Định hướng mục vụ gia đình theo Tông huấn Familiaris Consortio, Amoris Laetitia và các Thư Chung của HĐGMVN

ĐỊNH HƯỚNG MỤC VỤ GIA ĐÌNH
THEO TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO, AMORIS LAETITIA
VÀ CÁC THƯ CHUNG CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Linh mục Agostino Nguyễn Văn Dụ
Trưởng Ban Nghiên Huấn Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình

Mục lục

I. THEO TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO

  1.       Chuẩn bị hôn nhân
  2.       Việc cử hành
  3.       Đồng hành với các gia đình
  4.       Cơ cấu và nhân sự về mục vụ gia đình
  5.       Phương tiện truyền thông xã hội
  6.       Những hoàn cảnh khó khăn

II. THEO TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

  1.       Canh tân việc mục vụ hôn nhân và gia đình
  2.       Đặc tính hiện thực trong mục vụ
  3.       Đời sống Kitô hữu là một tiến trình
  4.       Thẩm định lại lương tâm cá nhân trong đời sống Kitô hữu
  5.       Mục vụ đồng hành và phân định
  6.       Hội nhập của người Kitô hữu vào trong cộng đoàn
  7.       Vui mừng về sự hội nhập nhiều hơn của những người đã được rửa tội vào trong cộng đoàn
  8.       Linh mục để đồng hành trong tiến trình phân định
  9.       Hướng dẫn để phân định khả năng có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu
  10.       Tránh mọi qui định
  11.       Lòng Thương Xót phải là thái độ liên tục của Giáo hội

III. THEO CÁC THƯ CHUNG CỦA HĐGM VIỆT NAM

KẾT LUẬN

WHĐ (20.6.2021) – “Tương lai của nhân loại sẽ đến qua gia đình”[1], đó là lời xác quyết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong đoạn kết của Tông Huấn Familiaris Consortio, và Đức Thánh Cha Phanxicô cũng xác quyết rằng “thiện ích của gia đình là điều có tính quyết định đối với tương lai của thế giới và Hội thánh”[2] và trong đoạn kết của Tông Huấn Amoris Laetitia, ngài đã nhận xét rằng “trên thực tế không gia đình nào là hoàn hảo và được kiện toàn một lần dứt khoát, nhưng đòi hỏi một sự phát triển tiệm tiến khả năng yêu thương của mình”[3]. Bởi thế, nếu gia đình là nền tảng và là tương lai của cộng đoàn dân sự và Hội thánh thì gia đình cần phải được chăm sóc một cách thật chu đáo, bởi vì chính “Gia đình là con đường mà Giáo hội phải đi qua khi thi hành sứ mạng cứu rỗi của mình”[4]. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong các Thư Chung cũng đã nhắc nhở đến tầm quan trọng về việc mục vụ này đối với Hội Thánh, đặc biệt Thư Chung năm 2002 và 2016 đã đề ra chương trình mục vụ cho ba năm liên tiếp về hôn nhân và gia đình.

Dưới đây chúng ta cùng nhau tìm hiểu định hướng mục vụ gia đình theo Tông Huấn Familiaris Consortio, Amoris Laetitia và các Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

I. THEO TÔNG HUẤN FAMILIARIS CONSORTIO

Tông Huấn Familiaris Consortio đã đề ra những khía cạnh liên quan đến Bí tích hôn phối: thời gian, cơ cấu, những người liên hệ đến công việc mục vụ này, đặc biệt lưu ý đến những trường hợp khó khăn ngày nay thường gặp phải.

Đâu là những thời điểm hay những giai đoạn đòi hỏi phải có một sự chú tâm mục vụ một cách đặc biệt đối với hôn nhân và gia đình? Trước đây, Hội thánh vẫn luôn quan tâm đến việc cử hành Bí tích hôn phối làm sao cho thành sự và đừng để vướng mắc một ngăn trở nào. Sau này, Hội thánh mới bắt đầu chú ý đến việc chuẩn bị cho những người đính hôn, tổ chức những khóa chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ trước khi bước vào đời sống gia đình. Với Tông Huấn này sự chú ý này càng bao quát hơn bởi vì Đức Giáo Hoàng còn nhắc nhở đến sự cần thiết phải theo dõi đời sống vợ chồng cả sau khi thành hôn, khuyên bảo họ luôn sống kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời họ.

Gia đình là một thực tại sống động luôn được mời gọi phát triển và lớn lên: sau thời gian chuẩn bị hôn nhân tiếp theo là việc thực hành những giá trị và những bổn phận của chính đời sống hôn nhân và gia đình. Vì vậy, cần phải có một hoạt động mục vụ liên tục cho từng giai đoạn[5].

1. Chuẩn bị hôn nhân

Việc chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ là một việc làm khẩn thiết hơn bao giờ cả vì ảnh hưởng của văn hóa ngày nay thường không giúp cho họ vượt qua được những cơn khủng hoảng. Theo chiều hướng mục vụ thì việc chuẩn bị phải bắt đầu từ xa và có thể chia làm ba giai đoạn:

  1. a)chuẩn bị xa: khởi đầu từ lúc còn thơ bé nhờ sư phạm giáo dục gia đình luôn xem cuộc đời như lời mời gọi đến với tình yêu; có thể đáp trả lại lời mời gọi này bằng cách thực hiện chính mình một cách trọn vẹn hoặc trong hôn nhân hoặc trong đời sống thánh hiến. Gia đình cũng phải chú tâm đến việc giáo dục tính dục cho con cái qua các lứa tuổi bắt đầu từ nhỏ cho đến lớn làm sao cho chúng hiểu được ý nghĩa của liên hệ về tính dục giữa người nam và người nữ được mời gọi trao hiến chính mình. Giáo dục về đức khiết tịnh, chuẩn bị cho chúng có được một sự chọn lựa quan trọng về cuộc đời và dần dần học biết tính tự chủ trong cuộc sống;
  2. b)chuẩn bị gần: nhờ những khóa chuẩn bị giáo lý về hôn nhân, các bạn trẻ tiếp tục học hỏi về giáo lý, sống thời kỳ đính hôn bằng việc nhận thức rõ ràng về ơn gọi của mình, chọn người bạn để cùng sống đời lứa đôi và cùng tăng trưởng trong cuộc sống về ân sủng;
  3. c)chuẩn bị cấp thời: trong những ngày tháng cuối cùng trước khi cử hành lễ thành hôn; làm sao cho đôi bạn hiểu ý nghĩa sâu xa hơn về “về mầu nhiệm Chúa Kitô và Hội Thánh, về ý nghĩa của ơn sủng và của trách nhiệm gắn liền với hôn nhân Kitô giáo, đó là chưa kể tới việc chuẩn bị để tham dự tích cực vào nghi lễ phụng vụ hôn phối”[6]. Nhờ việc chuẩn bị này đôi lúc là cơ hội giúp cho các bạn trẻ trở về với Hội Thánh. Bởi vậy, các mục tử cần phải lưu ý đến thực tại này nhiều lúc phải mất nhiều thì giờ, nhưng chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc loan báo Tin Mừng.

2. Việc cử hành

Hôn nhân Công giáo còn đòi hỏi những quy luật về việc cử hành phụng vụ, bởi vì đây đồng thời là dấu chỉ Bí tích thánh hóa và là dấu chỉ của giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh Ngài. Nơi phù hợp nhất để cử hành Bí tích hôn phối vẫn là lúc cử hành Bí tích Thánh Thể, bởi vì giữa hai Bí tích có một sự liên hệ rất mật thiết: Bí tích Thánh Thể với sự hiện diện thực sự là dấu chỉ cao cả của tình yêu Đức Kitô và Bí tích hôn phối dẫn đưa vợ chồng vào trong chính tình yêu ấy và làm cho họ có khả năng tiếp tục trong cuộc sống của mình sự trao hiến của Đức Kitô. Như thế Phụng Vụ vừa mang tính chất loan báo Tin Mừng, bởi vì rao truyền ngay trong Hội thánh tin mừng về tình yêu hôn nhân như là dấu chỉ của Đức Kitô và Hội Thánh, và đồng thời cũng mang tính chất Hội Thánh, bởi vì ảnh hưởng đến cả cộng đồng Hội thánh nơi vợ chồng sinh sống.

Thường các mục tử và những người có trách nhiệm chuẩn bị hôn nhân cho các bạn trẻ tự hỏi về niềm tin của người xin cử hành Bí tích hôn phối. Thật vậy, nhiều lúc các bạn trẻ đến xin được làm lễ cưới trong nhà thờ chỉ vì lý do văn hóa và xã hội. Những trường hợp này phải xử sự thế nào? Tông Huấn Familiaris Consortio nhắc nhở rằng đức tin có thể có nhiều thứ bậc và cần phải khơi dậy và làm cho nó trưởng thành hơn. Bởi vậy, chúng ta đừng thất vọng trước một đức tin nghèo nàn và non yếu. Việc quyết định thành hôn của hai người một cách nào đó đã phù hợp với kế hoạch của Đấng Tạo Hóa và Bí tích hôn phối cũng là công trình của Ngài. Xét cho cùng, khi hai người quyết định thành hôn với nhau dù một cách vô thức họ cũng đã vâng phục ý định của Đấng Tạo Hóa mà ngay từ nguyên thủy Ngài đã thiết lập định chế hôn nhân.

Tuy nhiên, nếu sau khi đã làm hết cách để họ có thể khám phá ra ý nghĩa đích thực về hôn nhân mà họ vẫn tỏ ra bên ngoài thái độ từ chối điều Hội thánh muốn thực hiện khi cử hành Bí tích hôn phối, thì vị mục tử không thể đồng ý để họ cử hành nghi lễ thành hôn[7].

3. Đồng hành với các gia đình

Sau khi thành hôn, công việc mục vụ về gia đình mới thực sự bắt đầu để giúp cho đôi phối ngẫu biết khám phá và sống ơn gọi và sứ mạng mới của mình. Đặc biệt lưu ý đến các đôi bạn trẻ, nhất là trong những năm đầu của đời hôn nhân, với những khó khăn phải đương đầu, chẳng hạn như phải thích nghi với đời sống chung hoặc khi con cái sinh ra. Đức Giáo Hoàng ước mong có một sự trao đổi nhờ sự hiện diện và giúp đỡ giữa các gia đình với nhau: sự giúp đỡ từ gia đình này cho gia đình khác là một trong những cách thế đơn giản và hiệu lực nhất và vừa tầm tay mọi người để thông truyền một cách hữu hiệu những giá trị Kitô giáo, là điểm khởi hành và cũng là đích điểm cho mọi công tác mục vụ.

4. Cơ cấu và nhân sự về mục vụ gia đình

Những cơ cấu về mục vụ gia đình không phải là những gì mới, nhưng tự nền tảng luôn phù hợp với những cơ cấu của Hội Thánh. Tông Huấn nhắc nhở rằng hoạt động mục vụ tự nó là lối diễn tả năng động về thực tại Hội thánh trong sứ mạng cứu rỗi của mình. “Mục vụ gia đình, hình thức đặc thù và chuyên biệt của mục vụ nói chung, cũng tìm được nơi Hội thánh nguyên tắc để hành động và trách nhiệm chính yếu của mình, qua các cơ cấu và các phần tử hoạt động của Hội Thánh”[8].

Cơ cấu là giáo phận với một cơ quan đặc biệt dành cho việc cổ võ về mục vụ gia đình; là giáo xứ cũng được mời gọi tùy khả năng của mình có được một ủy ban gia đình, và cũng vậy trong từng hạt, từng vùng, miền cho đến cả nước. Những cơ cấu về mục vụ gia đình có thể là những cơ quan chuẩn bị hôn nhân, những văn phòng tư vấn về gia đình, những trung tâm kế hoạch hóa gia đình với những phương pháp tự nhiên, những phong trào phục vụ cho sự sống, v.v… Nói chung, toàn thể Hội thánh đều quan tâm đến mục vụ về gia đình [9].

Một vị thế đặc biệt trong lãnh vực này dành cho sứ mạng của vợ chồng và gia đình Kitô giáo. Thật vậy, họ là những người hoạt động tông đồ trước hết ngay trong chính gia đình của họ, nhờ đời sống chứng tá phù hợp với Luật Chúa, giáo dục con cái trong đức tin, v.v.[10]. Nhiều cộng đồng Hội Thánh, nhiều nhóm và nhiều phong trào dấn thân trong cách thế và với tư cách khác nhau trong việc mục vụ gia đình [11].

Ai là những người hoạt động về mục vụ gia đình? “Ngoài chính gia đình – vừa là đối tượng vừa là chủ thể trước hết của mục vụ gia đình – cũng còn phải nhắc đến những người hữu trách chính yếu khác trong ngành mục vụ đặc biệt này”[12]. Vị chịu trách nhiệm đầu tiên về mục vụ gia đình trong giáo phận là Đức Giám Mục, người luôn tìm cách làm cho giáo phận mình ngày càng trở nên một gia đình. Tiếp đến là các linh mục có một trách nhiệm đặc biệt không những chỉ tìm giải quyết các vấn đề luân lý hay phụng vụ mà thôi, nhưng còn những vấn đề của từng cá nhân và xã hội nữa. Linh mục và cả phó tế cần phải trở nên như người cha, người anh em, người mục tử và thầy dạy đối với các gia đình, cứu giúp họ bằng những trợ lực của ân sủng và chiếu soi họ bằng ánh sáng chân lý trong sự hiệp thông với Giáo Huấn của Hội Thánh[13].

Chúng ta cũng nên nhớ đến vai trò quan trọng của các tu sĩ nam nữ: sự đóng góp mà họ có thể cống hiến cho việc tông đồ đối với gia đình nằm ngay trong chính đời sống thánh hiến của họ cho Thiên Chúa; đời sống của họ như một lời nhắc nhở thường hằng về giao ước tuyệt vời giữa Đức Kitô và Hội Thánh, giao ước sẽ được tỏ bày một cách trọn hảo trong cuộc sống đời đời; họ cũng là những chứng nhân của đức ái đối với mọi người và nhờ lời khấn khiết tịnh, làm cho họ sẵn sàng hơn để quảng đại phục vụ anh chị em[14].

Và rồi những giáo dân chuyên môn cũng có thể cống hiến một sự trợ giúp đáng kể trong việc mục vụ gia đình, chẳng hạn như những bác sĩ, luật sư, tâm lý gia, trợ tá xã hội, tư vấn, với tư cách cá nhân hay đã tham gia vào trong các đoàn thể và những tổ chức khác, họ có thể đóng góp khả năng chuyên môn của họ để phục vụ các gia đình[15].

5. Phương tiện truyền thông xã hội

Những phương tiện truyền thông xã hội ngày nay có thể gây ảnh hưởng sâu đậm vào trong tâm thức chung và nhất là đối với các bạn trẻ; chúng có thể tạo nên những ảnh hưởng tốt về gia đình trên việc giáo dục con cái, nhưng đồng thời, nếu không biết sử dụng thì có thể gây những ảnh hưởng tai hại và nguy hiểm không thể bỏ qua được. Cha mẹ có một bổn phận đặc biệt bảo vệ con cái trước những sức tấn công của các phương tiện truyền thông đại chúng này; họ phải tìm cách làm áp lực trên sự chọn lựa và chuẩn bị những chương trình để có thể bảo đảm được những giá trị chính yếu nhân bản vì lợi ích chung của xã hội và gia đình [16].

6. Những hoàn cảnh khó khăn

Công việc mục vụ gia đình cần phải lưu ý đến cả những trường hợp và những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn những gia đình di dân, binh sĩ, lưu lạc, tù đày, tỵ nạn; những gia đình có con cái tàn tật, ma tuý, nghiện rượu. Một vấn đề khác nữa là những gia đình bị phân rẽ vì khác biệt ý thức hệ hay niềm tin tôn giáo.

Ngoài ra, cũng cần phải chú ý đến những giai đoạn khó khăn mà gia đình phải trải qua, chẳng hạn như sự chống đối của con cái trong tuổi mới lớn, cảnh góa bụa, người đến tuổi già, v.v.[17].

Một trường hợp thường xảy ra tại các nước Âu Mỹ là hôn nhân giữa người Công giáo và những người đã được rửa tội trong các giáo phái khác; Tông Huấn nhắc đến ba điểm chính yếu: bổn phận của bên Công giáo đối với đức tin của mình và đối với việc giáo dục con cái; tôn trọng tự do tôn giáo; hình thức phụng vụ theo giáo luật về hôn nhân. Cũng như nhiều nơi trên thế giới ngày càng có nhiều cuộc hôn nhân giữa người Công giáo và người chưa rửa tội thuộc các tôn giáo khác; ngoài những gì mà Hội Đồng Giám Mục địa phương đặt định còn cần phải nâng đỡ phía người Công giáo để họ có thể trở nên một nhân chứng đức tin ngay trong chính gia đình của họ[18].

Hội thánh không thể quên những hoàn cảnh trái quy tắc ngày càng lan tràn, trên bình diện tôn giáo và nhiều lúc cả trên bình diện dân sự. Tại sao những hoàn cảnh ấy gọi là trái quy tắc? Bởi vì trong những hoàn cảnh ấy có sự mâu thuẫn về sự thật và tình yêu làm nên hôn nhân. Sự thật không phải là điều gì trừu tượng hay chỉ mang tính chất triết học, nhưng là điều cụ thể như tình yêu; cũng vậy, tình yêu không phải là một tình cảm mơ hồ hay đổi thay và mang tính chất chủ quan, nhưng là một sự kiện chắc chắn và rõ ràng. Tình yêu hôn nhân để được chân thực đòi buộc người nam và người nữ biểu lộ một bổn phận hoàn toàn và trung thành, bởi vì yêu có nghĩa là trao hiến một cách hoàn toàn và luôn mãi. Bổn phận đối với sự chọn lựa này được bày tỏ nhờ sự ưng thuận, nói lên chỉ một lần, nhưng cho muôn lần: “Anh nhận em làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”. Những lời này chứng tỏ lòng mong ước yêu thương trong thời gian và bằng cả sự trọn hảo: đặt tình yêu vào một giây phút của cuộc đời để kéo dài suốt cả cuộc sống. Những lời được nói lên một cách công khai là một chứng từ của tình yêu để người khác nhận biết mình và với bổn phận được bày tỏ, đôi phối ngẫu có được một vị thế mới trong Hội thánh và trong xã hội. Chỉ như vậy tình yêu con người mới có thể trở nên chân thực!

Vậy thì tính chất bất khả phân ly có trở thành một gánh nặng không? Dĩ nhiên nhiều lúc dường như khó mà tiến tới được nữa, nhưng đôi phối ngẫu phải biết vượt qua và nhìn lại bổn phận yêu thương của mình, nhìn về sự kết hợp trung thành của Đức Kitô đối với Hội Thánh, một sự kết hợp qua Thập Giá! Vì vậy, với lòng khiêm nhượng vợ chồng phải biết kêu cầu sự trợ giúp của Đức Kitô, Đấng Tình Quân luôn trung thành. Tính chất vững bền của tình yêu trong hôn nhân và lòng chung thủy không những chỉ cần thiết đối với vợ chồng mà thôi, nhưng còn cho cả con cái, để chúng có thể lớn lên trong một khung cảnh gia đình đầm ấm đầy tình yêu thương thực sự và bảo đảm!

Tông Huấn đưa ra một vài hoàn cảnh tế nhị:

  1. a) hôn nhân thử: thật thiếu ý thức khi làm một cuộc thử nghiệm đối với con người mà nhân phẩm của nó luôn đòi hỏi phải có một tình yêu và trao hiến hoàn toàn cho nhau một cách quyết liệt; việc trao hiến thân xác trong sự giao hợp vợ chồng là biểu tượng cụ thể của sự trao ban cả con người. “Đàng khác hôn nhân giữa hai người đã rửa tội là biểu tượng thực sự cho việc kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh, một sự kết hợp không thể nào có tính cách tạm bợ hay “để thử”, nhưng là trung tín đời đời; như thế, giữa hai người đã rửa tội, chỉ có thể có một hôn nhân bất khả phân ly”[19].
  2. b) những vụ sống chung không hôn thú: Vì nhiều lý do đưa đẩy đến việc sống chung, không bị ràng buộc vào bất cứ một định chế nào và cũng không được nhìn nhận từ phía dân sự cũng như tôn giáo. Đối với những hoàn cảnh này, Tông Huấn mời gọi các vị mục tử của cộng đồng Hội thánh nhận biết những hoàn cảnh ấy và những lý do của từng trường hợp. Cần biết đến với họ bằng cả sự tế nhị và kính trọng trong khi gặp gỡ và kiên trì soi sáng cho họ, cũng như cho họ thấy được chứng từ của gia đình Kitô giáo. Ngoài ra, một việc làm quan trọng hơn là cần phải biết phòng ngừa bằng việc giáo dục về luân lý và tôn giáo cho các bạn trẻ[20];
  3. c) những người Công giáo chỉ kết hợp với nhau bằng hôn phối dân sự: ngày nay hoàn cảnh này thường thấy nơi nhiều bạn trẻ, ngay cả những người Công giáo, vì nhiều lý do khác nhau, họ chỉ muốn cưới nhau bằng hôn phối dân sự, khước từ hoặc chưa nghĩ đến hôn phối trong nhà thờ. Hoàn cảnh của họ không như những người chỉ sống chung mà không có một sự ràng buộc nào cả, bởi vì ít ra họ đã có một bổn phận nào đó và một bậc sống rõ ràng. Bởi vậy, công việc mục vụ là làm cho họ hiểu sự cần thiết giữa việc chọn lựa về cuộc đời và niềm tin mà họ tuyên xưng và tìm cách đưa dẫn họ đến việc hợp thức hóa hoàn cảnh của họ dưới ánh sáng của những nguyên tắc Kitô giáo[21];
  4. d) những người ly thân và ly dị không tái hôn: trong một vài trường hợp không thể nào hàn gắn lại được: việc ly thân phải được xem như là một cách thế tối hậu sau khi đã tìm mọi cách mà không thể giải quyết được. Trường hợp tương tự như thế khi người phối ngẫu phải chịu ly dị và vẫn nhận biết tính chất bất khả phân ly của một hôn ước thành sự, họ không tiến đến một sự kết hợp khác và tiếp tục sống sự chung thủy hôn nhân, mặc dù rất đau khổ. Họ cần được nâng đỡ bằng tình yêu thương và trợ giúp, không một ngăn trở nào để họ có thể nhận lãnh các Bí tích[22];
  5. e) những người ly dị tái hôn: kinh nghiệm thông thường cho thấy những ai chạy đến giải pháp ly dị cũng đều muốn đi đến một cuộc kết hợp mới. Tông Huấn nhắc nhở các mục tử về bổn phận phải nhận định từng hoàn cảnh, phân biệt những ai đã thực tâm cứu lấy hôn nhân của mình và bị mọi người bỏ rơi một cách bất công, và những người vì lỗi lầm nặng đã hủy bỏ một cuộc hôn nhân thành sự; cũng có những người đi đến một sự kết hợp mới nhắm đến việc giáo dục con cái và theo cái nhìn trong lương tâm của họ thì hôn nhân trước đây không bao giờ thành sự và giờ đây đã bị hủy hoại không thể nào xây dựng lại được. Và rồi các mục tử và toàn thể cộng đoàn tín hữu được mời gọi để giúp những người ly dị với một đức ái đặc biệt để họ không cảm thấy mình bị tách lìa ra khỏi Hội Thánh, bởi vì còn có dây liên kết của phép Rửa Tội luôn bền vững. Khi đưa ra những chỉ dẫn mục vụ này, Tông Huấn muốn xác nhận lại kỷ luật của Hội Thánh, “kỷ luật xây dựng trên Thánh Kinh, theo đó Hội thánh không thể chấp nhận cho những người ly dị tái hôn được hiệp thông Thánh Thể. Họ đã tự làm cho mình trở nên mất đi khả năng dự phần vào đó vì tình trạng của họ và vì điều kiện sống của họ mâu thuẫn một cách khách quan với sự hiệp thông yêu thương giữa Đức Kitô và Hội Thánh, như nó vẫn được diễn tả và hiện tại hóa trong phép Thánh Thể”[23]. Sự hòa giải qua Bí tích thống hối chỉ có thể thực hiện được cho những ai tỏ ra ăn năn vì đã xúc phạm đến dấu chỉ của giao ước và sự trung thành với Đức Kitô, và thật lòng chấp nhận một hình thức sống không còn mâu thuẫn với tính chất bất khả phân ly của hôn nhân.

Sau hết, còn có nhiều người trong thế giới không có được một gia đình tự nhiên. Trong Thư gởi các gia đình, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nhắc lại: “Khi thiếu gia đình, con người khi bước vào thế giới sẽ cảm thấy trong mình một sự trống vắng lo âu và đau khổ hằng tiếp tục đè nặng trên cả cuộc đời”[24]. Đối với những người này, cần mở rộng cánh cửa của đại gia đình Hội Thánh, và lần lượt được cụ thể hóa trong gia đình giáo phận và giáo xứ, trong các cộng đồng Hội thánh hay trong những phong trào tông đồ. “Trong thế giới ngày nay không ai là vô gia đình cả. Hội thánh là nhà và gia đình của tất cả mọi người”[25].

II. THEO TÔNG HUẤN AMORIS LAETITIA

Với Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Phanxicô không thay đổi gì về giáo huấn của bậc tiền nhiệm, nhưng ngài chỉ thay đổi cách nhìn và trình bày bằng ngôn ngữ gần gũi hơn với tâm thức con người thời nay. Bắt đầu triều đại của mình với Tông Huấn Evangelii gaudium và rồi tiếp theo là Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn mở ra cho Giáo hội một số đường hướng mục vụ cần thiết trong thời đại chúng ta. Và muốn có được một hành động mang tính Giáo hội của việc loan báo Tin Mừng mà mình hằng ước mơ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kể lại cho chúng ta nghe rằng: “Tôi mơ ước một lựa chọn truyền giáo có sức biến đổi mọi sự, để những thói quen, những phong cách, thời gian, ngôn ngữ, và tất cả các cơ cấu Hội thánh trở thành một kênh thích hợp cho việc truyền giáo cho thế giới ngày nay, … tạo nên trong những người làm mục vụ một thái độ liên tục “đi ra”, và như thế thúc đẩy một đáp ứng tích cực từ tất cả những người mà Chúa Giêsu ban cho tình bằng hữu của Người”[26].

Tiếp theo đây, chúng ta cùng tìm hiểu một vài đường hướng mục vụ của Giáo hội sau hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình mà Đức Phanxicô đã triệu tập:

1. Canh tân việc mục vụ hôn nhân và gia đình

Tông Huấn Amoris Laetitia kêu gọi Giáo hội cần có một cuộc canh tân mục vụ thật sự về hôn nhân và gia đình. Nội dung phong phú của Tông Huấn đã được Đức Giáo Hoàng trao gởi và đó cũng là kết quả của hai Thượng Hội Đồng Giám Mục. Ngài muốn chúng ta đồng hành trực tiếp với nhiều khía cạnh của ơn gọi và sứ mạng của hôn nhân và gia đình. Những khía cạnh này đòi hỏi chúng ta phải suy tư và hoán cải tâm thức mục vụ. Công việc mà Tông Huấn để lại cho chúng ta quả là một công việc đầy khó khăn, vì nhiều hoàn cảnh hiện nay của hôn nhân và gia đình trên toàn thế giới đòi phải có một sự cam kết được đổi mới từ phía những người hoạt động mục vụ mới có thể mang lại những sửa đổi cần thiết cho việc canh tân này. Tuy nhiên, hôn nhân và gia đình không phải là hai thực tại tách rời khỏi cuộc sống, vì chúng liên quan đến nhau cách sâu sắc với vô số khía cạnh mục vụ nói chung.

Giáo hội phải giúp đỡ hôn nhân và gia đình để đời sống của họ có thể thực hiện được trong Tin Mừng Gia Đình. Mục vụ hôn nhân và gia đình là một nhiệm vụ ưu tiên và rất khẩn thiết trong các Giáo hội địa phương. Và “người chịu trách nhiệm đầu tiên về mục vụ gia đình trong giáo phận chính là Giám mục. Như một người cha và chủ chăn ngài phải đặc biệt lo lắng cho ngành này, chắc chắn là ngành ưu tiên của mục vụ”[27] Thực tại và những hoàn cảnh của gia đình, như được nhìn nhận trong công việc của hai Thượng Hội Đồng, cho chúng ta thấy sự cần thiết phải tăng cường và canh tân việc mục vụ trong lãnh vực này.

Cách riêng, ngày càng có nhiều vụ li thân và li dị gây đau khổ cho những người phối ngẫu và đặc biệt là con cái. Điều đó nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị nhiều hơn cho những người đính hôn để họ có thể sống một cuộc hôn nhân trung thành, bất khả phân li, mang lại thành quả và hạnh phúc trọn vẹn.

Tông Huấn Amoris Laetitia dành cho việc mục vụ này các số 205-216. Các Nghị Phụ đã đồng ý và Đức Giáo Hoàng đã xác nhận “sự góp phần chính yếu cho mục vụ gia đình từ nơi giáo xứ, như một gia đình của các gia đình, giáo xứ kết hợp hài hòa các đóng góp của các cộng đoàn nhỏ, các phong trào và các hiệp hội của Hội thánh”[28].

Chúng ta thử nghĩ đến các phong trào hôn nhân và gia đình, một số trong họ dành cho việc chuẩn bị cho những ai sẵn sàng cử hành Bí tích hôn phối và một số khác giúp đỡ cho các cuộc hôn nhân đang gặp khủng hoảng. Không ai nghi ngờ gì về hôn nhân và gia đình Kitô hữu thường thực hiện một việc phục vụ thật sự cần thiết và rất hiệu quả trong mục vụ gia đình và chúng ta cần phải kể đến họ.

a/ Việc chuẩn bị hôn nhân

Việc chuẩn bị hôn nhân đích thực cần khởi sự từ những năm đầu trong tuổi thơ của đôi vợ chồng tương lai. Từ đó việc quan trọng là làm sao tìm được một gia đình trở nên như một phản ảnh của một cộng đồng thân mật của cuộc sống và của tình yêu. Việc chuẩn bị tiếp theo là vào giai đoạn vị thành niên và thanh thiếu niên, một giai đoạn rất quan trọng và nếu không làm được vào lúc này thì thật khó có thể thực hiện được về sau. Đức Giáo Hoàng cũng nhận thấy rằng “các Nghị phụ Thượng Hội đồng đã khẳng định bằng nhiều cách khác nhau rằng cần giúp các bạn trẻ khám phá giá trị và sự phong phú của hôn nhân. Họ phải nhận ra được sự hấp dẫn của một kết hợp trọn vẹn, một kết hợp nâng cao và kiện toàn chiều kích xã hội của cuộc sống, mang lại cho tính dục ý nghĩa cao trọng nhất của nó, và đồng thời cổ võ thiện ích của con cái và tạo cho chúng hoàn cảnh tốt nhất để được trưởng thành và giáo dục”[29].

Chuẩn bị gần cho hôn nhân nhằm mục đích huấn luyện cho thanh thiếu niên trong những đức tính và trong các giá trị của tình yêu, dấn thân, cam kết, trung thành, tha thứ, v.v. để giúp họ thực hiện trong đời sống của mình nội dung của Tin Mừng gia đình.

Chúng ta cũng phải canh tân tầm quan trọng của việc chuẩn bị ngay trước khi cử hành Bí tích hôn phối như một sự kiện duy nhất sống trong bối cảnh của gia đình và của cộng đoàn Kitô hữu, vì “Bí tích Hôn Phối không phải là một qui ước xã hội, một nghi thức trống rỗng, hay chỉ là dấu hiệu bên ngoài của một cam kết. Bí tích này là một ơn ban nhằm thánh hóa và cứu độ đôi vợ chồng”[30]. Bởi vậy, Phụng vụ này cần phải chuẩn bị đôi bạn bằng một giáo lý sâu sắc, nghĩa là phải giúp cho họ lớn lên trong đức tin và hiểu được rằng giao ước của họ phải được thực hiện thật sự “trong Chúa”.

b/ Đồng hành với các đôi bạn trẻ

Tông Huấn cũng nói đến việc đồng hành với các cuộc hôn nhân từ phía cộng đoàn Kitô hữu, nhất là trong những năm đầu sau ngày cưới và mỗi khi họ gặp khủng hoảng. Chỉ cần đọc lại một nhận xét của Tông Huấn để thấy sự cần thiết của việc đồng hành này: “Chúng ta phải nhìn nhận có một giá trị lớn lao mà người ta vẫn hiểu hôn nhân vốn là một vấn đề của tình yêu, và người ta chỉ có thể kết hôn với người mình tự do lựa chọn và yêu thương. Thế nhưng, khi tình yêu chỉ hệ tại ở nét hấp dẫn thể lý hay một tình cảm mơ hồ, thì cũng có nghĩa là vợ chồng sẽ phải chịu một cảnh ngộ hết sức mong manh khi tình cảm ấy rơi vào khủng hoảng hoặc khi nét hấp dẫn thể lý tàn tạ đi. Vì những nhầm lẫn này thường xảy ra, nên việc đồng hành với các đôi vợ chồng trong những năm đầu tiên của cuộc sống hôn nhân lại càng cần thiết, để làm cho quyết định có ý thức và tự do thuộc về nhau và yêu nhau cho đến cùng được phong phú và sâu sắc hơn. Nhiều khi thời gian đính hôn không đủ dài, quyết định cưới nhau vội vàng vì nhiều lý do, trong khi có điều đáng ngại hơn nữa, là tình trạng những người trẻ chậm trưởng thành. Vì thế, các đôi bạn mới cưới có bổn phận phải bổ túc tiến trình đáng lẽ đã phải thực hiện trong thời kì đính hôn”[31].

Tất nhiên, các Hội Đồng Giám Mục và các Giám Mục giáo phận cần chu toàn một công việc rất quan trọng để tăng cường và đặt chương trình mục vụ đích thực và hiệu quả về hôn nhân và gia đình nhằm đáp ứng nội dung tổng quát của Tông Huấn, nhưng cụ thể hơn là trong chương thứ sáu nói về một số quan điểm mục vụ.

2. Đặc tính hiện thực trong mục vụ

Trong việc mục vụ Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đặt nặng tầm quan trọng cho tính hiện thực, nghĩa là thấy thực tại Giáo hội cách cụ thể và thực tại cụ thể của thế giới hôm nay và của định chế hôn nhân cũng như gia đình. Giáo hội cần đến gần với con người và những thực tại của xã hội chúng ta để nhận biết cách cụ thể và dấn thân, đồng hành và giúp đỡ theo gương người Samaritanô nhân hậu. Người Samaritanô của Tin Mừng tiến lại gần người đang bị thương nằm bên vệ đường, và khi tiến lại gần, vừa nhìn thấy bị nạn, ông động lòng thương và ra tay cứu giúp, khác với vị tư tế và thầy Lêvi của dụ ngôn Tin Mừng cũng đi qua nơi ấy nhưng tránh qua một bên mà đi. Mục vụ hệ tại ở chỗ biết lưu ý đến những con người cụ thể, hôn nhân và gia đình cụ thể.

Đối với việc mục vụ, chiều kích con người rất quan trọng trong cộng đoàn Kitô hữu. Chúa Giêsu nhấn mạnh khóa cạnh này trong Tin Mừng bằng cách giữ một mối tương quan cá nhân với những người chung quanh Ngài. Sự cứu rỗi của Chúa Giêsu mà việc mục vụ của Giáo hội ao ước cống hiến thì phổ quát và cũng là sự cứu rỗi của mỗi con người cụ thể. Tông Huấn Amoris Laetitia liên tục qui chiếu về thái độ này để nhận biết những hoàn cảnh trong đó chính con người, hôn nhân và gia đình đang sống.

Tính hiện thực này chính Đức Giáo Hoàng diễn tả bằng cách nói rằng “mỗi cuộc hôn nhân là một “lịch sử cứu độ”, và điều đó giả thiết rằng chúng ta khởi đầu từ một tình trạng mong manh, nhờ ơn Chúa và nhờ sự đáp trả sáng tạo và quảng đại từ phía chúng ta, hôn nhân sẽ dần dần trở nên một thực tại ngày càng bền vững và quí giá hơn”[32]. Amoris Laetitia nhấn mạnh nhiều đến sự cần thiết của tính hiện thực mục vụ đòi hỏi việc “phân định mục vụ về hoàn cảnh của nhiều người không còn sống thực tại ấy”, để “đi vào đối thoại mục vụ với những người này nhằm xác định rõ ràng các yếu tố của đời sống họ có thể dẫn đến một sự cởi mở hơn với Tin mừng về hôn nhân ở mức trọn vẹn của nó” [33] .

3. Đời sống Kitô hữu là một tiến trình

Trong Tông Huấn là cả một sự liên tục trình bày đời sống con người và đời sống Kitô hữu như một tiến trình thực hiện và phấn đấu để đạt đến lý tưởng của mình. Thánh Gioan Phaolô II đã đề nghị “luật tiệm tiến” với ý thức rằng con người “hiểu biết, yêu mến và chu toàn sự thiện luân lý bằng cách theo sát các giai đoạn tăng trưởng”[34].

Thực tại này có thể thấy được trong xã hội. Có một sự khác biệt lớn về các hoàn cảnh và tiến trình của đời sống Kitô hữu. Con người lớn lên cách tiệm tiến bằng tiến trình hội nhập của ơn Chúa và những đòi hỏi của tình yêu dứt khoát và tuyệt đối của mình trong toàn bộ cuộc sống cá nhân và xã hội.

Điều đó có nghĩa là mục vụ phải chú trọng rất nhiều đến luật tiệm tiến, những câu trả lời khác nhau mà trong lương tâm con người có thể có đối với Chúa và Giáo hội. Thực tại của tiến trình này trong đời sống của người Kitô hữu đòi hỏi các mục tử công hiến một sự đồng hành với các tín hữu, huấn luyện cách xứng hợp lương tâm của họ và biết thẩm định những gì là thiện hảo trong đời sống của họ.

Cần phải hiểu dưới ánh sáng của nguyên tắc “thời gian thì lớn hơn không gian”. Nguyên tắc này đã được loan báo và giải thích trong Evangelii Gaudium nhằm nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải lo đến việc bắt đầu quá trình hơn để chiếm lấy không gian[35].

Trong một hoàn cảnh nhất định nào đó, con người gặp khó khăn hành động một cách khác, thì việc phân định mục vụ dù có lưu ý đến lương tâm của con người đã được huấn luyện cách ngay thẳng, cũng phải chấp nhận về những hạn chế[36].

Lương tâm có thể nhận biết không chỉ một hoàn cảnh không đáp trả cách khách quan đề nghị chung của Tin Mừng, nhưng nó cũng có thể nhận ra với sự chân thành và trung thực những gì mà bây giờ là sự đáp trả quảng đại có thể được dâng lên Thiên Chúa và khám phá với một sự chắc chắn luân lý rằng đây là việc mà Thiên Chúa đòi hỏi giữa sự phức tạp cụ thể trong những giới hạn của mình. Nhưng người mục tử cũng nên biết rằng sự phân định này thì sinh động và phải luôn mở ra cho những giai đoạn tăng trưởng mới trong tiến trình của đời sống Kitô hữu và cho những quyết định mới để thực hiện lý tưởng một cách trọn vẹn.

4. Thẩm định lại lương tâm cá nhân trong đời sống Kitô hữu

Huấn quyền của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dẫn đến việc khám phá ra tầm quan trọng của lương tâm cá nhân trong đời sống Kitô hữu và trong đời sống của Giáo hội. Trong hai cuộc họp Thượng Hội Đồng Giám Mục có rất nhiều bài phát biểu nói đến vai trò của lương tâm. Người ta không thể quên rằng lương tâm đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thẩm định luân lý của lối sống nhân bản và Kitô. Đây là một ân ban của Thiên Chúa vì như Công Đồng Vaticano II đã nói với chúng ta “lương tâm là tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Ngài vang dội trong thâm tâm họ”[37]. Và chính Công Đồng cũng nói thêm rằng “Bởi vậy lương tâm ngay thẳng càng thắng thế thì những cá nhân và cộng đoàn càng tránh được độc đoán mù quáng và càng nỗ lực tuân phục những tiêu chuẩn khách quan của luân lý”[38].

Chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng cách chung lương tâm ít được lưu ý nói đến, ngay cả trong việc giảng dạy giáo lý. Xem ra dễ dàng và chắc chắn hơn việc áp dụng lề luật vào trong đời sống mà không cần cố gắng để xét trong lương tâm về hoàn cảnh riêng của mình như thế nào.

Tông Huấn Amoris Laetitia nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lương tâm. Trong tài liệu này lương tâm được nói đến rất nhiều, ít nữa là hai mươi chín lần. Như Đức Giáo Hoàng khẳng định “từ khá lâu rồi, chúng ta vẫn cứ tin rằng chỉ cần nhấn mạnh những vấn đề đạo lý, đạo đức sinh học và luân lý, mà không cần khuyến khích người ta mở lòng ra với ân sủng, cũng đã đủ nâng đỡ các gia đình”[39]. Chúng ta gặp khó khăn trong việc trình bày hôn nhân như một hành trình sinh động của việc tăng trưởng và thực hiện hiện hơn là như một sức nặng phải gánh vác suốt cả cuộc đời. Và chính Đức Giáo Hoàng cũng nhìn nhận rằng “chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi muốn dành chỗ cho lương tâm của các tín hữu, là những người rất thường đáp lại lời mời gọi của Tin mừng cách tốt nhất ngay giữa những giới hạn của họ”[40]. Từ đó ngài khẳng định rằng “chúng ta được mời gọi để đào tạo các lương tâm chứ không thay thế các lương tâm”[41].

5. Mục vụ đồng hành và phân định

Việc mục vụ luôn cần được các vị mục tử và những thành viên khác của cộng đoàn Kitô hữu thực hiện nhiều hơn cả là việc đồng hành đối với mỗi người, mỗi hôn nhân, mỗi gia đình và mỗi nhóm. Bằng chính chủ thuyết nhân vị của đời sống Kitô hữu và vì tính khác biệt của các hoàn cảnh mà con người và các nhóm đang sống.

Việc đồng hành cho phép nhận biết và phân định những hoàn cảnh cụ thể nơi con người đang sống trong lương tâm của họ và trước mặt Thiên Chúa và cũng cho phép đưa ra một câu trả lời mục vụ khách quan và phù hợp. Người mục tử thực hiện việc đồng hành này có thể đi đến kết luận rằng một người hoặc một đôi bạn có thể có được một đòi hỏi chính đáng và người khác hoặc đôi bạn khác, mà hoàn cảnh khách quan có vẻ là như nhau, nhưng lại không thể có được đòi hỏi giống nhau. Mặc dù những hoàn cảnh của hai người một cách khách quan có thể xem ra giống nhau, tuy nhiên trong khi tìm hiểu cách sâu sắc hơn thì chúng có thể khác nhau. Ở đây xuất hiện thập giá của người mục tử, có thể bị hiểu lầm trong quyết định của mình.

Việc phân định là một từ khóa trong Amoris Laetitia. Theo Tông Huấn thì việc phân định đối với người Kitô hữu không chỉ đơn giản là một phân tích xã hội học hay tâm lý về thực tế, cũng không phải nhắm đến một cách làm việc văn hóa được xây dựng trên quan điểm thuần túy nhân loại học. Việc phân định của Amoris Laetitia luôn qui chiếu cách đặc biệt vào ý muốn của Thiên Chúa để thực hành được tại đây và ngay bây giờ trong chủ đề cụ thể và tích cực. Việc phân định còn hơn là một hành động, nó là một tiến trình rộng mở. Tông Huấn khẳng định rằng trong việc phân định mục vụ này cần “nhận diện các yếu tố có thể thúc đẩy việc Phúc Âm hóa và phát triển nhân bản cũng như thiêng liêng”[42]. Việc này đòi hỏi việc loan báo tiên khởi và giảng dạy giáo lý.

6. Hội nhập của người Kitô hữu vào trong cộng đoàn

Ngay từ trong Tông Huấn Evangelii Gaudium, Đức Giáo Hoàng đã nói rằng “Hội thánh “đi ra” là một Hội thánh với những cánh cửa mở rộng… Hội thánh được mời gọi để luôn luôn là ngôi nhà mở cửa của Chúa Cha… Tất cả mọi người có thể tham gia vào đời sống Hội thánh một cách nào đó, tất cả mọi người có thể là một phần tử của cộng đoàn, và ngay cả các cửa của các Bí tích cũng không được đóng lại vì bất cứ lý do nào… Chúng ta thường hành xử như những người ban phát ân sủng chứ không như những người giúp người khác dễ dàng lãnh nhận ân sủng. Nhưng Hội thánh không phải là một hải quan, mà là ngôi nhà của Chúa Cha, ở đó có chỗ cho tất cả mọi người, với tất cả những khó khăn trong cuộc sống của họ”[43].

Thái độ này hài hòa cách hoàn toàn với sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội. Đức Phaolô VI tuyên bố rõ ràng rằng “Giáo hội hiện hữu để rao giảng Tin Mừng”[44]. Cũng vậy, Tông Huấn Amoris Laetitia, đặc biệt trong chương tám, có một điểm chính là sự hội nhập của các Kitô hữu trong cộng đoàn Kitô hữu, của tất cả mọi người, ngay cả những người sống trong những hoàn cảnh gia đình “trái qui tắc”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô cho chúng ta biết rằng trong Tông Huấn này ngài đã thu thập được những nhận xét của nhiều Nghị Phụ. Các ngài muốn bày tỏ rằng “những người đã được rửa tội mà ly dị và tái hôn về mặt dân sự cần phải được hòa nhập nhiều hơn vào cộng đoàn Kitô hữu theo nhiều cách khác nhau, trong khi tránh mọi dịp gây gương xấu”[45].

Về sự hòa nhập này, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói: “Tôi nồng nhiệt kêu mời các chủ chăn và toàn thể cộng đoàn tín hữu hãy giúp đỡ những người ly dị bằng tình bác ái để họ không cảm thấy bị lìa xa Hội Thánh, vì là những người đã được rửa tội, không những họ có thể mà còn phải dự phần vào đời sống của Hội Thánh. Người ta sẽ mời họ lắng nghe Lời Thiên Chúa, tham dự Hy tế thánh lễ, kiên trì cầu nguyện, góp phần vào các công cuộc bác ái và vào các sáng kiến của Hội thánh để phụng sự công lý, giáo dục con cái họ trong đức tin Kitô giáo, vun trồng tinh thần đền tội và làm các việc đền tội để ngày qua ngày thành khẩn nài xin ơn thánh của Thiên Chúa. Ước gì Hội thánh cầu nguyện cho họ, khích lệ họ và tỏ ra là một người mẹ nhân từ đối với họ, và nhờ đó giữ họ trong đức tin đức cậy”[46].

Bộ Giáo Luật 1983 xác định rằng có thể chấp nhận làm người đỡ đầu những ai “không mắc một hình phạt của giáo luật đã được tuyên kết hay tuyên bố cách hợp pháp”[47]. Về Hội đồng Mục vụ, Giáo Luật cũng tiên liệu chỉ có thể chọn “những Kitô hữu trổi vượt về đức tin vững vàng, về hạnh kiểm tốt và về sự khôn ngoan”[48].

GLHTCG lấy lại nội dung của Tông Huấn Familiaris Consortio và thêm rằng “họ không thể đảm nhận một số trách nhiệm trong Hội Thánh”[49]. Đức Hồng Y Ratzinger, với tư cách là Bộ trưởng Thánh Bộ Đức Tin, trong bài dẫn nhập vào Tập sách về mục vụ cho những người ly dị tái hôn (1998) đã đưa ra một danh sách đầy đủ như sau: 1) việc đỡ đầu; 2) đọc sách; 3) thừa tác viên cho rước lễ; 4) giáo viên môn tôn giáo; 5) giáo lý viên cho việc rước lễ lần đầu và thêm sức; 6) thành viên của hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ; 7) chứng hôn[50].

Để thực hành việc cống hiến cho những người đã được rửa tội một sự hội nhập hơn vào trong cộng đoàn Kitô hữu thì cần làm những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “do đó, cần phân định xem có thể vượt qua những hình thức loại trừ nào đang được thi hành trong lãnh vực phụng vụ, mục vụ, giáo dục và cơ chế”[51]. Và Đức Giáo Hoàng nói rằng việc hội nhập hơn này cũng nên lưu ý đến lợi ích cho việc “chăm sóc và giáo dục đức tin Kitô giáo cho con cái họ, là những đối tượng phải được xem là quan trọng nhất”[52].

7. Vui mừng về sự hội nhập nhiều hơn của những người đã được rửa tội vào trong cộng đoàn

Trong đời sống của Giáo hội mỗi ngày có thể có những Kitô hữu mang lại thái độ và hành vi của người con trai trưởng trong dụ ngôn tin mừng về đứa con hoang đàng. Khi người em trở về nhà cha sau khi tiêu hoang hết của cải, thì người anh đã giận dữ về sự tiếp đón mà người cha đã dành cho người em. Trong khi ông ôm lấy người con thứ, tha thứ và chuẩn bị một bữa tiệc để ăn mừng, thì người anh cả lại không muốn tham gia vào bữa tiệc mừng.

Tông Huấn Amoris Laetitia mong muốn rằng những người ly dị tái hôn cách dân sự có thể được hội nhập nhiều hơn vào trong cộng đoàn Kitô hữu. Họ không trở về nhà cha của Giáo hội, không phải họ bị dứt phép thông công, nhưng vì sự hội nhập nhiều hơn này có thể ít được cảm thông hoặc có thể gây nên sự tức giận hoặc không được một số thành viên trong cộng đoàn chấp nhận. Ở đây, tốt hơn chúng ta nên hiểu rằng tất cả những người Kitô hữu chúng ta đều là những người tội lỗi, như người em và người anh cả, tất cả chúng ta đều phải hoán cải và có lòng thương xót.

8. Linh mục để đồng hành trong tiến trình phân định

Tông Huấn dạy rằng tiến trình phân định của những người ly dị tái hôn cách dân sự cần được thực hiện với sự trợ giúp của một linh mục. Tài liệu này cũng “nhận định rằng các thừa tác viên có chức thánh thường được đào tạo thiếu phù hợp để đối phó với các vấn đề phức tạp hiện nay của gia đình”[53]. Ngoài sự nhận định này còn có vấn đề thiếu linh mục và nhiều công việc mục vụ khác. Tất cả điều đó còn thêm khó khăn cho người tín hữu giáo dân tìm gặp các linh mục đã được huấn luyện cách xứng hợp và có thời gian để thực hiện tiến trình phân định này.

Việc lý tưởng là làm sao cho các linh mục có thể thực hiện được việc làm này và chính các linh mục biết những ai mong muốn thực hiện việc phân định này, nếu xét cần thì Đức Giám Mục giáo phận có thể bổ nhiệm một vài linh mục làm công việc này. Tất cả phải được thực hiện nhằm mưu ích cho công việc này, nhất là các linh mục phải luôn sẵn sàng đối với những ai đang cần đến. Nội dung của Tông Huấn, đặc biệt trong chương tám, có thể góp phần khai triển những đường hướng nhằm giúp cho các linh mục thực hiện tốt hơn cho việc phục vụ này [54].

9. Hướng dẫn để phân định khả năng có thể tuyên bố hôn nhân vô hiệu

Những vấn đề của lương tâm đang có nơi những người ly dị và tái hôn dân sự hoặc đơn giản chỉ sống với nhau mà họ ao ước cách mãnh liệt sống đời sống Kitô hữu, thúc đẩy các giáo phận nên tổ chức một việc phục vụ miễn phí để giúp cho những người này xem lại khả năng có thể tuyên bố vô hiệu hôn nhân trước đây của họ. Công việc này đã có trong nhiều giáo phận và đã mang lại kết quả tích cực giúp đỡ nhiều Kitô hữu phải gánh chịu hậu quả của ly hôn hoặc ly dị. Điều đó được nhiều người hoan nghênh và nếu còn thêm những lời khuyên có thể nộp đơn yêu cầu tuyên bố vô hiệu. Và nếu cuộc hôn nhân được tuyên bố là vô hiệu thì có thể cử hành một cuộc hôn nhân mới, tất nhiên, nó sẽ mang lại sự bình an lương tâm và sự hài lòng cho các đôi vợ chồng, cũng như cho con cái và gia đình của họ.

Trong Thượng Hội Đồng vào tháng 10 năm 2014 nhiều Nghị Phụ đã yêu cầu phải có một phục vụ trong giáo các phận để tạo dễ dàng cho các tín hữu và chăm sóc họ trong những khó khăn của đời sống vợ chồng hoặc ly hôn hay ly dị. Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Motu Proprio Mitis iudex Dominus Iesus, 15 tháng tám 2015, đã đưa ra một số công cụ để giúp cho các tòa án Giáo hội có thể trả lời những đòi hỏi của các tín hữu yêu cầu xét lại sự tồn tại của dây hôn đã thất bại của họ. Do đó, các Giám mục giáo phận được kêu gọi để thành lập một dịch vụ thông tin, hòa giải và tư vấn liên quan đến mục vụ gia đình cho những người đã ly thân hoặc các đôi vợ chồng đang gặp khủng hoảng. Việc mục vụ đồng hành này có thể giúp họ vượt qua được những cuộc khủng hoảng vợ chồng cách thỏa đáng, nhưng cũng được mời gọi để xem xét những trường hợp cụ thể, sự thật về tính hợp pháp hoặc hôn nhân và “có thể tiếp nhận những người này trong việc điều tra sơ bộ cho tiến trình liên quan đến hôn nhân”[55]. Cần có một văn phòng trợ giúp pháp lý trong giáo phận hay nhiều giáo phận liên kết với nhau để làm việc này.

Các linh mục khi gặp các Kitô hữu đã ly dị và kết hôn dân sự hoặc chỉ sống chung với nhau, các ngài nên thông báo cho họ biết về khả năng cứu xét hôn nhân vô hiệu nếu có và dịch vụ tư vấn trong Giáo hội.

Phải dùng đến việc thực thi công lý là một quyền mà mọi Kitô hữu trong Giáo hội đều có. Các người ly dị và tái hôn dân sự hoặc chỉ sống chung với nhau được quyền đến với tòa án của Giáo hội để được phán quyết về tính vô hiệu hay là thành sự của hôn nhân của họ. Với sự cải cách được Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực hiện về những quy trình tuyên bố sự vô hiệu, bằng tài liệu Mitis iudex Dominus Iesus[56], ai cũng chờ đợi nơi Giáo hội thái độ của lòng thương xót qua việc đơn giản hóa thủ tục và làm nổi bật tính “nhưng không” của sự hỗ trợ pháp lý nơi Tòa án của Giáo hội. Chính Đức Giáo Hoàng mới đây đã nhắc lại Tự sắc này trong buổi tiếp kiến ngày 25.11.2017 dành cho các tham dự viên khóa học do Tòa Thượng Thẩm Rota tổ chức, và qui định thủ tục vắn tắt việc “giải” hôn phối do Giám mục Giáo phận thi hành.

10. Tránh mọi qui định

Tông Huấn Amoris Laetitia nhấn mạnh sự đa dạng của các hoàn cảnh mà bạn có thể gặp những vợ chồng ly dị, bởi vì tài liệu nói rằng “nếu chúng ta xét đến rất nhiều hoàn cảnh cụ thể khác nhau, như những hoàn cảnh mà chúng tôi đã đề cập ở trên, thì có thể hiểu được rằng không nên mong đợi từ Thượng Hội đồng hoặc từ Tông Huấn này một khoản luật chung mới về Giáo luật, có thể áp dụng cho tất cả các trường hợp”[57].

Có thể để áp dụng chương thứ tám của Tông Huấn, các Hội Đồng Giám Mục xét thấy thuận tiện để thiết lập một quy định về giảm nhẹ và miễn chuẩn chẳng hạn, hoặc các vấn đề khác. Thái độ khôn ngoan của Thượng Hội Đồng và của Tông Huấn, bởi vì thực tế trước mắt chúng ta trong lãnh vực này rất đa dạng, và bất kỳ qui định nào cũng không thể bao gồm tất cả mọi hoàn cảnh gọi là “trái qui tắc”. Một cách khôn ngoan Tông Huấn nói đến sự chỉ đạo của Giám mục Giáo phận. Đây chỉ là hướng dẫn của Giám mục, mà không nói gì đến Hội Đồng Giám Mục.

 11. Lòng Thương Xót phải là thái độ liên tục của Giáo hội

Năm Thánh về Lòng Thương Xót Chúa đã kết thúc, nhưng không bao giờ kết thúc trong Giáo hội việc thực hành lòng thương xót và công trình thể xác và tinh thần. Đó là những gì mà thế giới hôm nay đang cần đến.

Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với chúng ta “lòng thương xót không chỉ là hành động của Chúa Cha, nhưng trở thành tiêu chuẩn để hiểu những ai là con cái thật của Người”[58]. Ngài còng nói thêm: “chúng ta được mời gọi để sống lòng thương xót, bởi vì chúng ta là những người đầu tiên lãnh nhận được lòng thương xót”[59].

Áp dụng lòng thương xót trong việc thực hiện các nội dung của Tông Huấn Amoris Laetitia là một việc làm rất quan trọng và đặc biệt đối với chương thứ tám. Bởi vậy, không lạ gì khi Đức Giáo Hoàng muốn liên kết việc cử hành hai Thượng Hội Đồng về hôn nhân và Năm Thánh đặc biệt về Lòng Thương Xót.

Đây là một thái độ phải được đưa vào trong toàn sứ vụ của Giáo hội. Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô cảnh báo rằng đôi khi chúng ta phải dành nhiều công sức trong việc mục vụ cho tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Ngài nói: “Chúng ta đặt quá nhiều điều kiện cho lòng thương xót đến nỗi làm mất đi cảm thức cụ thể và ý nghĩa thật sự của nó”[60]. Và Tông Huấn nhắc đến Ủy ban thần học quốc tế đã tuyên bố rằng luôn phải xem là không xứng hợp bất cứ khái niệm thần học nào mà nghi ngờ sự toàn năng của Thiên Chúa và đặc biệt là lòng thương xót của Người”[61].

Thái độ này đặt chúng ta trong bối cảnh của một Giáo hội quan tâm đến việc phân định mục vụ đầy lòng thương xót, để hiểu biết, tha thứ, đồng hành, chờ đợi và nhất là để hội nhập. Tông Huấn nói đến Via Caritatis, con đường của đức ái, là con đường gây được tiếng vang trong mọi hoàn cảnh, nơi những người đang gặp khó khăn trong việc sống cách trọn vẹn lề luật của Thiên Chúa. Bác ái là giới luật đầu tiên của Kitô hữu[62]. Chúng ta cũng không thể quên lời hứa của Thư Thánh Phêrô: “Trước hết anh em hãy hết tình yêu thương nhau, vì lòng yêu thương che phủ muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4,8)[63].

Trong Tông Huấn Amoris Laetitia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hướng đến những người đang sống và chịu đau khổ vì một hoàn cảnh mỏng giòn, hoặc “trái qui tắc” trong cuộc hôn nhân của họ và ngài nói với họ: “Tôi mời gọi các tín hữu đang sống trong những hoàn cảnh phức tạp hãy đến gặp gỡ trao đổi với các mục tử của mình trong tin tưởng hoặc đến với những người giáo dân sống tận hiến cho Chúa. Không phải luôn luôn các bạn tìm thấy nơi họ một sự xác nhận về các ý tưởng và ước muốn của mình, nhưng chắc chắn các bạn sẽ nhận được một ánh sáng giúp hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra và có thể khám phá ra một lộ trình cho sự trưởng thành cá nhân”[64]. Và, lặp lại một văn bản đã được trích dẫn ở trên, Đức Giáo Hoàng tiếp tục nói với những các mục tử bằng những lời này như để kết thúc chương tám: “Tôi kêu mời các mục tử hãy lắng nghe với tình thương yêu và sự bình tâm, với ước muốn chân thành đi vào trọng tâm của bi kịch của con người và hiểu được quan điểm của họ, nhằm giúp họ sống tốt hơn và nhận ra vị trí của họ trong Hội thánh”[65].

Tóm lại, Dưới ánh sáng công việc của hai Thượng Hội Đồng với bản văn kết thúc và Tông Huấn Amoris Laetitia, chúng ta tin rằng tất cả những điều đó đã thực hiện được những gì đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói trong phiên họp cuối cùng của Thượng Hội Đồng năm 2015 và những gì ngài đã nói về việc làm của hai Thượng Hội Đồng tất nhiên là hoàn toàn có giá trị và càng giá trị hơn đối với Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng.

Đức Thánh Cha bắt đầu bằng câu hỏi này: Việc kết thúc Thượng Hội Đồng này dành cho gia đình mang ý nghĩa gì đối với Giáo hội? Và ngài đã tự trả lời:

  1. “đã cố gắng để soi chiếu với ánh sáng của Tin Mừng, của Truyền thống và của lịch sử hai ngàn năm của Giáo hội tất cả các vấn đề liên quan đến gia đình;
  2. đã suy xét kỹ lưỡng và không sợ hãi tất cả những nghi ngờ và khó khăn đang đe dọa gia đình;
  3. đã kêu gọi mọi người hiểu được tầm quan trọng của định chế gia đình và hôn nhân giữa một người nam và một người phụ nữ, được thành lập trên sự hiệp nhất và bất khả phân ly, được hiểu như nền tảng của xã hội;
  4. đã lắng nghe tiếng nói của gia đình và của các mục tử đến từ khắp nơi trên thế giới mang trên vai gánh nặng và hy vọng của gia đình;
  5. đã đưa ra bằng chứng về tính năng động của Giáo hội Công giáo không sợ mắc phải đánh thức lương tâm đang bị gây mê hoặc sợ bàn tay của mình bị bẩn trong khi bàn đến chuyện gia đình;
  6. đã tìm cách đọc thực tế ngày hôm nay với con mắt của Thiên Chúa để thắp lên và soi chiếu trái tim của con người với ngọn lửa đức tin;
  7. đã làm chứng cho tất cả rằng đối với Giáo hội Tin Mừng tiếp tục là một nguồn sống mới lạ đời đời, chống lại những ai muốn <nhồi sọ> thành những viên đá chết ném vào người khác;
  8. đã khẳng định rằng Giáo hội là Giáo hội của người nghèo trong tinh thần và là Giáo hội của những người tội lỗi luôn tìm tha thứ, chứ không chỉ là Giáo hội của các thánh và những người công chính”.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã viết lên trong bản đúc kết rằng “lòng khao khát kết hôn và tạo lập một gia đình vẫn luôn sống động, nhất là nơi người trẻ, và điều đó thúc đẩy Giáo hội”[66]. Và các ngài cũng đã đáp trả lòng khao khát này bằng xác quyết rằng “sứ điệp Kitô giáo liên quan đến gia đình thật sự là một tin mừng”[67]. Cũng vậy, Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một tin mừng. Bởi vậy, chúng ta có thể kết luận rằng hai Tông Huấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô – Evangelii Gaudium và Amoris Laetitia – đã mang lại cho Giáo hội một sự quan tâm được đổi mới. Sau khi Năm Thánh của Lòng Thương Xót, chúng ta có thể đặt câu hỏi: điều gì sẽ còn lại của Năm Thánh này? Sẽ là một giai đoạn mới trong việc tiếp nhận Công Đồng Vatican II của thời đại chúng ta và được một sự thúc đẩy cải cách bắt đầu từ lòng thương xót như một nhân đức chủ lực. Điều này có thể mang lại một vị thế mới cho Giáo hội trong thế giới, bằng cách thế hiện diện và sống sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình.

III. THEO CÁC THƯ CHUNG CỦA HĐGM VIỆT NAM

Sau Công Đồng Vaticanô II, Giáo hội rất quan tâm đến mục vụ và linh đạo dành cho gia đình để có thể đối phó với những thay đổi của thời đại. Nhân cuộc họp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam từ ngày 30.9 đến 6.10.1966, Đức Phaolô VI đã gởi một Sứ Điệp, trong đó có đoạn nhắc nhở đến tâm quan trọng của gia đình như sau: “Những khó khăn và trở ngại đủ thứ, đủ nguyên do, khiến cho việc Tông Đồ của Chư Huynh càng thêm gay go, trong một nước, tuy vẫn được Thiên Chúa hết lòng chúc phúc, không những vì các nguồn phong phú tự nhiên, mà còn vì lòng quảng đại của dân chúng, vẫn bảo tồn một cách mãnh liệt những giá trị thiêng liêng, và biểu lộ ý niệm ấy qua một tổng hợp những phong tục, lễ nghi, tín ngưỡng, mà trung tâm là gia đình[68].

Thật vậy, vào lúc bấy giờ, Giáo hội Việt Nam đang sống trong hoàn cảnh chiến tranh, nên các Giám mục thường chú trọng đến việc góp phần xây dựng hòa bình. Tuy nhiên, các ngài vẫn luôn hành động theo đường hướng của Giáo hội trước những biến chuyển của xã hội và tình trạng luân lý suy đồi bằng cách khuyên dạy mọi tín hữu hãy bảo vệ các giá trị truyền thống của gia đình qua các Thư Chung, các Thông Cáo.[69]

Trong Thư Luân Lưu “Xây Dựng Hòa Bình” năm 1969, các ngài đã viết: “Gia đình là nền tảng của xã hội; gia đình hiếu thuận, lễ giáo, kỷ cương, thì xã hội phát huy đạo đức và phồn thịnh. Dẫu với thời đại nào, nhân – nghĩa – lễ – trí – tín vẫn là giềng mối quan hệ của dân tộc ta; dẫu với thời đại nào, công – dung- ngôn – hạnh vẫn còn là đức tính tốt cho phụ nữ ta; dẫu với thời đại nào, mối tương quan phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu vẫn còn mang giá trị đặc biệt của nó”.

“Truyền thống gia đình Việt Nam quí trọng trẻ con và gia đình đông con. Ông bà cha mẹ luôn sẵn sàng hy sinh vì con cháu và cho là phúc lộc của Trời ban. Thật là đáng khâm phục. Chúng ta không nên chạy theo những lý thuyết ngoại lai, những chủ trương ích kỷ mà hạn chế sinh sản hay sát hại thai nhi. Trong sự điều hòa sinh sản, con cái Hội thánh không được phép sử dụng những phương pháp mà Hội thánh cấm đoán khi giải thích luật Thiên Chúa”.

Từ năm 1975, Các Giám mục Miền Nam Việt Nam chú trọng đến việc hợp tác và xây dựng đất nước sau nhiều năm chiến tranh và khuyên “các tín hữu phải coi như là bổn phận và vinh dự được đem Niềm Tin của mình vào việc làm cho Nước giàu, Dân mạnh”. Và các Ngài dạy rằng: “Trong công việc này, chúng tôi đặc biệt tín nhiệm vào anh chị em giáo dân. Anh Chị Em hãy học hỏi giáo lý Phúc Âm để góp phần vào việc huấn luyện con em ngay từ trong gia đình trở thành công dân yêu nước và giáo dân trung thành với Giáo hội”[70].

Trong Thư Chung năm 1976, các ngài đã lưu ý đến người phụ nữ và giới trẻ sắp bước vào cuộc sống gia đình[71]. Đặc biệt, trong Thư Chung đầu tiên vào năm 1980 của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, sau khi thống nhất hai miền Nam Bắc, trong số 12, khi ngỏ lời với giáo dân, các ngài đã nhấn mạnh đến vai trò của gia đình[72].

Mười hai năm sau, trong Thư Mục Vụ năm 1992, các ngài đã dành trọn bốn số 10-13 để nói về việc củng cố đời sống gia đình, tôn trọng sự sống, giáo dục gia đình, và trong số 14 có nhắc đến việc cần thiết phải có những lớp giáo lý cho giới trẻ và “những khóa chuẩn bị hôn nhân để giúp họ xây dựng những gia đình Công giáo gương mẫu”[73].

Để chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000, HĐGM Việt Nam, qua Tài Liệu của Văn Phòng Thư Ký, khi nói đến việc phục vụ sự thăng tiến con người, các ngài khuyên dạy “tôn trọng phụ nữ và trẻ em, tôn trọng sự sống từ trong trứng nước, thăng tiến hôn nhân và gia đình một vợ một chồng và sinh sản con cái có trách nhiệm”[74].

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 20 năm ngày ban hành Tông Huấn Familiaris consortio, như để đáp lại lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề cập đến gia đình như một chương trình mục vụ cần lưu tâm trong Thiên Niên Kỷ mới[75]. Thật vậy, HĐGM đã dành Thư Mục Vụ năm 2002 cho đề tài hôn nhân và gia đình, và quyết định “chọn hôn nhân và gia đình như mục tiêu ưu tiên của chương trình mục vụ trong năm 2003”[76] và năm sau HĐGM đã tham dự Liên HĐGM Á Châu với chủ đề Gia Đình Á Châu hướng đến nền Văn Hóa Sự Sống toàn diện. Đến tháng 10 năm 2004, Ủy ban Giáo lý Đức tin của HĐGM mới xuất bản Tập Tài Liệu chuẩn bị hôn nhân. Tuy nhiên, việc mục vụ gia đình cần có thêm nhiều sáng kiến và cần sự hợp tác của toàn thể cộng đồng Dân Chúa.

Với Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa vào năm 2010 với chủ đề: “Cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống”. Đây là chương trình hành động của Giáo hội tại Việt Nam trong nhiều năm. Dựa trên định hướng căn bản này, HĐGMVN đã đưa ra kế hoạch mục vụ kéo dài 3 năm (2014-2016) mà năm 2014 năm Phúc Âm Hóa đời sống gia đình nhằm “thúc đẩy gia đình tham gia tích cực vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hội thánh được gọi là gia đình của Thiên Chúa và mỗi gia đình Kitô hữu được gọi là Hội thánh tại gia. Việc canh tân Hội thánh phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, do đó, Hội thánh đặc biệt quan tâm đến các gia đình”[77]. Ngày nay, trong chiều hướng Tân Phúc Âm Hóa, nhiều người cảm thấy cần phải tìm lại những di sản quí báu của Giáo hội phổ quát cũng như địa phương và đề nghị lại cho các cộng đoàn giáo xứ, để kêu gọi và giúp đỡ mọi người có được một ý thức về hành trình của mình và khơi dậy một bổn phận mới của các cộng đoàn trong việc chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân và đời sống gia đình. Đó là một việc làm cần thiết hơn bao giờ hết[78].

Và gần đây nhất, Thư Chung của HĐGMVN năm 2016, các ngài viết: “Hòa với nhịp sống của Hội thánh toàn cầu cũng như Hội thánh Á Châu, chúng tôi đề nghị chủ đề Mục vụ gia đình cho ba năm (2016-2019) với những điểm nhấn cho từng năm:

– Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;

– Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;

– Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn.”[79]

Đọc lại các Thư Chung của HĐGMVN liên quan đến Mục Vụ Gia Đình, về nội dung ai cũng nhận thấy rất hay và đầy đủ, nhưng vấn đề là sau các Thư Chung ấy, các Giáo hội địa phương, mà chính chúng ta đây là những người đặc trách về Mục Vụ Gia Đình của các Giáo Phận, đã thi hành như thế nào? Chúng ta thử đọc lại một vài đề nghị của các ngài[80] và tự xét xem mình đã làm được gì?

– “Cụ thể, các giáo phận nên có Văn phòng Mục vụ về Hôn nhân và Gia đình. Các giáo xứ có tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, dựa trên Tông huấn Familiaris Consortio của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II” và Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Thánh Cha Phanxicô không?

– “Để các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình được có kết quả tốt đẹp”, chúng ta có “soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân, đào tạo một đội ngũ giáo lý viên (tác viên mục vụ gia đình) vững vàng, kêu gọi sự cộng tác của giáo dân có khả năng chuyên môn và có kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, y khoa” chưa?

– Chúng ta đã đồng hành với các gia đình trẻ trong những năm đầu sau ngày cưới như thế nào?

– “Ban Mục vụ giáo xứ, chúng ta đã có một bộ phận chuyên trách về gia đình với sự cộng tác của các Hội đoàn quan tâm đến tình trạng các gia đình trong khu xóm, đặc biệt các gia đình đang gặp khó khăn, nghèo khổ, bất hòa bất thuận và các gia đình di dân, để kịp thời giúp đỡ” chưa?

– “Trong những lớp chuẩn bị hôn nhân, ngoài sự hướng dẫn của các linh mục và chuyên viên, thì chứng tá cụ thể của các gia đình đóng vai trò quan trọng”, chúng ta có “mời những người sống đời gia đình chia sẻ kinh nghiệm chưa?

KẾT LUẬN

Kính mời anh chị em cùng nghe lại lời của các Giám mục trong Thư Chung năm 2016: “Chúng tôi xin anh em hãy coi mục vụ gia đình là thành phần chính yếu trong công tác mục vụ của mình không, vì gia đình là con đường Hội thánh phải đi và mọi chương trình mục vụ của Hội thánh phải đi qua gia đình. Trong việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhiều tu sĩ nam nữ và nhiều đoàn thể tông đồ gia đình đã góp phần rất tích cực. Chúng tôi chân thành cảm ơn anh chị em, trong nhiều năm qua, đã tận tụy đồng hành và giúp đỡ các gia đình Công giáo sống đúng với ơn gọi và sứ mệnh của mình. Ước mong anh chị em quan tâm đến những định hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục và đưa vào chương trình hoạt động của mình”.  

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)

W.HĐGMVN

[1] FC 86

[2] AL 31

[3] AL 325

[4] Thư gởi các Gia Đình của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, 1994

[5] Xem FC 65

[6] FC 66

[7] Xem FC 68

[8] FC 69

[9] Xem FC 70

[10] Xem FC 71

[11] Xem FC 72

[12] FC 73

[13] Xem FC 73

[14] Xem FC 74

[15] Xem FC 75

[16] Xem FC 76

[17] Xem FC 77

[18] Xem FC 78

[19] FC 80

[20] Xem FC 81

[21] Xem FC 82

[22] Xem FC 83

[23] FC 84

[24] Gioan Phaolô, Thư gởi các gia đình, 2

[25] Xem FC 85

[26] Evangelii gaudium, 27.

[27] Familiaris Consortio, 73

[28] AL 202; Relazione finale 2015, 77.

[29] AL 205.

[30] AL 72

[31] AL 217

[32] AL 221.

[33] AL 293.

[34] Familiaris consortio, 34

[35] Xem số 223

[36] Xem Relazione finale 2015, 85.

[37] Gaudium et Spes, 16

[38] Ibidem.

[39] AL 37.

[40] Ibidem

[41] Ibidem.

[42] AL 293.

[43] số 46-47.

[44] Evangelii nuntiandi, 14

[45] AL 299; Relazione finale 2015, 84

[46] FC 84.

[47] Can. 874, 1 và 4.

[48] Can 512, 3.

[49] Số 1650.

[50] Xem M. Gronchi, Amoris Laetitia. Una lettura dell’Esortazione Apostolica sull’amore della Famiglia, Vaticano 2016, 169-174. Tác giả đã phân tích và lượng định về những cấm cản này.

[51] AL 299.

[52] X AL 299; Relazione finale 2015, 84.

[53] AL 202.

[54] Xem M. Gronchi, Amoris Laetitia. Una lettura…op.cit.; 174-175.

[55] Motu Proprio đã dẫn, Regole di procedimento art. 2; Amoris Laetitia, 244.

[56] 08.09.2015

[57] AL 300.

[58] Misericordiae vultus, 1.

[59] Ibidem.

[60] AL 311.

[61] La speranza della salvezza per I bambini che muoiono senza battesimo, del 19 Aprile 2007, 2; Misericordiae vultus, 15.

[62] X. Ga 15,12; Gal 5; 14.

[63] X. AL 306.

[64] AL 312.

[65] Ibidem.

[66] Relatio Synodi 2014, 2.

[67] Relazione finale 2015, 3.

[68] PHAOLÔ VI, Sứ Điệp gởi các Giám Mục, Linh Mục và giáo dân Việt Nam, 1966.

[69] Xem HĐGM Việt Nam, Thông Cáo năm 1966, 1968

[70] Xem Hội Nghị Giám Mục Miền Nam Việt Nam, Thông Cáo Chung ngày 20.12.1975

[71] Xem Hội Nghị Giám Mục Miền Nam Việt Nam, Thư Chung năm 1976, số 10.

[72] Xem HĐGM Việt Nam, Thư Chung ngày 1.5.1980, số 12.

[73] HĐGM Việt Nam, Thư Mục Vụ năm 1992.

[74] Xem Văn Phòng Thư Ký HĐGM Việt Nam, Tài Liệu chuẩn bị mừng Năm Thánh 2000.

[75] Xem HĐGM Việt Nam, Thư Chung năm 2001

[76] Xem HĐGM Việt Nam, Thư Chung năm 2002.

[77] Xem Thư Chung của HĐGMVN năm 2013.

[78] Xem FC 66; Liên HĐGM Á CHÂU, Gia Đình Á Châu hướng đến nền văn hóa tôn vinh sự sống toàn diện, 2004, số 118a,

[79] Thư chung của HĐGMVN năm 2016, số 4.

[80] Thư Chung năm 2002 và 2016.