Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, đó là lời mời gọi mỗi người chúng ta, luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục của các bậc sinh thành, đồng thời, nhắc nhở chúng ta về bổn phận phải giúp các linh hồn đang còn thanh luyện, để các ngài sớm về Thiên đàng. Có rất nhiều bài ca dao, tục ngữ, rất nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ, và răn dạy con cái sống đáp đền công ơn ấy: Công cha nghĩa mẹ cao vời; Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta. Nên người con phải xót xa; Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao. Lòng hiếu thảo quả là một tấm lòng thơm tho, một tấm lòng đáng yêu. Lòng hiếu thảo làm cho con người thêm thanh cao, giá trị.
Có một diễn viên đã chia sẻ tâm trạng của mình như sau: Những ngày tháng đầu, khi mẹ tôi mất, tôi đau khổ lắm. Thèm lắm, đi làm – đi đến sáng không có ai điện thoại kêu về. Đi từ khuya đến sáng, chết ngoài đường cũng chẳng có ai quan tâm nữa. Mình có bị sốt, bị cảm lạnh, cũng chẳng ai kêu mình mặc áo ấm vào nữa. Lúc đó mới cần, cần lắm, ước gì mẹ còn sống, để được nghe, để được chăm sóc… nhưng đã quá muộn rồi, không còn nữa. Cho nên, ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ với mọi người khi còn mẹ, đừng bao giờ làm cho mẹ mình phải khóc hết. Hãy làm cho mẹ của mình luôn cười. Cho dù mẹ mình có la mình nhiều đi nữa cũng là mẹ của mình. Mẹ lo lắng chứ mẹ không ghét bỏ, chỉ có con cái mới lầm lỗi với mẹ, chứ không bao giờ có mẹ nào làm cho con buồn, cho con khổ đâu, bởi vì mẹ quan tâm, mẹ thương… nhưng một khi mẹ mất đi rồi KHÔNG tìm lại được mẹ nữa đâu.
Trong ca khúc Diễm xưa, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết một câu rất triết lý: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau… Tại sao sỏi đá lại cần có nhau? Sỏi và đá không cân xứng nhau một chút nào. Đá thì lớn, sỏi thì nhỏ. Những viên sỏi nhỏ cần phải tựa nép vào tảng đá lớn là chuyện rất bình thường, nhưng thật là lạ lùng, những tảng đá lớn cũng cần đến những viên sỏi nhỏ, cần những viên sỏi nhỏ để chèn bên dưới chân để tảng đá lớn được vững vàng với thời gian. Như thế, để tồn tại, sỏi đá cũng cần có nhau. Sỏi đá cũng cần có nhau, phương chi là con người. Người với người sống để yêu nhau. Người sống và người chết cũng luôn cần có nhau, KHÔNG chờ đến ngày sau, NGÀY HÔM NAY, sỏi đá vẫn cần có nhau. Dường như các bậc sinh thành đã qua đời, họ rất sợ chúng ta quên lãng họ, chẳng vì thế, mà chúng ta bắt gặp những lời van xin thống thiết: Xin hãy nhớ đến chúng tôi! Hoặc, hỡi những người sẽ chết, xin hãy nhớ đến chúng tôi là những kẻ đã chết! Hay là, cõi tạm này, hôm nay bạn, mai đây tôi.
Sống phận làm con, làm cháu, không thể chấp nhận nơi chúng ta lòng biết ơn các bậc sinh thành bằng môi bằng miệng, bằng sự hời hợt giả tạo được. Tháng 11 là tháng để các tín hữu sống trọn chữ hiếu, khi biết dành thời giờ, công sức, tình yêu để kính nhớ CÁC LINH HỒN. Hãy tận dụng tháng 11 như là tháng báo hiếu cho TỔ TIÊN, tháng làm việc bác ái cho người quá cố. Sống chữ hiếu là biết đến chữ đạo của Chúa Giêsu, và tin tưởng vào Lời Chúa đã nói hôm nay: Tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại, trong ngày sau hết. Ước gì, của lễ mỗi ngày của chúng ta là những việc lành phúc đức, những việc hy sinh, bác ái… Của lễ mỗi ngày của chúng ta, là tấm lòng thành, là những lời cầu nguyện, là những Thánh lễ sốt sắng…, đó là món quà quý giá nhất mà chúng ta tiến dâng Thiên Chúa, để đáp hiếu ông bà cha mẹ và những người thân yêu đã qua đời. Amen
LM. JOS