LỜI KINH THA THỨ
Bộ phim ngắn được sản xuất tại Hàn Quốc có tựa đề “The Confession” tạm dịch sang tiếng Việt là “Xưng tội”, của cha John La Raw, một linh mục người Myanmar, từng làm việc tại ngôn ngữ Kachin của Đài Chân Lý Á Châu-Phi Luật Tân, đã đoạt giải phim ngắn hay nhất, Liên hoan phim Công giáo quốc tế lần thứ VII, tổ chức tại Roma hồi năm 2016. Bộ phim đã gây xúc động mạnh đến người xem, khi lột tả nỗi trăn trở của kinh “Lạy Cha”, rất quen thuộc với mọi giáo dân nhưng lại thật khó “đọc” đối với một vị linh mục trẻ.
Câu chuyện bắt đầu với việc một người đàn ông đến tòa giải tội để xưng thú về một tội đã dằn vặt tâm hồn ông trong suốt hơn hai mươi năm qua. Lúc còn trẻ, ông đã lái xe trong tình trạng say rượu và đã tông vào một người trên đường. Sau khi gây tai nạn, trong lúc hoảng sợ ông đã lái xe bỏ chạy, bỏ mặc một cậu bé chạy ra ôm lấy cha mình nằm bất động trên vũng máu và nắm chặt cỗ tràng hạt của cha mình mà gào khóc. Nhiều năm trôi qua, giờ đây ông đã có tuổi và đang mang trong mình một căn bệnh nan y. Ông muốn đi xưng thú tội lỗi của mình để nhẹ lòng và được chết trong thanh thản.
Sau khi nghe lời xưng thú của hối nhân, vị linh mục trẻ bật khóc, tức giận đến mức gỡ chiếc cổ côn trắng của áo chùng thâm và ném xuống đất. Vị linh mục đứng lên, bước ra khỏi tòa giải tội. Thì ra, cậu bé chạy ra gào khóc người cha nằm trong vũng máu năm xưa chính là vị linh mục trẻ này. Nhưng khi vừa bước ra khỏi tòa giải tội thì cha nhìn thấy hối nhân đã ngã xuống đất. Vị linh mục đau khổ quỳ giữa nhà thờ, nhìn lên thánh giá và bắt đầu đọc kinh Lạy Cha. Nhưng khi đọc đến câu: Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha… thì vị linh mục không thể đọc tiếp được nữa… cứ lặp đi lặp lại ba lần những lời: “Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha…” mà không thể đọc câu tiếp theo đó.
Lời kinh bị đứt quãng ở đó cứ như đang xé nát tâm hồn của vị linh mục. Ngài nhìn lên tượng Chúa chịu nạn trên bàn thờ, đồng thời ngó sang người đàn ông đang sặc sụa ho trong thổn thức và cố gắng đọc tiếp: “Và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen”. Sau đó, vị linh mục nhẹ nhàng đứng dậy, nhặt lấy chiếc cổ côn trắng đeo vào lại, và lấy chiếc áo khoác của mình trên ghế giải tội choàng lên người hối nhân rồi ôm lấy ông và an ủi: “Ông đừng lo lắng nữa. Nạn nhân hôm ấy không chết do tai nạn xe đâu. Ông ấy là cha của tôi. Ông vừa mới qua đời cách đây ba năm thôi. Vậy tôi tha tội cho ông, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần. Người đàn ông vui mừng tột cùng khi nghe tin đó và thưa lời Amen, với lòng biết ơn vô bờ vì vừa thoát khỏi gánh nặng đeo bám lương tâm mình suốt mấy chục năm qua. Tối hôm ấy, khi về phòng của mình, vị linh mục trẻ cầm di ảnh người cha, bật khóc và thầm thì: “Bố ơi, xin tha thứ cho con. Vì muốn giúp linh hồn tội nghiệp ấy được chết bình an nên con đã nói dối”.
Lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy rất quen thuộc với mọi người Công giáo chúng ta. Chúng ta vẫn đọc hằng ngày và thuộc nằm lòng lời kinh tuyệt vời ấy. Tuy nhiên, việc thực hành sự tha thứ trong lời kinh ấy là một thách đố lớn lao. Tha thứ luôn là một điều vô cùng khó khăn đối với chúng ta, và lại càng khó khăn hơn khi chúng ta phải đối diện với kẻ thù, kẻ gây ra đau khổ cho mình. Dù vậy, trong hoàn cảnh khó khăn hay đau đớn đến mấy, vị linh mục trẻ trong bộ phim nói trên vẫn cố gắng thốt lên cho trọn vẹn lời kinh ấy và thực hiện được việc tha thứ trong một nỗ lực phi thường. Đó mới là lời cầu nguyện đích thực và là lúc chúng ta để cho Chúa biến đổi đời mình được trở nên giống Chúa hơn.
Dù ít hay nhiều, chắc chắn giữa chúng ta với những người thân quen, bà con ruột thịt, và cả với những người không thân thiết trong cuộc đời, vẫn còn đó những món nợ có tên hoặc không tên. Phải chăng có ai đó đang mắc nợ chúng ta những món nợ mà chưa đền trả? Và nhìn lại bản thân mình, chúng ta có đang mắc nợ ai điều gì hay không? Những món nợ về vật chất, tình cảm, tinh thần… có những món nợ còn có thể trả được, nhưng cũng có những món nợ không còn cơ hội đền trả cho nhau nữa. Và trước mặt Thiên Chúa, ai trong chúng ta cũng là những tội nhân luôn cần đến lòng thương xót và thứ tha của Chúa.
Chúng ta thường ghi nhớ những thứ mà người khác nợ mình và muốn họ phải mau mắn đền trả, nhưng bản thân lại trễ nải, quên trước quên sau trong việc thanh toán nợ với tha nhân. Chúng ta kêu xin Chúa tha thứ tội lỗi của mình, nhưng lại khó lòng mà bỏ qua những thiếu sót, lầm lỗi của anh chị em. Điều kiện để chúng ta được Chúa tha thứ chính là mức độ lòng quảng đại thứ tha của chúng ta đối với tha nhân: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Ước mong mỗi tín hữu Kitô cũng biết tha thứ cho những người xúc phạm và làm tổn hại đến mình, bởi vì chỉ khi biết yêu thương tha thứ thì chúng ta mới được Thiên Chúa thứ tha và yêu thương.
Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin và sức mạnh cho chúng con, để chúng con can đảm vượt thắng sự thù hận trong tâm hồn và tha thứ cho những người đã gây đau khổ, xúc phạm đến chúng con, hầu trở nên sứ giả loan báo tình yêu và ơn tha thứ của Chúa cho mọi người. Amen.
Kim Lan sưu tầm