Khủng khoảng ở Iraq (ANSA)
Đức Hồng Y Sako kêu gọi bầu cử sớm để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Iraq
Ngọc Yến – Vatican News
Iraq chìm trong khủng hoảng chính trị và kinh tế – xã hội sau cuộc bầu cử hồi tháng 10/2021, trong đó đảng của ông Al-Sadr giành được nhiều ghế nhất, với 73/329 ghế tại Quốc hội Iraq. Căng thẳng tiếp diễn giữa các chính đảng Shiite trong thời gian qua đã khiến Iraq không thành lập được chính phủ mới. Toàn bộ các nghị sĩ thuộc đảng của ông Al-Sadr đã rút khỏi Quốc hội Iraq.
Trong những ngày qua, các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ nhà lãnh đạo Al-Sadr và Lực lượng An ninh làm ít nhất 30 người chết và gần 800 người bị thương. Trong nhiều giờ, người ta lo ngại rằng tình hình có thể trở thành một cuộc nội chiến thực sự, và tình hình đã lắng dịu do ông Al-Sadr kêu gọi người biểu tình rút lui để ngăn chặn cuộc đổ máu có thể xảy ra.
Nói về bạo lực đang diễn ra, Đức Hồng Y Sako xác nhận rằng mọi người đang rất sợ hãi, do tình hình không kiểm soát được. Đức Thượng Phụ khen ngợi nhà lãnh đạo Al-Sadr vì đã lên án bạo lực và yêu cầu những người theo ông rời khỏi Vùng Xanh của Baghdad. Ngài khẳng định: “Tất cả chúng ta phải hy sinh vì đất nước và người dân Iraq, tất cả chúng ta phải cùng nhau tìm ra một giải pháp hòa bình cho đất nước”.
Đức Hồng Y nói thêm: “Đối với ông Al-Sadr, sự leo thang của các cuộc đụng độ là một bất ngờ. Nhà lãnh đạo Shiite luôn nói về các cuộc biểu tình ôn hoà. Tôi cám ơn ông vì đã dám đưa ra một tuyên bố can đảm. Là Giáo hội, chúng tôi quan tâm đến đối thoại, hoà bình và tiến bộ, đó là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng, nếu không, cuộc nội chiến khủng khiếp sẽ xảy ra. Tôi đồng ý với ông Al-Sadr: con đường duy nhất là bầu cử”.
Tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư 31/8, Đức Thánh Cha nói ngài đang theo dõi tình hình tại Iraq, với sự lo ngại về bạo lực đang diễn ra trong những vừa qua tại thủ đô Baghdad. Ngài mời gọi mọi người cầu nguyện xin Chúa ban hoà bình cho dân tộc Iraq. Đức Thánh Cha nhắc lại: “Năm ngoái, khi thực hiện chuyến tông du đến đất nước này, tôi đã rất vui vì có thể viếng thăm và cảm thấy gần gũi với mong muốn về sự bình thường và chung sống hoà bình giữa các cộng đoàn tôn giáo. Đối thoại và tình huynh đệ là con đường chính để đối diện với những khó khăn hiện tại và đạt được mục đích này”.
Nguồn: W.Vatican News