ĐTC cử hành Thánh lễ tại Đền thánh Quốc gia Šaštin
Ngọc Yến – Vatican News
Thành phố Šaštín
Šaštín là thành phố nằm trong vùng Trnava, khu vực đông dân thứ hai của Slovakia. Lịch sử của Šaštín bắt nguồn từ sự xuất hiện của thánh Cyrillô và thánh Mêtôđiô tại Slovakia. Lịch sử này được nói đến lần đầu tiên trong một tài liệu năm 1218. Vùng đất này trước đây chỉ là một ngôi làng, một pháo đài để bảo vệ ngã tư của một số tuyến đường thương mại, và là trụ sở của đại diện Giám mục. Ngôi làng chỉ được công nhận là thành phố vào ngày 01/9/2001. Mỗi năm Saštín đón hàng ngàn người hành hương đến Vương cung thánh đường Đức Mẹ Sầu Bi, một trong những đền thờ Đức Mẹ quan trọng nhất của quốc gia, dâng kính Đức Mẹ Bảy Sự, Đấng bảo trợ của Slovakia.
Đền thánh Quốc gia Šaštín
Sau hơn một giờ di chuyển, Đức Thánh Cha đến Đền thánh Quốc gia Šaštín.
Lịch sử của Đền thánh Quốc gia Šaštín, hay Vương cung thánh đường Đức Mẹ Bảy Sự bắt nguồn từ thế kỷ 16, khi một nhà nguyện nhỏ, ở ngã tư đường, đón một bức tượng Đức Mẹ Sầu Bi với thân xác Chúa Kitô trên đầu gối Mẹ. Tượng được làm bằng gỗ của khu vực sông Danube trong năm 1564, do Angelika Bakičová, vợ của Bá tước Imrich Czobor, lãnh chúa của lãnh thổ Šaštín, yêu cầu thực hiện. Người phụ nữ quý tộc đã cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ cho chồng bà, một người hay nổi cáu thay đổi tính tình và lời cầu nguyện của bà đã được đáp lại. Kể từ đó rất nhiều tín hữu dừng lại cầu nguyện trước nhà nguyện, và họ đã nhận được ơn chữa lành. Lòng sùng kính Đức Mẹ ngày càng tăng. Năm 1710, một ủy ban điều tra về các phép lạ chữa lành đã được thành lập. 726 trường hợp đã được nghiên cứu và vào ngày 10/11/1732, bức tượng được tuyên bố là phép lạ và được giao cho cha xứ Šaštín trông coi.
Ngày 22/4/1927, Đức Giáo hoàng Piô XI tuyên bố Đức Trinh Nữ Bảy Sự là Đấng bảo trợ của Slovakia, và vào ngày 23/11/1964, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nâng nhà thờ lên bậc Tiểu Vương cung thánh đường. Vào năm 1995, trong chuyến tông du đến Slovakia, thánh Gioan Phaolô II đã cử hành thánh lễ tại đây với sự hiện diện của hơn 200 ngàn tín hữu. Mỗi năm, Giáo hội Slovakia kính nhớ Đấng bảo trợ vào ngày 15/9, ngày này cũng là ngày hành hương quốc gia theo truyền thống có từ năm 1732.
Đức Thánh Cha và các Giám mục cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi
Khi đến nơi, Đức Thánh Cha cùng các Giám mục đến trước tượng Đức Mẹ Sầu Bi cầu nguyện. Lời cầu nguyện phó thác được Đức Thánh Cha xướng lên cùng với các Giám mục: Lạy Mẹ Bảy sự Thương khó, chúng con quy tụ nơi đây trước Mẹ như những người anh em, tạ ơn Mẹ vì tình yêu thương xót của Mẹ. Và Mẹ ở đây với chúng con, như Mẹ ở với các Tông đồ trong Phòng Tiệc Ly. Lạy Mẹ của Giáo hội và Đấng An ủi những ai sầu khổ, với lòng phó thác chúng con hướng về Mẹ, trong niềm vui và lao nhọc của thừa tác vụ. Xin hãy đoái nhìn chúng con với sự dịu dàng và đón nhận chúng con trong vòng tay Mẹ. Nữ vương các Tông đồ và Nơi ẩn náu của tội nhân, Mẹ biết những giới hạn của con người chúng con, những thất bại thiêng liêng, đau khổ vì cô đơn và bị bỏ rơi. Xin chữa lành vết thương của chúng con bằng sự dịu dàng của Mẹ.
Lạy Mẹ Thiên Chúa và Mẹ chúng con, chúng con phó thác cuộc sống và quê hương chúng con nơi Mẹ, chúng con phó thác sự hiệp thông Giám mục nơi Mẹ. Xin cho chúng con ân sủng để sống trung tín mỗi ngày những lời Chúa Giêsu Con Mẹ đã dạy chúng con và giờ đây, trong Người và với Người chúng con hướng về Thiên Chúa, Cha chúng con.
Sau đó, Đức Thánh Cha và các Giám mục cùng đọc Kinh Lạy Cha. Và Đức Thánh Cha dâng lời cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa, xin ban cho Giáo hội Chúa biết noi gương Đức Trinh Nữ Maria khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin ban cho chúng con ngày càng xứng đáng hơn với Con Một của Cha và để đạt đến sự viên mãn của ân sủng. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.
Thánh lễ
Sau đó, Đức Thánh Cha chuẩn bị chủ sự Thánh lễ trọng kính Bảy Sự Thương khó Đức Mẹ, Đấng bảo trợ Slovakia
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Trong bài giảng Thánh lễ, Đức Thánh Cha diễn giải bài Tin Mừng theo phụng vụ lễ Đức Mẹ Sầu Bi. Ngài nói: “Trong Đền thờ Giêrusalem, đôi tay Đức Maria đã đưa về phía cụ già Simêon, ông đã đón lấy Giêsu trong vòng tay và nhận ra Người là Đấng Mêsia được sai đến để cứu dân Israel. Trong bối cảnh này, chúng ta chiêm ngắm Đức Maria, Người Mẹ trao ban cho chúng ta người con là Chúa Giêsu. Đó là lý do tại sao chúng ta yêu mến và sùng kính Mẹ. Trong Đền thánh Quốc Gia Šaštín này, người dân Slovakia chạy đến Mẹ với đức tin và lòng sùng kính vì họ biết rằng Mẹ đã trao Chúa Giêsu cho nhân loại. Logo của chuyến Tông Du này mô tả một con đường quanh co nằm bên trong một trái tim được đặt bên dưới Thánh giá: Mẹ Maria là con đường dẫn chúng ta đến với Thánh Tâm Chúa Kitô, Đấng đã hy sinh chính mạng sống vì yêu thương chúng ta.”.
Theo Đức Thánh Cha, dưới ánh của đoạn Tin Mừng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng Đức Maria như một mẫu gương về đức tin. Và chúng ta có thể nhận ra ba đặc tính của đức tin: lên đường, ngôn sứ và lòng trắc ẩn.
Đức Maria mẫu gương về đức tin: Lên đường
Trên hết, đức tin của Mẹ Maria là một đức tin lên đường. Sau khi nghe thiên thần loan báo, thiếu nữ Nazareth, “đã vội vã đi đến miền đồi núi” (Lc 1, 39) để thăm và giúp đỡ người chị họ Elizabeth. Khi được kêu gọi trở thành Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria không coi đó là một đặc ân; Mẹ không đánh mất niềm vui đơn sơ khiêm nhường sau cuộc viếng thăm của thiên thần; Mẹ không dừng lại để chiêm ngưỡng chính mình trong bốn bức tường của ngôi nhà. Trái lại, Mẹ đã cảm nghiệm hồng ân lãnh nhận như một sứ vụ phải thực hiện; Mẹ cảm thấy được thúc bách mở cửa đi ra ngoài căn nhà; Mẹ nôn nóng dâng hiến cuộc sống và thân xác như ý Chúa muốn để mọi người được cứu độ. Đó là lý do tại sao Mẹ Maria lên đường. Trong hành trình này, Mẹ đã chọn những điều chưa biết của cuộc hành trình hơn là sự thoải mái của những thói quen hàng ngày; sự mệt nhọc của việc đi đường hơn là sự yên bình trong ngôi nhà; sự mạo hiểm của đức tin được đem ra để trở thành một món quà yêu thương cho người khác hơn là sự an toàn của lòng đạo đức tĩnh tại.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy Mẹ Maria lên đường, hướng về Giêrusalem, nơi cùng với thánh Giuse, Mẹ đã dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ. Và cả cuộc đời Mẹ sẽ là một cuộc hành trình theo sau Con Mẹ, với tư cách là môn đệ đầu tiên của Người, đến đồi Canvê, dưới chân Thánh giá. Mẹ Maria không bao giờ dừng cuộc hành trình.
Từ mẫu gương của Đức Mẹ, Đức Thánh Cha mời gọi người dân Slovakia luôn lên đường thực hiện cuộc hành hương tìm kiếm Chúa. Đức Thánh Cha nói: “Khi thực hiện cuộc hành trình này, anh chị em phải vượt qua cám dỗ của một đức tin thụ động, vốn hài lòng với nghi lễ hoặc truyền thống cổ xưa. Thay vào đó, anh chị em hãy ra khỏi chính mình, mang theo niềm vui và nỗi buồn trong hành trang, và làm cho cuộc sống trở thành một cuộc hành hương của tình yêu hướng về Thiên Chúa và anh chị em”.
Đức Maria mẫu gương về đức tin: Ngôn sứ
Về đặc tính thứ hai của đức tin nơi Mẹ Maria, Đức Thánh Cha nhận xét rằng, Bằng chính cuộc sống, thiếu nữ Nazareth là lời ngôn sứ về công trình của Thiên Chúa trong lịch sử, về hành động thương xót của Người làm đảo lộn luận lý của thế giới, nâng cao người khiêm nhường và hạ bệ kẻ kiêu căng Lc (1, 52). Đức Maria là đại diện cho tất cả “người nghèo của Giavê”, những người kêu cầu lên Chúa và chờ đợi sự xuất hiện của Đấng Mêsia. Các ngôn sứ của Israel đã loan báo rằng Mẹ là Thiếu Nữ Sion (Xp 3, 14-18), Đức Trinh Nữ sẽ thụ thai Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7, 14). Là Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria là biểu tượng cho ơn gọi của chúng ta: như Mẹ, chúng ta cũng được kêu gọi nên thánh và vô nhiễm trong tình yêu (Ep 1, 4), giống hình ảnh của Chúa Kitô. Truyền thống ngôn sứ của Israel đạt đến đỉnh cao trong Đức Maria, bởi vì Mẹ cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn thành trọn vẹn và dứt khoát chương trình của Thiên Chúa.
Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng đừng bao giờ để đức tin bị giảm xuống thành đường làm ngọt cuộc sống. Chúa Giêsu là dấu chỉ của sự đối nghịch. Người đến để mang ánh sáng vào nơi tối tăm, đưa bóng tối ra chỗ nhận biết và bắt nó phải phục tùng. Vì lý do này, bóng tối luôn chiến đấu chống lại Người. Ai đón nhận và mở lòng ra với Người thì sẽ được Người làm cho sống lại; ai chối từ Người thì vẫn ở trong bóng tối, và tự huỷ hoại mình. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng Chúa đến không phải để mang lại hòa bình nhưng là gươm giáo (Mt 10, 34): thật vậy, Lời Chúa, như gươm hai lưỡi, đi vào cuộc sống chúng ta, tách ánh sáng ra khỏi bóng tối và yêu cầu chúng ta chọn lựa. Trước Chúa Giêsu, chúng ta không thể hâm hẩm, xỏ “chân trong hai chiếc giày”. Không thể như thế. Khi đón nhận Người, có nghĩa là chúng ta để cho Người làm tỏ lộ những mâu thuẫn của chúng ta, các ngẫu tượng và những cám dỗ của chúng ta. Người trở thành sự sống lại của chúng ta, Đấng luôn nâng chúng ta lên khi chúng ta vấp ngã, Người nắm lấy tay và cho phép chúng ta bắt đầu lại.
Ngày nay, Slovakia cần những ngôn sứ như vậy. Điều này không có nghĩa là trở thành thù địch với thế giới, nhưng là “dấu chỉ của sự đối nghịch” trong thế giới. Các Kitô hữu là người biết thể hiện vẻ đẹp Tin Mừng bằng cuộc sống, là những người dệt nên cuộc đối thoại nơi chiến tranh lạnh làm đông cứng. Các Kitô hữu là những người làm cho đời sống huynh đệ được chiếu sáng ở nơi xã hội đang có sự chia rẽ và thù địch, là những người mang lại hương thơm ngọt ngào của lòng hiếu khách và tình liên đới ở những nơi mà sự ích kỷ cá nhân và tập thể thường chiếm ưu thế; họ là những người bảo vệ và gìn giữ cuộc sống ở những nơi mà văn hóa sự chết ngự trị.
Đức Maria mẫu gương về đức tin: Lòng trắc ẩn
Về đặc tính cuối cùng của đức tin nơi Mẹ Maria, Đức Cha giải thích: Đức tin của Mẹ là lòng trắc ẩn. Mẹ tự nhận mình là “nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38), và là người, với sự ân cần, đã quan tâm để rượu trong tiệc cưới ở Cana không bị thiếu (Ga 2, 1-12), là người đã chia sẻ với Con Mẹ sứ vụ cứu độ, cho đến dưới chân Thánh giá. Tại đồi Canvê, trong nỗi đau tột cùng, Mẹ đã hiểu lời ngôn sứ của cụ già Simêon: “Một lưỡi gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn của bà” (Lc 2,35).
Đức Maria, Mẹ Sầu Bi, luôn đứng dưới chân Thánh giá. Mẹ không chạy trốn, hay cố gắng tự cứu mình, hay tìm cách giảm bớt sự đau buồn. Đây là bằng chứng của lòng trắc ẩn thực sự: luôn đứng dưới Thánh giá. Vẫn với khuôn mặt nước mắt nhưng với đức tin, biết rằng nơi Con của Mẹ, Thiên Chúa đã biến đổi đau thương và chiến thắng sự chết.
Và chúng ta cũng vậy, khi nhìn vào Đức Mẹ Sầu Bi, chúng ta hãy mở lòng đón nhận đức tin, để đức tin trở thành lòng trắc ẩn, một đức tin trở thành sự chia sẻ cuộc sống với những ai đang bị tổn thương, đau khổ và buộc phải mang thập giá nặng nề. Anh chị em thân mến, một đức tin không còn trừu tượng, nhưng nhập thể và liên đới với những ai gặp khó khăn. Một đức tin, theo cung cách của Chúa, âm thầm và khiêm hạ xoa dịu nỗi đau của thế giới và tưới mát dòng lịch sử bằng ơn cứu độ.
Cám ơn và chào tạm biệt
Vào cuối Thánh lễ, trước khi rời khỏi Đền thánh, Đức Thánh Cha có đôi lời với toàn thể Giáo hội Slovakia. Ngài nói:
Anh chị em thân mến!
Đã đến lúc tôi phải rời đất nước anh chị em. Trong Thánh lễ này, tôi tạ ơn Chúa vì đã cho phép tôi đến ở giữa anh chị em và kết thúc cuộc hành hương trong vòng tay yêu thương của anh chị em, cùng cử hành ngày lễ quốc gia, Đấng Bảo trợ, Đức Mẹ Sầu Bi.
Xin chân thành cảm ơn anh em Giám mục yêu quý, vì mọi sự chuẩn bị và đón tiếp. Tôi cám ơn bà tổng thống và chính quyền dân sự. Tôi cám ơn tất cả những ai đã cộng tác cho chuyến viếng thăm này, đặc biệt là lời cầu nguyện. Tôi vui mừng gửi lời chào một lần nữa tới các thành viên và các quan sát viên của Hội đồng các Giáo hội Kitô, đã làm cho chúng ta được vinh dự qua sự hiện diện của họ. Tôi mang tất cả anh chị em trong tim tôi. Xin cám ơn.
Nguồn: W.Vatican News