Suy Niệm Tin Mừng

QUYẾT LIỆT DỨT KHOÁT VỚI TỘI LỖI

 ĐTGM. Jos. Ngô Quang Kiệt

Nếu mỗi chi thể phạm tội đều phải bị cắt bỏ, chắc chắn không một ai lành lặn. Không thể hiểu theo nghĩa đen những lời Đức Giêsu nói hôm nay. Tuy nhiên cũng không được loại trừ tính chất quyết liệt của những lời đó. Đức Giêsu bảo ta phải chặt tay, chặt chân, móc mắt khi những chi thể này phạm tội, có nghĩa là phải quyết liệt với sự xấu. Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như căn bệnh hay lây. Đã nhiễm vào một phần thân thể, sẽ nhanh chóng lây lan tới cả cơ thể. Lây lan đến đâu làm độc đến đấy. Phải ngăn chặn ngay từ đầu, nếu không sẽ khó mà cứu vãn được mạng sống.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như nọc độc loài thú dữ. Đã vào mạch máu sẽ mau chóng tràn vào tim. Khi chất độc đã ngấm đến tim, sẽ làm tê liệt mọi hoạt động của cơ thể, sẽ cướp đi mạng sống con người.

Phải quyết liệt dứt khoát với sự xấu. Vì sự xấu giống như loại thuốc mê. Một khi để sự xấu nhiễm vào, người ta sẽ mất khả năng chống cự. Sự xấu làm cho con người ra nhu nhược yếu hèn, làm tê liệt ý chí phấn đấu. Để cho sự xấu xâm nhập, nó sẽ thống trị ta, sẽ bắt ta làm nô lệ. Một khi đã rơi vào ách nô lệ sự xấu, con người khó lòng thoát ra.

Quyết liệt dứt khoát với sự xấu cũng giống như chặt tay, chặt chân, móc mắt, nghĩa là phải sẵn sàng chịu đau khổ, Dứt khoát với tội lỗi không dễ. Tội lỗi khi đã thấm vào người, nó trở nên như một phần bản thân, gắn bó với bản thân. Dứt bỏ cũng đau đớn như chính cơ thể bị chặt bỏ, xé lìa. Ta hãy xem người cai nghiện. Cơn nghiện vật vã dày vò tưởng chết đi được. Vì đối với người nghiện, ma túy trở thành một phần thiết thân của đời sống đến nỗi khi phải dứt lìa họ đau đớn khổ sở như phải tách lìa một phần thân thể, như đánh mất chính sự sống.

Chặt tay, chặt chân, móc mắt cũng có nghĩa là dứt lìa với những người, những nơi, những đồ vật khiến ta phạm tội. Những con người, những đồ vật, những nơi chốn đó trở thành một phần đời của ta. Để dứt bỏ, trái tim ta đau đớn đến rướm máu. Cuộc dứt bỏ làm tâm hồn ta như bị thương tích đau đớn vô cùng.

Cũng như người bệnh phải chịu phẫu thuật, cắt bỏ khối u, cắt bỏ phần thân thể nhiễm độc để bảo toàn mạng sống, Chúa bảo ta phải quyết liệt với tội lỗi, phải chặt tay, chặt chân, móc mắt không phải vì muốn hành hạ ta, muốn ta phải đau khổ. Trái lại chính vì yêu thương ta, muốn ta được hạnh phúc mà Chúa dạy ta phải dứt khoát với tội lỗi. Dứt bỏ tội lỗi là dứt bỏ những phần hư hỏng xấu xa, nhiễm bệnh trong cơ thể. Dứt bỏ tội lỗi là ngăn ngừa không cho sự xấu xâm nhập vào linh hồn. Dứt bỏ sự xấu là ngăn chặn sự độc hại tàn phá linh hồn. Dứt bỏ tội lỗi là giúp linh hồn có cơ hội được lớn mạnh, được phát triển. Ham vui một chốc lát để rồi chịu kết án suốt đời khổ sở. Hay là chịu đau khổ một chốc lát để suốt đời được tự do hạnh phúc. Ta chọn đàng nào? Chắc chắn ta phải chọn con đường hạnh phúc lâu dài. Chính Chúa muốn hạnh phúc cho ta, nên đã truyền cho ta phải dứt khoát với tội lỗi để được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa.

Lạy Chúa, xin cho con biết nghe lời Chúa dạy, biết dứt khoát với tội lỗi, để được sống đời đời với Chúa. Amen.

KHỔ CHẾ VỚI BẢN THÂN

Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

Thành công nào cũng đòi phải trả giá bằng hy sinh, bằng khổ luyện. Vì qua gian khổ mới tới vinh quang. Đôi khi muốn đạt được mục đích người ta phải từ bỏ rất nhiều, kể cả niềm vui và đam mê.

Trong kỳ Sea Games 2015 người ta ca ngợi một siêu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô đã đạt được 8 HCV cá nhân. Với kỳ tích này cô đã trở thành thần tượng của nhiều người. Vinh quang này cô đã phải đánh đổi và hy sinh hầu hết những niềm vui bình dị đời thường của thời tuổi trẻ.

Không sử dụng internet, không điện thoại, không face book, thậm chí xe máy cũng chưa biết đi và hơn cả là những chuyến xa nhà dài dằng dặc khiến cô nhiều lần nhớ nhà rơi nước mắt. Một ngày Ánh Viên phải bơi từ 20-25 cây số với nhiều tốc độ và “biến thiên” khác nhau. Khối lượng bài tập được phân chia trong hai buổi/ngày, thời gian còn lại, Ánh Viên tiếp tục rèn thể lực với việc tập tạ.

Quả đúng như người ta nói: muốn có vinh quang cần phải hy sinh nhiều thứ. Một em bé muốn thành bác sĩ, kỹ sư phải hy sinh thời giờ vui chơi để học tập. Một bác sĩ muốn giỏi phải hy sinh thời gian để trau dồi kiến thức. Một nghệ sỹ muốn thành danh phải dày công khổ luyện. Một linh mục muốn nên giống Chúa thì phải từ bỏ rất nhiều mới mong trở thành mục tử như lòng Chúa mong ước.

Và hôm nay Chúa Giê-su bảo muốn vào Nước Trời thì cũng phải nghiêm khắc với chính mình qua việc rèn luyện bản thân. Rèn luyện để sống khổ chế hy sinh. Rèn luyện để sống gương mẫu trước tha nhân. Rèn luyện đến mực tuyệt đối nghiêm khắc với bản thân. Có khi còn phải hy sinh cả một phần thân thể như : “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi ; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó đi ; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì móc nó đi ; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt”.

Xem ra con đường vào nước trời đòi hy sinh rất nhiều. Hy sinh cái tôi của mình để không ganh ghét, tị hiềm tha nhân. Hy sinh của cải của mình để sống quảng đại với tha nhân. Hy sinh cả những phần thân thể mình để được vào Nước Trời.

Nhưng xem ra có mấy ai lại hy sinh cái tôi của mình, có mấy ai lại không lo cho mình mà chỉ lo cho tha nhân, và nhất là có mấy ai chịu mất đi một phần thân thể của mình, dẫu biết rằng vì chiều chuộng thân xác mà hư mất đời đời. Con người luôn đề cao cái tôi, luôn lo lắng cho bản thân, luôn chiều chuộng bản thân. Đó là lý do mà cuộc đời vẫn còn đó những ganh ghét, tị hiềm; vẫn ích kỷ thiếu lòng quảng đại với tha nhân; vẫn chiều theo bản năng, chọn dễ dãi cho tính xác thịt…

Ước gì đời người tín hữu luôn biết khổ chế bản thân. Khổ chế tính bè phái để sống bao dung. Khổ chế tính xác thịt để sống gương mẫu. Ước gì mỗi người chúng ta biết rèn luyện bản thân mình nên giống Chúa Kitô để hoàn thiện mình mỗi ngày nên tốt hơn.

BAO DUNG VÀ QUẢNG ĐẠI

+Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Chúng ta cũng thường chủ quan đánh giá một người hoặc một sự việc với nhiều thiên kiến. Việc nhận định vội vàng về một con người sẽ gây nên biết bao hậu quả khôn lường. Tiếp nối tư tưởng Chúa nhật trước, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy có cái nhìn bao dung thông cảm đối với tha nhân và tấm lòng quảng đại với người nghèo khó.

Trong cuộc sống đời thường, do tham lam ích kỷ, chúng ta thường bưng tai bịt mắt trước nỗi đau của đồng loại. Chúng ta cũng thường chủ quan đánh giá một người hoặc một sự việc với nhiều thiên kiến. Việc nhận định vội vàng về một con người sẽ gây nên biết bao hậu quả khôn lường. Tiếp nối tư tưởng Chúa nhật trước, Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy có cái nhìn bao dung thông cảm đối với tha nhân và tấm lòng quảng đại với người nghèo khó.

Trên thế giới hiện tại, có một khoảng cách rất lớn giữa các nước bắc bán cầu và nam bán cầu. Các nước phía bắc giàu có và văn minh hơn. Các nước phía nam nghèo nàn và lạc hậu hơn. Chẳng phải tìm đâu xa, xung quanh chúng ta vẫn còn những cách biệt ấy. Trong xã hội Việt Nam, hiện có rất nhiều người giàu và cũng có rất nhiều người nghèo nàn. Ngoại trừ một số ít người giàu có lòng quảng đại quan tâm đến người nghèo, phần lớn những người kinh tế khá giả đều dửng dưng trước nỗi khổ của những người kém may mắn. Không ít những người giàu có phất lên là do gian lận, tham ô và làm ăn bất chính. Thực ra, nếu người ta biết quảng đại chia sẻ và biết phân chia công bằng, thì của cải vật chất trên thế gian này luôn luôn đủ để nuôi sống tất cả mọi người. Nạn đói, chiến tranh, di dân, khủng bố… đều có nguyên nhân là sự ích kỷ và thù hằn. Thánh tông đồ Giacôbê trong Bài đọc II hôm nay đã phê phán một số người giàu có mà dửng dưng đối với người nghèo. Vị tông đồ còn vạch trần những hành động khuất tất của họ, như gian lận, lèo lái bất công để chiếm đoạt tài sản của người nghèo. Ông kết luận: những người gian ác sẽ chẳng tránh khỏi tội. Họ không có tội vì họ giàu, nhưng vì họ gian lận áp bức những người cô thế cô thân.

Giáo huấn của Chúa luôn mang nội dung bênh vực những người nghèo khổ về tinh thần cũng như thể xác. Chúa Giêsu quả quyết với chúng ta, sự giúp đỡ cho người nghèo, dù đơn sơ như bát nước lã, cũng được ghi nhận và thưởng công trong ngày sau hết. Giá trị của bát nước lã rất nhỏ mọn, nhưng khi nó được trao ban với tâm tình quý mến, nó có thể đem lại cho chúng ta phần thưởng từ chính Thiên Chúa. Tình yêu mến đồng loại dựa trên nền tảng Đức tin vào Chúa sẽ tạo nên sức mạnh giúp con người có thể làm được những điều phi thường. Tác giả Michel Quoist đã viết: “Chỉ có hai giải pháp cho đời sống: yêu mình đến hoàn toàn quên lãng tha nhân, hay yêu tha nhân đến hoàn toàn quên lãng bản thân”. Sự hiện diện âm thầm hy sinh của các nữ tu trong các trại phong, hay tấm gương hy sinh của thánh Maximilien Kolbe sẵn sàng chết cho người khác, đã chứng minh điều này. Những vị này đã hoàn toàn quên lãng bản thân và đã đạt tới những nhân đức anh hùng.

Quảng đại trong nghĩa cử chia sẻ tinh thần và vật chất, chúng ta cũng được mời gọi bao dung trong nhận định đối với những người xung quanh. Ông Gioan được nhắc tới trong Tin Mừng đã thể hiện sự ghen tương theo lẽ tự nhiên của con người. Ông thưa với Chúa Giêsu: “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Cách lập luận “người ấy không theo chúng ta” cho thấy tính cục bộ, phe cánh và tư tưởng muốn loại trừ người khác. Cũng nên chú thích thêm: Gioan là môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến. Ông là người luôn theo sát Chúa để đón nhận giáo huấn của Người. Vậy mà nơi ông vẫn còn tư tưởng nhỏ nhen hẹp hòi. Nhân dịp này, Chúa dạy các ông hãy có cái nhìn công bằng hơn và thân thiện đối với mọi người. Bất cứ ai làm điều tốt, dù họ thuộc về phe phái chính trị hoặc về tôn giáo nào, đểu đáng trân trọng. Thiên Chúa là nguồn gốc của Chân, Thiện, Mỹ, nên những ai làm những thiện hảo và tốt đẹp đều đang hướng về Chúa và mặc dù không ý thức điều đó, họ vẫn đang diễn tả vẻ đẹp và sự tốt lành của Ngài. Bài đọc I trích từ sách Dân Số cũng kể lại một trường hợp tương tự, vào thời ông Môisen làm thủ lãnh dẫn đưa người Do Thái ra khỏi Ai Cập. Một chàng thanh niên đã ghen tỵ khi thấy hai người khác phát ngôn (tức là rao giảng và truyền đạt thánh ý của Chúa). Ông Môisen đã trả lời: “Anh ghen giùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Ngài, để họ đều là ngôn sứ!”.

Điều ông Môisen ao ước ngày xưa, nay đã được thực hiện. Quả vậy, mỗi Kitô hữu đều được lãnh nhận Thần Khí của Chúa trong ngày họ chịu phép Thanh tẩy, đặc biệt khi họ  lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Giáo Hội có sứ mạng Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế, và mỗi thành viên của Giáo Hội được san sẻ ba chức vụ này. Người Kitô hữu có bổn phận loan truyền Lời Chúa, góp phần thánh hóa xã hội và tham gia xây dựng Giáo Hội ngày một lớn mạnh giữa trần gian.

Người xưa vẫn thường nói: Người quân tử khắt khe với bản thân và rộng rãi với người khác. Ý tưởng này được nhấn mạnh trong giáo huấn của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Cách nói tạo hình ảnh gây ấn tượng như chặt chân, chặt tay, móc mắt… diễn tả sự chọn lựa cương quyết giữa hạnh phúc đời này với hạnh phúc đời sau, giữa sự thanh thỏa nội tâm với những bổng lộc trần thế. Đây cũng là cách khẳng định mạnh mẽ về sự dứt khoát từ bỏ những nguyên nhân gây nên tội ác, để trung tín với Đấng đã hy sinh mạng sống vì yêu thương chúng ta. Amen