Tâm tình tạ ơn ( Tĩnh tâm hạt Bạc Liêu)

Tâm tình tạ ơn

                                                                                                                                  M. Dung Hạnh Tường Vi

Tạ ơn: Hai từ nghe rất quen thuộc, ai cũng biết, ai cũng hiểu, cũng cảm nhận được nhưng để can đảm hay nhớ để thực hành trong đời sống nhất là đối với những người nhỏ, thấp bé hơn mình hay những người làm ơn cho mình cách âm thầm thì chỉ có ở một số người. Vì thế! Để luôn sống tâm tình tạ ơn chúng ta nên nhớ tới những người, những thời điểm như sau:

Tạ ơn đối với Chúa: Mỗi sáng thức dậy hay mỗi khi đêm về ta thấy mình còn bình an, còn sinh hoạt bình thường, ta cảm tạ Chúa, vì đó là ơn Chúa ban chứ không đương nhiên mà có.

Tạ ơn khi nhìn thấy một trật tự lạ lùng của vũ trụ, sự tiệm tiến xoay vòng của quy luật tự nhiên, phù hợp, ăn khớp với sự phát triển của con người, đó là ơn Chúa ban.

Tất cả những biến cố lớn nhỏ, những khó khăn thử thách nhiều hay ít, những trái ý vô tình xảy ra, ta hãy tìm nơi đó những bài học quý giá, vì qua đó ta trưởng thành hơn, ta cứng rắn hơn, ta đủ lớn hơn, đặc biệt ta có kinh nghiệm hơn, ta hãy tạ ơn Chúa vì đó là ơn Chúa ban.

Cảm ơn khi ai đó làm gì cho mình, những người trực tiếp hay gián tiếp, những người hy sinh âm thầm nhiều hay ít.

Tạ ơn khi thấy mình yếu đuối, mỏng dòn, khả năng giới hạn để thấy được khả năng của người khác.

Tạ ơn Chúa vì một ngày đã trôi qua, sáng rồi lại chiều, không phải hiển nhiên có mà là sự quan phòng của Chúa trong mỗi giây phút sống của chúng ta.

Nói tóm lại, tâm tình tạ ơn, cũng như hai tiếng cám ơn luôn luôn phải được lặp đi lặp lại trong đời sống của chúng ta, nhất là nơi người Tu Sĩ.

Đó là tất cả tâm tình tạ ơn, ý thức thuộc về mà Cha Phêrô, cha Sở họ đạo Vĩnh Hiệp đã chia sẻ cho chị em hạt Bạc Liêu trong ngày tĩnh tâm hạt.

 

Ý thức thuộc về Hội dòng có 4 thái độ:

-Yêu thương, gắn bó với Hội dòng, liên kết với chị em như chị em ruột thịt, xem cộng đoàn mình đang ở như là nhà của mình, chúng ta cùng chung sống trong một cộng đoàn, nghĩa là cùng chung một mái nhà nên chúng ta hãy đối xử với nhau như người nhà chứ không như người xa lạ, thật sự yêu mến ngôi nhà của mình ta mới không đòi hỏi, không so đo tính toán, không chê bai, vì không ai lại đem nhà của mình hay người nhà của mình ra nói xấu bao giờ, nếu chúng ta chưa làm được điều đó đồng nghĩa với chúng ta chưa thật sự thương nhau, chưa xem nhau như người nhà.

-Tích cực tham gia các sinh hoạt của Hội Dòng, vì đó là dịp để chúng ta gặp gỡ, chia sẻ, nâng đỡ, cảm thông, yêu thương và giúp nhau sống đời thánh hiến cho trọn vẹn, luôn đặt tinh thần trách nhiệm lên hàng đầu trước khi muốn đòi hỏi các quyền lợi, trung tín với luật dòng và giữ luật với một lòng mến.

– Dấn thân cho Hội Dòng, tận tụy hết sức chu toàn bổn phận, ngoài ra còn có sự thao thức tìm mọi cách để phát triển Hội Dòng.

– Sống linh đạo của Hội Dòng cách rõ nét, mỗi người mỗi việc, mỗi nơi mỗi cảnh nhưng luôn ý thức là chi em với nhau nên cho dù có lâu ngày không gặp, có ở xa cách mấy cũng vẫn có thể liên lạc, hỏi thăm, chăm sóc cho nhau với ý thức thuộc về nhau, vì thế khi thấy chi em thành công mình cùng chia sẻ niềm vui với chị em, hay khi gặp thất bại thì đồng cảm, nâng đỡ, khích lệ chị em.

Từ bốn thái độ trên đưa ta đến sự trung tín:

– Trung tín với Chúa KiTô và Tin Mừng của Người.

– Trung tín với Giáo Hội và giáo huấn của Giáo Hội.

– Trung tín với đời tu và đoàn sủng của Hội Dòng.

– Trung tín với con người và thời đại.

Với ý thức thuộc về Hội Dòng. Hôm nay, chị M. Đào Vân Nguyễn Thị Gương sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Mẹ Hội Dòng, ra đi thực thi sứ mạng tông đồ nơi vùng đất Bạc Liêu này, chị ra đi trong sự vui tươi phó thác. Ước mong với sự nhiệt quyết, tinh thần hy sinh quả cảm, sự dấn thân trọn vẹn của mình, chị sẽ trở thành tấm gương sáng cho người chung quanh, để qua đời sống của chị danh Chúa được cả sáng và nhiều người được biết Chúa.