Lễ đèn 1: Tình Yêu Hy Hiến

TÌNH YÊU HY HIẾN

—–♥♥♥—–

I. Hướng ý

    Chị em thân mến, bước vào Tuần Thánh, chúng ta suy niệm về cuộc Thương Khó, chịu nạn của Đức Kitô Giêsu. Cao điểm của Tuần Thánh là Tam Nhật Vượt Qua, bắt đầu bằng ngày Thứ Năm Tuần Thánh. Việc tưởng nhớ cuộc thương khó bắt đầu với sự kiện Chúa Giêsu tiến vào Thành Jerusalem, thiết lập Hy lễ Tạ ơn tại bữa Tiệc Ly, bị bắt giữ tại vườn Giếtsêmani, bị xét xử tại Thượng Hội đồng, của người Do Thái và bị kết án tại phiên tòa của Philatô cho tới việc bị đóng đinh trên thánh giá. Cuộc thương khó của Chúa Giêsu được tưởng niệm trong Tuần Thánh và được coi là trọng tâm và đỉnh cao trong phụng vụ Kitô giáo.

“ Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Người  cho thế gian. Để nhờ Người Con đó, mà thế gian được sự sống muôn đời.” ( Ga 3, 16 ).

    Vì vậy, để cứu chuộc con người nhân loại, Đấng Kitô sẽ trở nên hy lễ đền tội thay cho muôn dân. Nghĩa là Người phải chịu khổ nạn, chịu chết đau thương trên nỗi khốn cùng của nhân loại, nói cách khác, Người gánh tội trần gian, Thiên Chúa trở nên phàm nhân, trở nên Hữu Hình vì nhân loại. Từ đó, Đấng Kitô đã chết cho nhân loại, chết vì nhân loại, nhưng Người sẽ chỗi dậy từ cõi chết, nghĩa là Phục Sinh, trở về nguyên lý vĩnh cửu.

    Giờ đây, xin mời chị em cùng đi với Chúa Giêsu để hiệp thông và chia sẻ với Ngài qua cuộc khổ nạn thương khó với chủ đề : “Tình Yêu Hy Hiến”.

Hát: Sách TC1: 288 câu 2

II SUY NIỆM

1 Mầu Nhiệm thứ nhất: Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể.

1.1 Đọc Tin Mừng Mt 26,26-29 ( xin mời chị em đứng và đọc chung)

  Trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “ Anh em hãy cầm lấy mà ăn, Này là Mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà uống, này là Máu Thầy, Máu Giao ước đổ ra cho muôn người được tha tội”. Thầy bảo cho anh em biết: “Từ nay Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”. Đó là Lời Chúa.

1.2 Suy Niệm (Xin mời ngồi)

    Chúng ta bước theo chân Chúa Giêsu đến nhà Tiệc Ly để cùng với Người chia sẻ tâm tình “Thương khó”. Vâng, tâm tình Thương Khó ngày chia ly, ngày bịn rịn, ngày buồn sầu, vì bạn hữu phản bội, môn đệ sẽ chối Thầy. Ngày khởi đầu của cuộc tử nạn. Chúng ta cùng cảm nghiệm tâm tình “ bi thương” của Thầy Chí Thánh.

    Trong bối cảnh bi thương ấy, Người đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Người cầm lấy bánh, làm phép rồi bẻ ra vừa phân phát cho các tông đồ vừa trịnh trọng nói những lời ngạc nhiên: “Này là Mình Ta”. Câu nói này không gợi cho chúng ta điều gì hơn là Mầu nhiệm nhập thể luôn được lập lại cho tới vô tận, Chúa trao ban thân mình cho mọi người hiện tại và trong tương lai. “ Này là Mình Ta” có nghĩa là thân xác đích thực của Ta, là thân xác nằm trong máng cỏ, thân xác sống tại Nazaret, thân xác bị treo trên thập giá.

1.3 Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa mang đến tâm hồn con tất cả hữu thể thần linh Chúa, xin mở mắt và đánh thức trái tim con chưa nhận ra giá trị hồng ân của Chúa ban cho con mỗi sáng trong Thánh lễ. Xin cho con biết thấm nhập vào Chúa để tất cả mọi sự trong con đều biểu lộ sự hiện diện của Chúa.

     Ước gì trong thinh lặng thẳm sâu của tâm hồn, con luôn thẫm thĩ với Chúa:“ Lạy Chúa Giêsu, con tôn thờ Chúa, con yêu mến Chúa, con cảm Chúa vì tình yêu cao vời của Chúa”.

Hát: Sách TC2: 24 câu 1

2 Mầu nhiệm thứ hai : Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani

2.1 Đọc Tin Mừng Mt 26, 36-46 ( Xin mời chị em đứng)

2.2 Suy niệm ( Xin mời ngồi)

  Hình ảnh Đức Giêsu trong vườn Giếtsêmani. Ngài đi cầu nguyện một mình với Cha, nhưng lại ước ao có sự hiện diện của các môn đệ: cả nhóm xa xa, ba người khác gần hơn; và Ngài ước ao họ lưu lại và tỉnh thức cùng với mình: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Ngài dường như không thể chịu nổi một mình.

    Vì thế, lời tâm sự Ngài ngỏ với Cha chỉ xoay quanh cái “Giờ” này. Sau khi bị bắt, Ngài như tìm lại được sự tự do nội tâm, và bình an để mình bị dẫn đi, chịu mọi thứ khổ hình, và cuối cùng là khổ hình thập giá. Nhưng chỉ có ở đây, Đức Giêsu mới bộc lộ nỗi đau buồn tột độ của mình một cách thật hữu hình.

    Vườn Giếtsêmani là chìa khóa của cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, suốt cuộc đời Chúa Giêsu đã dành tình yêu cho nhân loại, Ngài quyết định yêu cho đến cùng, và đó là đỉnh cao của ơn Cứu độ. Chúa đã dùng phương thế hữu hiệu là cầu nguyện để thắng cám dỗ. Chúa Giêsu xin Chúa Cha tha thứ cho người đóng đinh Chúa, Chúa an ủi phụ nữ Giêrusalem, Chúa ban Nước Trời cho tên trộm, những điều minh chứng cho tình yêu đến cùng của Chúa.

    Câu chuyện con tàu “ Titanic” được hạ thủy vào đầu thế kỷ 20, đi từ Liverpool Nước Anh đến New York Nước Mỹ, đang trên đường đến Cảng Halifax thì gặp sự cố, tàu đụng phải tảng băng ngầm và bị chìm. Hình ảnh cảnh xuống tàu của khách hân hoan như dân Do Thái xưa hân hoan đi vào Thành Giêrusalem. Hai nhân vật Rose và Jack, tình yêu giữa 2 nhân vật này là chết vì người mình yêu, cũng vậy, tình yêu của Chúa Giêsu, đã cho nhân loại, tình yêu mang lại ơn cứu độ, vì yêu mà sẵn sàng chịu đau khổ, chịu chết cho người mình yêu.

2.3 Cầu nguyện:

     Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc đời mỗi người chúng con, có nhiều khúc quanh, tất cả như để chuẩn bị cho khúc quanh «Giết-sê-ma-ni» của đời mình. Đức Giê-su đã sống và đã vượt qua khúc quanh này; vì thế, Ngài thông cảm với hết mọi khúc quanh trong đời của chúng con và nhất là khúc quanh cuối cùng.

    Xin cho chúng con sống những thời điểm này như Thầy Giêsu đã sống. Luôn chấp nhận đau khổ với tinh thần yêu mến, vì tình yêu sẽ làm cho đau khổ được thánh hóa.

Hát: Sách MC:124 câu 2

3 Mầu Nhiệm thứ ba: Giuđa,  người tông đồ phản bội Chúa.

3.1 Đọc Tin Mừng Mt 26, 47-56 ( Xin mời chị em đứng))

3.2 Suy niệm ( Xin mời ngồi)

 Cái tên Giuđa gợi cho chúng ta một ấn tượng khinh bỉ và ghê tởm. Giuđa phản Thầy, Giuđa giết Chúa, Giuđa con người độc nhất mà Thầy Chí Thánh phải thốt lên: “ Thà nó đừng sinh ra thì hơn”, chúng ta thường hình dung đó là người không chút bản tính nhân đạo. Dưới nhiều khía cạnh thì hình dung này hoàn toàn đúng, tuy nhiên chúng ta có thể thấy được trong lương tâm tăm tối ấy, những sai lạc làm mất đi ý thức về tội. Lòng tham tiền bạc đã lôi kéo Giuđa đến chỗ hư mất.

 Chúa Giêsu thương mến Giuđa nồng nàn tha thiết khi Giuđa còn sống lương thiện và trung thành, nhưng Chúa đã nhìn thấy tương lai đen tối của ông, Chúa đau buồn vì biết rằng một ngày kia sẽ phải ghét bỏ một người hôm nay mình đang thương mến. Hai tâm tình đối nghịch nhau xuất hiện trong cùng một tâm hồn, luôn giao chiến chống nhau nhưng không tiêu diệt nhau. Dù biết tông đồ phản bội nhưng Chúa vẫn khiêm nhường quỳ gối trước Giuđa để rửa chân cho ông.

3.3 Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu, tình yêu Chúa quá mãnh liệt nên không thể xa tránh với một người bạn tội lỗi. Ngài cảm thấy vết thương rướm máu vì sự tan vỡ của tình bạn. Ngài ước mong con chiên lạc biết đường quay về. Ngài nhẫn nại đối với người mất đức tin như Giuđa, nhưng tiếc thay hắn đã đi tìm nơi ẩn náu trong thất vọng. Cách cư xử của Chúa là bài học cho chúng con trước một kẻ tội lỗi nào đó, đừng tỏ ra ác cảm và tuyệt vọng, hãy hành động và bền tâm đến cùng. Chỉ có tình yêu mới đem lại kết quả dồi dào.

Hát: Sách MC 48 câu 1

4 Mầu  Nhiệm thứ tư: Chúa Giêsu tại nhà Caipha

4.1 Đọc Tin mừng Mc 14,60-64 ( mời chị em đứng)

4.2 Suy niệm ( xin mời ngồi)

Chúa Giêsu ở nhà Caipha suốt đêm thứ năm rạng ngày thứ sáu, Ngài tỏ ra là người có bản lĩnh, thái độ trầm tĩnh ngay cả lúc bị ngược đãi tồi tệ, khi đối diện với các lời chứng buộc tội gian ngoa của các Tư tế, những biệt phái đang tâm vu oan Chúa.

     Phần chúng ta, đây là điều ta phải lo sợ, vì ghen tỵ ác cảm thành kiến có thể đưa chúng ta đến chỗ thái quá. Trước những lời buộc tội gian Chúa Giêsu vẫn yên lặng chẳng đáp lại lời nào: “ Sao ông không đáp gì về tất cả mọi điều mà người này tố cáo ông ư?”.

     Còn chúng ta thì sao!, chúng ta hay dễ nổi sùng chống cự ngay khi người khác nói xấu chúng ta, cả những khi họ nói đúng sự thật nữa. Những lời nói hành, những lời vu oan mà ta hay phàn nàn đem sánh với các điều Chúa phải chịu có thấm vào đâu. Những lời tố cáo gian ngoa khiến Chúa chịu tử hình.

4.3 Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu,xin cho chúng con luôn biết học nơi Chúa thái độ yên lặng, để trong thinh lặng con mới có thể gặp được Chúa, yêu được tha nhân nhất là khi bị họ nói hành nói xấu. Xin cho chúng con luôn nói những lời tích cực hầu có thể loại bỏ được những lời nói tiêu cực.

Hát: Sách TN2: 178 câu 3

 5 Mầu nhiệm thứ năm : Chúa Giêsu chịu án tử.

 Ngắm

Đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng.

III. Kết thúc ( Mời chị em quỳ)

    Sự bất trung và phản bội là những yếu đuối của con người, là cách sống của người “ăn cháo đá bát”. Chúa Giêsu trong thân phận làm người đã nếm cảnh trần trụi của tình người thay trắng đổi đen, của sự vô ơn và phản bội của thế gian. Ngài đã từng mơ ước: “  thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Nhưng cuộc đời hôm qua và hôm nay  vẫn còn đó những con người lòng chai dạ đá bán đứng anh em, đã phản bội, bán rẻ phẩm giá của mình để đạt được danh lợi thú dơ bẩn ở đời. Nước mắt của tình đời thay trắng đổi đen. Nước mắt của sự cô đơn, bị phản bội và bỏ rơi vẫn rơi trong kiếp người vốn dĩ là bể khổ.

Cầu nguyện:

    Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con hãy dùng tình yêu để hoán cải lòng người, dùng tình yêu sửa lỗi cho nhau như Chúa đã làm. Dù biết Giuđa phản bội, biết Phêrô sẽ chối, biết các môn đệ sẽ bỏ Thầy trong lúc gian nguy. Bài học mà Chúa muốn dạy chúng con chính là: “Hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu tha thứ có thể rửa xoá đi thù hận. Một tình yêu khiêm cung thẳm sâu có thể cúi xuống phục vụ những người sẽ bỏ mặc mình trong gian nguy, chối bỏ mình trong hiểm nguy.

     Ước gì những nghĩa cử cao đẹp mà Chúa Giêsu đã làm luôn tồn tại nơi gia đình Kitô hữu, nơi các cộng đoàn tu trì. Ước gì mỗi người chúng con biết sống cao đẹp qua đời sống trung tín, thuỷ chung trong đời dâng hiến. Ước gì tình yêu như Chúa Giê-su sẽ làm cho các gia đình  cộng đoàn luôn ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trong tình Chúa, tình người. Có như thế thì chúng con mới làm cho Thập giá Chúa gánh chịu được trổ hoa tình yêu, trổ hoa hồng phúc. Amen.

Hát: Sách TC2: 97 câu 3

Ngân Hạ