Suy niệm Lời Chúa | Thứ sáu tuần XXXIII mùa thường niên – THÁNH ANRÊ TRẦN AN DŨNG LẠC VÀ CÁC BẠN, tử đạo – Lễ trọng

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (10,17-22)

17Khi ấy, Đức Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. 19Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: 20thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. 21Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.

SUY NIỆM

Hằng năm, vào ngày 24/11, Giáo hội Việt Nam cử hành lễ mừng kính thánh Anrê Trần An Dũng Lạc và các vị tử đạo tại Việt Nam. Đây cũng là dịp để mỗi người chúng ta thêm xác tín hơn vào sự sống đời đời, sự sống bên Chúa. Đồng thời, đây cũng là dịp để mỗi người chúng ta đào xâu hơn về ý nghĩa của việc tử đạo trong cuộc sống của mình.

Việc niềm tin của chúng ta được củng cố qua đời sống của các chứng nhân đức tin là điều mà ai cũng có thể cảm nhận được. Bởi vì, chẳng có ai lại hy sinh mạng sống của mình vì một điều không có thật. Thánh Phaolô đã khẳng định điều này khi nói: “Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô đã không chỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi, và cả đức tin của anh em cũng thật trống rỗng và hão huyền” (1Cr 15,13-17).

Thật vậy, cái chết của các thánh tử đạo là cơ sở thật vững chắc cho niềm tin của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta không nắm vững được ý nghĩa đích thật của thuật ngữ “tử đạo” thì rất có thể thuật ngữ này bị lạm dụng để khích lệ con người đi đến những hành động quá khích, hoặc bị lạm dụng để biện minh cho việc từ chối dấn thân trong việc sống đức tin.

Để hiểu được ý nghĩa đích thật của việc “tử đạo” thì thiết nghĩ rằng không gì tốt hơn là đọc bản văn Kinh thánh được viết qua đời sống của các vị tử đạo. Bài Tin mừng mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu nói cho các môn đệ biết rằng các ông sẽ bị đánh đập và sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền, nhưng điều quan trọng ở đây là các môn đệ phải trở nên chứng nhân cho Chúa. “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,17-18). Và các môn đệ chỉ có thể trở nên chứng nhân khi các ông sống và hành động dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Các ông phải để chính Thiên Chúa chi phối cuộc đời của mình: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,17-18).

Nhìn vào đời sống của các thánh tử đạo mà hôm nay Giáo hội mừng kính, chúng ta thấy các ngài đã thực hiện lời dâày này một cách tuyệt vời: Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc khi bị bắt, quan huyện lấy lời ngọt ngào dụ dỗ ngài quá khóa. Thánh Anrê Trần An Dũng Lạc dõng dạc đáp lại: “Tôi không bao giờ làm theo ý quan vừa nói đâu. Hãy khép án tôi phải cắt trăm mảnh thì hơn”. Hay như thánh Anê Lê Thị Thành, khi ngài đã trải qua những cực hình tra tấn nặng nề, cuối cùng trong giờ hấp hối ngài cầu nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”. Trước khi chết bà đã kêu lên: “Giêsu-Maria-Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự”.…

Chúng ta thấy, các thánh tử đạo luôn tìm cách trở thành chứng nhân cho Chúa qua việc sống và hành động dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa. Các ngài đã để chính Thiên Chúa chi phối cuộc đời của mình. Như vậy nếu “tử đạo” là trở thành chứng nhân cho Chúa qua việc để chính Thiên Chúa chi phối cuộc đời của mình, thì chúng ta thấy bất cứ lúc nào mình cũng có cơ hội “tử đạo”. Khi chúng ta sống dưới sự chi phối của các giá trị Tin mừng: sống thành thật, chung thủy, bác ái…nlà chúng ta đang chịu tử đạo.

Hôm nay mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, mỗi người chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Ngài đã cho chúng ta những tấm gương anh hùng về đức tin, để rồi khi nhìn vào tấm gương các ngài, chúng ta cũng xác tín vào sự sống đời đời bên Chúa. Đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa qua lời cầu bầu của các thánh tử đạo cho chúng ta sức mạnh, can đảm sống chứng nhân qua việc để cho chính Thiên Chúa chi phối và hướng dẫn cuộc đời của mình, để rồi chúng ta cũng hy vọng được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa.

Nguồn: Giáo phận Phú Cường