Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Tuần 32 thường niên

THỨ HAI TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 17,1-6

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhưng khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã ! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã. Anh em hãy đề phòng!

“Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó ; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh : ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.”

Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này : ‘Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc’, nó cũng sẽ vâng lời anh em.”

SUY NIỆM:

Quý ÔBACE rất thân mến! Cách nay 38 năm, trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã viết: Người thời nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, và nếu như họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy đã là những chứng nhân. Như vậy, đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, và ngược lại, không có gì nguy hại cho bằng, đời sống phản chứng nơi người Kitô hữu! Thưa cộng đoàn, mỗi người Kitô hữu chúng ta sẽ là một chứng nhân cho những anh chị em lương dân, khi chúng ta thực hiện những điều mà Chúa Giêsu dạy trong Bài Tin Mừng hôm nay:

Thứ nhất, đó là tránh gây gương mù gương xấu, đặc biệt trong lời nói và việc làm. Nếu chúng ta ăn nói và cư xử tế nhị, thật thà, nhẹ nhàng thì khiến cho người nghe yêu mến, tôn trọng và gây được thiện cảm nơi mọi người, ngược lại; nếu ăn nói tục tĩu, lỗ mãng, gian dối thì không những chúng ta bị coi thường, khinh khi mà còn để lại trong tâm trí người khác những ảnh hưởng xấu.

Thứ hai, đó là phải biết tha thứ. Không ai là một hòn đảo cả, chúng ta sống là sống với và sống cho người khác. Vì là sống chung, nên rất dễ gây ra những tổn thương, xúc phạm cho nhau! Vì thế, nếu ai đó có những lỗi lầm – họ khó nhận ra lắm, chúng ta nên sửa lỗi chân thành và khéo léo. Nếu chúng ta bị ai đó xúc phạm mà họ xin lỗi (có khi không), thì bắt chước Chúa tha lỗi cho họ –  tha thứ, để được thứ tha.

Thứ ba, đó là một đời sống đức tin kiên vững vào Chúa. Sẽ là một phản chứng, một gương xấu nặng cho anh chị em lương dân, thậm chí là các anh chị em tân tòng với đức tin còn non nớt, khi chúng ta sống đức tin yếu kém: mê tín dị đoan – dựng vợ gả chồng cho con cái còn coi ngày coi giờ; sùng bái ngẫu tượng – gia đình có đạo mà vẫn còn đi hai hàng, vừa tin thờ Chúa, nhưng lại vẫn yêu ông thần tài; và đáng sợ nhất, vẫn là chủ trương vô thần thực tiễn: có đạo, có đức tin mà sống như những người vô thần – không đi thờ đi lễ, bỏ bê đọc kinh… Chỉ là chứng nhân, khi chúng ta sống đức tin kiên vững.

Quý ÔBACE rất thân mến! Trước khi về trời, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta: Vậy, anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Lời mời gọi này, sẽ được thực hiện và đơm bông kết trái nơi mỗi người chúng ta, khi trên hành trình là một Kitô hữu, chúng ta biết làm gương sáng cho tha nhân, sẵn sàng quảng đại tha thứ cho mình và cho người khác, và luôn tin vững vàng vào Chúa. Amen.

 

THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 17,7-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các Tông Đồ rằng : “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó : ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo : ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau !’ ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao ? Đối với anh em cũng vậy : khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói : chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”

SUY NIỆM:

Quý ÔBACE rất thân mến! Khi đọc báo, hay xem tin tức, chúng ta bắt gặp được hình ảnh của một Tôi tớ của các tôi tớ – Đức Giáo hoàng Phanxicô. Ngài chọn khẩu hiệu: Miserando atque eligendo, nghĩa là thấp hèn nhưng được chọn. Mỗi lần tông du, khi xuống máy bay, ngài đều quỳ gối hôn mặt đất, nơi đất nước mà ngài thăm viếng. Ngài còn quỳ gối rửa chân, lau chân và hôn chân cho những người được chọn, vào mỗi thứ năm Tuần Thánh. Gương khiêm nhường cúi mình phục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô làm vang lên Lời Chúa mời gọi hôm nay: chúng ta hãy là những đầy tớ khiêm nhường phục vụ.

Khi nhìn vào mỗi gia đình, chúng ta nhận được tấm gương phục vụ nơi ông bà, cha mẹ. Các ngài phục vụ cho con cho cháu, mà không hề kể công, phục vụ như là bổn phận. Ca dao tục ngữ vẫn hằng ca tụng các bậc sinh thành: Cha mẹ nuôi con, biển hồ lai láng. Con nuôi cha mẹ, tính tháng tính ngày. Bên cạnh đó, có rất nhiều các vị mục tử, tu sĩ nam nữ vẫn hằng bắt chước mẫu gương cúi mình rửa chân mà Chúa Giêsu. Thế nhưng, cũng có những tu sĩ, và cả anh chị em giáo dân, vẫn chưa có được tinh thần phục vụ như một đầy tớ, mà Chúa Giêsu mong muốn.

Khi con còn là một Thầy Đại Chủng sinh, đi giúp các họ đạo, con nhận thấy những gương chưa tốt trong việc phục vụ: Có những ca đoàn, ca trưởng không muốn thêm thành viên, vì sợ những người mới hát hay hơn mình. Cũng có những họ đạo, những người đánh đàn già rồi, nhưng rất bảo thủ, không hề cho một bạn trẻ nào được đụng đến cây đàn, sợ mình bị mất ảnh hưởng. Cũng có những người, có rất nhiều khả năng để phục vụ –  đàn giỏi, tập hát hay, vi tính chuyên nghiệp, sinh hoạt sôi động, nhưng lại làm giá, giá cao lắm mới phục vụ. Cha sở, cha phó, phải nài nỉ đứt lưỡi – họ mới làm. Cũng có những thầy đi giúp xứ, có ông trùm ông chánh gì đó, thầy nhờ việc thay vì quảng đại trợ giúp, thì lại gài kèo nhậu nhẹt rồi mới phục vụ. Cũng có những bạn đánh đàn giỏi lắm, con gái lớp 10, 11, độc quyền, ông thầy phải nhún nhường lắm, chứ không nó giở chứng là bỏ ngang, thích thì đánh, không thích thì thôi, hát chay, không đánh… Vậy, tất cả người này, có phải là những người khiêm nhường phục vụ không? Chắc chắn là không rồi.

Quý ÔBACE rất thân mến! Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi đem hết khả năng, sức lực, tâm trí, con người để cúi xuống phục vụ Chúa và tha nhân cách vô vị lợi, không đòi thưởng công. Có như thế, khuôn mặt của Chúa Giêsu – Đấng cúi mình phục vụ đầy yêu thương, sẽ được phản ánh trên từng nét mặt, từng cử chỉ và lối sống của chúng ta. Đó là dấu hiệu để người khác sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ của Chúa. Amen.

 

THỨ TƯ TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

 Lời Chúa: Lc 17,11-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng : “Lạy thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi !” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ : “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói : “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?” Rồi Người nói với anh ta : “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.

SUY NIỆM:

Quý ÔBACE rất thân mến! Ca dao Việt Nam có câu: Ơn ai một chút chớ quên. Phiền ai một chút để bên cạnh lòng. Thế nên, ai mà phụ nghĩa quên công. Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm. Những câu ca dao này, nhắc chúng ta biết nhớ ơn, và thật vậy, trong Bài Tin Mừng, thánh sử Luca tường thuật phép lạ Chúa Giêsu chữa mười người phong cùi. Và điểm then chốt mà sứ điệp lời Chúa hôm nay muốn nhấn mạnh, đó là cần phải có niềm tin, đặc biệt là lòng biết ơn đối với Thiên Chúa.

Thưa cộng đoàn, đã rất nhiều lần chúng ta nghe một ai đó đã khấn hứa với Chúa rằng: Lạy Chúa, xin cho gia đình con được bình an, hạnh phúc, được nhiều người giúp đỡ. Con cái ngoan hiền, thi cử đỗ đạt. Gia đình có công ăn việc làm ổn định, buôn bán được thuận lợi. Rồi sau lời khấn hứa với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh, người đó sẽ quyết tâm thay đổi như: bỏ rượu, bỏ cờ bạc, chăm chỉ đi lễ nhà thờ, siêng năng lần hạt Mân côi, chia sẻ bác ái… Thế nhưng, khi đã mãn nguyện, đạt được lời khấn hứa rồi, thì người đó quên hoặc bỏ luôn lời khấn hứa của mình với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh. Vẫn còn đó những câu ngạn ngữ như: Hết rên, quên thầy; được chim bẻ ná, được cá quăng nơm; hay chắp tay lạy Đức Chúa Trời, cho con lấy vợ con thôi nhà thờ.

Còn khi nhìn vào chính gia đình chúng ta, dẫu biết rằng cám ơn là việc phải làm, nhưng sao chúng ta vẫn ngại ngùng nói lời cám ơn. ÔBACE để ý có phải không: Việc chúng ta cám ơn những người thân trong gia đình – máu mủ ruột thịt thì nó ngượng làm sao ấy! Con cái phớt lờ hai tiếng cám ơn cha mẹ. Cha mẹ thị uy lại càng ít cám ơn con cái. Vợ chồng ít dám cám ơn nhau. Ra ngoài xã hội người ta cũng có muôn ngàn lý do để khước từ hai tiếng cám ơn.

Quý ÔBACE rất thân mến! Câu chuyện kể về một em bé nọ, trên một chuyến xe Buýt, em đang ngồi ở hàng ghế đầu thì thấy một ông cụ bước lên xe, em liền đứng dậy nhường chỗ cho ông. Ông cụ lẳng lặng ngồi vào ghế. Thình lình em bé quay lại hỏi ông: Thưa ông, ông vừa nói gì ạ? Ông cụ có vẻ phân vân và trả lời: Không, ông đâu có nói gì đâu! Đứa bé lễ phép nói: Vậy mà cháu cứ tưởng ông nói “cám ơn” chứ! Thưa cộng đoàn, Thánh Inhaxiô nói: Tội lớn hơn cả là tội vô ơn. Chín người Dothái không biết cám ơn, chỉ được khỏi bệnh phong cùi thể xác. Người Samaria biết cám ơn, không chỉ khỏi phong cùi phần xác, NHƯNG nhất là anh nhận được đức tin, anh tin Chúa, anh sấp mình thờ phượng Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con luôn biết cảm ơn Chúa, cảm ơn Chúa vì ơn được làm người, cảm ơn Chúa vì ơn làm con Chúa; và chúng con biết cảm ơn lẫn nhau, như lời Mẹ Têrêsa đã nói: Chúng con phải cảm ơn lẫn nhau. Người nhận vì được yêu thương giúp đỡ, còn người cho, thì được dịp lớn lên trong tình yêu. Amen.

 

THỨ NĂM TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Lời Chúa: Lc 17,20-25

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời : “Triều Đại Thiên Chúa không đến một cách hiển nhiên có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói : ‘Ở đây này !’ hay ‘Ở kia kìa !’, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông.”

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Sẽ đến thời anh em mong ước được thấy một trong những ngày của Con Người thôi, mà cũng không được thấy. Người ta sẽ bảo anh em : ‘Người ở kia kìa !’ hay ‘Người ở đây này !’ Anh em đừng đi, đừng chạy theo. Vì ánh chớp chói loà chiếu sáng từ phương trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ như vậy trong ngày của Người. Nhưng trước đó, Người phải chịu đau khổ nhiều và bị thế hệ này loại bỏ.”

SUY NIỆM:

Quý ÔBACE rất thân mến! Hàng ngày, trong mỗi Thánh lễ, chúng ta không ngừng tuyên xưng: Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến. Chúa lại đến, đó là niềm xác tín của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Chính trong kinh Lạy Cha, lời kinh Chúa dạy, chúng ta vẫn nguyện xin: Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay, qua câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho các Pharisêu, Chúa mời gọi mỗi người chúng ta nhận ra và làm cho: Nước Thiên Chúa hiện diện.

Thứ nhất, điều mà chúng ta dễ quên lắm, đó là chúng ta được mời gọi nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô: Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, nơi đâu có Chúa Kitô – ở đó chính là Nước Thiên Chúa. Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện: ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Chúa Giêsu, thì Chúa ở giữa chúng ta. Chúa Kitô hiện diện trong những người nghèo khổ, những bệnh nhân, những người bị cầm tù,…; Chúa Kitô hiện diện trong các bí tích mà chính Người là tác giả; Chúa Kitô hiện diện trong chính vị linh mục khi cử hành thánh lễ, cũng như các bí tích khác. Nhất là, ngay lúc này đây, Chúa Kitô đang hiện diện với cộng đoàn qua Lời của Ngài; đặc biệt là Thánh Thể mà chút nữa đây, chúng ta sẽ rước Ngài vào tâm hồn.

Thứ hai, chúng ta phải có bổn phận phải làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện. Trong mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn, Nước Thiên Chúa sẽ hiện diện, hay nói cách khác, cuộc sống gia đình, cuộc sống cộng đoàn, sẽ là Thiên đàng, khi mà: vợ chồng thương yêu nhau; cha mẹ cùng chăm lo giáo dục con cái; mọi thành viên trong cộng đoàn đón nhận nhau như họ là chính họ. Trong mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận, trong Giáo hội, Nước Thiên Chúa sẽ hiện diện, khi mà các giáo sĩ, các tu sĩ sống thuận hòa, sống tha thứ, cộng tác với nhau trong công việc mục vụ; nơi giáo dân luôn bác ái trong lời nói, biết khen tặng nhau, cùng góp ý giúp nhau nên tốt hơn. Trong xã hội, Nước Thiên Chúa sẽ hiện diện, khi mà con người biết tôn trọng sự sống của các thai nhi, sự sống của người già; biết sống công bằng bác ái. Trên thế giới này, Nước Thiên Chúa sẽ hiện diện, khi mà người giàu biết chia sẻ giúp đỡ những người nghèo; khi người ta biết xây dựng hòa bình, để không có cảnh chiến tranh loạn lạc với bao chết chóc tang thương, vợ chồng con cái phải ly tán. Và quan trọng nhất, nếu mọi người đều biết nhận ra Thiên Chúa nơi người khác, thì quả thật bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa như các Tông đồ khi xưa đã van xin: Xin thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện trong cuộc đời chúng con, và nhất là ai ai cũng là hình ảnh của Ngài. Chỉ có như thế, chúng con góp phần làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện. Amen.

 

THỨ SÁU TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

 Lời Chúa: Lc 17,26-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót : thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.

“Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. Thầy nói cho anh em biết : đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.” Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su : “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Người nói với các ông : “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”

SUY NIỆM:

Quý ÔBACE rất thân mến! Hôm nay, chúng ta cùng nhìn lại nỗi đau của 2 năm về trước, đại dịch Covid-19. Đại dịch đã lấy đi mạng sống của hơn 6,5 triệu người trên thế giới này. Riêng Việt Nam thì hơn 50 ngàn người đã chết.

Con nhớ lại thời gian bị cách ly, giãn cách, lockdown, mọi người sống tốt lắm, sống tỉnh thức lắm: gia đình tối tối đọc kinh chung với nhau, khấn xin Chúa cho con virus nhỏ đừng bò vào nhà; ao ước đi lễ lắm – con nhớ tấm hình trong thời dịch bệnh, mà quý thầy, quý soeurs và các em thiếu nhi thường đăng zalo: đó là một em bé ở trong nhà, chắp tay cầu nguyện, phía trên có dòng chữ: Con nhớ nhà thờ lắm; mọi người quan tâm đến sự sống của nhau: bao nhiêu lương thực được chia sẻ, từng trái cam để giúp các bệnh nhân có sức đề kháng, từng viên thuốc để giảm sốt… trong cơn đại dịch, con người lo sợ, con người ý thức thân phận mỏng giòn của kiếp người, nay còn, mai đã vào lò thiêu. Một dấu chỉ của thời đại, để giúp con người ý thức phận người mỏng giòn, để giúp con người sám hối, để giúp con người biết sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, để giúp con người sống tỉnh thức sẵn sàng.

Thế nhưng, khi đã có vaccine phòng bệnh rồi, khống chế được dịch bệnh rồi, khi đã qua khỏi cơn đại dịch, người ta bắt đầu phương châm bình thường mới, bình thường hóa, bình thường để rồi coi thường và mất tỉnh thức đề phòng. Lại giống như thời của ông Nôe thôi, trời đang nắng chang chang, gia đình ông đóng một chiếc tàu lớn: thiên hạ bỉu môi, chê cười, nhất là vẫn ăn uống, vui chơi, dựng vợ gả chồng;… chỉ quan tâm đến đời sống vật chất… mà quên đi tinh thần sẵn sàng, tỉnh thức lo cho cuộc sống đời sau.

Phụng vụ Lời Chúa trong những ngày cuối năm phụng vụ, Chúa luôn nhắc nhở chúng ta về tinh thần tỉnh thức, sẵn sàng đón chờ đón Chúa đến với từng người. Chắc chắn, chúng ta không hề mong muốn một cơn đại dịch khác sẽ đến để nhắc chúng ta tỉnh thức, nhưng ÔBACE hãy nhìn lại nơi cuộc sống của mình: nhìn những chiếc lá vàng rơi, nhắc chúng ta tỉnh thức; trời lập đông, thời tiết lạnh rồi, sáng dậy đau nhức mình mẩy, không muốn làm viêc… nhắc chúng ta tỉnh thức; mỗi ngày mạnh khỏe đều chạy xe đến nhà thờ đi lễ, làm việc, bỗng dưng lên máu, tụt máu, xay xẩm mặt mày, chạy xe loạng choạng, té, nằm viện… nhắc chúng ta tỉnh thức.

Quý ÔBACE rất thân mến! Sẵn sàng, tỉnh thức đón chờ Chúa đến với mình thôi chưa đủ, không chỉ ngồi đó mà tỉnh thức, nhưng là hành động, là bác ái yêu người. Gương của thánh nữ Êlisabeth Hungari luôn yêu thương, bác ái với người nghèo. Xin thánh nữ cầu bầu cùng Chúa, cho mỗi người chúng con luôn ý thức cuộc sống đời này chỉ là quán trọ, chỉ có cuộc sống đời sau là vĩnh cửu, để chúng con biết lo cho đời sau bằng cách sống tốt ở đời này, với những nghĩa cử bác ái yêu thương. Amen.

LM. JOS