Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (3: 7b-15)
7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. 8 Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy”. 9 Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được?”. 10 Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! 11 Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. 12 Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? 13 Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. 14 Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, 15 để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
SUY NIỆM
Bài Tin mừng hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc đàm đạo giữa ông Nicôđêmô với Đức Giêsu về ơn tái sinh. Đức Giêsu cho Nicôđêmô biết chính Người là Con Người mà Đaniel đã nói đến. Người đến trần gian để đem lại cho con người sự sống mới, bình an và sự thật, để ai hâm mộ, tìm kiếm thì sẽ đến với Người. Để minh chứng cho điều mình nói, Chúa Giêsu nói với ông về việc Người sẽ bị treo trên thập giá, như Môsê đã treo con rắn trong hoang địa là dấu chỉ của sự cứu thoát thế nào thì Người cũng là dấu chỉ cho sự cứu độ như vậy.
Ở đây, hình ảnh con rắn đồng được Đức Giêsu nói đến là chính Người. Người cũng bị giương cao trên thập giá, để rồi ai nhìn lên và tin vào Người sẽ được sống muôn đời. Trong bầu khí mùa Phục Sinh, bài Tin mừng này giúp chúng ta xác tín vào việc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, để nhờ đó chúng ta biết chăm lo cho đời sống đạo của mình, và hoàn thiện bằng tinh thần sám hối, canh tân.
Qua cuộc đối thoại, Đức Giêsu cho chúng ta thấy được rằng, ông Nicôđêmô quả là người có thiện chí, là con người luôn muốn đi tìm hiểu chân lý đích thực. Khi Chúa Giêsu giải thích mà không hiểu, ông đã nói lên sự bất lực yếu kém của mình, để rồi ông được Chúa Giêsu giải thích tiếp và giải thích cách cặn kẽ hơn. Noi gương ông, chúng ta được mời gọi cố gắng luôn khiêm nhường, kiên nhẫn tìm hiểu giáo lý và học hỏi Lời Chúa, để nhờ đó Chúa sẽ soi sáng và hướng dẫn, giúp chúng ta cảm phục và tin tưởng vào Chúa hơn.
Mặc dù ông Nicôđêmô đã bị Chúa khiển trách vì u mê, vì không hiểu lời Chúa nói, nhưng chính sự u mê trong khiêm nhường này, ông được Chúa nhẫn nại giáo huấn. Rút kinh nghiệm nơi Nicôđêmô, khi học hỏi về các mầu nhiệm và về giáo huấn của Chúa, chúng ta phải can đảm, biết quên mình để kiên nhẫn học hỏi, nhờ vậy, chúng ta chứng tỏ được rằng mình có thiện chí, có lòng ngay và có thao thức về những thực tại siêu nhiên. Qua đó, chúng ta sẽ được biết, hiểu và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin Chúa đã chết và sống lại, để từ đây chúng con không còn phải chết vì những lối sống ích kỷ, kiêu căng thường gây ra chiến tranh, nhưng được sống dồi dào nhờ biết cho đi, cảm thông và tha thứ. Xin giúp chúng con mỗi ngày biết khám phá ra khuôn mặt của Chúa, là một Đức Kitô sống động và mới lạ, qua Lời của Chúa và trong cuộc sống. Amen.
Nguồn: Giáo phận Phú Cường