Thứ hai tuần XXIII thường niên
“Các ông quan sát xem Người có chữa lành bệnh trong ngày Sabbat không”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu vào hội đường và giảng dạy. Khi ấy ở đó có một người tay hữu bị khô bại. Những luật sĩ và biệt phái quan sát xem Người có chữa lành người ấy trong ngày Sabbat không, để có cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết tư tưởng các ông, liền bảo người có tay khô bại rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy mà đứng ra giữa đây”. Người đó đứng thẳng dậy. Ðoạn Chúa Giêsu bảo các ông ấy rằng: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabbat được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?” Rồi đưa mắt nhìn mọi người, Chúa bảo người đó rằng: “Ngươi hãy giơ tay ra”. Người ấy giơ ra, và tay người ấy được lành.
Bấy giờ các ông đầy lòng tức giận, và bàn định với nhau xem có thể làm gì được Chúa Giêsu.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM 1
PHỤC HỒI PHẨM GIÁ
(ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt)
Sự sống là món quà quí nhất Chúa ban cho con người. Từ sự sống tự nhiên được nâng lên đến sự sống siêu nhiên. Từ con loài người được trở nên con Thiên Chúa. Sự sống quí giá đến nỗi khi con người lơ đễnh làm mất mát, hao hụt, Thiên Chúa đã sai chính Con Một giáng trần để phục hồi sự sống, phục hồi phẩm giá con người. Bệnh tật là hình ảnh của tội lỗi. Nó làm con người bị giảm thiểu. Không thể sống như một con người. Trong xã hội còn bị khinh miệt. Không thể tự nuôi sống bản thân. Không thể chu cấp cho những người thân. Con người mất phẩm giá. Con người bị cái chết thống trị.
Chúa Giê-su đến cứu sống con người. Phục hồi sự sống. Phục hồi phẩm giá. Cho con người sống xứng đáng địa vị con người. Còn hơn nữa, sống xứng đáng địa vị con Chúa. Nhưng thế lực sự dữ vẫn còn đó. Họ chống đối. Họ muốn sự chết thống trị. Chúa Giê-su công khai hỏi họ: “Ngày sa-bát được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt”. Họ không muốn làm điều tốt. Không muốn cứu sống. Mà còn âm mưu hại Chúa. Vì thế Chúa gặp nhiều khốn khó. Nhưng Chúa sẵn sang chịu chết để con người được phục hồi.
Noi gương Chúa, Thánh Phao-lô, vì niềm hi vọng sự sống của anh em, sẵn sàng chịu đựng mọi gian lao vất vả, để anh em được đạt tới niềm hi vọng vinh quang là Chúa Giê-su Ki-tô: “Để giúp mỗi người nên hoàn thiện trong Đức Ki-tô. Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất vả chiến đấu, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi”. Vì sự sống, người tông đồ sẵn sàng xông vào cuộc chiến. Cùng chịu đau khổ với Chúa để anh em được sống: “Tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào than cho đủ mứ, vì lợi ích cho than thể Người là Hội Thánh” (năm lẻ).
Ma quỉ và thế lực sự chết rất thâm độc. Nó thấm nhập vào bản thân ta. Nó như chất men độc hại vẫn đang còn tồn tại, phá hoại sự sống và phẩm giá con người. Vì thế thánh Phao-lô thúc giục ta: “Anh em không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men. Quả vậy, Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm chiên lễ Vượt Qua của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (năm chẵn).
SUY NIỆM 2
SỐNG YÊU THƯƠNG THẬT LÒNG
(Lc 6, 6-11)
Hôm nay bài Tin Mừng trình thuật việc Đức Giêsu chữa người bại tay ngày Sabát. Đây là việc làm hữu ích, vì nó thể hiện tình thương của Thiên Chúa với người đau khổ. Tuy nhiên, qua sự kiện này đã làm cho các Luật Sĩ và Pharisêu tỏ ra khó chịu và bầy binh bố trận để hạ sát Đức Giêsu!!!
Tại sao vậy? Thưa! Vì xuất phát từ lối suy nghĩ khác nhau khi hiểu về việc giữ Luật. Những Luật Sĩ và Pharisêu thì chỉ tập trú vào việc hình thức bên ngoài, họ không bỏ sót một chấm một phết trong Luật. Còn Đức Giêsu thì quan tâm đến tinh thần của Luật, Ngài đi vào nội dung của Luật là tình thương.
Vì thế, việc chữa bệnh của Đức Giêsu được khởi đi từ bản chất của Thiên Chúa là Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Bởi vậy, không lạ gì khi các Luật Sĩ và Pharisêu không những không ủng hộ việc tốt lành của Đức Giêsu với người bại liệt, ngược lại, họ luôn rình rập để chờ cơ hội thuận tiện rồi lên tiếng tố cáo Đức Giêsu. Một điều đơn giản là do động lực của hận thù, ghen ghét, vì sợ Đức Giêsu lật tẩy lòng gian ác của họ trước dân chúng…
Thấy được ý đồ đen tối của các Luật Sĩ và Pharisêu, nên Đức Giêsu đã hỏi họ: “Tôi hỏi các ông, ngày Sabát được phép làm sự lành hay sự dữ, cứu sống hay là giết chết?”. Khi hỏi như thế, Đức Giêsu trả lại cho ngày Sabát ý nghĩa đích thực của nó, đó là ngày giải phóng con người.
Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay, đã biết bao nhiêu lần chúng ta lo sống hình thức bên ngoài, mà quên đi ý nghĩa và giá trị đích thực trong việc giữ đạo.
Những chuyện như: vì danh thơm tiếng tốt của cha mẹ, hoặc vì cha mẹ làm công to việc lớn trong Giáo xứ, ngoài xã hội, hay sợ liên lụy đến bản thân, nên đã biết bao lần ta sống đạo hình thức, giả tạo và rỗng tuếch, nhưng vẫn ra vẻ đạo đức, tốt lành!
Lại có những người được xem ra rất tốt lành, nhưng lại là những người chuyên ngồi lê mách lẻo chuyện của người khác với mục đích làm cho người khác mất danh dự, uy tín trước cộng đoàn. Hay cũng có những người luôn tìm cách công kích để hạ bệ người khác rồi mình hả hể với thành quả đạt được. Những hạng người như thế, họ chỉ lo tìm cái rác trong mắt người khác, còn cái xà trong mắt mình thì giả điếc làm ngơ!
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn yêu thương, cảm thông với những người ốm đau, bệnh tật, đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta, thay cho thái độ khinh miệt, kỳ thị.
Mặt khác, khi thấy được người khác làm việc tốt thì phải công tâm để nâng đỡ chứ không được vì ghen ghét mà tìm cách bẻ cong sự thật và vu khống cho người ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu thương và nâng đỡ những ai đang lâm cảnh khó khăn, đồng thời biết sống thật với lòng mình và luôn làm điều tốt cho người khác. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP