Bữa ăn thiêng liêng (Lm Dom Thiện) – Chúa nhật, 29/08/2021

Quý Ông Bà Anh Chị Em thân mến!

          Trong khoảng thời gian này, chắc hẳn nơi mỗi người chúng ta, ai ai cũng có những tâm tình, những khát khao và những hy vọng. Hôm nay là ngày Chúa Nhật. Do đó, mời gọi mỗi người chúng ta hãy dâng tất cả những tâm tình đó lên Thiên Chúa. Chúng ta tin tưởng rằng: Thiên Chúa là Cha chúng ta. Chính vì thế, Ngài sẽ không đành lòng nhìn thấy chúng ta là con cái, cứ mãi sống trong sự khắc khoải, lo âu và sợ sệt. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta có đủ sự chân thành, chắc chắn Ngài sẽ thi ân giáng phúc để cứu vớt tất cả chúng ta trước cơn đại dịch này.

          Nguyện chúc mỗi người chúng ta luôn được vững mạnh trong đức tin, đức cậy và đức mến.

          Giờ đây, chúng ta cùng nhau đọc và suy gẫm Lời Chúa!

          Tin Mừng: Mc 7, 1-8a.14-15.21-23

          Khi ấy, có những người Pharisêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giêsu. Họ là những người từ Giêrusalem đến. Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa. Thật vậy, người Pharisêu cũng như mọi người Do Thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng. Vậy, người Pharisêu và kinh sư hỏi Đức Giêsu: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa?” Người trả lời họ: “Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

          Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân. Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” Sau đó, Đức Giêsu lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”

Đó là Lời Chúa.

THANH TẨY TÂM HỒN

          1. Tại sao phải thanh tẩy tâm hồn

          Đối với người Do Thái, việc phân biệt sạch và dơ rất quan trọng. Sự phân biệt này không chỉ dừng lại trên bình diện đạo đức và luân lý, nhưng nó còn bắt nguồn từ cái nhìn đức tin. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thanh sạch, nên Ngài tránh xa và chống lại tất cả những gì được xem là ô uế.

          Giữ luật thanh sạch như thế thì rất tốt. Thế nhưng, có một điều đáng quan ngại là: dần dần những người Do Thái đã quan tâm quá mức đến chuyện giữ thanh sạch bên ngoài mà quên việc cần phải giữ thanh sạch bên trong. Họ chỉ quan tâm đến việc rửa tay, rửa chân, rửa chén… mà quên đi việc cần phải tẩy rửa nội tâm của mình.

          Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi những người Do Thái cũng như mời gọi mỗi người chúng ta: hãy biết quay vào bên trong tâm hồn để làm một cuộc thanh tẩy. Bởi lẽ, tâm hồn mới là nơi phát xuất ra những điều thanh sạch hoặc ô uế.

          2. Cách thức thanh tẩy tâm hồn

          Để thanh tẩy tâm hồn, thì điều cần thiết chúng ta phải biết mình: biết mình có những yếu đuối, có những khuyết điểm nào cần phải sửa chữa. Đây là một việc rất khó. Khó, bởi vì chúng ta thường cho mình đúng trong tất cả các trường hợp. Khó, bởi vì nếu lỡ có sai, thì cái tôi của chúng ta cũng sẽ tự đưa ra những lý lẽ để biện hộ, để bảo vệ. Cổ nhân có nói: biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Thế nên, dù cho có khó, thì chúng ta cũng phải cố gắng để biết được mình. Nếu không, chắc chắn chúng ta sẽ phải đón nhận thất bại.

          Biết mình bằng cách nào? Trong một ngày sống, Giáo Hội khuyên người Kitô chúng ta nên dành ra một ít thời gian để thực hiện việc hồi tâm. Hồi tâm để nhớ lại trong ngày hôm nay tôi đã gặp ai, tôi đã nói gì, tôi đã hành động như thế nào. Hồi tâm để có thể nhận ra tâm hồn của tôi đang bị những đam mê nào điều phối, đang bị những cám dỗ nào đè nặng. Hồi tâm để thấy được con người của tôi đã giống Đức Kitô tới mức độ nào. Nếu điểm nào chưa giống, thì đó chính là điểm mà tôi cần phải thanh tẩy.

          3. Cách thức chăm sóc tâm hồn

          Tâm hồn của chúng ta tựa như một tiểu thư đài các, nắng không ưa, mưa không chịu, miễn hở ra là nó bị nhiễm độc, nhiễm bệnh. Thế nên, để tâm hồn được khỏe mạnh, thì sau mỗi lần thanh tẩy, đòi buộc chúng ta phải tích cực quan tâm và chăm sóc cho nó thật kỹ càng. Chăm sóc bằng cách: tựa như thân xác, tâm hồn cần phải được ăn những thực phẩm đầy đủ những chất dinh dưỡng.

          Mỗi người chúng ta thường cho tâm hồn của mình ăn gì? Nào là ăn những tin giật gân, ăn những điều tiêu cực, ăn công việc, ăn ghen tỵ, ăn giận hờn, ăn thù oán… Chúng ta cho tâm hồn của mình ăn những thực phẩm độc hại đó quá nhiều, khiến cho nó dễ dàng trở nên yếu đuối, bệnh hoạn, héo hắt và bất an. Hãy dừng lại, hay ít ra là hãy giảm bớt việc tiêu thụ những thực phẩm độc hại ấy! Thay vào đó, hãy cho tâm hồn của mình ăn những thực phẩm tốt lành như: Lời Chúa, Thánh Thể, bác ái, yêu thương, tha thứ….. Đây là những thực phẩm sẽ giúp cho tâm hồn của chúng ta được bồi bổ, được phục hồi và ngày càng trở nên khỏe mạnh hơn.         

          4. Hình ảnh chiếc cốc

          Để làm rõ hơn cho những điều vừa nói ở trên, mời gọi mỗi người chúng ta hãy liên tưởng đến hình ảnh của chiếc cốc thủy tinh. Đây là vật dụng mà hầu như nhà nào cũng có.

          Điều đầu tiên chúng ta thấy: nếu như chiếc cốc thủy tinh không được lau chùi, thì bụi bám sẽ làm cho nó dơ bẩn, không thể sử dụng được. Tâm hồn của chúng ta cũng như thế, nếu không được thanh tẩy để trở nên thanh sạch, thì Thiên Chúa cũng sẽ rất khó sử dụng vào chương trình và công việc của Ngài. Chúng ta có muốn Thiên  Chúa bỏ qua, không sử dụng chúng ta không? Thiết nghĩ là không! Vậy thì, hãy tích cực tẩy rửa tâm hồn của mình mỗi ngày.

          Điều thứ hai chúng ta thấy: nếu đổ vào chiếc cốc là sữa, thì chúng ta gọi đó là cốc sữa; nếu đổ vào chiếc cốc là trà, thì chúng ta gọi đó là cốc trà; nếu đổ vào chiếc cốc là nước, thì chúng ta gọi đó là cốc nước… Tâm hồn của mỗi người chúng ta cũng như thế! Đổ vào nó cái gì, thì chúng ta sẽ trở thành cái đó. Nếu chúng ta đổ vào tâm hồn sự vị tha, bác ái, yêu thương…, thì chúng ta sẽ trở thành người lương thiện, được người khác gọi bằng những cái tên hết sức trìu mến và trân quý. Cô ta là người rất vị tha! Anh ấy là người rất yêu thương đồng loại… Ngược lại, khi tâm hồn chỉ được đổ vào những điều bất hảo, ích kỷ, ghen ghét…, thì chúng ta đã tự biến mình thành con người xấu xí, bị những xung quanh lánh xa và gọi bằng những cái tên không dễ chịu chút nào: kẻ ích kỷ, kẻ nhỏ mọn, kẻ hay giận hờn… Mỗi người chúng ta muốn mình được gọi bằng những cái tên nào? Chắc chắn là muốn được gọi bằng những cái tên đẹp đẽ. Vậy thì, hãy tích cực đổ vào tâm hồn những điều tốt đẹp. Amen.

          * Suy niệm:

          1. Trong tâm hồn tôi hiện nay, đâu là những điều tôi cần phải gấp rút thanh tẩy?

          2. Trong một ngày sống, tôi thường thực hiện việc hồi tâm mấy lần?

          3. Mỗi ngày, tôi thường cho tâm hồn của tôi dùng những thực phẩm nào? Chỉ cần liệt kê những thực phẩm đó ra, tôi sẽ biết được tâm hồn của tôi hiện nay đang khỏe mạnh hay đau yếu.

          4. Dịch Covid khiến chúng ta khó đi ra ngoài để làm việc, gặp tha nhân, hoặc vui chơi giải trí… Phải chăng đó là dấu chỉ và cũng là cơ hội để mỗi người chúng ta biết quay vào bên trong để quan tâm và chăm sóc cho tâm hồn của mình nhiều hơn?

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện