Dấu ấn Tình Yêu

DẤU ẤN TÌNH YÊU

Một chút!……………..

(Suy tư về hành trình theo Chúa của nó….trong…mùa dịch………)

Ngẫm nghĩ về “hành động phục vụ” ngay cả khi sẽ chịu khổ hình, chịu mai táng, chịu bán đứng, chịu chết. Hành động yêu thương ngay cả khi phải đối diện với cái sự phản bội, đó là một điều mà trong tâm thức của những người môn đệ năm xưa không còn, mà trong nó cũng vậy. Nó không thể nào hình dung, nếu nó yêu thương đến cùng, nếu nó trung tín- trung thành tại sao nó bị phản bội? tại sao nó phải yêu thương ngay cả khi nó phải đau khổ? Thật sự nó không hiểu được điều đó, với nó thì điều đó quá sức tưởng tượng.

Khi đại dịch xảy đến, phải sống trong cảnh cách ly tù túng, bế tắc cả về thể xác lẫn tinh thần. Nó đối diện với bản thân mình câu hỏi: Tại sao một Thiên Chúa yêu thương lại để cho con cái mình chịu đau khổ? Đó có lẽ là câu hỏi khó nhất, thách đố nó nhất. Bởi vì, không ai nói yêu thương con cháu mình, mà lại để con cháu mình đau khổ.

Nó chợt nhớ lại câu chuyện của một Cha kể rằng: Ví dụ như ta là Ba Mẹ, rồi đến một ngày ta đưa con mình đi chích ngừa, chuyện gì sẽ xảy ra? Đứa bé mới có 2- 3 tuổi, nó phải chích ngừa mỗi ngày. Và có nghiên cứu gần đây, không biết nó xác thực đến mức nào, là người dân Việt Nam, sở dĩ khó mắc bệnh hay không có bệnh nặng khi lây nhiễm, là nhờ đã từng chích ngừa lao, trên cánh tay của ta có vết thẹo chích ngừa lao. Nhưng tại sao chuyện đó xảy ra? là một lúc nào đó khi còn thơ ấu, mỗi người đã được Ba Mẹ bồng đi chích ngừa. Và ta để ý không có đứa trẻ nào nó thích thú khi Ba Mẹ nó đưa cánh tay cho bác sĩ chích cả. Khi gặp Bác sĩ mặc áo trắng, kim trên tay là nó đã ré lên, nó quay lại ôm ba Mẹ nó, và bấy giờ nó không thể hiểu rằng: cái mũi chích ngừa tại sao Ba Mẹ lại để cho mình chịu đau bởi một người lạ- không quen biết với mình. Cho dù nói mấy nó cũng không bao giờ hiểu được. Và dĩ nhiên, cách duy nhất Ba Mẹ cho con được chích ngừa là gì? Ôm chặt nó vào lòng, giữ tay để bác sĩ chích một mũi thuốc đau đớn lên tay nó, sau khi chích xong Ba Mẹ lại ôm nó vỗ về “không sao đâu con”. Và nhờ mũi chích ngừa đó, sau này đứa bé lớn lên mạnh khỏe, có thể đối diện với bệnh tật mà không bị nhiễm bệnh- mà vẫn lành mạnh.

Từ mẫu chuyện đó, nó ngộ ra…….Có lẽ Chúa không muốn nó đau khổ. Nhưng mà đôi lúc Chúa cho phép đau khổ xảy đến với cuộc đời nó, với một ý thức rằng: Chúa cũng đang ẵm nó trên tay, cùng đau khổ với nó, sốt ruột vì tiếng khóc đớn đau của nó. Nhưng mà qua đó, nó được tiêm một mũi thuốc ngừa để yêu thương mạnh mẽ hơn- để yêu mà mạnh mẽ hơn, để có thể yêu mà vượt qua tất cả sự phản bội và đau đớn trong tâm hồn- mà không gục ngã- mà vẫn yêu. Chúa Giêsu là anh cả đã đi trước điều đó để nó được cảm thấy an ủi.

Nhiều lúc…………

Vô nhà tu nó cảm thấy đau khổ, nó nghĩ sự đau khổ, ghen tỵ, đố kỵ, giận hờn chỉ có ở ngoài đời- không có trong nhà tu. Nó nghĩ trong nhà tu, là mình phải thánh thiện, mình phải hiền lành, mình phải yêu thương nhau. Bước vào đời tu, nó vở mộng, đã bao lần nó muốn buông xuôi, rút lui……

Nó nghĩ nó là ai? Mà hơn được Chúa Giêsu, nó nói nó là môn đệ Chúa Giêsu mà nhìn Chúa Giêsu kia kìa. Chúa chịu chết, mà chết vì cái gì ? vì đố kỵ, vì đau khổ mà vẫn yêu thương- phục vụ đến cùng, không chối bỏ. không vì những người sẽ bán mình, sẽ chối bỏ mình mà không rửa chân cho những người đó.

Vậy nó là ai mà phải khác Chúa???…..Chúa là Chúa, Chúa biết cách nào tốt nhất để yêu thương, và cách nào tốt nhất để cứu con người. Mà sao Chúa chọn cách chết trên Thập giá? tại sao Chúa chọn cách rửa chân cho các môn đệ? Vì đó là cách tốt nhất, vì có lẽ không có cách nào tốt hơn để diễn tả tình yêu đến cùng. Bởi đó, Chúa chọn kiểu đó. Vậy nó là ai? đi theo Chúa mà nó đòi chọn khác đi à, đi theo Chúa nó không muốn đối diện với chúng à.

Suy nghĩ tới đây, nó thật sự rất ngưỡng mộ cho những người sống đời hôn nhân. Nó thích nhất là cái lời đặc biệt của cặp vợ chồng khi thực hiện bí tích Hôn Phối trong nhà thờ « Tôi nhận anh (nhận em) làm chồng (làm vợ), khi sung sướng cũng như đau khổ, khi bệnh tật cũng như mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng suốt đời ». Lời đó diễn tả một sự đón tiếp vô điều kiện. Nhưng điều gì xảy ra với người tôi yêu cho dù đau khổ, hạnh phúc, bất mãn hay ngay cả khi bị phản bội- mà vẫn yêu thương và tôn trọng suốt đời…….Nhìn lại đoạn đường ơn gọi theo Chúa, nó cũng phải bước theo hành trình đón tiếp suốt đời ……Nó đau, nó khóc….nhưng nó xác tín rằng:
Đi theo Chúa nghĩa là cũng theo hành trình này, đối diện với đau khổ và hiểu rằng: không có cách nào tốt hơn là sống với đau khổ đó, là đi qua nó, nhưng vẫn kiên định trong yêu thương.

Những lúc nào Chúa đang bồng ẵm nó trên tay, để cho nó một mũi thuốc ngừa của tình yêu, có thể là đau khổ của mất mát, của chịu đựng, của hiểu lầm, của thất bại. Nhưng nó hiểu rằng: là đứa bé trong tay Chúa, Chúa cũng sẽ bảo vệ nó, qua đau khổ nó sẽ trưởng thành hơn, nó sẽ vững mạnh hơn, nó sẽ kiên định hơn trong tình yêu.

Cuối cùng, nó cần sẵn sàng đón tiếp người thân- người nó yêu thương nhất, lúc này không phải bằng những tố chất đẹp mà người đó có, mà hình dung ngay cả khi người đó thất bại trong những tố chất mà nó quý trọng- nó vẫn yêu thương đến cùng. Vì khi đối diện với điều đó, nó tin rằng: tình yêu sẽ làm nó cao quý hơn- mạnh mẽ hơn, đặc biệt là tình yêu của Thiên Chúa Hằng Hữu luôn bên cuộc đời nó.

Lạy Chúa Giêsu, ơn gọi dâng hiến là món quà thật cao quý mà Chúa đã ban cho con- từng ngày xin Chúa thêm sức và gìn giữ, để con luôn biết trân quý món quà này. Hôm nay cũng là ngày con tuyên khấn lại trong không khí thật âm thầm : không thánh lễ, không đàn- hát, không bông hoa, không đông đủ chị em như mọi năm nữa…. chỉ mình con đọc lời khấn trong kinh nguyện âm thầm với cộng đoàn- nơi con đang phục vụ. Nhưng con vẫn hạnh phúc và sung sướng, vì con vẫn còn được sống với Chúa trong đời sống dâng hiến qua ba lời khấn mà con cam kết hôm nay. Xin Chúa gìn giữ con và từng chị em Học Viện, để chúng con luôn sống thánh thiện, trung thành và hăng say dấn thân theo linh đạo Mến Thánh Giá.

Lạy Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh, nếu cho con được phép chọn lại- con sẽ không chọn con đường nào khác ngoài con đường Thập Giá, và luôn xác tín rằng : đường con đi- con đường nở hoa hồng phúc. Xin cho con và từng chị em của con hôm nay khấn lại- được luôn trọn niềm hy hiến, để mỗi ngày trở thành bông hoa đẹp nhất dâng cho Chúa- là Đấng Tình Quân chúng con đã chọn. Amen

Mary Phụng Hằng

CHÚT TÂM TÌNH

Hôm nay, Chúa nhật ngày 1 tháng 8 năm 2021, ngày khấn lại của chị em Học viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Cần Thơ.

Những ngày này quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta đang trải qua những ngày đau buồn lo âu, khi số ca nhiễm virus Corona mỗi ngày một tăng lên đến con số hàng ngàn. Các tỉnh thành miền Nam đã áp dụng chỉ thị 16, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại để giới hạn sự lây lan và hy vọng chặn đứng đại dịch. Người người đang bất an, sợ hãi trước sự tàn phá dữ dội của dịch Covid-19, nó làm xáo trộn cuộc sống của cả nhân loại. Trước tình hình đó, em cảm thấy thật may mắn, vì vẫn bình an và hân hoan tuyên khấn lại hôm nay, thêm một lần xác tín và quyết tâm theo Chúa, chỉ là chị em không cùng nhau về nhà Mẹ Hội Dòng.

Khác với những năm trước đây, bầu không khí của ngày khấn lại trong mùa Covid trở nên trầm lặng. Không nhộn nhịp tưng bừng, không hoa nến long trọng, nguyện đường không nhiều người và một mình bước lên cung thánh. Thế nhưng, trầm không có nghĩa là buồn và lặng không có nghĩa là không nhiệt huyết. Như một bản nhạc có những dấu lặng để đọng lại chút dư âm cho người nghe. Cuộc đời dâng hiến của chúng ta cũng cần có một khoảng lặng, lắng đọng tâm hồn để nhận ra thánh ý Chúa, để sống chậm lại, nhìn lại những gì đã qua, những gì đang tới, sẽ tới trong tương lai để tạ ơn Chúa. Và lặng để nghe con tim mình lên tiếng mà hân hoan đáp lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa.

Trong ngày đặc biệt này, có lẽ mỗi chị em Học viện mang một tâm trạng khác nhau, nhưng chắc chắn trong lòng mỗi chị em, tiếng gọi của Chúa vẫn còn giữ nguyên vẻ tươi mới và đầy lôi cuốn. Điều này luôn tùy thuộc vào thái độ và lời đáp trả của chúng ta. Nếu chúng ta đáp trả tiếng gọi của Chúa cách quảng đại và vui tươi, thì đời thánh hiến của chúng ta luôn hạnh phúc dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Thánh Phaolo nói: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Chúa yêu thương” (2Cr 9,7). Khấn lại trong mùa dịch Covid, không nhộn nhịp, một chút thiếu vắng, nhưng chị em không thiếu niềm vui và hạnh phúc. Vui vì cảm nhận được tình yêu Chúa vẫn luôn tuôn tràn trên chị em chúng ta, trên gia đình cộng đoàn và Hội Dòng thân yêu. Vui vì tình chị em vẫn luôn đong đầy, ấm áp.

Chúng em xin cám ơn Chị Tổng Phụ Trách cùng tất cả quý chị thật nhiều, dù không hiện diện nhưng đã hướng về ngày đặc biệt của chúng em, đã cầu nguyện và dành những lời chúc tốt đẹp cho chúng em!

M. Quỳnh Thư