ĐẦU BẾP BẤT ĐẮC DĨ
Đúng là ‘con dịch’ này nó quậy quá, ‘cạp’ nát trái đất rồi,
lật tung và đảo lộn mọi thứ luôn…
Số là, cô bếp nhà chúng tôi cũng bị ‘zăng’ luôn rồi, cho nên muốn có cơm ăn thì phải lăn vào bếp. Thế là mạnh ai nấy lăn, người thì bếp chính, người thì bếp phụ, cũng có vài thành phần là ‘bếp chánh’ như tôi đây, nghĩa là ‘chánh’ qua một bên cho người ta làm á. Vui lắm!
Bình thường, tôi thấy cô bếp – tuy vất vả nhưng rất ung dung vì cô đã ướm được lượng công việc và sắp xếp mọi thứ theo thứ tự ưu tiên. Sau khi các nguyên liệu được sơ chế xong, cứ đặt ở đấy cho cô rồi lần lượt cô sẽ cho ‘các em’ vào nồi và cứ đến bữa là chúng tôi được no say.
Giờ không có cô, cũng là cơ hội cho các đầu bếp được trổ tài. ‘Sếp’ phân công Nhà khấn một tuần, Học viện và Nhà tập một tuần. Nhà khấn lại chia ra mỗi tổ hai ngày, thế là bắt đầu lo lắng, chiều hôm trước đã đi hỏi quản lý xem mai ăn gì, rồi sáng là tranh thủ xuống sớm để làm cho kịp, ai ai cũng thật nghiêm túc trong nhiệm vụ này vì lạng quạng là bỏ đói cả nhà chứ không đùa. Ngày đầu tiên, Tổ 1 của tôi tiến hành trước, đang lui cui này nọ thì thấy có hai em tổ khác xuống làm ‘từ thiện’, cả tổ ai cũng khoái chí, hớn hở ra mặt nhưng khốn nỗi mỗi đứa một tổ, thế là phải tính tới chuyện đi trả công cho hai tổ kia mặc dù người ta bảo là ‘không cần đâu’.
Sau hai ngày làm ‘bếp chánh’ là chuỗi ngày đi trả công của tổ chúng tôi. Rồi cũng có nhiều người từ thiện khác, thế là dằn tới dằn lui, dằn qua dằn lại, gần như cả nhà khấn kéo xuống bếp: người bào người rửa, người xắt người xay… rần rần luôn. Tôi còn nghe chị em nói chuyện với nhau: ‘Ê, zui quá he, như nhà có đám cưới vậy đó’, ‘hong, em thấy giống đám giỗ hơn, tại hồi nữa đọc kinh rồi mới được ăn… hihi’. Ôi thật khéo nghĩ! Rồi lại có những tiếng réo vọng ra từ trong khu nấu, kiểu không biết đồ đạc, gia vị để ở đâu… Tuy lạ nước lạ cái vì phải ‘đá lộn sân’ nhưng nhờ sự nhiệt tình và hết mình của chị em mà cơm vẫn chín (nhằm bữa cũng còn ngòi) và đồ ăn cũng ngon (cũng có bữa hôi khói). Cứ đơn sơ vui vẻ như thế, chị chị em em thay phiên nhau phục vụ bữa ăn cho cả nhà.
Tuy nơi đây chưa phải chịu sự tàn phá nặng nề của dịch bệnh nhưng mất mát ít nhiều vẫn có. Nhưng được lại, chúng tôi có thể xích lại gần nhau hơn trong tương quan, gặp gỡ, sẻ chia; cùng nhau nấu ăn, làm cỏ, cuốc đất, trồng rau, chỉnh trang lại khuôn viên nhà dòng… những việc mà bình thường ít có cơ hội làm chung; nhất là có nhiều thời gian cầu nguyện hơn, đặc biệt là cầu cho những bệnh nhân covid, những ‘chiến sĩ’ đang chiến đấu nơi tuyến đầu, cầu cho dịch bệnh mau chấm dứt và xin cho được bình an trở lại…
Cầu xin Chúa thương xót nhân loại chúng con đang khốn đốn. Xin Chúa ra tay uy quyền toàn năng của Ngài mà tiêu diệt ‘con dịch’ này khỏi thế giới của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác nơi Ngài !
Quý Thư