ĐTC Phanxicô gặp gỡ các bạn trẻ Hungary
Hồng Thủy – Vatican News
Lúc gần 4 giờ chiều thứ Bảy 28/4/2023, Đức Thánh Cha đã rời Toà Sứ thần đi xe đến nhà thi đấu Papp László Budapest, cơ sở thể thao có mái che lớn nhất của Budapest, có sức chứa đến 12.500 khán giả. Cơ sở này được bắt đầu xây dựng vào năm 2001, thay thế cho cơ sở thể thao trước đó đã bị hư hại nặng nề bởi trận hoả hoạn vào năm 1999. Từ ngày 28 tháng 5 năm 2004, nhà thi đấu này mang tên của nhà vô địch quyền anh nổi tiếng người Hungary László Papp.
Sau khi đi xe mui trần xung quanh nhà thi đấu chào các bạn trẻ, Đức Thánh Cha được Đức cha Palánki Ferenc, phụ trách mục vụ giới trẻ, tiếp đón giữa tiếng hát chào đón của khoảng 12.000 bạn trẻ.
Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm ra câu trả lời của cuộc sống
Đáp lại lời lời chào mừng của Đức cha Ferenc và chứng từ của 4 bạn trẻ đại diện cho các học sinh trung học và sinh viên đại học, Đức Thánh Cha cho biết ngài rất vui khi được ở bên các bạn trẻ. Nhắc lại lời Đức cha Ferenc, tuổi trẻ là thời gian của những câu hỏi quan trọng và những câu trả lời tuyệt vời, Đức Thánh Cha nói rằng điều quan trọng là có ai đó gợi mở và lắng nghe câu hỏi của các bạn trẻ, và không đưa ra cho họ những câu trả lời dễ dàng và sẵn có, nhưng giúp họ dũng cảm đối mặt với cuộc phiêu lưu của cuộc đời để tìm kiếm những câu trả lời tuyệt vời. Và ngài khẳng định: “Trên thực tế, đây là những gì Chúa Giêsu đã làm. Đức Kitô là Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, Thiên Chúa Trời hằng sống Đấng đến gần với chúng ta; Người là Bạn, người bạn tốt nhất, là Anh em, người anh em tốt nhất.”
Chúa rất giỏi trong việc đặt câu hỏi. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Chúa Giêsu với những người sẽ trở thành môn đệ của Người, Chúa hỏi hai người đi theo Người: “Các anh tìm gì?” (Ga 1,38). Người nói: “Hãy đến mà xem” (c. 39). Đức Thánh Cha giải thích: “Chúa không giảng dạy, nhưng đồng hành với họ trên đường: Người không muốn các môn đệ của mình là những học trò lặp lại một bài học, nhưng là những người trẻ tự do và luôn hướng tới, những người bạn đồng hành của một Thiên Chúa lắng nghe những nhu cầu của họ và quan tâm đến ước mơ của họ.”
Chúng ta không trở nên vĩ đại khi dẵm lên người khác nhưng khi phục vụ họ
Khi hai môn đệ trẻ yêu cầu Chúa Giêsu một điều sai trái, được ở bên phải và bên trái của Chúa khi Người lên làm Vua. Chúa không quở trách họ vì đã dám nói điều đó. Đức Thánh Cha nhận xét: “Chúa không phá vỡ những ước mơ của họ, nhưng sửa dạy cho họ cách để đạt được chúng; Người chấp nhận ước muốn trở nên vĩ đại của họ, nhưng nhấn mạnh đến một điều mà cả chúng ta cũng phải luôn ghi nhớ: chúng ta không trở nên vĩ đại khi dẵm lên người khác, nhưng bằng cách hạ mình xuống giúp đỡ họ. Chúng ta không đạt được điều vĩ đại bằng cách làm hại người khác, nhưng bằng cách phục vụ họ (xem Mc 10,35-45).”
Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “Các bạn thân mến, như các bạn thấy đấy, Chúa Giêsu rất vui khi chúng ta đạt được những điều tuyệt vời. Người không muốn chúng ta lười biếng “ngủ nướng”, không muốn chúng ta im lặng và nhút nhát; ngược lại, Người muốn chúng ta sống động, năng động, sẵn sàng nhận trách nhiệm. Người không bao giờ xem thường những kỳ vọng của chúng ta nhưng ngược lại, nâng cao mức độ mong muốn của chúng ta. Chúa Giêsu sẽ đồng ý với câu tục ngữ của các bạn, câu mà tôi hy vọng sẽ phát âm đúng: Aki mer az nyer [Những người dám làm sẽ chiến thắng].”
Hướng đến những mục tiêu vĩ đại và rèn luyện
Nhưng làm thế nào để chúng ta chiến thắng trong cuộc sống? Đức Thánh Cha liệt kê hai bước cơ bản. Trước hết, nhắm mục tiêu cao, sau đó rèn luyện. Đức Thánh Cha mời gọi hãy dùng tài năng vào việc tốt. Ngài đưa ra câu hỏi, “Trong thâm tâm các bạn có cảm thấy mình có khả năng giúp đỡ người khác không? Các bạn có cảm thấy yêu mến Chúa, muốn có một gia đình đông con, giúp đỡ những người túng thiếu tốt biết bao không?” Và ngài nhắc nhở: “Đừng nghĩ rằng đây là những mong muốn không thể đạt được. Thay vào đó, hãy đầu tư vào những mục tiêu lớn của cuộc đời! Sau đó, rèn luyện.”
Thinh lặng và đối thoại với Chúa Giêsu
Rèn luyện thế nào? Đức Thánh Cha chỉ dạy: “Bằng cuộc đối thoại với Chúa Giêsu, vì người là huấn luyện viên giỏi nhất. Người lắng nghe các bạn, khuyến khích, tin tưởng các bạn và có thể phát huy những điều tốt nhất nơi các bạn. Người không ngừng mời gọi các bạn trở thành một thành viên trong nhóm, không bao giờ đơn độc nhưng với những người khác: trong Giáo hội, trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm của các bạn với những người khác.” Ngài lưu ý về một cám dỗ lớn ngày nay đó là chúng ta hài lòng với một chiếc điện thoại di động và một vài người bạn. Điều đó không tốt hay lành mạnh.
Một điều thiết yếu mà những người trẻ tuổi và cả người lớn đang thiếu, đó là sự thinh lặng, bởi vì chúng ta sợ cô đơn. Do đó Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “đừng sợ bơi ngược dòng, hãy dành chỗ cho một khoảnh khắc thinh lặng mỗi ngày, một khoảnh khắc để dừng lại và cầu nguyện.” Nhưng ngài cũng nhắc họ hãy cẩn thận “đừng đắm chìm trong tâm trạng ủ rũ hoặc nghiền ngẫm về những vấn đề của mình. Đừng lãng phí thời gian nghĩ xem ai đã làm điều này điều nọ với mình, tra hỏi về động cơ của người khác. Điều đó cũng không tốt hay lành mạnh.”
Đức Thánh Cha nói về ích lợi của sự thinh lặng: “Thinh lặng là mảnh đất trên đó chúng ta vun đắp những mối quan hệ tốt đẹp. Nó cho phép chúng ta phó thác cho Chúa Giêsu bất cứ điều gì chúng ta đang cảm thấy, mang đến với Người những khuôn mặt và những cái tên, chia sẻ những khó khăn của chúng ta, nhớ đến bạn bè và cầu nguyện cho họ. Sự thinh lặng giúp chúng ta có cơ hội đọc một trang Tin Mừng có thể nói với tâm hồn của chúng ta, để thờ phượng Thiên Chúa, để lấy lại bình an nội tâm… Sự thinh lặng cho phép chúng ta quan sát thiên nhiên, để chúng ta không chỉ tiếp xúc với các thiết bị và đồ dùng mà còn khám phá vẻ đẹp tự nhiên xung quanh chúng ta. Thinh lặng không phải để ngồi dán mắt vào điện thoại di động hoặc trên mạng xã hội.”
Mẫu gương cầu nguyện của nhạc sĩ Franz Liszt
Thinh lặng như cánh cửa của cầu nguyện và cầu nguyện là cánh cửa tình yêu. Chúa Giêsu luôn ở bên cạnh chúng ta. Đức Thánh Cha nói: “Người không ngần ngại giúp các bạn vượt qua mọi trở ngại trên con đường của các bạn. Cầu nguyện giúp các bạn trong việc này, bởi vì cầu nguyện là đối thoại với Chúa Giêsu, cũng như Thánh lễ là cuộc gặp gỡ với Người, và Xưng tội là vòng tay ôm mà các bạn nhận được từ Người.”
Đức Thánh Cha đưa ra mẫu gương cầu nguyện của nhạc sĩ vĩ đại người Hungary: Franz Liszt. Ngài kể: “Trong quá trình phục hồi cây đàn piano của ông, người ta đã tìm thấy một số hạt từ chuỗi tràng hạt của ông; tràng hạt đã bị đứt và những hạt đó đã rơi vào nhạc cụ. Điều này khiến chúng ta nhận ra rằng trước khi sáng tác hoặc biểu diễn, có lẽ ngay cả sau giây phút thích thú với cây đàn piano, ông thường cầu nguyện. Ông đã nói chuyện với Chúa và Đức Mẹ về những gì ông yêu thích và ông đã mang nghệ thuật và tài năng của mình để cầu nguyện.” Từ đó Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ: “Khi các con cầu nguyện, đừng ngại trình bày với Chúa Giêsu mọi điều đang xảy ra trong cuộc sống của các con: cảm xúc và nỗi sợ hãi, vấn đề và kỳ vọng, ký ức và hy vọng của các con. Cầu nguyện là đối thoại; cầu nguyện là cuộc sống.”
Thiên Chúa cần những con người thực sự và đích thực
Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Chúa không làm những điều vĩ đại với những người phi thường, nhưng với những người bình thường, có những giới hạn. Những người cậy dựa vào khả năng của mình và luôn lo lắng để tỏ ra tốt đẹp trước mặt người khác, thì không nghĩ đến Thiên Chúa bởi vì chỉ nghĩ đến bản thân họ. Chúa Giêsu, bằng những câu hỏi và bằng tình yêu của Người, cùng với Thánh Thần của Người, tác động sâu xa trong chúng ta để biến chúng ta thành những con người thực sự, đích thực. Và ngày nay chúng ta rất cần những con người thực sự và đích thực như vậy.
Giúp thế giới sống hoà bình
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhắc đến lời cảnh tỉnh của Tódor, nói rằng lòng nhiệt thành của chúng ta đối với sứ vụ có thể bị giảm sút khi sống trong an ninh và thoải mái, trong khi cách đây không xa, chiến tranh và đau khổ là thực tế hàng ngày. Đây là thách đố thực sự: kiểm soát cuộc sống của chúng ta để giúp thế giới của chúng ta sống trong hòa bình. Đức Thánh Cha mời gọi đặt câu hỏi thật khó: “Tôi đang làm gì cho người khác, cho Giáo hội, cho xã hội? Tôi có chỉ nghĩ về bản thân mình không? Hay tôi tự vì người khác, mà không tính toán đến lợi ích của chính mình? Chúng ta hãy suy tư về khả năng quảng đại, khả năng yêu thương của chúng ta như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta, đó là bằng cách phục vụ người khác.”
Đức tin dẫn đến sự chia sẻ
Điều cuối cùng Đức Thánh Cha chia dựa trên trình thuật Chúa hóa bánh ra nhiều trong chương sáu của Tin Mừng Thánh Gioan, trong đó một bạn trẻ là trung tâm câu chuyện. Cậu có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Nhưng nó thấm gì khi có rất đông người?” (câu 9). Dù số bánh ít ỏi. nhưng được dâng tặng cho Chúa Giêsu, nó được biến nên nhiều và đủ cho tất cả mọi người. Từ sự chia sẻ của cậu bé đó phép lạ đã xảy ra.
Đức Thánh Cha nói với các bạn trẻ: “Đức tin là như vậy: nó bắt đầu bằng việc cho đi một cách tự do, với sự nhiệt tình và quảng đại, vượt qua nỗi sợ hãi của chúng ta và tiến bước!” Mỗi người trong các bạn đều quý giá đối với Chúa Giêsu và với tôi! Không ai có thể thay thế vị trí của họ trong lịch sử của Giáo hội và thế giới: Không ai có thể thay thế vị trí của các bạn, không ai có thể làm điều chỉ các bạn có thể. Vì vậy, chúng ta hãy giúp đỡ nhau để tin rằng chúng ta được yêu thương và quý giá, rằng chúng ta được tạo ra cho những điều vĩ đại.”
Sau khi ban phép lành cho các bạn trẻ Đức Thánh Cha đã trở về Toà Sứ thần để gặp riêng các tu sĩ Dòng Tên ở Hungary.