BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG THỨ BẢY 31.7.2021
Xin chào Quý Ông Bà Anh Chị Em!
Nguyện chúc tất cả chúng ta luôn được nhiều sức khỏe và bình an trong những ngày giãn cách xã hội này.
Giờ đây, chúng ta cùng nhau đọc và suy gẫm Lời Chúa.
Tin Mừng: Mt 14, 1-12
Khi ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Đức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Đó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên mới có quyền năng làm phép lạ.”
Số là vua Hêrôđê đã bắt ông Gioan, xiềng ông lại, và tống ngục vì chuyện bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Đức Giêsu.
Đó là lời Chúa.
BA TẬT XẤU CẦN LOẠI BỎ
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy cùng tập trung vào nhân vật Hêrôđê. Nơi nhân vật này, có ba tật xấu đáng để chúng ta suy gẫm:
1. Đam mê xác thịt
Hêrôđê là một người sống trụy lạc và phóng túng. Bằng chứng là: ông ta đã chung chạ với Hêrôđia là vợ của anh mình. Đây là hành vi bất chấp luân thường đạo lý dẫn đến tội loạn luân.
Với tội lỗi này, thử hỏi Hêrôđê có còn hạnh phúc thật sự không? Thiết nghĩ là không! Vì lẽ, khi đã làm điều bất chính, thì trong lòng chắc chắn sẽ có cảm giác bất an và khó chịu: bất an vì sợ chuyện xấu mà mình đã làm sẽ bị lộ ra; khó chịu vì đã đánh mất sự tự do, trở thành kẻ nô lệ dưới trướng một ông chủ hà khắc có tên là “dục vọng”. Hậu quả của đam mê xác thịt là như thế! Thật đáng sợ!
Suy gẫm: Tôi có thật sự chung thủy với người phối ngẫu của mình không? Tôi đã làm gì để giảm bớt những ham muốn ngoài luồng làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình?
2. Cố chấp
Gioan đã cảnh tỉnh Hêrôđê khi nói với ông rằng: nhà vua không được lấy vợ của anh mình. Đứng trước lời cảnh tỉnh này, Hêrôđê không những không chịu quay đầu sám hối, nhưng ngược lại còn tống giam Gioan vào ngục. Hành động này nói lên: Hêrôđê muốn chối bỏ và vùi dập chân lý. Ông tự hủy hoại cuộc đời mình giống như con thiêu thân: biết chết mà vẫn cứ cố chấp lao đầu vào.
Nhìn lại, nhiều lúc chúng ta nhận thấy bản thân mình cũng giống như Hêrôđê. Khi bị người khác nói về những khuyết điểm, chúng ta thường hay tìm lý do này lý do kia để che đậy sự sai trái của mình: tại cái này, tại cái kia, tại hoàn cảnh chứ không phải tại tôi. Chúng ta không muốn nhận ra những giới hạn, cũng như không muốn đón nhận sự góp ý của một ai. Chúng ta cố chấp như thế, để rồi cứ tiếp tục sai, tiếp tục lạc lối. Rõ ràng, sự cố chấp này khiến chúng ta đánh mất đi cơ hội để hoàn thiện bản thân. Hậu quả là: tự do và hạnh phúc cũng dần dần rời xa cuộc đời chúng ta. Thật đáng tiếc!
Suy gẫm: Tôi có phải là người cố chấp không? Nếu có, thì hãy nhớ lại và nói cho Chúa biết kết quả nhận được sau những lần cố chấp ấy.
3. Sĩ diện
Vì say mê điệu múa của con gái bà Hêrôđia, nên Hêrôđê đã cao hứng buông ra lời hứa: cô ta xin gì, ông cũng sẽ cho. Nghe theo lời xúi giục của mẹ, cô ta đã xin cái đầu của Gioan Tẩy giả đặt trên mâm. Hêrôđê đành phải làm theo yêu cầu ấy, nếu không thì sẽ bị bẽ mặt trước toàn thể khách mời. Điều này cho chúng ta thấy: đối với Hêrôđê, sĩ diện của ông quan trọng hơn sự sống của người khác. Chính vì thế, ông đã tìm mọi cách để bảo vệ cái sĩ diện ấy, dù cho đó có là những cách làm cho bàn tay của ông vấy máu.
Chúng ta biết: hai chữ sĩ diện, nếu như không bị lạm dụng, thì nó cũng là một trong những lý do thúc đẩy con người phấn đấu vươn lên. Thí dụ: ráng học thành tài để thoát nghèo; tích cực sống tốt để trở nên gương sáng,… Trong những trường hợp này, sĩ diện vẫn có đó những điều tích cực. Nó góp phần làm cho con người biết cố gắng để trở nên tốt hơn. Tuy nhiên, một khi đã bị lạm dụng, thì hai chữ sĩ diện sẽ trở thành vũ khí lợi hại giết chết con người. Nhìn vào thực tế, chúng ta thấy rõ điều đó: vì hai chữ sĩ diện, một số người có quyền có thế đã nhẫn tâm trù dập, hãm hại, hay thậm chí là giết chết người khác. Vì hai chữ sĩ diện, có những người đã âm thầm “đi đêm”, sẵn sàng thực hiện những hành vi mờ ám để bóp méo sự thật và làm đảo ngược cán cân công lý. Thật đáng buồn!
Suy gẫm: Tôi thường phản ứng như thế nào, khi bộ mặt của tôi, sĩ diện của tôi bị người khác xúc phạm?
4. Để loại bỏ tật xấu
Trong ba tật xấu nói trên, tật xấu nào cũng có sức tàn phá khủng khiếp. Đam mê xác thịt sẽ làm cho bản thân bị tha hóa, hạnh phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ, vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ. Cố chấp sẽ biến chúng ta trở thành kẻ độc tài khiến cho người khác khiếp sợ, không dám góp ý, không dám làm việc chung. Sĩ diện sẽ làm cho chúng ta rơi vào tình trạng sống ảo, thích khen hơn chê, thích những lời nịnh hót hơn những lời nói chân thật.
Hiểu được điều đó, mời gọi mỗi người chúng ta hãy cố gắng bỏ đi ba tật xấu ấy. Bỏ đi bằng cách nào? Nếu ỷ vào sức riêng, chúng ta sẽ không thể làm được gì, vì thân phận con người mỏng giòn và yếu đuối, cứ té lên té xuống liên hồi. Chính vì vậy, ngoài việc bản thân tích cực và nỗ lực, thì chúng ta cần phải nhờ đến sự trợ lực của Chúa. Thế nên, để bỏ đi tật xấu, thì điều quan trọng là bản thân phải biết chạy đến với Chúa nhiều hơn. Hãy đến với Chúa để chúng ta được lắng nghe những chỉ dẫn ngang qua “Lời” của Ngài. Hãy đến với Chúa để chúng ta múc lấy sức mạnh của Ngài hầu có thể chống trả lại những cám dỗ và hoàn thiện bản thân mình.
Tóm lại, với sự nỗ lực của bản thân cùng với ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ loại bỏ được những tật xấu và chiến thắng được chính mình. Amen.
Suy gẫm: Trong ba tật xấu kể trên, tật xấu nào làm cho tôi cũng như tha nhân đau khổ nhiều nhất? Hãy tâm sự với Chúa, sau đó viết tật xấu ấy ra giấy, rồi vò thật nát để thể hiện sự quyết tâm chừa bỏ của mình.
Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện