Cám dỗ trong đời

Cám Dỗ Trong Đời

M. Đỗ Thị Như Ý – Đệ tử

Cám dỗ là một tình huống xảy ra khi tôi bị lôi cuốn làm một việc sai trái. Trong cuộc sống không ai là không bị cám dỗ dù chỉ một lần trong đời. Chính tôi cũng bị những cám dỗ chi phối, đôi khi tôi không muốn thực hiện nhưng không hiểu sao tôi lại bị thúc đẩy làm theo sự chi phối đó.
Là con gái ở tuổi 16 cái tuổi thích thể hiện bản thân, quan tâm đến diện mạo vóc dáng, thích được làm đẹp, cùng bạn bè la cà bên quán xá nhỏ to để khám phá bản thân, bình luận về sự đa dạng của xã hội. Tôi muốn tách khỏi sự kiểm soát của những người có trách nhiệm với mình, đồng thời muốn tự quyết định những vấn đề liên quan đến bản thân mình. Là một cô Đệ tử đang tập tành sống đời tu trì, hầu như tôi phải đi ngược lại với những yếu tố tự nhiên của tuổi 16. Những buổi vui chơi của lớp hầu như tôi không tham gia vì tôi thấy mình không giống ai, bạn bè nhảy nhót hát ca, uống bia nói chuyện bông đùa còn tôi phải đóng vai một cô bé ngoan hiền, nếu có tham gia thì cũng phải tranh thủ về sớm cho kịp giờ chung của cộng đoàn.
Cuộc sống lúc nào cũng phải đối diện với những cám dỗ đôi lúc không cưỡng lại được. Cám dỗ kích thích, lôi cuốn tối đến những thứ mà tôi mong muốn, nhưng thường mang những ảnh hưởng tiêu cực. Ngày sinh nhật của tôi, tôi đã nhận được rất nhiều món quà của mấy nhỏ bạn thân, trong đó có đôi bông tai và nhiều kẹp tóc xinh xắn với lời chúc “… là con gái phải xinh, bớt lúa lại đi”. Với tính cách điệu đà, thật sự tôi rất thích và muốn đeo nó lên người. Chờ cơ hội Dì đi vắng tôi cài chiếc kẹp xinh trên tóc và gắn chiếc bông trên tai đến trường, được bạn bè khen xinh tôi lấy làm vui sướng. Nhưng khi về đến nhà tôi cảm thấy bất an, tôi được nghe huấn đức về nét đẹp của người nữ tu không phải là những chiếc kẹp xinh hay những chiếc nơ gắn trên tóc… nhưng là sự đơn sơ giản dị, nét đẹp của người tu sĩ không phải là nét đẹp ở hình tướng bên ngoài, không phải đẹp ở áo lụa xênh xang mà chính là nét đẹp của tâm hồn, là nét đẹp thuần khiết, thánh thiện. Tôi biết mình sai nên ánh mắt tôi như tìm chỗ lẩn tránh không dám đối diện.
Trong hành trình theo Chúa tôi sẽ phải đương đầu với rất nhiều những khó khăn, thách thức và cả những cám dỗ tầm thường. Đứng trước những cám dỗ ngọt ngào, không phải lúc nào tôi cũng có đủ bản lĩnh, ý chí để vượt qua nó. Thế nhưng nếu chìm đắm trong những cám dỗ, tôi sẽ đánh mất đi chính mình, thậm chí làm ra những hành động trái với lương tâm, kéo theo cả những thói xấu như lười biếng, tham lam, dối trá… đôi khi chỉ là muốn ngủ nướng khi nghe tiếng chuông báo thức, lướt Facebook trong lúc rảnh rỗi hay phải từ chối một lời rủ rê của bạn bè vì luật không cho phép…. Cách để vượt qua cám dỗ là tập trung vào mục tiêu của mình, xác định mình là ai để diễn tả nét đẹp cho đúng. Vẫn biết là vậy nhưng trong thực tế thì cả một thách đố. Khi đối diện với cám dỗ tôi mới nhận thấy mình yếu đuối tội lỗi và cần Chúa hơn. Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ trong danh vọng, tiền bạc và địa vị. Điều đặc biệt là dù phải bị cám dỗ trăm bề về mọi phương diện, Chúa Giêsu không bao giờ thua cuộc, không bao giờ sa chước cám dỗ. Ngài đã chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Thiên Chúa Cha cho đến cùng. Bí quyết để Chúa vượt qua cám dỗ là luôn sống và làm theo ý Chúa Cha.
Trong cuộc sống ai cũng sợ phải đối diện với cám dỗ, những cám dỗ ngọt ngào và tinh vi dưới nhiều hình dạng khác nhau. Cám dỗ như những trái ngọt luôn đáp lại những mong muốn, những nhu cầu thiếu hụt của bản thân tôi. Để chống lại những cám dỗ tôi phải luôn biết phân định đâu là ý Chúa và đâu là ý tôi muốn. Ý thức được sự yếu đuối của bản thân, tôi luôn cần đến ơn Chúa và xin Chúa là nguồn sức mạnh giúp tôi chống lại những cơn cám dỗ xảy đến trong đời.