THỨ HAI SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 18,35-43:
Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường. Nghe thấy đám đông đi qua, anh ta hỏi xem có chuyện gì. Họ báo cho anh biết là Đức Giê-su Na-da-rét đang đi qua đó. Anh liền kêu lên rằng : “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” Những người đi đầu quát nạt, bảo anh ta im đi ; nhưng anh càng kêu lớn tiếng : “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” Đức Giê-su dừng lại, truyền dẫn anh ta đến. Khi anh đã đến gần, Người hỏi : “Anh muốn tôi làm gì cho anh ?” Anh ta đáp : “Lạy Ngài, xin cho tôi nhìn thấy được.” Đức Giê-su nói : “Anh nhìn thấy đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Lập tức, anh ta nhìn thấy được và theo Người, vừa đi vừa tôn vinh Thiên Chúa. Thấy vậy, toàn dân cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.
SUY NIỆM:
Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng câu chuyện Chúa Giê-su chữa cho một người mù được sáng mắt. ở đất nước Do Thái vào thời Chúa Giê-su việc bị mù mắt là một bệnh rất thường gặp. Bởi vì địa lý ở đây là vùng nóng, gió cát, bụi, thêm vào đó là y tế thấp kém nên dù chỉ bị một hạt bụi bay vào mắt khi đi đường cũng có thể dẫn đến mù lòa. Vì vậy mù lòa đã tạo nên nỗi ám ảnh lớn đối với người Do Thái.
Ngày nay, trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng gặp phải những “hạt bụi” tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé nhưng lại gây ra nhiều nỗi sợ, làm mất đi ánh sáng cuộc đời của nhiều người. Những “hạt bụi” này có thể xuất hiện trong nhiều khía cạnh của cuộc sống:
Trong đời sống vợ chồng, có những hạt bụi nho nhỏ nhưng cũng cướp đi ánh sáng niềm vui hạnh phúc của rất nhiều gia đình. Chẳng hạn hạt bụi của sự ích kỷ và thiếu tôn trọng đã cướp đi ánh sáng niềm vui của hạnh phúc của rất nhiều gia đình trẻ; có những hạt bụi của sự bất trung, bất tín đã làm tan vỡ không ít những gia đình ngay cả khi họ mới bước vào đời sống hôn nhân.
Trong tình nghĩa gia đình, có những hạt bụi của sự ghen ghét, hận thù đã lấy đi ánh sáng của niềm vui, sự đoàn kết giữa các anh em trong một gia đình. Có những hạt bụt của sự tham lam đã gây ra những cuộc cãi vã, giận hờn không hồi kết.
Trong đời sống đức tin, cũng có những hạt bụi làm cho đôi mắt đức tin của người ki tô hữu chở nên tối tăm mù lòa. Đó là những hạt bụi của sự lười biếng, ngại ngùng mỗi khi đến nhà thờ, đọc kinh và nhất là việc học hỏi lời Chúa và giáo lý. Chính vì sự lười biếng này đã là cho đôi mắt đức tin ngày nào sáng rực trong ngày rửa tội chở nên tối tăm mù lòa.
Trong đời dâng hiến, có những hạt bụi của sự vô cảm, thiếu bao dung, thiếu nhẫn nại đã lấy đi ánh sáng niềm vui phục vụ và dâng hiến của những anh chị em trong cộng đoàn của mình.
Lạy Chúa, trong cuộc sống hằng ngày, có quá nhiều điều đã làm tổn thương đến đôi mắt tâm hồn của chúng con, khiến chúng con không thể nhìn thấy ánh sáng niềm vui và hạnh phúc. Lạy Chúa, xin giúp con nhận ra sự mù lòa của mình và xin Ngài chữa lành đôi mắt tâm hồn mù tối của chúng con để chúng con hấy được ánh sáng niềm vui và hạnh phúc trong cuộc đời mỗi người. Amen.
THỨ BA SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 19,1-10
Khi ấy, Đức Giê-su vào Giê-ri-khô, đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu ; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông : “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông !” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau : “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ !” Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng : “Thưa Ngài, tôi xin lấy phân nửa tài sản của tôi mà cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
SUY NIỆM:
Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta câu chuyện về cuộc gặp gỡ hài hước và thú vị giữa Gia-kêu và Chúa Giê-su. Gia-kêu, một người thu thuế giàu có và có địa vị xã hội, nhưng lại khiêm tốn về thân hình và vị thế tôn giáo.
Gia-kêu rất muốn gặp Chúa Giê-su, nhưng do thân hình thấp bé, ông đã nghĩ ra một cách độc đáo để tiếp cận Người. Ông leo lên một cây trên con đường Chúa Giê-su sẽ đi qua và chờ Ngài ở đó. Chính hành động khác thường này đã giúp ông gặp được Chúa và cuộc đời ông đã thay đổi từ đó.
Trong cuộc sống, nếu chúng ta muốn gặp Chúa và làm cho cuộc đời mình thêm nhiều điều thú vị, chúng ta cũng cần học bài học từ Gia-kêu, đó là “làm những việc khác thường.” Điều này không có nghĩa là làm những điều kỳ quặc mà là thực hiện những việc khác với thói quen hàng ngày, những việc mà chúng ta thường không chú ý đến.
Trong đời sống đức tin, nếu chúng ta muốn có một đức tin sống động hơn hãy “làm những việc khác thường” như siêng năng đi lễ vào các ngày trong tuần, lặng lẽ viếng nhà tạm, âm thầm đọc và học kinh thánh, trung thành lần chuỗi với mẹ Maria.
Trong đời sống gia đình, “làm những việc khác thường” đó có thể là việc chúng ta quan tâm nhiều hơn đến những thành viên trong gia đình để tặng quà, chúc mừng, khen tặng. Những việc nhỏ như đổ rác, dọn cơm, rửa chén cũng tạo ra sự gắn kết và tình yêu thương trong gia đình.
Trong đời sống xã hội, “làm những việc khác thường” đó có thể là việc quyên góp quần áo cũ, tiền bạc cho những hoạt động của xã hội, tham gia những câu lạc bộ thể dục, cộng đồng.
Trong đời sống giáo xứ, “làm những việc khác thường” có thể là những đóng góp cho nhưu cầu giáo xứ, tham gia hội đoàn, ca đoàn phụ giúp những công tác mà cha xứ kêu gọi…
Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi cuộc sống nhàm chán để có một cuộc sống tốt đẹp hơn, chúng ta cần phải học từ Gia-kêu, biết đứng lên và “làm những việc khác thường.”
Lạy Chúa, cuộc sống với những áp lực về cơm áo gạo tiền đã khiến chúng con trở nên mệt mỏi và nặng nề. Xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh để có thể bước ra khỏi lối sống cũ, dám “làm những việc khác thường” để cuộc sống của chúng con được biến đổi, trở nên tốt đẹp và bình an. Amen.
THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 19,11-28
Khi ấy, dân chúng đang nghe Đức Giê-su, thì Người kể thêm cho họ một dụ ngôn, vì Người đang ở gần Giê-ru-sa-lem và vì họ tưởng là Triều Đại Thiên Chúa sắp xuất hiện đến nơi rồi. Vậy Người nói : “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền, rồi trở về. Ông gọi mười người trong các tôi tớ của ông đến, phát cho họ mười nén bạc và nói với họ : ‘Hãy lo làm ăn sinh lợi cho tới khi tôi đến.’ Nhưng đồng bào ông ghét ông, nên họ cử một phái đoàn đến sau ông để nói rằng : ‘Chúng tôi không muốn ông này làm vua chúng tôi.’
“Sau khi lãnh nhận vương quyền, ông trở về. Bấy giờ ông truyền gọi những đầy tớ ông đã giao bạc cho, để xem mỗi người làm ăn sinh lợi được bao nhiêu. 16 Người thứ nhất đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã sinh lợi được mười nén.’ Ông bảo người ấy : ‘Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi ! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.’ Người thứ hai đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đã làm lợi được năm nén.’ Ông cũng bảo người ấy : ‘Anh cũng vậy, anh hãy cai trị năm thành.’
“Rồi người thứ ba đến trình : ‘Thưa ngài, nén bạc của ngài đây, tôi đã bọc khăn giữ kỹ. Tôi sợ ngài, vì ngài là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo.’ Ông nói : ‘Hỡi đầy tớ tồi tệ ! Tôi cứ lời miệng anh mà xử anh. Anh đã biết tôi là người khắc nghiệt, đòi cái không gửi, gặt cái không gieo. Thế sao anh không gửi bạc của tôi vào ngân hàng ? Có vậy, khi tôi đến, tôi mới rút ra được cả vốn lẫn lời chứ !’ Rồi ông bảo những người đứng đó : ‘Lấy lại nén bạc nó giữ mà đưa cho người đã có mười nén.’ Họ thưa ông : ‘Thưa ngài, anh ấy có mười nén rồi !’ Ông đáp lại : ‘Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm ; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.
‘Còn bọn thù địch của tôi kia, những người không muốn tôi làm vua cai trị chúng, thì hãy dẫn chúng lại đây và giết chết trước mặt tôi.’”
Đức Giê-su nói những lời ấy xong, thì dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giê-ru-sa-lem.
SUY NIỆM:
Mỗi người bước vào trần gian này đều nằm trong ý định và sự quan phòng của Thiên Chúa, vì vậy mỗi người cũng sẽ được Chúa trao cho những nét bạc của riêng mình Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, nhiều người thích khoe khoang những gì họ có và những gì họ đã đạt được. Điều này dẫn đến việc nhiều người chỉ biết chạy theo để trở nên giống họ, quên đi hoặc chôn giấu những nén bạc mà Chúa đã trao cho riêng mình.
Lời Chúa Hôm nay là lời mời gọi tha thiết chúng ta, thay vì chúng ta chôn cất nén bạc của mình để tìm thêm những nén bạc mới thì hãy phát triển nén bạc của chính mình. Vì vậy để có thể khám phá ra những nén bạc của mình, trước hết chúng ta cần trở lại với cõi lòng của mình để nhìn ra đâu là những khao khát trong sâu thẳm trái tim mình, đâu là những điều đang ray rứt mời gọi chúng ta dấn thân để xây dựng cuộc sống gia đình, xã hội mỗi ngày được trở nên tốt hơn. Kế đến chúng ta cần phải chạy đến với Chúa để khám phá ơn gọi mà Chúa đang mời gọi mỗi người chúng ta cũng như để lắng nghe sự hướng dẫn của Ngài. Bên cạnh đó chúng ta cũng nhìn vào hoàn cảnh cụ thể mà mình đang sống để nhận ra đâu là những nhưu cầu mà với khả năng của mình chúng ta có thể đáp ứng được.
Hơn thế nữa việc chúng ta khám phá và phát huy nén bạc của mình còn là lúc chúng ta diễn tả sự quyền năng, sự đa dạng và kỳ diệu của Thiên Chúa, vì mỗi người chúng ta là hình ảnh của Thiên Chúa, mỗi người mang một khía cạnh huyền diệu của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Và sự huyền diệu đó của Thiên Chúa chính là nén bạc độc đáo riêng biệt của cuộc đời mỗi người.
Lạy Chúa chúng con cảm tạ Chúa đã trao cho mỗi người chúng con một nén bạc, đó chính là hình ảnh sống động của Thiên Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con khám phá được hình ảnh của Ngài trong tâm hồn mình và xin Ngài giúp sức để chúng con có thể phát huy và diễn tả hình ảnh đó của Chúa trong cuộc đời của chúng con. Và xin cho mọi người qua lối sống của con khám phá được sự huyền diệu của Thiên Chúa. Amen
THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Mt 12, 46 – 50
Khi ấy, Đức Giê-su còn đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng : “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy.” Người bảo kẻ ấy rằng : “Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói : “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
SUY NIỆM:
Lời Chúa hôm nay, thuật lại cho chúng ta thấy một khung cảnh hơi buồn. Chúa Giê-su đã bật khóc khi Ngài thấy cảnh thành Giêrusalem tráng lệ. Phải chăng Chúa Giê-su đã quá ích kỉ không muốn dân của Ngài giàu có thịnh vượng, thành quách tráng lệ.
Chúa Giê-su không khóc vì sự giàu có của thành Giêrusalem, nhưng Ngài khóc vì dân thành đã để sự giàu sang làm mù mắt họ. Họ đã để cho những thứ tự tôn, tự kiêu, và tự mãn trong lòng che lấp, khiến họ không còn khả năng nhận ra Đấng Cứu Thế đang đứng trước thành của họ. Những giọt nước mắt của Chúa Giê-su đã rơi trước cửa thành Giêrusalem cũng đang tiếp tục rớt trước cửa nhà của chúng ta mỗi khi:
+ chúng ta để cho sự mải mê tìm kiếm tiền bạc vượt trên ước mong tiềm kiếm Thiên Chúa.
+ Là mỗi khi chúng ta dành thời gian cho những cuộc vui chơi mà bỏ bê việc bổn phận đối với Thiên Chúa, gia đình.
+ là mỗi khi chúng ta để cho cái tôi tự ái tự kiêu của mình che mất sự thật, sự công bằng với tha nhân.
+ là mỗi khi chúng ta để sự ích kỉ của mình che mất những người nghèo, những người đau khổ đang cần sự giúp đỡ.
+ là mỗi khi người vợ, người chồng bất tín với nhau, thờ ơ lạnh nhạt với nhau và với những đứa con của mình.
Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta thấy, người chúng ta yêu nhất cũng chính là người có thể làm ta đau lòng và rơi nước mắt nhiều nhất. Tình yêu luôn đi kèm với niềm vui và nỗi buồn. Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta đến mức Ngài đã chịu đau khổ và hi sinh trên thập giá. Nhìn lên thập giá, chúng ta không chỉ thấy máu mà còn thấy nước mắt của Chúa, biểu tượng cho tình yêu vô điều kiện của Ngài dành cho chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta đến mức hy sinh tất cả, để cứu rỗi và mang lại ánh sáng cho cuộc đời chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin thanh tẩy lòng trí chúng con khỏi mọi thứ tham lam, sân, si ở đời để con có thể nhìn thấy Chúa đang hiện diện bên cạnh con, trong những con người xung quanh chúng con, nhất là nơi những người nghèo khổ mà con có thể giúp đỡ họ. Amen
THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 45-48
Khi ấy, Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ : “Đã có lời chép rằng : Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp !”
Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy. Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.
SUY NIỆM:
Đền thờ là nơi của sự bình an; là nơi của sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, nơi để con người có thể giãi bày những tâm tư, ước nguyện của mình với Đấng mà mình yêu mến tôn thờ. Tuy nhiên Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta một khung cảnh hoàn toàn trái ngược. Đền thờ đã trở thành nơi của những sinh hoạt ồn ảo bởi sự mua bán đổi chác. Chính vì vậy Chúa Giê-su bước vào đền thờ một cách mạnh mẽ, bùng nổ và tức giận, Ngài xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ.
Trong cuộc sống hằng ngày của Chúng ta, nhiều khi chúng ta cũng biến Nhà của Chúa thành một nơi ồn ào náo động. Trước tiên Chúng ta làm cho ngôi nhà của Chúa trong tâm hồn chúng ta trở nên ồn ào náo động bởi những thứ tham danh vọng, tiền bạc, chức vị, hoặc bởi sự ghanh ghét, ganh tị hơn thua. Kế đến là ngôi nhà của Chúa trong gia đình cũng trở nên ồn ào vì sự ghe tương, ích kỉ, thiếu tôn trọng lẫn nhau. Bên cạnh đó ngôi nhà của Chúa trong Giáo xứ cũng trở nên ồn ào bởi sự hơn thua, chanh dành ảnh hưởng, kỷ luật khó khăn, thiếu cởi mở với người nghèo. Ngôi nhà của Chúa trong các cộng đoàn dòng tu cũng trở nên ồn ào bởi sự thiếu bao dung, không chấp nhận sự khác biệt, thiếu tế nhị và bác ai trong lời nói, hành vi. Ngôi nhà của Chúa trong các lớp học cũng trở nên ồn ào náo động bởi sự gian dối trong thi cử, thiếu tôn trọng nhau trong lời nói, cử chỉ, …
Nhà của Chúa là nơi linh thiêng, vì vậy chúng ta cần phải bảo vệ và gìn giữ ngôi nhà ấy bằng bác ái, yêu thương vị tha, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau.
Lạy Chúa, Nhà của Chúa đang hiện diện trong tâm hồn con, trong các gia đình, trong giáo xứ, trong lớp học, trong cộng đoàn đã bị chúng con biến thành một khu chợ bởi những tội lỗi và sự ích kỉ và tham lam của chúng con. Xin Chúa một lần nữa đến với Nhà của Ngài để đánh đuổi những thứ đang làm ô uế nhà của Chúa. Và xin Ngài tái lập sự bình an, thánh thiện cho những ngôi nhà của Chúa đây. Amen
THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: 20, 27 – 40
Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này : Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”
Đức Giê-su đáp : “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói : “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm.” Thế là họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.
SUY NIỆM:
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su và nhóm Sa-đốc về sự sống lại. Niềm tin vào sự sống lại đối với những người Do Thái vào thời Chúa Giê-su vẫn còn là một điều rất mới mẻ. Tư tưởng này phát xuất vào khoảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, khi nhiều người Do Thái phải chứng kiến cái chết của những người công chính khi tuổi đời họ còn rất trẻ, nhất là những người đã chết do cuộc bách hại đạo của vua Antiokus, mà chúng ta đã nghe trong sách Macabe những ngày qua. Trước những cái chết đó người ta mới đặt câu hỏi nếu người công chính mà phải chết sớm như vậy thì quá bất công, dựa vào lòng thương xót của Chúa, nhiều người Do thái và nhất là những người thuộc phái Pha-ri-siêu tin rằng sẽ có sự sống lại để thưởng người lành, phạt kẻ dữ.
Niềm tin vào sự sống lại này đã được chính Chúa Giê-su xác định một cách mạnh mẽ và rõ ràng trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Tín điều sự sống lại lại trở thành nền tảng cho đạo lý của Giáo Hội chúng ta, như thánh Phao lô tông đồ có nói, nếu người chết không sống lại thì cái chết của Chúa Giê-su là vô nghĩa và lời rao giảng của các ngài là sự dối trá.
Niềm tin vào sự sống lại là nền tảng cho cuộc sống chúng ta ngày nay, nhất là trong tình trạng chiến tranh, dịch bệnh, bạo lực, nghèo đói trên thế giới, hằng ngày đang cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người, và hàng trăm ngàn người đang phải vật lộn để dành dựt với sự sống. Chính trong niềm tin vào sự sống lại này để lại cho chúng ta một niềm hy vọng, một niềm trông cậy với niềm xác tín rằng sự sống đời này chỉ là tạm bợ, là quán trọ. Chúng ta còn có một quê hương xin đẹp, hạnh phúc và vĩnh cửu trong vương quốc của Chúa Giê-su.
Niềm tin sự sống này sẽ giúp chúng ta sống bình tâm hơn trước những sự gian ác, tàn ác của xã hội, cũng như sự lạnh lùng vô tâm của con người thời đại. bên cạnh đó Niềm tin vào sự sống lại cũng sẽ nâng đỡ cuộc sống, và là động lực để chúng ta sống tốt mỗi ngày, kiên trì trong việc thiện và bền đỗ để xây dựng xã hội công bằng và chân thiện.
Lạy chúa, xin ban ơn trợ giúp cho chúng con để chúng con luôn vững tin và luôn xác tín vào tín điều sự sống lại này, để mỗi người chúng con luôn biết trung thành bước theo Chúa hầu mai sau cùng Người hưởng hạnh phúc vinh quang Nước Trời. Amen.
M. PHAO LÔ