Sứ vụ và các hoạt động của Bộ Giáo sĩ
Ngọc Yến – Vatican News
Cơ cấu hoạt động của Bộ Giáo sĩ
Trước hết, về cơ cấu hoạt động của Bộ Giáo sĩ cũng như những chi phí quản lý để hỗ trợ các mục tiêu sứ vụ của Bộ, Đức Hồng y Stella cho biết: Bộ Giáo sĩ gồm một số người được Đức Thánh Cha bổ nhiệm, trong đó có các Hồng y, Tổng Giám mục và Giám mục đến từ Giáo triều Roma và các khu vực khác nhau của thế giới, như thế đảm bảo quan điểm phổ quát của Giáo hội. Cụ thể, Bộ gồm có: một Hồng y Bộ trưởng, hai Tổng Giám mục làm Tổng Thư ký, một trong hai vị này phụ trách các Chủng viện, và một Phó Tổng Thư ký. Có 27 linh mục và 4 giáo dân làm việc trong cơ quan này của Toà Thánh. Ngoài ra, khi cần thiết sẽ có sự cộng tác của một số các chuyên gia tư vấn về thần học, giáo luật, tâm lý.
Hoạt động của Bộ được chia thành bốn Văn phòng:
1/ Văn phòng Giáo sĩ
Đầu tiên là Văn phòng Giáo sĩ. Ngoài nhiều thực hành “kỷ luật” và các hoạt động trợ giúp Giáo hội địa phương, Văn phòng Giáo sĩ còn xem xét các bản tường trình, và trả lời các yêu cầu của các Giám mục và linh mục. Một lĩnh vực quan trọng khác là “các kháng nghị”, như việc đình chỉ các giáo xứ, như một biểu hiện tự do của các tín hữu trong khi “đối thoại” với chính quyền.
Qua “các Năng quyền Đặc biệt”, Bộ Giáo sĩ có thể sa thải các linh mục và phó tế khỏi bậc giáo sĩ vì những lý do nghiêm trọng. Huấn thị gần đây về việc “hoán cải mục vụ của cộng đoàn giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội” (20/7/2020), ra đời từ công việc và kinh nghiệm của Văn phòng này.
2/ Văn phòng Chủng viện
Thứ hai là Văn phòng Chủng viện, văn phòng này hoạt động cho việc thăng tiến ơn gọi và hỗ trợ các Giám mục giáo phận và các Hội đồng Giám mục trong lĩnh vực đào tạo linh mục, ban đầu và liên tục, đặc biệt là của các Chủng viện. Văn phòng thúc đẩy sự nhận thức và áp dụng “Quy chế Nền tảng về Đào tạo Linh mục” (Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis) và đồng hành với các Giám mục địa phương trong việc soạn thảo “Quy chế địa phương về đào tạo linh mục” (Ratio Nationalis), và sau đó phải được Bộ Giáo sĩ phê chuẩn. Ngoài ra, văn phòng còn có thẩm quyền đối với các Trường Nội trú dành cho các Linh mục ở Roma.
3/ Văn phòng Hành chính
Thứ ba là Văn phòng Hành chính. Văn phòng này có trách nhiệm và quyền sở hữu tất cả các tài sản của Giáo hội trong mọi trường hợp “thuộc thẩm quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng”, là một trong những công cụ được Đức Thánh Cha sử dụng để giám sát việc quản lý phù hợp tài sản của Giáo hội. Bộ cũng thực hiện chức năng này khi cấp Giấy phép cần thiết để xác định hợp lệ đối với một số hành vi chuyển nhượng tài sản.
4/ Văn phòng Kỷ luật
Cuối cùng là Văn phòng Kỷ luật. Văn phòng này giải quyết trường hợp giáo sĩ đã từ bỏ việc thi hành thừa tác vụ và sau đó có ý định hòa giải với Chúa, với cộng đoàn Giáo hội và cả với “lịch sử” của chính họ.
Việc nhận sự miễn trừ kỷ luật – dành riêng cho Đức Thánh Cha – không phải là một quyền, mà là một ơn, được ban cho từng trường hợp, như một dấu hiệu của lòng thương xót, khi hoàn cảnh từ bỏ thừa tác vụ và mất căn tính của giáo sĩ tới nay dường như không thể thay đổi.
Chi phí quản lý
Đối với chi phí quản lý của Bộ Giáo sĩ, Đức Hồng y Stella cho biết, chi phí chủ yếu là trả lương cho Nhân viên và chi phí hoạt động.
Bên cạnh đó, chi phí tài trợ cho các khoá đào tạo do Bộ đề xuất, một phần đến từ sự đóng góp tượng trưng của các sinh viên, và phần còn lại đến từ lòng quảng đại của các tổ chức khác, như Tổ chức Toà Thánh ‘Trợ giúp các Giáo hội đau khổ’”.
Các Chủng viện
Về việc đạo tạo các linh mục, Bộ trưởng Bộ Giáo sĩ nói: Theo quan điểm của văn kiện “Quy chế Nền tảng về Đào tạo Linh mục”, việc đào tạo linh mục bắt đầu từ chủng viện, và tiếp tục đào tạo suốt đời. Do đó, Bộ đồng hành với các Hội đồng Giám mục trong việc thúc đẩy đào tạo ban đầu và liên tục cho giáo sĩ.
Liên quan đến trách vụ đối với các chủng viện, cụ thể về các lĩnh vực và cách thức thực hiện, Đức Hồng y nói đến Tự sắc “Đào tạo Thừa tác vụ” (Ministrorum Institutio) được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI ban hành năm 2013. Qua Tự sắc này, Đức nguyên Giáo hoàng muốn Bộ Giáo sĩ chăm sóc mọi sự liên quan đến đào tạo, đời sống và sứ vụ của các linh mục và phó tế.
Trước đó, vào năm 1992, với Tông huấn “Đào tạo Linh mục trong hoàn cảnh ngày nay” (Pastores Dabo Vobis),Thánh Gioan Phaolô II đã giúp Giáo hội vượt qua khái niệm cho rằng chủng viện chỉ là nơi đào tạo trí tuệ. Với văn kiện này, hoạt động đào tạo trong các chủng viện bao gồm bốn chiều kích: trí tuệ, thiêng liêng, mục vụ và con người. Thêm nữa, đào tạo các linh mục không chỉ dừng lại tại các chủng viện, nhưng bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên trong chủng viện, được gọi đào tạo ban đầu, sau đó giai đoạn thứ hai tiếp tục trong suốt cuộc đời linh mục, nghĩa là đào tạo liên tục.
Từ quan điểm này, việc chuyển giao thẩm quyền được thực hiện trong năm 2013, và sau đó vào năm 2016 bởi văn kiện “Quy chế Nền tảng về Đào tạo Linh mục”. Kết quả là Bộ Giáo sĩ có bốn văn phòng được phân biệt theo nhu cầu công việc, cùng hoạt động cho giáo sĩ. Ngoài ra, Bộ Giáo sĩ còn có thẩm quyền trên các Chủng viện Liên Giáo phận, liên quan đến việc tạo dựng, đình chỉ và hợp nhất, cũng như phê chuẩn các quy chế và bổ nhiệm Giám đốc, theo đề nghị của Giám mục địa phương.
Theo nghĩa này, một lĩnh vực có một tầm quan trọng đặc biệt là các cuộc viếng thăm chủng viện của Bộ, nhằm duy trì sự đối thoại và trao đổi thường xuyên giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ. Để bảo đảm tinh thần này, Văn phòng các Chủng viện thúc đẩy đối thoại với các Ủy ban Giám mục và các Hiệp hội Chủng viện Quốc gia. Ngoài mối liên hệ chặt chẽ này với các Giáo hội địa phương, Bộ còn thường xuyên xúc tiến các khóa đào tạo cho các nhà đào tạo trong các chủng viện theo các ngôn ngữ khác nhau.
Phó tế vĩnh viễn
Trong lĩnh vực hoạt động của Bộ Giáo sĩ còn liên quan đến phó tế vĩnh viễn. Đức Hồng y Stella cho biết Đức Thánh Cha đã nói một cách công khai: “Chúng ta phải cẩn thận để không coi các phó tế như là một nửa linh mục và một nửa giáo dân”.
Việc phong chức phó tế, đối với một số người, được gọi là phó tế chuyển tiếp, là một giai đoạn tiến tới chức linh mục. Sau đó, Công đồng Vatican II, theo truyền thống của Giáo hội, đã tái lập chức phó tế vĩnh viễn, nghĩa là dành cho những người nam, ngay cả những người đã kết hôn, được chịu chức phó tế không phải cho chức linh mục, nhưng là để phục vụ trong Giáo hội. Thực tế, các phó tế thi hành chức vụ trong các cử hành và rao giảng, trong các hoạt động bác ái, quan tâm đến người nghèo và cộng tác có thẩm quyền trong việc quản lý các tài sản của Giáo hội.
Trong Huấn thị về việc “hoán cải mục vụ của cộng đồng giáo xứ để phục vụ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Giáo hội”, Bộ Giáo sĩ đã trình bày một cái nhìn về thừa tác vụ của Giáo hội, và dựa trên giáo huấn của Công đồng và các Giáo hoàng, đã nhấn mạnh nhiệm vụ của các phó tế vĩnh viễn như các ngôn sứ phục vụ. Hơn nữa, thừa tác vụ của họ phải vượt ra ngoài ranh giới của cộng đoàn Giáo hội. Đó là trường hợp các phó tế vĩnh viễn dấn thân trong các bệnh viện, nhà tù, đón tiếp người tị nạn, trong môi trường giáo dục và trung tâm lắng nghe của Caritas. Ngày nay, nhân danh Giáo hội, các phó tế vĩnh viễn tiếp tục thi hành công việc của Người Samari tốt lành.
Để thực hiện ơn gọi cụ thể này, cần phải đào tạo không chỉ liên quan đến chiều kích trí tuệ, mà còn là sự trưởng thành về nhân bản và thiêng liêng, theo quan điểm của công cuộc loan báo Tin Mừng. Vì lý do này, Bộ đồng hành với các Hội đồng Giám mục trong việc soạn thảo Ratio để đào tạo các phó tế vĩnh viễn, nhằm nhận thức đầy đủ tiềm năng ơn gọi của họ. Ngoài ra, Bộ đang đối thoại với các Giám mục địa phương để thiết lập chức phó tế vĩnh viễn trên toàn thế giới, vì ở một số Giáo hội địa phương vẫn chưa được khôi phục. Thực tế, trách nhiệm của các Hội đồng Giám mục là phải đề xuất phó tế vĩnh viễn cho các quốc gia địa phương.
Hơn nữa, một khía cạnh đặc biệt của chức phó tế vĩnh viễn, thực tế là những người nam đã lập gia đình cũng có thể được lãnh nhận thừa tác vụ này. Lựa chọn này phân biệt rõ ràng họ với các linh mục, những người luôn sống độc thân trong Giáo hội Latinh. Hơn nữa, phó tế vĩnh viễn có gia đình và đang thực hành một nghề nghiệp là một chứng tá đặc ân về ơn gọi nên thánh phổ quát trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, mặc dù với số lượng ít hơn, có các phó tế vĩnh viễn độc thân, những người làm chứng cho giá trị của sự tinh khiết vì Nước Trời, đảm nhận dấn thân sống độc thân vào lúc thụ phong, để dâng mình cách tự do hơn cho các nhu cầu của thừa tác vụ.
Bộ Giáo sĩ dấn thân thúc đẩy ơn gọi phó tế vĩnh viễn trong tất cả sự phong phú và phù hợp của ơn gọi này: những người nam này, trên thực tế, không phải là “những người giúp lễ với dây stola”, nhưng là các tín hữu dấn thân thể hiện – trong sự hiệp thông với Giám mục – khuôn mặt Chúa Giêsu, Đấng không đến để được phục vụ nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống.
Nguồn:W.Vatican News