Suy Niệm Thứ Sáu Tuần Thánh Năm B

 

Chết Vì yêu
( Ga 18,1-19,42)

  Tâm điểm của Tuần Thánh chính là Thập giá, nơi Đức Kitô bị đóng đinh, chịu treo và chết vì tội lỗi của mỗi người chúng ta. Hình ảnh thập giá luôn cho ta một trải nghiệm đau đớn, một cảm giác ghê rợn và một cái nhìn về sự thất bại. Nhưng không! Thập giá Đức Kitô thì hoàn toàn khác. Đó là đỉnh cao của tình yêu mà Thiên Chúa biểu lộ cho con người

  Chúa Giêsu chịu đau khổ vì tình yêu và chính lý do này đã thúc đẩy Ngài đi tới cùng trong sự hy hiến. Không phải đau khổ của Chúa cứu độ chúng ta nhưng là tình yêu của Ngài. Tình yêu của Ngài đối với nhân loại làm cho cái chết đau đớn của Ngài có giá trị vô cùng. Ngài sẵn sàng hy hiến tất cả cho người yêu của mình. Ngài đã biến đổi những tra tấn, những khinh khi, sỉ nhục thành tình yêu và sự tha thứ. Dẫu bị đóng đinh chân tay vào thập giá Ngài vẫn đang yêu: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Nơi Ngài chỉ có tình yêu. Ngài là mục tử tốt lành Ngài chết để cho chiên Ngài được sống.

     Đây là một niềm an ủi rất lớn cho chúng ta vì Chúa Giêsu cũng đau khổ. Ngài không muốn chúng ta phải chịu đau khổ, nên chính Ngài đã chịu đau khổ vì chúng ta. Tình yêu không thể không có đau khổ. Nhưng đau khổ đó mang lại niềm vui lớn lao: “ Hạt lúa mì rơi xuống đất không thối đi không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi…” Thập giá kinh sợ trở thành thập giá của niềm hy vọng, thân thể bầm dập bởi tra tấn trở thành  thân xác phục sinh. Những vết thương toạc rách trở nên nguồn thứ tha, chữa lành và hòa giải. Ngài chịu đau khổ vì kẻ phản bội mình. Ngài sợ hãi và khổ não trong vườn cây dầu và không một ai đến an ủi. Ngài bị cáo gian không ai bênh đỡ. Ngài cô đơn, bị mọi người bỏ khi bị lăng nhục, đánh đòn, chửi bới, khạc nhổ; rồi bị những cái quất thù hằn, những cái đinh gai nhọn trên đầu của kẻ ghét ghen và những cái đinh nhọn đóng trên tay chân của quân đồ khát máu. Ngài bị kết tội như một kẻ gian phi nhất. Cho đến tắt thở Ngài vẫn còn bị chửi bới, lăng nhục và chế nhạo. Ai có thể kể hết được những cực hình Ngài đã chịu?

    Chúa Giêsu vô tội, Ngài là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chọn con đường này để cứu độ chúng ta thì chúng ta không có lý do gì để trốn thoát đau khổ. Khi kết hợp đau khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Giê-su chúng ta sẽ tìm được sự bình an. Không ai có thể đi được con đường này nếu không cùng đi với Chúa Chúa Giê-su. Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu cho chúng ta sức mạnh, sự can đảm và niềm hy vọng để đi tới cùng vì chúng ta không đi đơn độc .

    Mầu nhiệm thập giá và phục sinh không tách rời nhau. Chúa Giêsu thập giá cũng là Chúa Giêsu phục sinh. Trước khi chết, Chúa Giêsu nói vinh quang của Thiên Chúa sắp được biểu lộ nơi Ngài. Nhưng sau phục sinh, Ngài cũng cho các môn đệ xem những dấu đinh còn in nơi thân xác Ngài. Khi suy niệm về sự phục sinh, chúng ta không quên cuộc khổ nạn của Chúa vì đau khổ và cái chết của nhân loại là con đường mà Thiên Chúa muốn dùng để lôi kéo chúng ta vào trong vinh quang của Ngài. Khi Chúa Giêsu hấp hối, Ngài thưa với Cha: “Xin cho ý Cha được thực hiện”.

    Trong giây phút của ngày thứ sáu Tuần Thánh này chúng ta hãy trầm lặng dưới chân thập giá của Chúa  để cảm sâu hơn nữa tình yêu vô biên của Chúa dành cho mỗi người chúng ta trong cuộc khổ nạn của Người. Và chúng ta hãy lắng nghe tiếng vọng từ thập giá: “Không tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ chết vì người mình yêu.” Tình yêu cao cả này mời gọi chúng ta đáp trả bằng cuộc sống vâng phục ý Chúa trong mọi hoàn cảnh  để được thực sự gặp gỡ Ngài trong phục sinh vinh quang.

M. Quỳnh Hua