Bữa ăn thiêng liêng (Lm Dom Thiện) – Chúa nhật, 26/09/2021

Xin chào Quý Ông Bà Anh Chị Em!

          Một ngày Chúa Nhật với biết bao nhiêu hy vọng lại đến. Hy vọng đại dịch mau qua đi. Hy vọng có được sự bình an. Hy vọng mọi thứ được trở lại bình thường. Ước mong mỗi người chúng ta biết đem những hy vọng ấy vào trong lời cầu nguyện. Hãy nhỏ to với Chúa bằng một tấm lòng khiêm tốn và chân thành. Chắc chắn, với tình yêu thương và sự quảng đại của mình, Thiên Chúa sẽ ban ơn để khỏa lấp cho những hy vọng của chúng ta.

          Nguyện chúc mỗi người chúng ta luôn có được niềm vui ở bên trong tâm hồn.

          Giờ đây, chúng ta cùng đọc và gẫm suy Lời Chúa.

          Tin Mừng: Mc 9, 38-43.45.47-48

          Khi ấy, ông Gioan nói với Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.

          “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

          “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.

Đó là Lời Chúa.

THAM

          Qua Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy chú ý đến thái độ của các Tông Đồ ngang qua đại diện là Gioan. Để rồi từ đó, chúng ta được mời gọi cùng suy gẫm về một chữ: “tham”. Đây là loại dục vọng đã khiến cho nhiều người đánh mất đi nhân tính của mình.

          1. Cái tham của các Tông Đồ

          Trong bài Tin Mừng, Gioan đã đại diện anh em trong nhóm của mình để lên tiếng như sau: “Lạy Thầy! Chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ, kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”.

          – Nhân danh Thầy: điều đó chứng tỏ người bị các Tông Đồ lên án đã tin vào Đức Giêsu. Vì tin nên mới nhân danh. Và khi nhân danh Đức Giêsu, thì người đó đã làm được những chuyện lớn lao, cụ thể ở đây là trừ được quỷ.

          – Không theo chúng ta: tuy người này đã tin vào Đức Giêsu, nhưng lại không nằm trong nhóm các Tông Đồ. Điều này cũng tựa như: nhiều anh chị em trong giáo xứ chúng ta, cũng giữ và sống đạo, cũng đi lễ nơi Nhà Thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ 20, nhưng không có tên trong danh sách của Hội Đồng Mục Vụ, hoặc không tham gia vào các đoàn thể hay các nhóm trong Giáo Xứ.

          – Ngăn cấm y: khi chứng kiến người khác không thuộc nhóm của mình, nhưng lại nhân danh Đức Giêsu làm được những chuyện tốt, những chuyện có ích, thì các Tông Đồ đã tỏ ra khó chịu và bực dọc. Tại sao vậy? Câu trả lời có thể tóm gọn trong một chữ “tham”. Vì tham danh, nên các Tông Đồ không muốn người khác làm được những việc nổi trội hơn các ông. Vì tham quyền cố vị, nên các ông không muốn những ai ngoài nhóm của mình có thể làm được những việc tốt đẹp có sức lan tỏa đến với cộng đồng… Thật đáng sợ, khi tất cả mọi thứ xấu nổi lên chỉ vì một chữ “tham”.

          2. Cái tham của mỗi người chúng ta

          Nhìn cách hành xử của các Tông Đồ, chúng ta có thể thấy được hình ảnh của chính mình. Chúng ta cũng thường tham lam giống như thế!

          Ngay từ thưở nhỏ, chúng ta đã tham được ẵm bồng, tham đồ chơi, tham ăn với những đứa trẻ khác…. Lớn lên một chút, chúng ta tham tiền tài, tham vật chất, tham công danh, tham quyền lợi, tham được ngồi chỗ nhất, tham có được sự ảnh hưởng trên người khác…. Vừa mua được chiếc xe máy, thì chúng ta lại muốn có thêm chiếc ô tô; vừa có được ngôi nhà đàng hoàng để ở, thì chúng ta lại muốn có thêm căn biệt thự…. Chúng ta thường tham đủ các kiểu: mắt tham sắc đẹp, mũi tham hương thơm, tai tham những lời ngon ngọt, lưỡi tham những vị ngon, cơ thể tham sự hưởng thụ thoải mái… Bởi thế, người đời mới nói: lòng tham của con người giống như một cái giếng sâu không đáy, tham không bao giờ biết chán, tham không bao giờ biết đủ, tham không bao giờ biết dừng.

          3. Hệ lụy của sự tham lam

          Ở đây, chúng ta thử đặt vấn đề: đâu là hệ lụy của sự tham lam?

          Người có quyền cao chức trọng thì tìm cách chèn ép và bóc lột kẻ dưới hầu thỏa mãn cái tham của mình. Người không có quyền thì tìm cách trộm cướp, bàn kế lập mưu để lừa gạt tài sản của người khác, thậm chí là giết người…. Rõ ràng, sự tham lam đã khiến cho con người trở nên ích kỷ, chỉ biết sống quy về mình mà không cần quan tâm đến nỗi đau của người khác. Và đó chính là lúc: nhân tính nơi con người đã dần bị đánh mất, thay vào đó là một (…) tính khác hoàn toàn trái ngược với nhân tính. Thiết nghĩ, ai ai trong chúng ta cũng biết trong ngoặc đơn đó là từ gì, một từ có ba chữ cái.

          4. Thoáng nghĩ về những việc làm “từ thiện”

          Để có thể nghiền ngẫm về chữ “tham” một cách cụ thể, chúng ta hãy cùng lướt qua một sự kiện rất được chú ý trên mạng xã hội trong suốt thời gian qua. Sự kiện đó chính là những hoạt động từ thiện.

          Chúng ta biết: từ thiện là việc làm rất tốt để thể hiện tình liên đới giữa con người với nhau: “Lá lành đùm lá rách”. Từ thiện sẽ giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn được xoa dịu nỗi đau, được tháo gỡ nghịch cảnh, được có cơ hội để vươn lên trong cuộc sống này. Nói chung, bản chất của từ thiện thì luôn luôn tốt!

          Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là: không ít người chỉ làm từ thiện theo phong trào, từ thiện để đánh bóng tên tuổi, từ thiện để làm giàu. Sau khi đã quyên góp được tài chính và hiện vật từ cộng đồng, họ chỉ trích ra một phần ít ỏi trong số đó để chia cho những người khó khăn; còn phần lớn thì ăn chặn, ăn bớt, bỏ túi riêng. Điều này đã làm tha hóa tính nhân văn của việc từ thiện, biến từ thiện thành một cái “nghề” kinh doanh để kiếm lời. Hay nói cách khác, với sự tham lam của con người, từ thiện đã trở thành hành động trục lợi dựa trên lòng tốt của những mạnh thường quân đã hy sinh đóng góp. Và đau xót nhất, những người đói khổ bỗng dưng trở thành công cụ để người khác kiếm tiền. Họ chỉ được “rót” xuống một cách nhỏ giọt, bởi “bồn nước to” đã bị người khác chiếm lấy. Phải chăng đó là tội ác? Và nếu đó là tội ác, thì những người phạm tội ác này chính là những kẻ vô nhân đạo. Họ không còn khả năng thốt lên hai chữ “tự trọng”, không còn khả năng để thốt lên: tôi là con người. Thật đáng sợ cho một chữ “tham”.

          5. Chớ tham của người

          Là những người mang danh Kitô, chúng ta hãy cố gắng “bóp” cái tham ấy lại. Vì lẽ, nếu như bị tham lam điều khiển, chúng ta không những đánh mất đi nhân phẩm của một con người giống như những ai đó ngoài kia, nhưng còn đánh mất đi nhân phẩm của một người con Chúa. Hay nói cách khác, khi buông theo dục vọng tham lam, chúng ta chẳng những bôi tro trát trấu vào mặt của mình, nhưng còn bôi tro trát trấu vào cả Thiên Chúa nữa.

          Ước mong mọi người chúng ta có một chút gì đó thổn thức về những điều vừa nói. Để rồi từ đó, chúng ta quyết tâm làm sáng lên nhân phẩm của mình khi biết ghi nhớ và sống triệt để giới răn của Chúa: chớ tham của người. Amen.

          Suy gẫm:

          Hãy xem lại lòng tham của tôi hiện nay sâu tới đâu, có nhìn thấy đáy hay không? Tôi thường tham những điều gì: danh vọng, tiền tài, sắc dục, trí thức, quyền hành, danh tiếng…? Để thỏa mãn lòng tham của mình, tôi thường có những lối suy nghĩ và hành động như thế nào: tiêu cực hay tích cực, có lợi hay cho hại cho bản thân, gia đình và xã hội? Hãy thành thật với lòng tham của mình và đưa ra những quyết tâm cụ thể.

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện