Hãy ở Lại Trong Tình Yêu Của Thầy
Ðọc Thánh kinh Tân ước, người ta thấy Phúc âm theo thánh Gioan, người môn đệ được Chúa yêu, chứa đựng đầy dẫy từ ngữ yêu mến. Ðó là lý do tại sao, Phúc âm thánh Gioan được mệnh danh là Tin mừng yêu mến. Theo truyền thuyết kể lại thì khi về già, thánh Gioan chỉ giảng một câu vắn tắt: Hỡi đoàn con nhỏ, hãy thương yêu nhau. Lời giảng dạy đó được lặp đi lặp lại nhiều lần trong vòng một thời gian khá lâu.
Ðiều đó làm giáo dân chán ngấy, tưởng rằng thánh nhân đã bị mất trí, nên xin ngài nói điều gì mới lạ hơn cho họ khỏi nhàm. Ðể trả lời, thánh Gioan nói là cứ tiếp tục giảng về tình yêu mến bao lâu họ chưa biết thương yêu nhau. Thư thứ nhất của thánh Gioan có ghi: Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4:8). Và tình yêu của Thánh Thần Thiên Chúa xuống cả trên các dân ngoại nữa (Cv 10:45), chứ không phải chỉ hạn chế vào một dân tộc nào thôi.
Trong Phúc âm hôm nay, thánh Gioan ghi lại lời Ðức Giêsu bày tỏ lòng Người thương yêu nhân loại: Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy (Ga 15:9). Vậy ta thử xét coi Ðức Giêsu yêu mến loài người như thế nào. Và ta cũng chỉ bàn về lòng Ðức Giêsu yêu mến loài người theo như Phúc âm hôm nay ghi lại mà thôi. Nếu xét tất cả những việc Ðức Giêsu làm vì yêu mến loài người trong toàn bộ Phúc âm, thì không biết bao giờ ta mới nói hết. Chúa Giêsu đã yêu mến loài người bằng cách chấp nhận cuộc tử hình thập giá để chuộc tội loài người. Ðó là lời Chúa phán trong Phúc âm hôm nay: Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình (Ga 15:13). Thổ lộ cho ai về cảnh ngộ cá nhân hay gia đình, ngay cả những tâm tư và bí mật của đời mình là dấu chỉ mình tín nhiệm tính kín đáo của người đó, muốn gần gũi với người đó và muốn mở lòng để người đó đi vào đời mình. Ðó là cách thế Ðức Giêsu đã làm để trở nên bạn hữu với các tông đồ: Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thẩy đã cho anh em biết (Ga 15:15).
Bạn hữu nhất là bạn cùng ăn một mâm, cùng nằm một chiếu là người quan tâm đến ta, và ta quan tâm đến bạn. Bạn bè là người gắn bó với ta khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khoẻ. Bạn bè là người ta có thể tin cậy. Bạn bè thường trung thành với nhau, giúp đỡ nhau, sống chết có nhau. Trong một xã hội phong kiến hay dưới một thể chế quân chủ, khi một người nhỏ tuổi hoặc cùng đinh mà gọi người lớn tuổi hay phú quí là bạn, có thể bị coi là chơi trèo, hỗn xược, vì cha ông ta dạy kính lão đắc thọ. Chúa Giêsu còn cao trọng hơn ta gấp bội phần, nhưng Người đã tự hạ mình xuống làm bạn với ta. Chúa bảo các tông đồ và qua các tông đồ, Chúa cũng bảo ta: Anh em là bạn hữu của Thầy (Ga 15:14). Vậy được gọi là bạn hữu với Chúa, là một ân huệ lớn lao dường bao! Ðiều thắc mắc ở đây là ta có thực sự tin rằng Ðức Giêsu là bạn với ta không? Ta có thể tin, vì Chúa nói như vậy. Tuy nhiên ta có cảm nghiệm được tình yêu và tình bạn với Chúa hay không lại là chuyện khác.
Có linh mục kia khi về Việt nam vào tiệm sách đạo thấy bầy bán vật kỉ niệm có lời Phúc âm hôm nay: Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy (Ga 15:9) được ghi trên tám mảnh trúc xinh xắn, nối vào nhau bằng mười bốn khúc trúc nhỏ xíu như tám nấc thang, trông khá mỹ thuật. Thấy đó chính là khẩu hiệu sống của đời mình, linh mục đương sự mua liền tại chỗ, đem về treo ở văn phòng để nhắc nhở mình. Vậy ở lại trong tình yêu của Chúa nghĩa là gì? Khi người ta nói đứa con đã mất nghĩa với cha mẹ, ta hiểu rằng đứa con đã xúc phạm đến cha mẹ và làm khổ tâm cha mẹ. Cũng vậy khi phạm tội, ta làm tổn thương đến tình yêu với Chúa. Ở lại trong tình yêu của Chúa là còn ơn nghĩa với Chúa. Ở lại trong tình yêu của Chúa là có được sự bình an trong tâm hồn. Trong một buổi nói chuyện với giới trẻ tại một giáo xứ kia, một linh mục hướng dẫn có cho giới trẻ thảo luận câu hỏi: Thế nào là hạnh phúc. Có một nhóm trả lời: Hạnh phúc là khi cảm thấy tâm hồn bình an. Ta thấy câu trả lời đó bao hàm tất cả ý nghĩa của hạnh phúc vì nếu không có bình an trong tâm hồn, thì dù có mọi sự khác cũng không có hạnh phúc.
Ở lại trong tình yêu của Chúa là giữ vững tình bằng hữu với Chúa. Cảm nghiệm ta có về tình bạn với Chúa giống như cảm nghiệm của hai người yêu đối với nhau. Hai người yêu luôn cảm thấy gần gũi nhau. Khi xa nhau, họ vẫn tưởng nhớ đến nhau, nhớ bóng dáng người yêu, ánh mắt của người yêu và cả tiếng thì thầm của người yêu. Nói cách khác, họ cách mặt mà không xa lòng. Cảm nghiệm của ta về tình yêu và tình bạn với Chúa cũng tương tự như vậy. Có được cảm nghiệm về tình yêu/ tình bạn với Chúa, ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong ta, bên ta và xung quanh ta. Khi ăn uống, làm việc, giải trí và cả khi ngủ nghỉ, ta cũng cảm nghiệm sự diện diện của Chúa. Có được cảm nghiệm như vậy, ta không còn cảm thấy thiếu thốn chi trong lòng, không còn muốn đổi chác lấy gì khác, mà bị mất cảm nghiệm thần linh này. Ở lại trong tình yêu của Chúa là muốn được gần gũi với Chúa, muốn đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa, muốn Chúa làm chủ đời sống và làm lẽ sống cho cuộc đời.
Vậy làm thế nào để được ở lại trong tình yêu của Chúa? Trong Phúc âm hôm nay chính Chúa Giêsu dạy ta làm sao để được ở lại trong tình yêu Chúa: Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở trong tình yêu của Thầy (Ga 15:10). Tuân giữ các điều răn của Chúa là loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu. Tuân giữ các điều răn của Chúa là tuân theo thánh ý Chúa, sống theo đường lối Phúc âm. Ðó là khởi điểm của mối liên hệ mật thiết với Chúa. Cảm nghiệm được thế nào là ở lại trong tình yêu và tình bạn với Chúa, ta sẽ cảm thấy vui sống đức tin. Nếu lỡ phạm tội làm mất sự bình an, ta lại ao ước muốn trở về sống trong tình yêu và tình bạn với Chúa.
Lời cầu nguyện: xin cho được ơn ở lại trong tình yêu Chúa:
Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể! Con xin tạ ơn Chúa, đã mời gọi con ở lại trong tình yêu Chúa và cho con được làm bạn với Chúa. Xin cho con cảm nghiệm được rằng, thế nào là được sống trong tình yêu của Chúa và tình bạn nghĩa thiết với Chúa. Amen.
Lm Trần Bình Trọng