Nhận định ơn gọi cho cuộc đời 03/05/2021

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO

NHẬN ĐỊNH ƠN GỌI CHO CUỘC ĐỜI

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

Câu hỏi: 

Con không biết rõ ràng Chúa muốn con lập gia đình hay đi tu. Làm thế nào để nhận định ơn gọi cho bản thân con ạ?

Trả lời:

Ơn gọi của một người thì chỉ có người đó mới nhận ra được. Đó là chuyện của người đó với Chúa. Ngoài người đó ra, không ai có thể chắc chắn 100% là người đó có ơn gọi này hay ơn gọi kia. Điều này càng đúng hơn với ơn gọi dâng hiến, vì dù phải đáp ứng những điều kiện ban đầu để được nhận vào chủng viện hay dòng tu nào đó, chẳng ai có thể khẳng định chắc nịch là một người nào đó có được mời gọi sống đời tu hay không, và trong môi trường tu, họ phù hợp với linh đạo nào. Chủng viện, dòng tu, bề trên… chỉ có thể căn cứ vào dấu hiệu người đó tỏ ra để lượng định về ơn gọi của người đó trong khả năng có thể, chứ không phải là phán quyết cho sự tồn tại của ơn gọi dâng hiến. Thật vậy, mọi ơn gọi đều đến từ Chúa, chứ không phải từ người phàm, và nhiệm vụ của mình là cố gắng khám phá ra tiếng nói của Chúa vẫn nhẹ nhàng vang lên trong lòng mình.

Dưới đây, trước hết, chúng tôi xin chia sẻ một vài dấu chỉ để bạn có thể cảm nghiệm về tiếng gọi của Chúa. Sau đó, chúng tôi sẽ đề cập đến phương pháp giúp nhận định ơn gọi.

Một vài dấu chỉ

Bạn hãy nghĩ đến những vinh hoa phú quý trên trời. Con người mỏi mệt một đời chỉ để đi tìm của cải, giàu sang. Cố gắng lưu trữ thật nhiều châu báu, nỗ lực đánh bóng mình để được nhiều người quan tâm. Nhưng rồi thì sao? Họ có được như thế mãi không? Họ tưởng mình là tâm điểm của vũ trụ, nhưng sẽ đến thời chẳng còn ai biết đến họ, chẳng còn nhớ đến tên họ, thậm chí chẳng còn biết là họ đã từng hiện hữu trên thế gian. Tình người bạc bẽo, tình đời mong manh. Có đó rồi mất đó. Chẳng có chi vững bền. Bạn có cảm nghiệm như thế không? Bạn có được thôi thúc đi kiếm một cái gì đó cao hơn, ý nghĩa hơn, bền vững hơn không? Những giá trị bền vững ấy là “cho đi mà không tính toán, biết làm việc không tìm nghỉ ngơi” hay “tìm yêu mến người hơn được người yêu mến, tìm an ủi người hơn được người ủi an”. Bạn có thích như vậy không?

Bạn hãy nghĩ đến những ơn lành lớn lao mà mình đã nhận được từ bé đến giờ. Gia đình ấm êm, được bố mẹ và anh chị em thương yêu. Bạn có được những điều kiện học hành để mở mang kiến thức. Bạn được Chúa gửi đến biết bao con người giúp bạn ngày càng thăng tiến hơn trong đời sống. Từng bước được bạn đi, dường như luôn có ai đó đưa dẫn. Nhưng rồi bạn cũng phát hiện ra là trên đời này có rất nhiều người không được may mắn như bạn. Bạn có cảm thấy là những gì mình được thụ hưởng bấy lâu nay, hệt như một sự chuẩn bị của Chúa để bạn cống hiến cho đời, để bù đắp những khiếm khuyết của cuộc sống không?

Bạn hãy nghĩ đến gương sống tốt đẹp của các vị tu sĩ thánh thiện. Suốt một cuộc đời âm thầm hy sinh, chẳng màng chi đến danh lợi. Họ nghèo nhưng vui, vì họ cho rằng mình đã có tất cả. Họ sống một mình nhưng không cô đơn, vì họ tin là bên mình luôn có Chúa. Họ bình an với đời sống phục vụ và chẳng bao giờ nóng giận, chửi bới ai. Dòng đời có xoay tới xoay lui với biết bao tranh giành, thủ đắc, họ vẫn bình tâm với nụ cười thánh thiện trên môi. Các bạn có thấy một đời sống như thế thu hút mình không?

Bạn hãy để lòng lắng xuống, và cố gắng nhận ra từng dòng cảm xúc đang tuôn chảy trong người. Khi nghĩ đến những điều này, bạn có thấy bình an không, có thích mình hợp không, có thấy cái gì đó sôi sục trong người và muốn mình dấn bước không? Cảm giác hứng khởi ấy kéo dài lâu trong bạn, hay chỉ là một thoáng chốc rồi thôi. Nếu nó cứ luôn thôi thúc bạn, đó chính là dấu hiệu cho thấy bạn đang được mời gọi để sống đời dâng hiến.

Phương pháp nhận định ơn gọi

Phương pháp này được thánh I-nhã ghi lại trong tập sách Linh Thao (LT) của mình. Nó là những bước chỉ dẫn giúp ta đi vào trong nội tâm của mình, lắng đọng để nghe được những chuyển động mà Chúa gửi đến, nhờ đó có thể nhận ra được điều Chúa muốn mình làm.

Thánh I-nhã đề cập đến ba “thì” chọn lựa. “Thì” thứ nhất là “khi Thiên Chúa đánh động và lôi kéo ý muốn rõ ràng đến nỗi không hồ nghi và không thể hồ nghi, khiến linh hồn công chính tuân theo điều đã được tỏ lộ…” (LT số 175). “Thì” thứ hai là “khi nhận được đủ ánh sáng và sự hiểu biết bởi kinh nghiệm về những an ủi và sầu khổ thiêng liêng, cũng như bởi kinh nghiệm nhận định thần loại” (LT số 176). “Thì” thứ ba là “khi bình tâm, suy xét con người sinh ra để làm gì, ấy là để ngợi khen Thiên Chúa và cứu rỗi linh hồn mình…” (LT số 177). Vì “thì thứ nhất” khá rõ ràng, không cần nhận định, còn “thì thứ hai” khá phức tạp, nên sau đây, chúng tôi xin trình bày “thì thứ ba”, cùng các bước để thực hiện.

Trước hết, bạn phải ý thức rằng đây là một giờ cầu nguyện. Cầu nguyện ở đây không phải là đọc kinh. Cầu nguyện trước hết là một thái độ tĩnh lặng của tâm hồn, đặt mình trước sự hiện diện của Chúa, của Đấng Tối Cao. Bởi thế, trước khi làm chọn lựa, hãy ngồi xuống, để tâm tĩnh lại, hệt như một mặt hồ phẳng lặng không một gợn sóng. Đừng để những xao động tác động đến. Đừng để cảm xúc thích thú, vui – buồn, chán, hăm hở… chi phối mình. Cũng đừng để người nào ảnh hưởng đến mình (đừng sợ sẽ làm ai buồn, ai vui), đừng cố gắng chọn lựa điều gì đấy chỉ vì muốn làm hài lòng ai đó. Hãy giữ tâm trạng của mình ở vị trí thật quân bình, không lệch sang bên nào cả. Hãy gạt đi luôn cả chọn lựa mà bạn đã có trong đầu rồi. Làm sao để tâm trí mình hoàn toàn trống rỗng.

Ngồi trong tư thế thoải mái, không suy nghĩ, không cảm xúc, nhắm mắt lại, nghe từng âm thanh nhỏ chung quanh. Tận sâu trong lòng, bạn chỉ còn một lòng khao khát là làm sao để danh Chúa được hiển vinh, chứ không mong chờ hay tìm kiếm điều gì cả. Hãy để lòng mình hoàn toàn thanh thoát, không mong chờ điều chi, ngoài việc chỉ mong biết được ý Chúa để có thể thực thi ý ấy mà thôi. Đây là điều rất quan trọng, vì nếu bạn đã mặc định cho mình một kế hoạch rồi thì bạn sẽ tự khắc đóng kín trước tiếng nói của Chúa.

Khi tâm hồn đã hoàn toàn thanh tịnh rồi và lòng bạn chỉ còn khao khát muốn biết ý Chúa, bạn hãy đặt các chọn lựa ra trước mắt. Nhìn thẳng vào từng chọn lựa, rồi vạch ra mặt thuận lợi và khó khăn của nó, dựa trên những gì bạn biết hay đã tham khảo ý kiến của những người có hiểu biết về vấn đề này. Đặt ra câu hỏi, “nếu tôi chọn phương án A thì tôi sẽ được điều gì và mất điều gì.” Ghi ra giấy, càng tường tận càng tốt. Cũng tương tự như thế cho các phương án B, C … khác. Ghi với một thái độ bình tâm chứ không phải với thái độ yêu ghét, vì nếu để cảm xúc chi phối, bạn đã đi lệch đường rồi.

Sau khi đã hoàn thành việc suy xét từng chọn lựa, hãy đọc lại những gì mình đã viết một cách cẩn thận và suy xét xem, khi đối diện với cái nào thì mình thấy bình an, thấy “hợp lý” hơn, thấy mình sẽ được triển nở hơn trong đời sống của mình. Lưu ý là ở đây, chúng ta không đếm số lượng những thiệt hơn mình ghi ra để chọn lựa. Số lượng nhiều hay ít không quan trọng. Quan trọng là thấy chọn lựa nào mình “nên” có để giúp ích cho mình hơn trên con đường trở thành một người tốt và có ích. Nếu bạn làm với một thái độ bình tâm và thành khẩn, chắc chắn bạn sẽ thấy mình được nghiêng chiều hơn về một phía và nhận ra những vấn đề nếu mình chọn phía kia.

Bạn lại đặt mình trước Chúa, suy xét lại lần nữa chọn lựa mình đã chọn để tìm sự xác nhận từ Chúa. Nếu lòng bạn cảm thấy một sự bình an sâu thẳm thì có nghĩa là chọn lựa này là đúng. Nếu không thì bạn sẽ cảm thấy ngược lại.

Thánh I-nhã cũng nói đến một vài cách khác giúp cho việc chọn lựa. Dĩ nhiên là cũng với những điều kiện vừa nói ở trên.

Thứ nhất, bạn hãy tưởng tượng là có một người mà bạn rất yêu mến tìm đến với bạn. Bạn luôn mong muốn điều tốt nhất cho người này. Người này trình bày vấn đề hệt như những gì bạn ghi ra giấy. Bạn xem xét thật kỹ rồi cho người này lời khuyên. Bạn khuyên người này thế nào thì hãy làm theo như vậy.

Cách thứ hai, bạn hãy tưởng tượng có một người mà bạn không hề quen biết tìm đến với bạn. Người này tin tưởng bạn nên chia sẻ với bạn những vấn đề để xin bạn lời khuyên. Một cách khách quan và không bị chi phối điều gì cả, bạn khuyên người này thế nào thì hãy làm theo như vậy.

Cách thứ ba, bạn hãy tưởng tượng là mình đang đứng trước giờ chết hoặc trước Toà Chúa để chịu phán xét về những gì mình làm khi còn sống. Giả như cho bạn khoẻ lại hoặc sống lại để làm lại chọn lựa, bạn sẽ chọn điều gì. Hay nói cách khác, trong những chọn lựa của bạn, chọn lựa nào làm lòng bạn, lương tâm bạn cảm thấy thanh thản nhất đến độ bạn sẽ không bao giờ hối hận về nó, thì đó là chọn lựa theo ý Chúa.

Những bước trên đây có thể được áp dụng cho những chọn lựa khác trong cuộc sống, và chúng chỉ là phương pháp. Có một số người cảm thấy rất dễ để thực hiện nhưng cũng có không ít người cảm thấy có chút khó khăn. Tất cả đều đòi hỏi bạn phải có một thái độ bình tâm và cầu nguyện. Có đôi khi nó cũng cần thời gian và cần làm tới làm lui nhiều lần để xác thực. Đôi khi phải cần một bầu khí tĩnh tâm và có người đồng hành để giúp đỡ mình.

Ngoài ra, bạn cũng cần  lưu ý rằng có ơn gọi dâng hiến là một chuyện, bạn có gìn giữ đó và làm cho nó triển nở hay không lại là chuyện khác, bởi lẽ cũng có thể xảy ra trường hợp: người ta vô tình hoặc cố ý đánh mất đi viên ngọc quý đã được Chúa ưu ái tặng ban. Chúc bạn luôn tràn đầy Thánh Thần và sớm tìm ra con đường mà Chúa muốn bạn đi để làm vinh danh Chúa.

(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 1, Nxb Tôn Giáo, 2020)

WHĐ (03.05.2021)

(Tác giả gửi bài cộng tác đến Ban biên tập Website Hội đồng Giám mục Việt Nam tại địa chỉ email: bbt.whd@gmail.com)

W.HĐGMVN

HL.MĐ