3. Chúa Thánh Thần hiện xuống
Trích sách Công Vụ Tông Đồ
Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.
Lúc đó, tại Giêrusalem, có những người Dothái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Galilê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta? Chúng ta đây, có người là dân Pácthia, Mêđia, Êlam, Mêxôpôtamia, Giuđê, Capađôkia, Pontô, và Axia, có người là dân Phygia, Pamphylia, Aicập, và những vùng Libya giáp giới Kyrênê; nào là những người từ Rôma đến đây; nào là người Dothái cũng như người đạo theo; nào là người đảo Kêta hay người Arập, vậy mà chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa!” Ai nấy đều sửng sốt và phân vân, họ bảo nhau: “Thế nghĩa là gì?” (Cv 2,1-12)
Suy niệm:
Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống không được thuật lại trong 4 sách Tin Mừng, nhưng được Thánh Luca thuật lại trong sách Công Vụ Tông Đồ. Nhưng danh tánh về Ngài đã được nhắc đến nhiều lần qua nhiều biến cố khác nhau xoay quanh đời sống của Đức Giêsu từ khi Sứ Thần truyền tin cho Maria đến khi Đức Giêsu chết trên thập giá và sống lại vinh hiển. Chúa Thánh Thần được nhắc đến với nhiều tên gọi khác nhau, giữ các vai trò khác nhau, chứ không “cố định” ở một hình ảnh cụ thể nào. Một trong những di ngôn quan trọng của Đức Giêsu dành cho các môn đệ trước khi Ngài bước vào Cuộc Thương Khó cũng nhắc đến Thánh Thần rất nhiều. Nhưng có lẽ vào lúc ấy, các môn đệ chẳng thể nào hiểu được là Thầy Giêsu đang nói về ai. Trước khi lên trời, Đức Giêsu cũng căn dặn các môn đệ là hãy về thành Giêrusalem và chờ đợi Thánh Thần đến. Điều đó có nghĩa là, cho đến khi chưa nhận lãnh Thánh Thần, các ông sẽ không thể làm được gì để lan truyền ơn cứu độ cho người khác.
Khi thời gian đến, Thánh Thần đã từ trời hạ giới theo như lời Đức Giêsu đã tiên báo. Ngài đến dưới dạng một cơn gió mạnh, rồi những hình lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người trong phòng. Chỉ trong một phút chốc, các môn đệ đã được biến đổi hoàn toàn, cả về khả năng thể lý lẫn sức mạnh tinh thần. Các ông có thể nói được nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau mà chưa từng qua trường lớp nào. Mọi con người đến từ khắp nơi trên mọi miền đất, đều có thể hiểu được tất cả những gì các ông nói. Các ông cũng không còn sợ sệt nữa. Quyền năng của Thánh Thần đã giúp các ông phá vỡ những bức tường nhỏ bé giam hãm các ông và nỗi sợ hãi đã đeo bám các ông bấy lâu nay. Họ bắt đầu bước ra chỗ ánh sáng, dõng dạc tuyên bố niềm tin và rao giảng Tin Mừng phục sinh của Đức Giêsu. Lời các ông nói mang đầy sức quyến rũ của Thánh Thần, thấm nhập vào trong con tim của người nghe, đánh thức lương tri của họ và xoay chuyển cuộc sống của họ đến một cuộc biến đổi bất ngờ đến kinh ngạc.
Không cần phải nói nhiều, bất cứ một tu sĩ nào cũng có thể cảm nghiệm được rằng ơn sủng của Thánh Thần quan trọng thế nào với mình trong đời dâng hiến. Chính Thánh Thần là Đấng đã thôi thúc lòng mình, làm cho mình không bao giờ cảm thấy được yên ổn cho đến khi mình cất tiếng xin vâng. Cũng chính Thánh Thần ban cho ta sức mạnh để ta can đảm thưa lên hai tiếng định mệnh ấy và liên tục thưa lên trong từng giây phút trong đời mình. Ngài đã dùng quyền năng của mình mà Đức Giêsu “nhập thể” trong mình. Rồi trong khoảnh khắc ta hân hoan tuyên những lời khấn, Ngài cũng hiện đến một cách siêu nhiên. Ngày ta chịu chức thánh, ấn tính của Ngài được đóng ấn vĩnh viễn trên mình. Ngài ban cho ta niềm hứng khởi để có thể cất lên lời ca khen chúc tụng Cha, hăng say phục vụ anh chị em đồng loại, hy sinh chịu nhiều thiệt thòi vì lợi ích của người khác mà chẳng thấy mệt mỏi hay thiệt thân. Ngài cũng ban cho ta tất cả những ơn cần thiết để ta trở thành một khí cụ đắc lực của Chúa, có khối óc tinh tường, có con tim yêu thương, có tâm hồn trong sạch, có bàn chân vững mạnh, có bàn tay quảng đại, có đôi mắt hiền hòa và lúc nào cũng tìm vinh danh Chúa.
Chính Ngài cũng là Đấng đào tạo và giáo dục ta trên mọi chặng đường tu đức. Ngài đưa ta vào sa mạc. Ngài gửi đến cho ta những thử thách. Ngài tôi luyện ta bằng những khó khăn. Rồi từ trong tất cả những điều đó, Ngài âm thầm trợ lực cho ta, để ta có thể vượt qua và tích lũy cho mình những bài học quý báu. Ngài cho ta những kinh nghiệm hệt như trong Vườn Dầu của Đức Giêsu. Ngài đưa ta lên cây thập giá rồi giúp ta bay cao hơn nữa để đi từ cõi chết tiến vào cõi sống. Ngài phục sinh tất cả những “hạt giống đã chịu thối nát” trong đời tu của ta và làm cho nó nảy sinh mầm non, lớn lên không ngừng và trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt. Ngài giúp ta biết khiêm tốn hơn, biết mềm mại hơn, biết hòa nhã hơn, kiên nhẫn hơn, hiền từ hơn. Ngài cho ta biết cách đón nhận tất cả mọi điều Chúa gửi đến với một con tim thanh thản vì không phải tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều có thể tìm thấy được giải pháp trọn vẹn. Có thể nói, sống trong đời tu mà không được bao bọc bởi ơn Thánh Thần, ta chẳng khác nào con cá bị vớt ra khỏi nước, chỉ có thể thoi thóp và chờ ngày chết đi.
Giữa cái chông chênh và nghịch lý của đời tu, Thánh Thần ban cho ta bình an đích thực, một loại bình an mà Đức Giêsu đã phải đánh đổi bằng giá máu để có được. Đó là loại bình an khiến ta không còn sợ bất cứ một cái gì nữa cả. Và bởi vì không còn biết sợ, ta trở thành người mạnh mẽ nhất. Đây không phải là một kiểu ngông cuồng của giới trẻ, nhưng là một thái độ của người trưởng thành, chín chắn, đã vượt lên trên tất cả những kìm kẹp của những thứ hữu hình. Với sức mạnh đó, ta dám đương đầu với những bất trắc trên đường sứ mạng, dám hiên ngang đối diện với những khó khăn đang giăng mắc phía trước mà lòng vẫn cảm thấy an vui cách lạ thường. Ta không còn ngại ngùng trước bất cứ lệnh truyền sai đi nào, không còn nhát đảm khi phải đến những vùng biên cương đầy thử thách, hay khi phải sống giữa bầy sói dữ đang gầm gừ chung quanh. Đây là điều mà ta đã thấy nơi các vị thánh, các nhà truyền giáo nhiệt thành. Gông cùm có thể giam giữ thân thể họ, nhưng không làm cho họ nhụt chí hay sờn lòng, vì họ luôn cảm thấy có một sức mạnh không biên giới tuôn chảy cuồn cuộn trong mình. Đây chính là dấu hiệu nhận biết của một người được tắm trong ơn sủng Thánh Thần và đào luyện trong ngôi trường của Thánh Linh.
Đức Giêsu, trong cuộc nói chuyện với Nicôđêmô, đã nói đến việc tái sinh trong Thánh Thần. Ai không được Thánh Thần tái sinh, người ấy không thể sống đời sống mới. Thánh Thần là Đấng khơi nguồn sự sống. Đời tu của chúng ta sẽ trở nên lụi tàn và héo úa, nếu không được Ngài làm cho đổi mới với ân sủng của Ngài. Một đời tu mà suốt ngày chỉ ủ rũ lo lắng trong một góc phòng tối tăm, không dám đối diện với ai là một đời tu đáng buồn. Đời tu của một người môn đệ Chúa phải là một con người bùng cháy như các môn đệ tại phòng tiệc ly vào ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa. Họ để cho ngọn gió Thánh Thần thổi bay đi những bức bối trong người, để cho ngọn lửa Thánh Thần đốt nóng con tim. Từ đó, họ phá tung cánh cửa lâu nay vẫn giam hãm mình và hiên ngang bước ra chỗ ánh sáng, dũng cảm nói về Chúa cho người khác và sống chết cho lý tưởng làm môn đệ Chúa của mình. Trên hành trình sứ mạng, họ để cho Thánh Thần hướng dẫn mình, họ nhạy cảm nhận ra dấu ấn của Ngài nơi đối tượng tông đồ và không ngừng biến đổi mình để việc phục vụ sinh được nhiều hoa trái nhất.
Thánh Thần chính là nguồn sức mạnh và trợ lực của đời tu!
Pr. Lê Hoàng Nam, SJ