Bữa ăn thiêng liêng (Lm Dom Thiện) – Chúa nhật XXX TNB

Quý Ông Bà Anh Chị Em thân mến!

Bước vào ngày tuần mới, nguyện xin ân sủng và sự bình an của Đức Kitô luôn ở cùng mỗi người chúng ta.

Giờ đây, chúng ta cùng đọc và gẫm suy Lời Chúa.

Tin Mừng: Mc 10, 46-52

Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, anh ta tên là Batimê, con ông Timê. Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!” Đức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Đó là Lời Chúa.

TÔI LÀ BARTIMÊ

1. Hoàn cảnh của Bartimê

          Anh ta là một người khổ toàn diện, khổ cả bên ngoài thể lý lẫn bên trong tâm hồn.

          – Thể lý: Bartimê bị mù. Chính vì thế, để nuôi sống bản thân mình, Bartimê chỉ còn cách đi ăn xin. Chúng ta có thể hình dung một anh mù nằm lây lất bên lề đường, nhưng lại chẳng được ai bố thí cho đồng nào, dù lúc đó thành Giêrikhô rất đông người. Khổ!

          – Tâm hồn: theo quan niệm của con người thời bấy giờ, sở dĩ Bartimê bị mù và phải đi ăn xin như vậy, là vì anh ta là một kẻ tội lỗi. Hay nói ngược lại, chính tội lỗi đã làm cho hoàn cảnh của anh ta trở nên bi đát: bị gạt ra bên ngoài xã hội, bị mọi người coi khinh, bị chà đạp nhân phẩm. Khổ!

          Tới đây, có lẽ chúng ta đã thấy rõ được tính hiện sinh của Tin Mừng. Bartimê được nói đến hôm nay là ai? Là chính mỗi người chúng ta. Vì lẽ, trong giai đoạn lữ hành này, chúng ta không khổ chuyện này thì cũng khổ chuyện kia, không khổ bên ngoài thì cũng khổ bên trong, không khổ vợ chồng thì cũng khổ con cái, giàu cũng khổ mà nghèo cũng khổ.… Đủ mọi thứ khổ trên đời mà chúng ta đã phải trải qua trong quá khứ, hoặc đang phải đối diện ngay lúc hiện tại này và kể cả tương lai nữa. Khổ trăm bề!

          Suy gẫm: Đâu là nỗi khổ nặng nề nhất của tôi hiện nay? Nỗi khổ đó nằm ở bên ngoài thể lý hay bên trong tâm hồn? Hãy nhìn ngắm nỗi khổ ấy thật kỹ trong cầu nguyện.

2. Tài sản Bartimê

          Trong hoàn cảnh cùng khổ, Bartimê vẫn còn sở hữu cho mình hai loại tài sản:

          – Giọng nói:

          Nhìn cách tiêu cực, ai cũng nhận thấy Bartimê bị khiếm khuyết về đôi mắt. Tuy nhiên, với cái nhìn tích cực, anh ta vẫn còn đó tai – mũi – họng và những cơ quan khác trên cơ thể. Sự tỉnh táo của Bartimê nằm ở chỗ: anh luôn nhớ mình đang có những gì và biết dùng những gì mình đang có một cách hết sức chuẩn xác. Chẳng hạn như cái miệng, anh dùng nó để vang lên những tiếng kêu thống thiết vọng đến tai Đức Giêsu. Và nhờ tiếng kêu đó, anh đã được Đức Giêsu để mắt tới.

          – Tấm áo choàng:

          Có thể nói: tấm áo choàng là một vật dụng hết sức cần thiết của Bartimê. Anh dùng nó để ăn xin và giữ ấm. Nhờ nó mà Bartimê vẫn sống sót, vẫn có thể duy trì sự sống thể lý cho đến ngày được gặp Đức Giêsu – nguồn sống tâm linh, nguồn sống đời đời.

          Qua những tài sản mà một người cùng khổ như Bartimê có được, chúng ta khám phá ra điều gì? Trên cõi đời này, dù có khổ đến cỡ nào, thì chúng ta cũng sẽ không bao giờ bị rơi vào tình trạng “vô sản”. Sâu hơn một chút, dù có rơi vào hoàn cảnh éo le tới đâu, thì chúng ta cũng không bao giờ thiếu thốn những phương tiện để đạt được ơn cứu độ.

          Suy gẫm: Có một điều hơi kỳ lạ trong cuộc sống, đó là chúng ta ít khi nhìn thấy những tài sản mà mình đang có trong tay. Ngược lại, chúng ta chỉ thường nhìn thấy những gì mà mình chưa có. Cái nhìn này dẫn chúng ta đến chỗ đau khổ và than trách: tại sao tôi thiếu cái này, chưa có cái kia….? Đừng! Đừng mơ tưởng, đừng đòi hỏi những gì chưa có để làm khổ bản thân. Ngược lại, hãy bắt chước Bartimê: biết trân quý và sử dụng hết công suất những gì mà mình đang có.

3. Ước mơ của Bartimê

          – Trong tâm trí: Bartimê mơ ước gặp được Đức Giêsu. Có lẽ, trước đó anh đã nghe nói nhiều về con người này. Vì thế, anh xác định: Đức Giêsu là cơ may duy nhất để anh thoát khỏi cảnh tối tăm, thoát khỏi tật nguyền. Đây là ước mơ giải phóng thân xác và xem Đức Giêsu như một vị lương y.     

          – Trong trái tim: Anh ta muốn được phục hồi một nhân phẩm toàn vẹn, hầu có được sự tự do đích thực. Ước mơ này ngầm cho biết: thẳm sâu từ bên trong trái tim, Bartimê đã tin Đức Giêsu là Đấng giải phóng tâm hồn, Đấng mang đến cứu độ.

          Để hiện thực hóa ước mơ của mình, Batimê đã thực hiện hai hành động:

          – Kêu gào: Khi cơ hội gặp gỡ xuất hiện, Bartimê đã ra sức kêu gào: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi”. Chúng ta hãy tưởng tượng: đường phố đông người và hết sức ồn ào với đủ thứ âm thanh lớn nhỏ, có một anh mù đói lả, không định hướng đang kêu gào với nguồn năng lượng hầu như là cuối cùng. “Kêu gào”, nghĩa là anh ta chấp nhận hy sinh một trong hai tài sản còn thuộc về mình. Thử nghĩ xem: nếu lỡ kêu la mà đối tượng không nghe được thì thiệt thòi cho mình. Bởi vì, đã mù mà còn tắt cả giọng nói để xin ăn thì biết phải làm sao? Vậy mà anh ta chấp nhận đánh cược. Anh nghĩ, không liều một phen thì làm sao có cơ hội.

          – Vứt áo choàng: để chứng minh cho nỗ lực và khát khao được giải phóng, Bartimê đã chấp nhận bỏ đi tài sản còn lại của mình khi vứt bỏ chiếc áo choàng. Như đã nói ở trên, tấm áo choàng thật là quan trọng với anh mù. Nó như một lá chắn mỏng manh bảo vệ nhân phẩm đã dập nát của anh. Nó là người bạn lúc anh cô đơn khi chưa gặp được Chúa. Vậy mà, anh vứt bỏ nó. Lúc này anh đang suy nghĩ điều gì? Anh tin rằng: được gặp Đức Giêsu thì anh sẽ được biến đổi. Anh tin Ngài sẽ là Đấng che chở và phục hồi nhân phẩm cho mình. Vì thế, anh không cần tấm áo choàng và cũng không tiếc xót về nó nữa. Anh can đảm “vứt áo choàng” tức là vứt đi trình trạng bị khai trừ của mình.

          Vậy là qua hai hành động, Bartimê đã trắng tay. Anh không còn gì cho mình. Điều này chứng tỏ niềm tin của anh vào Đức Giêsu thật quá mãnh liệt. Và niềm tin đó chính là điều kiện để phép lạ thành sự: anh được thỏa mãn ước mơ, được chữa lành thân xác, được phục hồi nhân phẩm đã bị đánh mất.

          Hình ảnh của Bartimê mời gọi mỗi người chúng ta: hãy biết vứt bỏ mọi thứ để chạy đến với Chúa. Chỉ với hai bàn tay trắng, Chúa mới có chỗ để đổ đầy vào đó những ơn lành.

          Suy gẫm: Đâu là những thứ cồng kềnh mà tôi thường mang đến khi gặp Chúa: một thân xác uể oải, một tâm hồn đầy rẫy những sân si hay một “cái tôi” đã nặng đến 100 ký? Hãy vứt bỏ hết đi! Hãy chỉ đến với Chúa trong sự nhẹ tênh, không vướng bận. Hãy đến với Chúa bằng một tâm hồn thông thoáng, rộng mở. Sau cuộc gặp gỡ, Chúa sẽ đổ đầy vào đó sự hạnh phúc và bình an.  

4. Anh thợ hớt tóc vô thần (sưu tầm)

          Trước khi kết thúc bài suy gẫm hôm nay, xin mời mỗi người chúng ta hãy lướt qua một câu chuyện:

          Sau khi thành phố xuống chỉ thị 15, anh A đã đi đến tiệm cắt tóc. Vì khách đông quá, nên anh A phải ngồi chờ. Trong khi chờ đợi, anh A lấy ra từ trong túi sách một quyển Thánh Kinh nhỏ và ngồi đọc một cách say sưa.

          Sau khoảng một thời gian chờ đợi, cuối cùng đầu tóc của anh A cũng đã trở nên gọn gàng hơn. Anh A cảm thấy thoải mái và hài lòng. Tuy nhiên, chuyện xảy ra là: vào lúc tính tiền, người thợ cắt tóc đã nói với anh A rằng: anh đọc Thánh Kinh làm chi, chẳng có “chúa bà” gì đâu!

          Anh A hỏi lại: sao anh bạn lại nói thế?

          Người thợ cắt tóc trả lời: dễ hiểu thôi! Nếu Chúa có mặt, thì tại sao có nhiều người bệnh tật như thế? Nếu Chúa có mặt, thì tại sao có quá nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi?…. Không hiểu nổi! Nếu Chúa hiện hữu, thì tại sao Chúa lại để những đau khổ xảy ra?… Không hiểu nổi!

          Khi đó, anh A bình tĩnh nói: theo tôi, thì cũng chẳng có người thợ cắt tóc nào trên thế giới này cả!

          Người thợ cắt tóc: anh nói kỳ vậy, chẳng phải tôi là thợ cắt tóc sao? Tôi vừa cắt tóc cho anh còn gì?

          Anh A đáp: nếu anh là thợ cắt tóc, thì tại sao còn có quá nhiều người, dù tóc tai luộm thuộm nhưng vẫn không được anh cắt cho?

          Người thợ cắt tóc cười đáp: tại vì họ không chịu đến với tôi. Tuy tôi cắt tóc để kiếm tiền, nhưng nếu là người nghèo, tôi cũng sẵn sàng cắt tóc miễn phí để giúp họ.

          Anh A: tôi đợi câu nói ấy của anh. Nhiều người không được cắt tóc, vì họ không tìm đến với anh. Cũng vậy, có Thiên Chúa, nhưng người ta lại không tìm đến với Ngài. Và đó là nguyên nhân khiến cho cuộc đời này có quá nhiều đau khổ đến thế.

          Câu chuyện dừng lại ở đó để nhắc nhở chúng ta: Chúa lúc nào cũng hiện diện để quan phòng cho chúng ta. Tuy nhiên, để sự quan phòng của Chúa được tỏ hiện, đòi buộc chúng ta phải như Bartimê: biết vứt bỏ tất cả để tìm đến với Chúa trong sự tin tưởng và phó thác. Và thiết nghĩ, đó chính là cách thức đúng đắn nhất để chúng ta có thể vượt qua đau khổ, cụ thể là vượt qua được cơn đại dịch đang hoành hành hiện nay.

          Tôi là Bartimê. Tôi sẽ có được bình an, có được hạnh phúc, có được sự sống đời đời khi tôi biết tìm đến và tin vào Chúa! Amen.

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện