giáo với sự hậu thuẫn của Hội đồng Hòa bình Liên tôn và Hội đồng Liên tôn đã lên đường gặp gỡ dân chúng và các nhà lãnh đạo chính trị ở Tambura để làm trung gian hòa giải, chấm dứt bạo lực, nỗ lực thực hiện thỏa thuận hòa bình đã được ký vào tháng 9/2018.
Đức cha Edward Hiiboro Kussala, Giám mục của Tombura-Yambio, thành viên của phái đoàn tôn giáo giải thích: “Sáng kiến này mang lại một thông điệp tình yêu và hòa giải, chạm đến con tim của người dân”.
Đức cha cho biết sáng kiến kết thúc hôm thứ Ba 10/8 về cơ bản đã đạt được mục đích. Đây thực sự là một sứ vụ của Chúa. Thông điệp tình yêu và hòa giải đã làm nhiều điều tốt đẹp cho những ai biết lắng nghe. Các vị lãnh đạo tôn giáo đã có cơ hội bày tỏ sự gần gũi và lòng trắc ẩn đối với dân chúng, những người đã phải chịu hậu quả của bạo lực. Trong số những người gặp phái đoàn, có khoảng 75% đã hiểu sứ điệp của các tôn giáo, nhưng cũng có những người không muốn hòa bình, bởi vì từ các cuộc xung đột họ kiếm được nhiều lợi nhuận cho cá nhân.
Theo Đức cha Kussala, để giải quyết những thách đố, Nam Sudan cần có sự lãnh đạo của một chính phủ mạnh mẽ và có tổ chức. Thực tế, ở đất nước này, các nhóm chính trị thường khó thống nhất với nhau, và hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều điều cần phải điều chỉnh.
Về phía Giáo hội, Giám mục của Tombura-Yambio cho biết, Giáo hội luôn cố gắng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng hiện nay hoạt động cứu trợ của Giáo hội đang gặp khó khăn vì thiếu các nguồn lực để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột. Trước đây, các tổ chức quốc tế hỗ trợ Giáo hội, nhưng nay do đại dịch, nguồn trợ giúp này không được như trước nữa.
Nguồn: W.Vatican News