Em sẽ không khóc nữa

EM SẼ KHÔNG KHÓC NỮA

Thúy Anh ( Đệ Tử)

Gửi em, Cô Bé Hay Khóc
Trong cuộc sống, ai cũng mong ước có một gia đình trọn vẹn. Em cũng không ngoại lệ. Nhưng em không được may mắn như mọi người. Khi mới 8 tháng tuổi, Nội đã là người thay thế cha mẹ để nuôi dưỡng em cho đến hôm nay. Nội luôn ở bên cạnh, che chở và dạy dỗ em. Nội cố gắng bù đắp những thiếu thốn về tình cảm, trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp em vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Thiếu vắng cha mẹ, em học cách mạnh mẽ và tự lập từ sớm, nhưng cũng để lại những vết thương sâu sắc trong tâm hồn, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận bản thân và cuộc sống.
Năm em 5 tuổi, nội bước vào tuổi 60, nghỉ hưu và lui về quê. Chỉ có hai bà cháu nương tựa nhau qua những ngày mưa gió, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau. Nhưng nội lúc nào cũng nhường cho em phần ngon. Nhớ những ngày mưa trong căn nhà lá cũ kỹ được cất lên từ bao giờ, có hai bà cháu ôm nhau nằm trên chiếc võng, nằm trong vòng tay nội ấm áp biết bao, chẳng cơn mưa nào làm em sợ hãi.
Ở với nội em rất sung sướng nhưng do khoảng cách thế hệ nên cách dạy của nội làm em thấy tủi thân lắm. Nội theo chủ nghĩa “thương cho roi cho vọt” hay la mắng em: “Mày y chang con gái mẹ mày, mày tin tao trả mày về cho mẹ mày không.” Câu nói này xem ra rất bình thường đối với những bà nội quê, nhưng em đau lắm, em cảm thấy tủi thân. Nội biết em không thích về quê mẹ. Em sợ mẹ, tính mẹ nóng, mẹ hay đánh, hay chọi đồ.
Em nhớ những ngày hè nội cho em về quê mẹ chơi. Trong buổi chiều mưa trên chiếc dream cũ, mẹ chở em cùng hai đứa em trên đường trở về phòng trọ. Bé út ngồi trước và bé ba ngồi trong lòng em, tay em ôm một thố cơm lớn và tay kia cầm túi trái cây mà mẹ con vừa sang nhà ngoại lấy về. Nhà ngoại cách phòng trọ của mẹ tầm 6 cây số, trời lạnh do mưa và cả hai tay em đã cứng đơ vì lạnh và mỏi, con hẻm vào phòng trọ lúc ấy gồ ghề. Thật sự em đã cố gắng không nổi nữa, khi chỉ còn cách căn phòng tầm 5, 6 bước chân, thì tay em buông xuôi, thố cơm văng xuống đường ngay vũng nước mưa.
Mẹ rất tức giận vì chỉ còn một xíu nữa mẹ con sẽ được no bụng. Mẹ chống xe xuống giật mạnh lấy tay em, mẹ chửi em, những câu chửi ấy mẹ thường dùng để chửi mấy bà bán chung với mẹ ở ngoài chợ. Mẹ lao vào phòng trọ kế bên quơ đại cây chổi sau cánh cửa đánh tới tấp vào người em, và bắt em đứng dưới mưa rất lâu. Chuyện đó đã làm em lúc nào cũng cảm thấy bản thân mình chưa đủ cố gắng. Nên khi làm một việc nặng hơn so với sức lực của em, em không cho phép bản thân mình bỏ giữa chừng hay đùn đẩy cho bất kỳ ai.
Lên 6 tuổi em được nội dắt đi lễ, em chán lắm vì 4h30 phải thức. Được nội bồi đắp đức tin từ bé cho đến năm em lên 8 tuổi thì em được rửa tội và tham gia nhiều hơn về các sinh hoạt của họ đạo. Em xin vào ca đoàn, học đàn và học giáo lý để học hiểu về Chúa hơn. Quý dì rất thương em vì em nhiệt tình và được việc. Khi lớn khôn có chút hiểu biết, em ước muốn đi tu để sống một cuộc đời bình an phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Đồng thời cũng làm nhẹ gánh nặng cho nội. Ước muốn của em có vẻ vụ lợi, nhưng Chúa có cách của Chúa khi Ngài muốn em bước theo Ngài.
Những ngày đầu sống trong ngôi nhà Đệ Tử em như chú cá nhỏ được thả vào dòng nước, em hòa nhập rất nhanh, em xả thân giúp đỡ chị em trong bổn phận và cảm thấy được cảm thông nâng đỡ. Nhưng niềm vui ấy chẳng được bao lâu em lại phải đối diện với nhiều khó khăn bất đồng khi em quá quan tâm đến một vài chị em. Rồi ngay cả những người mà em cố gắng làm họ vui thì họ lại là những người từ chối sự giúp đỡ của em. Họ cho rằng em đang “ăn mày tình thương” và em được dạy không nên làm thay cho người khác vì tình cảm cá nhân, nhưng chỉ giúp họ vì đức ái.
Là một cô gái thiếu tình thương từ gia đình, em luôn khao khát được yêu thương. Khi gia nhập hội dòng em cũng mang theo suy nghĩ sẽ tìm được người để chia sẻ, được yêu thương. Nên em dễ bám víu vào bất cứ ai cho em những lời ngọt ngào, hay lắng nghe em chia sẻ, em muốn được ở gần, muốn được gặp gỡ. Vì em cho rằng người đó quan trọng và họ chính là người thương em và chỉ có họ mới thấu hiểu được em. Nhưng trong nhà tu lại rất nhạy cảm về vấn đề này nên nhiều người cho rằng em có xu hướng đồng tính khiến em mất tự do trong giao tiếp.
Em không chấp nhận được những quan điểm này, nên nhiều lần em đã tỏ ra bực bội cự cãi khi được nhắc nhở. Lì lợm và cố chấp nên em là một trong những người được chăm sóc đặc biệt, hầu như tháng nào em cũng được uống nước trà để chờ trăng lên. Nhìn trăng đẹp đúng ra em phải cười, nhưng lần nào em cũng khóc khi được chia sẻ về cuộc đời của mình. Tuổi thơ của em luôn bị đùn đẩy, em luôn cảm thấy mình là cục nợ giữa bà và cha mẹ. Bị đánh và bị la rầy nhiều nên khi được nhắc nhở em liền thể hiện thái độ không vui.
Là người sống tình cảm nên em khó chấp nhận khi ai đó nói thẳng vấn đề của em, em sẽ khó đón nhận và hay tỏ thái độ. Do đó mỗi khi đồng hành thiêng liêng em luôn được thuyết phục bằng những hình ảnh hay những câu chuyện cụ thể, lúc đó tâm trí em mới sáng ra và em tự nhận ra vấn đề của mình. Thiết nghĩ cộng đoàn mà có 10 người như em chắc trong đầu Dì phải là kho tàng truyện để minh họa. Có lần trong buổi gặp gỡ em được đề nghị phải thay đổi một tật xấu, em bướng bỉnh cãi lại: “Từ nhỏ con đã vậy rồi sao sửa được”…. Im lặng… Dì nói: “Ngày mai Dì cho con về nhà một tuần nếu con cảm thấy ở nhà vui và hạnh phúc thì con khỏi trở lại Dòng, còn nếu con chấp nhận sửa đổi ba điều này…. thì con trở lại trong sự vui vẻ.”
Em về nhà mang theo nhiều suy nghĩ, ba ngày sau em trở lại Dòng gặp Dì một cách nhẹ nhàng và mạnh mẽ hơn, em trao đổi trong niềm vui, em không khóc, không cau có và dám nhìn vào mắt Dì khi đối thoại. Vì ba ngày qua em cảm thấy ơn gọi của em như ngàn cân treo sợi tóc. Em nhận ra rằng lòng Chúa nhân từ Ngài luôn yêu em mọi lúc, em không cần “ăn mày tình thương” khi cứ dùng sự giúp đỡ người khác để được thương. Em nhận ra rằng những người thương em là người dám nói về khuyết điểm của em, em sẽ cố gắng không chạy theo tình cảm tự nhiên của mình.
Không biết ngày mai em sẽ ra sao, nhưng hôm nay em đã nhận ra vấn đề của mình nhất là em cảm nhận được tình thương của Chúa và của quý Dì, hy vọng em không còn là cô bé hay khóc khi nhắc lại quá khứ của mình.