Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Tuần II Thường niên

THỨ HAI TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 2, 18-22

18 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay ; có người đến hỏi Đức Giê-su : “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 19 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. 20 Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. 21 Chẳng ai lấy vải mới vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 22 Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới !”

SUY NIỆM:

Có ba điều luôn gắn liền với sinh hoạt của người Do Thái thời Đức Giêsu, đó là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Và mục đích của những việc đó nhằm tỏ lòng sám hối và xin ơn, đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ, lòng đạo đức. Thế nhưng dần dần, vì quá chú trọng đến hình thức, nên một số người đã biến những việc này trở nên một luật buộc khắc khe và nặng nề. Họ quan trọng cách thức thực hiện hơn là lòng muốn và xem đó như tiêu chuẩn nhằm đánh giá đạo đức một con người. Cho nên, ta hiểu được vì sao những người Pharisêu thắc mắc việc ăn chay của các môn đệ Đức Giêsu.

Chính vì thế, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của Chúa phải là những người trân quý sự thánh thiện của tâm hồn mỗi người chứ không phải xét đoán theo hình thức bề ngoài. Muốn nên môn đệ của Chúa, phải là những người dám cởi bỏ con người cũ, lối sống cũ, từ suy nghĩ, lời nói đến hành động để đón nhận những giá trị tốt đẹp từ một sự sống luôn luôn đổi mới là chính Chúa nhằm phù hợp với Tin Mừng và Thánh ý Chúa. Vải vá áo, rượu trong bình, chính là bản chất của con người. Ngại thay đổi, sợ bỏ đi những thứ gắn liền với bản thân. Chúa dạy ta muốn theo Ngài, cần bỏ đi những cái gì là cũ, để mặc lấy con người mới, để nên giống Chúa Giêsu mỗi ngày một hơn.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy trí tâm con, để con biết nhìn nhận những giá trị cao đẹp của anh chị em quanh con, để con không còn sống trong những định kiến mù tối, những vươn lên trong sự quảng đại và bao dung.

Xin đổi mới tim con, để con biết sống như Chúa đã sống, yêu như yêu Chúa đã yêu, để mỗi ngày, trái tim con thêm rộng mở, để đón nhận anh chị em con như chính họ là.

Và xin biến đổi cả con người con, để dám bước ra khỏi vùng an toàn của mình, theo Chúa trong một con người mới, một tinh thần mới, dám từ bỏ và dấn thân vì Chúa và tha nhân. Amen.

 

THỨ BA TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 2, 23 – 28

23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. 24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su : “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia ? Điều ấy đâu được phép !” 25 Người đáp : “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng ? 26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”

27 Người nói tiếp : “Ngày sa-bát được tạo ra cho loài người, chứ không phải loài người cho ngày sa-bát. 28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”

SUY NIỆM:

Khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn hướng con người đến tình yêu, vì yêu mến Chúa mà tuân giữ luật của Ngài, và yêu mến tha nhân để thi hành lời Chúa dạy. Nhưng dần dần, luật lệ đã trở nên một gánh nặng cho người Do Thái, khi các điều khoản được giải thích quá cặn kẽ. Từ mười điều răn trên núi Sinai, đã thành 613 điều với 356 điều phải tránh và 248 điều phải làm. Đây là cơ hội để các kinh sư và giới lãnh đạo Do Thái được dịp vụ lợi và thu tích cho bản thân.

Họ bắt bẻ Chúa Giêsu vì quá chú trọng đến hình thức mà không quên đi giới răn yêu thương của Thiên Chúa, họ giữ luật quá nghiêm ngặt nhằm đề cao bản thân cho thiên hạ biết. Hơn nữa, họ xem việc giữ luật là tiêu chuẩn để được hưởng hạnh phúc Thiên Chúa hứa ban, nhưng quên rằng luật chỉ là phương tiện, còn cứu cánh sau cùng là chính Thiên Chúa.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy ta nhìn lại cách sống của bản thân đối với Thiên Chúa. Ta giữ luật là vì sợ bị phạt sa hỏa ngục hay vì yêu mến Thiên Chúa? Ta tham dự Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật với tâm tình nào? Hay ta có quá chú trọng đến hình thức mà quên đi công bằng bác ái đối với tha nhân?

Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức cuộc sống của con dưới ánh nhìn của Chúa, để con dùng chính tình yêu làm gia vị cho món ăn cuộc sống thêm đậm đà.

Xin cho con yêu Chúa bằng cả tâm hồn và giữ luật Chúa trong tinh thần yêu mến và phó thác, để con an vui và thư thái bước theo Chúa mà không sợ gánh nặng làm trĩu đôi vai.

Và xin cho con biết vì Chúa mà sống với mọi người trong tinh thần quảng đại, để luật Chúa là phương tiện để con nâng đỡ và đồng hành cùng anh chị em con. Amen.

 

THỨ TƯ TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 3, 1 – 6

1 Khi ấy, Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. 2 Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tố cáo Người. 3 Đức Giê-su bảo người bại tay : “Anh đứng dậy, ra giữa đây !” 4 Rồi Người nói với họ : “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết người ?” Nhưng họ làm thinh. 5 Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn bực vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay : “Anh giơ tay ra !” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. 6 Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.

SUY NIỆM:

Bài tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giê-su chữa người bại tay trong ngày sabat. Câu chuyện không chỉ kể về một phép lạ, bên cạnh đó muốn nhấn mạnh đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho con người. Tình yêu phải vượt lên trên mọi lề luật. Như việc làm của Chúa trong ngày sabat, chữa một người bại tay. Có phải, Ngài làm thế để chống lại lề luật? Thưa không, chúng ta nên nhớ rằng, Chúa Giê-su đến là để kiện toàn lề luật chứ không phải để bãi bỏ. Vì thế, Ngài đã dạy chúng ta thêm một luật mới, đó là luật yêu thương. Luật trên các luật. Ngài muốn cho giới lãnh dạo Do thái biết, giữ luật là điều tốt. Luật là để bảo vệ con người, để bảo đảm hơn cho đời sống đức tin mà thờ phượng Thiên Chúa. Thế mà bấy lâu nay họ lại hiểu theo cách của họ, và làm theo tính con người của họ. Luật thay vì yêu thương, họ lại ràng buộc và áp đặt lên người khác, thậm chí họ bắt người khác và bản thân họ phải thật chi tiết trong từng điều luật nhỏ nhặt nhất.

Lạy Chúa, xin giúp con luôn sống trong giới răn yêu thương của Chúa. Xin giúp con biết sống theo luật Chúa truyền dạy. Nhất là điều luật mới, yêu thương là trên hết mọi lề luật. Amen.

 

THỨ NĂM TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 3, 1 – 6

7 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm. 9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn. 10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người. 11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên : “Ông là Con Thiên Chúa !” 12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.

SUY NIỆM:

Tin Mừng theo Thánh Mác-cô (3, 7-12) kể lại một phần trong sứ vụ của Chúa Giêsu, trong đó Ngài thu hút rất nhiều người từ các miền đất khác nhau đến để nghe Ngài giảng dạy và chữa lành bệnh tật.

Trong đoạn này, chúng ta thấy rằng đám đông từ các vùng Galilêa, Giê-ru-sa-lem, Idumea, và các miền bên kia sông Gio-đan đều kéo đến với Chúa Giêsu. Họ đến vì đã nghe về những phép lạ mà Ngài làm. Đây là sự thể hiện của sức mạnh và uy tín của Chúa Giêsu, Ngài không chỉ là một người thầy giảng dạy, mà còn là Đấng chữa lành và mang lại sự sống mới cho con người. Đám đông đến với Ngài là biểu hiện của sự khao khát chữa lành, giải thoát khỏi đau khổ và bệnh tật, nhưng cũng là dấu chỉ của lòng tin tưởng nơi Ngài.

Đoạn Tin Mừng này mời gọi chúng ta suy nghĩ về vai trò của Chúa Giêsu trong đời sống của mỗi người. Chúa không chỉ là một Thầy dạy hay một Đấng chữa lành, mà còn là Đấng có quyền năng trên mọi sự. Mỗi người trong chúng ta có thể đến với Ngài để tìm kiếm sự chữa lành và cứu rỗi.

Bên cạnh đó, đoạn Tin Mừng cũng mời gọi chúng ta quan tâm đến những người xung quanh, đặc biệt là những người đang trong tình cảnh khốn cùng. Chúng ta được mời gọi để làm chứng cho tình yêu của Chúa qua hành động chăm sóc, giúp đỡ, và khích lệ những người đang cần sự giúp đỡ.

Hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ chấp nhận sự thờ lạy từ con người, mà Ngài cũng khiến mọi sự dưới quyền Ngài phải khuất phục. Điều này giúp chúng ta thấy rằng, khi theo Chúa, chúng ta cũng được mời gọi sống trong sự chiến thắng của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết luôn tin tưởng vào quyền năng và tình yêu của Ngài. Chúng con đến với Ngài để tìm sự chữa lành và sự sống mới. Xin giúp chúng con sống theo gương Ngài, luôn quan tâm, yêu thương và phục vụ những người xung quanh, đặc biệt là những người đau khổ và cần giúp đỡ. Amen.

 

THỨ SÁU TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 3, 13 – 19

13 Khi ấy, Đức Giê-su lên núi và gọi những kẻ Người muốn. Các ông đến với Người. 14 Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai các ông đi rao giảng, 15 với quyền trừ quỷ. 16 Người lập Nhóm Mười Hai gồm có : ông Si-môn -Người đặt tên là Phê-rô-, 17 ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê, và ông Gio-an em ông Gia-cô-bê -Người đặt tên cho hai ông là Bô-a-nê-ghê, nghĩa là con của thiên lôi-, 18 rồi đến các ông An-rê, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Ta-đê-ô, Si-môn thuộc nhóm Nhiệt Thành, 19 và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt là chính kẻ nộp Người.

SUY NIỆM:

Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu lập nhóm Mười Hai tông đồ để các ông ở với Chúa và để Chúa sai các ông đi rao giảng, và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Nghe theo tiếng nhịp đập của con tim, các ông đã buông bỏ mọi sự mà đi theo lời mời gọi của Chúa.

Chúa muốn con người cộng tác với Chúa vào việc loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, các tông đồ hạnh phúc khi được gọi làm môn đệ của Chúa. Chúa chọn mười hai Tông Đồ thay cho mười hai chi tộc IsraeI để làm nền móng cho Giáo Hội.

Thật ra, các môn đệ mà Chúa Giêsu gọi và chọn đều là những con người bình thường. Một anh chàng đánh cá thất học như Phêrô, kẻ cuồn tín như Simon, người nóng tính như Gioan và Giacôbê, người thu thuế tội lỗi như Matthêu. Thế nhưng, sau những vấp ngã, sau những lỗi lầm, với ơn Chúa và nhờ ơn Chúa, họ trở nên những người mạnh mẽ để cất bước ra đi rao giảng Tin mừng và làm cho nhiều người trở về tin yêu Chúa. Đó cũng chính là sứ mạng của mọi người kitô hữu chúng ta.

Lạy Chúa còn hạnh phúc nào hơn khi con được Chúa yêu thương kêu gọi theo Chúa và ở lại với Chúa. Xin Chúa cho con biết từ bỏ con người tội lỗi để trở thành tông đồ nhiệt thành mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Amen.

 

THỨ BẢY TUẦN II MÙA THƯỜNG NIÊN

TIN MỪNG: Mc 16, 15 – 18 

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

SUY NIỆM:

Hằng năm, Giáo Hội mừng kính Lễ Thánh Phaolô Trở Lại như một lời nhắc nhở về sức mạnh biến đổi của ơn Chúa và sự dấn thân không mệt mỏi trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Cuộc đời của Thánh Phaolô, từ một người bắt bớ đạo Chúa đến một vị tông đồ nhiệt thành, là minh chứng sống động rằng tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa có thể biến đổi mọi tâm hồn.

Tình yêu của Chúa không chỉ dừng lại ở việc gọi Phaolô hoán cải, mà còn nâng đỡ ông trên hành trình dấn thân. Chính Chúa Giêsu đã yêu thương Phaolô dù ông đang lầm đường lạc lối. Tình yêu ấy không kết án nhưng chữa lành, không loại bỏ nhưng tái tạo, biến ông từ một người chống đối trở thành một chứng nhân mạnh mẽ của Tin Mừng.

Cuộc đời của Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng, dù yếu đuối hay tội lỗi đến đâu, Chúa vẫn yêu thương và chờ đợi chúng ta quay về. Ngài mời gọi chúng ta tin tưởng vào sức mạnh của tình yêu Ngài, bởi chính tình yêu ấy đủ mạnh để biến đổi những vấp ngã, yếu đuối của chúng ta thành sức mạnh để làm chứng cho Ngài.

Sau khi được biến đổi, Thánh Phaolô không giữ lại đức tin cho riêng mình, nhưng dành trọn đời để rao giảng và làm chứng. Ông vượt qua mọi khó khăn, từ những cuộc bách hại, hiểu lầm, cho đến nguy hiểm cận kề cái chết, để mang Tin Mừng đến khắp nơi. Cuộc đời ông là lời nhắn nhủ đến mỗi người chúng ta: Đức tin không phải là điều để cất giữ, nhưng là ngọn đuốc cần được thắp sáng và chia sẻ.

Trong bối cảnh hôm nay, chúng ta có can đảm làm chứng cho Chúa qua đời sống và việc làm không? Giữa những thách đố của thời đại, liệu chúng ta có đủ kiên định để giữ vững niềm tin và lan tỏa tình yêu Chúa cho người khác?

Lạy Chúa, qua mẫu gương hoán cải và dấn thân của Thánh Phaolô, xin giúp chúng con biết mở lòng đón nhận sự biến đổi từ tình yêu Chúa. Xin ban cho chúng con sự can đảm và lòng nhiệt thành để sống trọn vẹn sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Dẫu con đường có nhiều khó khăn, xin cho chúng con luôn tín thác vào tình yêu Chúa và bước theo Ngài đến cùng. Amen.

Nhóm SNLC