Suy niệm Lời Chúa – Thứ năm tuần XXXIII mùa thường niên

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (19,41-44)

41Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su khóc thương 42mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. 43Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. 44Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm”.

SUY NIỆM

Tin mừng hôm nay thuật lại, khi tiến vào thành Giêrusalem lần cuối cùng để chuẩn bị cho cuộc khổ nạn và cái chết của mình, Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem. Như chúng ta đã biết, thành Giêrusalem thực sự đã bị bao vây và bị phá hủy bởi tướng chỉ huy Titus vào năm 70 sau Công nguyên. Thế nhưng việc thương khóc này của Chúa Giêsu không chỉ là sự thương tiếc về sự tàn phá vật lý của đền thờ trong tương lai và sự xâm lược của đế quốc La Mã, nhưng trước hết là sự thiếu đức tin của rất nhiều người mới là sự hủy diệt thực sự mà Người thương tiếc.

Khi Chúa Giêsu đến gần thành Giêrusalem để vào đền thờ lần cuối để hiến mạng sống của Người như Con Chiên đền tội để cứu rỗi muôn dân, Chúa Giêsu biết rằng nhiều người trong thành thánh này sẽ không chấp nhận hy lễ cứu độ của Người. Chúa Giêsu biết rằng nhiều người trong thành Giêrusalem sẽ trở thành công cụ cho cái chết đang chờ đợi của Người và họ sẽ không hối hận vì đã giết Đấng Cứu Thế. Phản ứng khóc thương của Chúa Giêsu không phải là sợ hãi, không phải là giận dữ, cũng không phải là ghê tởm, nhưng đúng hơn, phản ứng của Chúa Giêsu là nỗi đau xót vì sự thiếu đức tin mà nhiều người đã từ chối Người, từ chối ơn cứu độ mà Người mang đến cho họ.

Sự khóc thương của Chúa Giêsu là một sự đau buồn thánh thiện, là một hành động của tình yêu thương. Đây cũng là phản ứng mà từng người Kitô hữu được mời gọi bắt chước mỗi khi phải đối diện với sự bách hại và bất công trong cuộc sống. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta thường không phải là nỗi buồn thánh thiện mà là sự tức giận. Phản ứng trong cơn giận dữ thường không mang lại những điều tốt đẹp. Nó không những không giúp chúng ta trong việc noi gương Chúa Giêsu mà cũng không giúp ích gì cho những người mà chúng ta giận dữ. Mặc dù đôi khi cảm xúc giận dữ có thể được sử dụng cho mục đích tốt, nhưng nó dễ dẫn chúng ta đến phản ứng ích kỷ trước những bất công đối với chúng ta. Vì thế thay vì tức giận, hãy tìm cách nuôi dưỡng nỗi buồn thánh thiện theo gương Chúa Giêsu. Nhân đức này không chỉ giúp tâm hồn chúng ta lớn lên trong tình yêu thương với những người đã làm tổn thương mình mà còn giúp họ nhìn rõ hơn những việc họ đã làm để ăn năn sám hối. Nuôi dưỡng tình yêu thương với những người đã làm tổn thương chúng ta cũng là phương thế giúp chúng ta và những người đã làm tổn thương chúng ta được biến đổi và trở nên thánh thiện hơn.

Lạy Chúa, xin giúp mỗi người chúng con biết bắt chước sự đau buồn thánh thiện của Chúa, để chúng con cũng có thể chia sẻ sự thánh thiện nơi trái tim đau thương của Chúa. Amen.

Nguồn: Giáo phận Phú Cường