ĐIỂM HẸN NƠI THANH VẮNG
VỚI GIÊSU TRONG THÁNH THẦN
“Con bận lắm Chúa ơi! Bận lòng những khen chê, tháng ngày về qua cuộc đời con vất vả, để được Ngài yêu con tránh điều phật ý, một đời tình say mà người vẫn đổi thay. Con bận lắm Chúa ơi! Bận tìm kiếm hư vinh, chốn nào lặng thinh để hồn con nương náu, này những bận tâm bao vương cầu hư ảo, con xin đặt vào tay Chúa những xôn xao”.
Lời bài hát “Bận lòng cùng Chúa” cho con thấy con cứ mải miết chạy theo những thú vui phù phiếm, những lời mời mọc ngọt ngào của cuộc sống làm cho con bận lòng và lương tâm con trở nên chai lỳ. Chính vì thế con chẳng nghe được tiếng Chúa, con đánh mất cả niềm vui và sự bình an trong tâm hồn.
Bắt đầu tuần tĩnh tâm với điểm hẹn “Nơi thanh vắng” là khởi điểm của niềm vui Tin Mừng để con bước vào ngôi nhà của Chúa, vì Ngài đã mời gọi con “Hãy đến mà xem”. Xưa các môn đệ của Gioan đã đến xem chỗ Chúa ở và đã ở lại với Ngài, trở thành môn đệ của Ngài. Niềm vui và sự bình an khi được ở với Chúa đã khiến các môn đệ dám từ bỏ tất cả để theo Chúa, cùng với Ngài vượt qua mọi khó khăn và cùng với Ngài đem tình yêu đến với mọi người bằng cách chữa lành mọi kẻ ốm đau. Vào mỗi buổi sáng tinh sương hay khi đêm về Ngài cũng không quên cuộc hẹn với Chúa Cha. Không phải nơi phố xá đông đúc nhưng là một nơi thanh vắng chỉ có Ngài và Cha. Ngài cũng muốn cho các môn đệ của Ngài được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả nên bảo các ông: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31).
Đối với con cũng vậy, Ngài muốn con đừng để bản thân bị lôi cuốn vào vòng xoáy của công việc mà hãy tạm dừng tất cả mọi hoạt động không cần thiết, tìm về thinh lặng để chiêm ngắm công trình sáng tạo của Ngài, đối thoại với Ngài và trao cho Ngài mọi âu lo, vất vả để tìm lại được sự bình an trong tâm hồn. Ngài luôn chờ đợi con nơi điểm hẹn ấy là sự “thanh vắng”, nhưng có nhiều lúc vì mải lo toan tất bật trong công việc mà con quên hay cố tình bỏ qua cuộc hẹn với Ngài.
Tĩnh tâm là cơ hội cho con trút bỏ tất cả, tìm về bên Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện để con tìm lại ý nghĩa đích thực của đời sống thánh hiến, không chỉ phục vụ mà còn là đời sống cầu nguyện. Như Thánh Anphongso Ligori nói: “10, 15 phút viếng Chúa và cầu nguyện trước Thánh Thể lợi ích cho tôi không thua gì tất cả những việc thiêng liêng khác khác trong ngày gộp lại”, và Đức Hồng Y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã viết trong Đường Hy Vọng: “Đèn không sáng nếu hết dầu, xe không chạy nếu hết xăng, và hồn tông đồ sẽ suy mạt nếu không đến với Thánh Thể” (ĐHV 360).
Với thân phận là tạo vật, một người con của Chúa, một tu sĩ, và nhất là một tội nhân, con nay xin đến bên Ngài trong sự thinh lặng của tâm hồn để cầu nguyện và trò chuyện với Ngài. Bởi thinh lặng là chìa khóa để con gặp được Ngài và thinh lặng để che chở nội tâm của con. Chúa Giêsu luôn hiện diện và chờ đợi con trong thinh lặng. Trong thinh lặng Ngài sẽ lắng nghe tiếng nói của con, và trong thinh lặng, Ngài sẽ nói với tâm hồn con, trong thinh lặng con sẽ được nghe tiếng Ngài.
Muốn đạt được điều đó trong thinh lặng và cầu nguyện thì con cần ơn Chúa Thánh Thần, bởi Thánh Thần là con đường dẫn con đến với Chúa điểm hẹn của đời con trong “Nơi Thanh vắng”. Chúa Thánh Thần là địa chỉ đưa con đến với điểm hẹn của niềm vui Tin Mừng, vì chính chúa Giêsu đã cảm nhận niềm vui Tin Mừng khi Ngài vui mừng hoan lạc trong Thánh Thần.
Thánh Giáo Hoàng Gioan phaolô II nhắn nhủ: “Các con không chỉ có một lịch sử huy hoàng để nhớ lại và tường thuật, mà còn có một lịch sử oai hùng cần viết lên! Hãy nhìn về tương lai, nơi mà Thánh Linh đã dự định thực hiện cùng với con những điều trọng đại hơn nữa”. Xin cho con biết kiên tâm vun trồng hoa trái của Thánh Thần, đó là: Bác ái, vui vẻ, bình an, kiên nhẫn, nhân từ, hòa nhã, nhẫn nại, hiền lành, nhã nhặn, tiết độ và trong sạch để giúp con phân định đời sống theo ý Chúa, để những trang kế tiếp của cuộc đời con sẽ luôn là những chuỗi ngày thinh lặng bên Chúa trong Thánh Thần.
Ở lại bên Chúa trong thinh lặng đó là bài học quan trọng giúp con lớn lên trong cuộc sống. Trong thinh lặng con khám phá ra thế giới nội tâm với những điều bí ẩn tận trong thâm sâu của cõi lòng. Khi thinh lặng con có nhiều cơ hội để lắng nghe tiếng Chúa và tránh được những nguy cơ phạm tội do chính miệng lưỡi gây nên. Thinh lặng là mối dây liên kết giữa con với Thiên Chúa, đồng thời bảo đảm cho sự hiệp thông huynh đệ, và là khởi điểm sự thay đổi và lớn lên của đời sống tâm linh của con. Chỉ có trong thinh lặng con mới có thể nhận ra được con người thật của mình cũng như mọi vật xung quanh một cách khách quan như chính nó là. Vậy thời gian tĩnh tâm là dịp vô cùng cần thiết để con sống với Chúa trong thinh lặng. Tĩnh tâm là dịp để “chiếc xe linh hồn” con được bảo dưỡng lại một cách kỹ càng và “nạp thêm năng lượng” nhằm vượt qua những “chướng ngại vật” trong cuộc hành trình mới.
Này những bận tâm bao hương cầu hư ảo,
con xin đặt vào tay Chúa những xôn xao.
Để tìm về con và tìm về với Ngài,
bận lòng cùng chúa nơi tình yêu không phai,
xác hồn này, trí lòng này xin bận cùng Ngài.
Bận lòng cùng chúa con tìm được bình an,
bận lòng cùng Chúa cuộc đời con tươi sáng,
Chúa gọi mời, con đáp lời xin bận lòng cùng Ngài Chúa ơi!
M. Đình Viên Kim Huệ
Học viện