ĐGH Gioan Phaolo I
ĐGH Gioan Phaolô I sẽ được phong chân phước vào ngày 04/09/2022
Văn Cương, SJ – Vatican News
Hai tháng sau khi ĐTC nhìn nhận phép lạ, Bộ Phong thánh đã chính thức công bố việc phong chân phước cho ngài. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I là vị Giáo hoàng thứ 263, người đã trải qua 34 ngày trong vai trò vị chủ chăn của Giáo hội.
Tiểu sử vắn
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, tên khai sinh là Albino Luciani, sinh ngày 17/10/1912 tại Forno di Canale (Canale d’Agordo), Belluno, một tỉnh thuộc vùng Veneto, miền bắc Ý, là con của một thợ xây. Ngài chịu chức linh mục vào ngày 7 tháng 7 năm 1935. Ngài được Đức giáo hoàng Gioan XXIII bổ nhiệm làm Giám mục Vittorio Veneto vào ngày 15 tháng 12 năm 1958. Ngài được Đức giáo hoàng Phaolô VI thăng Hồng y vào ngày 5 tháng 3 năm 1973. Ngài được bầu làm giáo hoàng vào ngày 26 tháng 8 năm 1978, sau khi Đức Phaolô VI qua đời.
Một ưu tiên trong triều đại Giáo hoàng ngắn ngủi của ngài là tiếp tục thực hiện các công việc của Công đồng Vatican II. Ngài đột ngột qua đời vào ngày 28 tháng 9 năm 1978, ở tuổi 65 sau 34 ngày dẫn dắt Giáo hội.
Điều kiện để được phong chân phước
Phong chân phước là giai đoạn trung gian trong tiến trình phong thánh. Nếu ứng viên được tuyên bố là tử đạo, vị đó sẽ trở thành Chân phước ngay lập tức, nếu không thì cần phải có phép lạ được công nhận nhờ sự chuyển cầu của ngài. Nói chung, phép lạ này là một sự chữa lành được một Ủy ban Y tế gồm các bác sĩ chuyên khoa, cả những người tin và không tin, xác nhận là không thể giải thích được về mặt khoa học. Đầu tiên, các cố vấn thần học và sau đó là chính các Hồng y và Giám mục của Bộ Phong Thánh cũng tuyên bố về những phép lạ này và Đức Thánh Cha cho phép ban hành sắc lệnh liên quan đến phép lạ.
Phép lạ
Phép lạ được công nhận nhờ sự chuyển cầu của Đức giáo hoàng Gioan Phaolo I là trường hợp liên quan đến việc chữa lành cho một cô gái trẻ ở Tổng giáo phận Buenos Aires, Argentina, em bị “bệnh viêm não cấp tính nghiêm trọng, một bệnh động kinh khó chữa ác tính và sốc nhiễm trùng.” Tình hình của em rất nghiêm trọng, đặc trưng bởi nhiều cơn co giật hàng ngày và tình trạng nhiễm trùng phế quản-viêm phổi.
Những lời khen ngợi
Trước khi được bầu làm Giáo hoàng, Albino Luciani đã được biết đến với sự khiêm tốn, chú trọng đến sự nghèo khó tinh thần và dấn thân trong việc giảng dạy đức tin một cách dễ hiểu. Luciani, được Đức giáo hoàng Phaolô VI coi là “một trong những nhà thần học tiên tiến nhất” thời bấy giờ, và được đánh giá cao vì ngài không chỉ biết thần học mà còn biết cách giải thích thần học.
Năm ngoái, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thiết lập một quỹ ở Vatican để cổ võ tư tưởng và giáo huấn của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I.
Trong một bài báo trên tờ Quan Sát Viên Roma vào tháng 4 năm 2020, Đức hồng y Pietro Parolin – quốc vụ khanh Toà thánh, viết rằng “Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I đã và vẫn là một điểm tham chiếu trong lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, tầm quan trọng của ngài – như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã nói – tỷ lệ nghịch với thời gian triều đại Giáo hoàng của ngài.”
Vào năm 2008, kỷ niệm 30 năm ngày mất của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô I, Đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã suy tư về thư của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Philipphê, trong đó thánh Phaolô viết: “Không làm gì vì ích kỷ hoặc vì ham muốn; đúng hơn, hãy khiêm tốn coi người khác quan trọng hơn chính mình.” Đức Biển Đức nói rằng bản văn Kinh Thánh khiến ngài nghĩ đến Đức Gioan Phaolô I, người đã chọn phương châm giám mục giống như Thánh Carlo Borromeo: Humilitas – sự khiêm nhường.
Mặc dù là một trong những triều đại Giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử, nhưng Đức Gioan Phaolô I đã để lại ấn tượng lâu dài trong Giáo hội và được mọi người mến mộ gọi là “vị Giáo hoàng mỉm cười.”
Nguồn : W.Vatican News