Cha Peter Gumpel
Cha Peter Gumpel S.J và Đức Giáo Hoàng Piô 12
G. Trần Đức Anh, O.P.
Thân thế Cha Gumpel
Cha sinh ngày 15/11/1923 ở miền bắc Đức, trong một gia đình quí tộc gốc Do thái, từng bị Đức quốc xã bách hại. Thân mẫu bị cầm tù và ông của cha bị giết, nên cha sớm phải rời bỏ Đức, sang Pháp, rồi sau đó sang Hòa Lan, gia nhập dòng Tên tại đây. Về sau cha làm Giáo sư tại Học viện Đức-Hungari ở Roma, rồi từ năm 1960 làm phụ tá trước khi làm thỉnh nguyện viên trưởng các án phong thánh của dòng Tên. Cho đến khi chấm dứt nhiệm vụ hồi năm 2010, tổng cộng trong 50 năm, cha đã hoàn tất với kết quả viên mãn 39 án phong hiển thánh và chân phước, theo dõi hơn 70 án phong tại bộ phong thánh.
Đặc biệt cha Gumpel là tường trình viên (Relatore) án phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Piô 12; án được khởi sự từ năm 1965, và năm 1984, Cha trở thành tường trình viên án phong này tại Bộ Phong thánh.
Những hoạt động của vị thỉnh nguyện viên và tường trình viên án phong thường là âm thầm. Nhưng do những chiến dịch vu khống Đức Piô 12, cha Gumpel, như một chuyên gia nổi bật trong lãnh vực này, đã lên tiếng bênh vực ngài, nên dư luận đặc biệt chú ý đến vai trò của cha trong việc vạch rõ những sai trái và ác ý của những người tung ra những cáo buộc ấy.
Huyền thoại đen
Huyền thoại về Đức Piô 12 đạt tới cao điểm hồi năm 1963 với vở kịch “Vị Đại diện” (“Der Stellvertreter”) do kịch giả Rolf Hochhuth người Đức sáng tác và phổ biến với mục đích tránh cho dân tộc Đức tội diệt chủng Do thái và đổ tội cho Đức Giáo Hoàng Piô 12, gán cho ngài trách nhiệm chính về tội ác này. Từ đó một huyền thoại đen về Đức Piô 12 lan truyền, mặc dù sau thế chiến thứ 2, chính phủ Israel, trong đó có bà thủ tướng Golda Meir, đã cám ơn Đức Giáo Hoàng Pio 12 vì thái độ khôn ngoan của ngài, không công khai phê bình và chống đối Hitler, để khỏi làm cho tình trạng bách hại Do thái trở nên trầm trọng hơn.
Dầu vậy sau đó, cũng có nhiều người Do thái phê bình sự im lặng thận trọng của Đức Piô 12 và trào lưu kết án này lan rộng.
Trước tình thế đó, khi chờ đợi thời điểm mở văn khố, Tòa Thánh đã cho xuất bản một bộ sách 12 cuốn, do 4 cha dòng Tên soạn thảo, trình bày những tài liệu trong Văn khố về lập trường của Đức Piô 12 và Giáo Hội Công Giáo trong thời thế chiến thứ 2. Một trong các chuyên gia cộng tác vào công trình này là cha Peter Gumpel, cũng là tường trình viên án phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Piô 12.
Tuy nhiên bộ sách 12 cuốn ấy vẫn không làm giảm bớt thái độ nghi ngờ của nhiều học giả, đặc biệt là người Do thái. Họ nhiều lần yêu cầu Tòa Thánh cho mở văn khố để các chuyên gia nghiên cứu. Họ đặc biệt quan tâm đến vai trò của Đức Giáo Hoàng Piô 12 từ 1939 đến 1945 trong cuộc bách hại của Đức quốc xã đối với người Do thái.
Yêu cầu mở Văn khố Tòa Thánh
Theo thông lệ, việc mở Văn khố Tòa Thánh được tiến hành theo từng triều đại Giáo Hoàng. Vì thế, chỉ có Văn khố triều đại Đức Giáo Hoàng Piô 11 từ năm 1922 đến 1939, được mở ra hồi năm 2006. Và theo nguyên tắc chỉ mở văn khố 70 năm sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, nên trên nguyên tắc Văn khố thời Đức Piô 12 chỉ được mở ra từ ngày 8/10/2028.
Cha Gumpel cho biết dù Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 và Phanxicô muốn cho mở văn khố thời Đức Giáo Hoàng Pio 12 sớm hơn, nhưng “lực bất tòng tâm”: văn khố triều đại Đức Piô 12 có khoảng 16 ngàn tài liệu, trong đó có những văn kiện nhiều trang, bấy giờ chưa được sắp xếp. Các tài liệu ấy phải được chụp hình, xếp theo danh mục, và đặt theo quốc gia, giáo phận và người, làm sao để có thể tìm kiếm và nghiên cứu được. Nguyên danh mục các tên người cũng lên tới hàng chục ngàn tên. Thoạt đầu công trình sắp xếp tiến hành rất chậm, chỉ có 2 nhân viên văn khố phụ trách, sau đó nhân sự được tăng cường, và vì thế người ta có thể công bố sớm hơn, khoảng 7 năm rưỡi.
Mở Văn khố Tòa Thánh
Sau cùng, ngày 4/3/2019, trong buổi tiếp kiến dành cho 75 người thuộc ban giám đốc, các nhân viên và cộng tác viên của Văn khố Vatican, chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng Văn khố triều đại Đức Piô 12 sẽ được mở cho các học giả nghiên cứu từ ngày 2/3/2020. Ngài cũng cám ơn họ vì đã làm việc vất vả trong 12 năm qua để chuẩn bị cho việc mở văn khố vừa nói. Đức Phanxicô nói thêm rằng: “Giáo Hội không sợ lịch sử, trái lại Giáo Hội yêu mến lịch sử và muốn yêu mến hơn nữa. Vì thế với cùng lòng tín nhiệm của các vị Tiền Nhiệm, tôi mở và ủy thác cho các nhà nghiên cứu gia sản tài liệu này.”
Nhận định về vấn đề này, Cha Gumpel cho biết việc mở Văn khố chắc chắn cho thấy nhiều điều mới mẻ trong các lãnh vực quan hệ giữa Tòa Thánh và các nước, hoặc về đời sống Giáo Hội, nhưng cha không nghĩ rằng người ta sẽ biết thêm nhiều đời mới liên quan đến đời sống và hoạt động của Đức Piô 12, ngoài những người đã được biết cho đến nay. Cha nói: “Trong tiến trình điều tra phong chân phước cho Đức Piô 12, các đồng nghiệp và tôi, trong tư cách là thỉnh nguyện viên án phong, chúng tôi đã được đọc các văn kiện mật của Vatican. Tập hồ sơ đúc kết, gọi là Positio, dầy 3.500 trang đóng thành 6 cuốn, đủ để đáp ứng những đòi hỏi khoa học. Tất cả về cuộc sống của Đức Piô 12, tình trạng căng thẳng tại Ý, các hoạt động của Đức Piô 12 cho đến khi ngài qua đời, được trình bày kỹ lưỡng với các văn kiện trưng dẫn, trong đó cũng có lời cung khai của các chứng nhân gồm 98 người, từ các Hồng Y, cho đến các Linh Mục, giáo dân, các nhân viên, ký giả đã quen biết ngài tại Berlin cũng như tại Ý, dĩ nhiên là chứng từ của nữ tu Pasqualina Lehnert, quản gia của Đức Piô 12. Họ tuyên thệ và trả lời. Cả các sách báo về Đức Cố Giáo Hoàng Piô 12 cũng được thẩm định.
Cha Gumpel có lý, vì hơn 2 năm rưỡi sau khi Văn khố Tòa Thánh được mở ra, cho đến giữa tháng 10/2022, chưa thấy có học giả nào tìm được những tài liệu chứng tỏ Đức Giáo Hoàng Piô 12 đã hành động sai trái đối với người Do thái trong thời Đức quốc xã bách hại, trái lại có nhiều chứng từ cho thấy ngài đã tận tình âm thầm giúp đỡ những người Do thái bị quân Đức lùng bắt.
Xác tín của cha Gumpel về Đức Piô 12
Nghiên cứu và tiếp xúc với Đức Piô 12, cha Gumpel xác tín về sự thánh thiện của Đức Giáo Hoàng, người qua đời ngày 9/10/1958, và hai tháng sau đó, cha Gumpel đã được phép in (imprimatur) một ảnh nhỏ với lời nguyện cầu cho Đức Piô 12 được phong chân phước.
Chính Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, hồi năm 2009, đã xin sự cộng tác của Cha Gumpel để đánh tan mọi nghi ngờ cuối cùng, để xác tín Đức Piô 12 đã làm tất cả những gì có thể hầu giúp đỡ và cứu thoát những người Do thái. Với tất cả kiến thức chuyên môn, cha đã giúp Đức Giáo Hoàng trong vấn đề này. Và Đức Biển Đức 16 đã cho công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của Đức Piô 12.
Ngoài ra, Cha Gumpel đã gặp vị lãnh tụ của một nhóm 800 vị Rabbi Do thái chính thống ở Bắc Mỹ, và xin Rabbi thủ lãnh ấy một tuyên bố trên giấy tờ trong đó có giải thích rằng những người Do thái chính thống không đồng ý với những người Do thái đồng đạo của họ xen mình vào các vấn đề nội bộ của Giáo Hội Công Giáo và muốn ngăn cản việc phong chân phước cho Đức Piô 12.
Những nghiên cứu của cha Gumpel cũng cho thấy theo sự ủy nhiệm của Đức Piô 12, Nữ tu quản gia của ngài, sơ Pascalina Lehnert, trong thời thế chiến thứ hai, đã phối hợp việc đón tiếp người Do thái trong các đan viện khác nhau ở Roma và chính sơ đã lái một xe van qua các đường phố ở Roma, phân phát lương thực và quần áo cho dân nghèo.
Cha Gumpel nói rằng vấn đề hiện nay trong án phong là còn phải đợi một phép lạ được chứng thực. Một số vụ khỏi bệnh đã được cứu xét, nhưng chưa được công nhận.
Trong một bài đăng trên báo “Quan sát viên Roma” (Osservatore Romano), số ra ngày 14/10/2022, cha Federico Lombardi, nguyên Tổng giám đốc đài Vatican, viết: “Cha Gumpel tuyệt đối xác tín rằng Đức Piô 12 đáng được phong thánh và trước sau gì Giáo Hội cũng sẽ tôn phong ngài. Với ai vặn hỏi cha về vấn đề này, cha trả lời: ‘Tôi xác tín mạnh mẽ, tôi còn sống hay không, đó không phải là điều quan trọng, tôi mạnh mẽ xác tín rằng một ngày kia Đức Piô 12 sẽ được tôn vinh trên bàn thờ và được phong thánh.'”
Nguồn:W.Vatican News