ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU (03.11.2024 – CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN B)
Bài Ðọc I: Ðnl 6, 2-6
“Hỡi Israel, hãy nghe đây: Ngươi hãy yêu mến Chúa hết lòng ngươi”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người mà tôi truyền dạy cho các ngươi, cho con cái cháu chắt các ngươi tuân giữ mọi ngày trong đời sống các ngươi, để các ngươi được sống lâu dài.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây mà tuân hành các điều Chúa truyền dạy cho ngươi, thì ngươi được phần phúc và sinh sản ra nhiều hơn, như lời Chúa là Thiên Chúa tổ phụ ngươi đã hứa ban cho ngươi phần đất chảy sữa và mật.
“Hỡi Israel, hãy nghe đây, Chúa là Thiên Chúa chúng ta, là Chúa độc nhất. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức ngươi. Những lời tôi truyền cho ngươi hôm nay, phải ghi tạc vào lòng”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 17, 2-3a. 3bc-4. 47-51ab
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
Xướng: 1) Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa; lạy Chúa là đá tảng, chiến luỹ, cứu tinh.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
2) Lạy Chúa là Thiên Chúa, là sơn động chỗ con nương mình, là khiên thuẫn, là uy quyền cứu độ, là sức hộ phù con. Con xướng ca khen ngợi cầu cứu Chúa, và con sẽ được cứu thoát khỏi tay quân thù.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
3) Vạn tuế Thiên Chúa, chúc tụng Ðá Tảng của con, ngợi khen Thiên Chúa là Ðấng cứu độ con. Ngài đã ban cho đức vua được đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu của Ngài.
Ðáp: Lạy Chúa là dũng lực con, con yêu mến Chúa.
Bài Ðọc II: Dt 7, 23-28
“Vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu”.
Trích thư gởi cho tín hữu Do Thái.
Anh em thân mến, có nhiều người làm tư tế (của Giao Ước cũ), vì lẽ sự chết ngăn trở họ tồn tại lâu bền. Còn Ðức Kitô, vì lẽ Người tồn tại đời đời, nên Người có một chức tư tế hằng hữu. Bởi đó, Người có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng lên của lễ trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật thì đặt Người Con hoàn hảo làm Thượng tế đến muôn đời.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 4,4b
Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 12, 28b-34
“Ðó là giới răn thứ nhất, còn giới răn thứ hai cũng giống như giới răn thứ nhất”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Maccô.
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” Chúa Giêsu đáp: “Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó”.
Luật sĩ thưa Ngài: “Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh”.
Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”. Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm 1: ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU
Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật, các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu. Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema, kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày:
“Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4). Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29).
Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.
“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18). Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).
Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh. Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến. Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân: đó là câu trả lời của Đức Giêsu cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm.
Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay. Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống. Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30), yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác, vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo.
Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước. Ăn ngay ở lành không đủ. Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành. Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa. Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân. Thương người như thể thương thân. Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống? Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ… Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.
Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu. Ông hỏi, nhưng không có ý thử Ngài. Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí. Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ, dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa. Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu. Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó. Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn, nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa. Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ. Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen, mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng, không một biến cố nào làm xáo trộn, không một đam mê nào khuấy động hồn con. Xin cho con đừng quá vui khi thành công, cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích. Xin cho quả tim con đủ lớn để yêu người con không ưa. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.
Suy niệm 2: YÊU THA NHÂN NHƯ CHÍNH MÌNH
Ngoài Luật trong Ngũ Thư, người Do-thái thời Đức Giêsu còn phải giữ hơn sáu trăm luật lệ khác. Bởi đó có một người ngoại giáo xin với Rabbi Hillel: “Xin thầy dạy tôi tất cả Lề Luật trong thời gian tôi có thể đứng trên một chân.” “Điều gì bạn không thích thì đừng làm cho người khác,” vị Rabbi trả lời, “mọi điều khác chỉ là diễn giải thêm.” Thánh Phaolô nói: “Yêu người thân cận là chu toàn Lề Luật.” Khi được hỏi về điều răn thứ nhất trong mọi điều răn, Đức Giêsu đã trả lời, không phải một, mà đến hai điều răn. cả hai đều bắt đầu bằng câu “ngươi phải yêu mến”: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người thân cận. Đây là bản tóm của Mười Điều Răn được ban trên núi Sinai.
Yêu mến thoạt nghe tưởng là chuyện thuần túy tình cảm, nhưng thật ra lại là một mệnh lệnh phải làm. Phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả khả năng Ngài ban: với tất cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực. Yêu đến mức như thế thì phải cố gắng suốt đời, dần dần để Chúa chiếm lấy toàn bộ con người mình, dần dần buông bỏ bản thân để tan hòa vào Chúa. Nhưng Tân Ước với mầu nhiệm Nhập Thể còn mở ra một đòi hỏi mới của tình yêu. Đức Giêsu Nadarét là Thiên Chúa Con Một làm người. Ngài cũng đòi ta yêu Ngài như yêu Thiên Chúa Cha, yêu đến mức dám hy sinh mạng sống (Lc 14,26). Ngài đã hỏi Simon Phêrô: “Anh có yêu mến Thầy không?” và hôm nay Ngài cũng hỏi từng người chúng ta như thế. Tương quan giữa ta với Ngài là tương quan tình yêu. Ngài yêu ta và mong ta ở lại trong tình yêu đó (Ga 15,9).
Tình yêu của ta đối với Chúa như thanh dọc của thập giá. Thập giá cần một thanh ngang là tình yêu cho tha nhân. Thanh ngang trụ được là nhờ gắn vào thanh dọc. Đức Giêsu nói đến hai điều răn mến Chúa yêu người không tách rời nhau, như hai thanh của thập giá. Không điều răn nào hoàn hảo nếu không có điều răn kia. Yêu Đấng Tạo Hóa sẽ dẫn chúng ta đến chỗ yêu tha nhân là những thụ tạo mang hình ảnh của Ngài. Đức Giêsu còn đưa tình yêu tha nhân đi xa hơn khi dạy ta không chỉ yêu người thân cận, mà yêu bất cứ ai cần ta giúp đỡ (Lc 10,37), yêu cả kẻ thù bằng cách cầu nguyện cho họ (Mt 5,44). Hơn nữa, Ngài còn mời ta yêu bằng tình yêu lớn nhất, đó là hy sinh mạng sống cho bạn của mình (Ga 15,13). Chúng ta thường được dạy điều răn yêu Chúa và tha nhân, nhưng không được dạy điều răn về yêu bản thân mình. Có lẽ vì ai cũng nghĩ yêu bản thân là chuyện tự nhiên. Thật ra “yêu mến người thân cận như chính mình” hàm chứa việc phải yêu mến bản thân. Không cần phải ghét bản thân thì mới yêu tha nhân được. Trái lại, ai không biết yêu bản thân thì khó yêu tha nhân. Chúng ta vẫn thường mắc tội xúc phạm đến bản thân: làm hại thân xác bằng ô uế, nghiện ngập, làm hại tâm hồn bằng thù ghét và khép kín. Thật sự yêu bản thân mình là một điều răn khó giữ, vì nó đòi ta phải mở ra trước Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Âu-tinh nói: Chúng ta sẽ bị Chúa xét xử về tình yêu. Bởi vậy, cứ yêu đi, rồi muốn làm gì thì làm. Hãy để tình yêu thấm vào từng chi tiết của cuộc sống. Hãy để cuộc sống được dẫn lối bởi tình yêu. “Ai không yêu mến, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4,8).
Cầu nguyện:
Mỗi tối, trước khi đi ngủ, con lại muốn tự khám trái tim của mình. Con muốn biết điều gì đang chi phối trái tim ấy: sợ hãi, âu lo, hay an bình, hy vọng, chán chường, ganh ghét, hay chia sẻ, cảm thông Con muốn xem trái tim con đang bị ai dẫn dắt: chiếm đoạt, thèm muốn hay tự hiến, dâng trao.
Lạy Chúa, con muốn mình có một trái tim khỏe khoắn, vang những nhịp đập như trái tim của Chúa: hiền lành và khiêm tốn, tha thứ và bao dung. Con muốn bắt chước Chúa trên thập giá, mở trái tim mình ra đến vô cùng, trao tất cả mà chẳng hề giữ lại.
Lạy Chúa, Xin cho con tựa đầu vào ngực Chúa, để trái tim Chúa dạy con biết yêu thương. Amen.